“don-thuoc-giay”-dang-thieu-minh-bach-va-an-toan

“Đơn thuốc giấy” đang thiếu minh bạch và an toàn

Tại Hội thảo Phát triển thị trường dược phẩm trong nước – Giải pháp từ chuyển đổi số do báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 19/10, ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng thư ký Hội Tin học Y tế Việt Nam khẳng định, đơn thuốc hiện nay khó có thể kiểm soát thật giả và không hạn chế được tình trạng bán và dùng thuốc sai quy định. 

Theo ông Trọng, việc bán thuốc, dùng thuốc, kê đơn thuốc của người dân Việt Nam có nhiều vấn đề nổi cộm, thậm chí nguy hiểm. 

Đa phần người dân có thể mua được bất kỳ loại thuốc nào ở các hiệu thuốc mà không cần đơn thuốc. Các dược sĩ, thậm chí người bán thuốc có thể tự ý trở thành “bác sĩ chẩn bệnh, kê đơn, bán thuốc” sau khi người dân đến mua thuốc kể 1 số triệu chứng bệnh. Họ không cần có đơn thuốc cũng chẳng cần được cấp phép “hành nghề” bác sĩ.  

Đơn thuốc giấy không kiểm soát được tình trạng bán - mua thuốc sai quy định - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam. Ảnh: BTC

Người dân chủ động tự mua thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc và chỉ mua thuốc, uống thuốc bằng kinh nghiệm hoặc bằng đơn của người khác và không quan tâm tới các yếu tố quan trọng trong việc sử dùng thuốc ví dụ cân nặng, tuổi, liều dùng, thời gian dùng…, thậm chí không biết có chính xác bệnh hay không. 

Việc mua thuốc kháng sinh dễ dàng và dùng thuốc tùy tiện đang góp phần khiến cho tình trạng kháng kháng sinh đang là thảm hoạ ngầm ở Việt nam. Nhiều bệnh nhân nhi khi vào viện sử dung các loại kháng kháng sinh nhóm 3 -4 dù chưa bao giờ dùng thuốc trước đây.

Theo ông Trọng, Bộ Y tế cũng có quy định về thuốc kê đơn và yêu cầu các nhà thuốc bán thuốc theo đơn thuốc nhưng nếu còn dùng “đơn thuốc giấy” thì cũng sẽ không quản lý được tình trạng bán thuốc và dùng thuốc sai. 

Ông Trọng chỉ ra 3 điểm yếu của “đơn thuốc giấy”: 

Thứ nhất: Các đơn thuốc dù kê bằng máy tính trên phần mềm hay kê bằng tay trên sổ y bạ đều không thể xác minh được đơn có thật hay không? Người kê và cơ sở xuất đơn có đủ thẩm quyền kê đơn hay không? 

Thứ hai: Đơn đã kê và đã mua tại cơ sở bán lẻ thuốc không có báo cáo gì để biết đây là đơn đã mua một phần hay toàn phần. Người dân có thể tái sử dụng nhiều lần trên cùng một đơn thuốc ở nhiều cơ sở bán thuốc khác nhau miễn họ có tiền.

Thứ ba: Bộ Y tế quy định thời hạn quy định cho mỗi đơn thuốc kê là 5 ngày tuy nhiên người bệnh và cơ sở bán thuốc không quan tâm tới quy định này và không có cơ chế cảnh bảo nào cho đơn hết hạn.

Vì vậy, ông Trọng cho rằng việc xây dựng hệ thống bán thuốc và quản lý đơn thuốc theo đơn quốc gia là cần thiết. 

Đơn thuốc giấy không kiểm soát được tình trạng bán - mua thuốc sai quy định - Ảnh 2.

Việc xây dựng hệ thống bán thuốc và quản lý đơn thuốc theo đơn quốc gia là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch, bán thuốc theo đơn và dùng thuốc an toàn. Ảnh minh họa pdrx

Khi đó sẽ đảm bảo được tính minh bạch cho mỗi đơn thuốc (Mỗi đơn thuốc đều có mã cơ sở và mã người kê đơn, mã đơn thuốc đảm bảo truy xuất đúng đơn thuốc, tránh đơn thuốc giả); Đảm bảo bán thuốc theo đơn (Triển khai bán thuốc theo mã đơn thuốc giúp ghi nhận đơn đã bán (một phần, toàn phần) và đơn đã hết hạn tránh bán thuốc không đơn); Nâng cao sức khỏe cho người dân (Bán thuốc theo đơn, sử dụng thuốc an toàn hợp lý hiệu quả giúp người dân tránh được đại dịch kháng thuốc đang là hiểm hoạ toàn cầu). 

Hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống đơn thuốc quốc gia giúp việc quản lý đơn thuốc minh bạch, rõ ràng. Trong đó, hệ thống quản lý thuốc kê đơn có đầy đủ mã cơ sở khám chữa bệnh, mã bác sĩ, mã đơn thuốc – những dữ liệu này được liên thông, tập trung trên hệ thống quản lý thuốc kê đơn. 

“Hệ thống chúng ta đã có, tuy nhiên chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Tôi cho rằng cần giám sát việc bán thuốc điện tử theo quy định, đồng thời tuyên truyền người dân mua thuốc theo đơn. Chính phủ cần ban hành hoặc sửa đổi bổ sung các chế tài xử phạt đủ để cơ sở khám chữa bệnh và bán thuốc phải thực hiện”, ông Trọng cho hay. 

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phan Công Chiến, trưởng phòng quản lý dược Cục Quản lý dược, Bộ Y tế chia sẻ cũng cho biết, trong Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Dược 2016  đang được Bộ Y tế xây dựng và lấy ý kiến, vấn đề cơ sở dữ liệu dược quốc gia được ban soạn thảo luật đề xuất. 

Theo ông Chiến, trong Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, định hướng số hóa ngành dược đã được đặt ra nhằm kết nối các nhà thuốc trung ương và địa phương.

Cùng với việc kê đơn thuốc điện tử, cơ sở dữ liệu dược quốc gia cũng là một nội dung hướng tới mục tiêu lâu dài nhằm kết nối, chia sẻ được với nhau.

Ông Chiến cho rằng từ dữ liệu dược quốc gia này, chúng ta có thể đưa ra những cảnh báo rất nhanh từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở ban hành thuốc, bán thuốc, cũng như các quyết định thu hồi, tạm dừng thuốc…

Ông Chiến cho biết thêm, qua cơ sở dữ liệu toàn diện này, một bộ phận bệnh nhân có nhu cầu mua thuốc hiếm, không phổ biến, vốn ít cơ sở kinh doanh thì giờ đây cũng thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *