(Truyện ngắn của Phương Lan )
Bình đun một ấm nước sôi, đổ đầy phích, cho sẵn trà vào ấm nhưng chỉ tráng qua nước sôi, ủ trà, chưa pha hẳn, đợi tí nữa khách đến mới pha. Lấy chiếc khăn dưới ngăn bàn, anh tỉ mỉ lau thật sạch mặt chiếc bàn gỗ cũ kỹ lỗ chỗ các vết nước chè chồng chéo lên nhau. Xong xuôi, anh mở tủ ly lấy gói kẹo bọc giấy kẻ caro xanh đỏ và gói bánh quy tròn xoe rìa hình răng cưa sắp đầy lên hai chiếc đĩa đã lấm tấm vết men bị bong tróc. Cẩn thận rút một bao trong tút thuốc lá Du lịch đắn đo mãi mới dám mua trước Tết, anh để lên chiếc đĩa con cùng với bao diêm Thống Nhất. Tất cả lễ Tết để tiếp khách của anh chỉ có thế. Vậy mà cũng đi tong mất một phần tiền thưởng Tết còm cõi của anh rồi. Đấy là may Tết năm nay anh được thưởng cao vì nâng bậc tay nghề, thành thợ bậc cao của công ty.
Xong xuôi anh thẫn thờ ngồi nhìn ra ngoài qua cửa sổ tróc lở, khung sắt trơ màu rỉ sét. Khu tập thể ngày thường đông vui náo nhiệt thế mà ngày Tết đìu hiu, vắng vẻ. Mọi người phần lớn đã kéo nhau về quê ăn Tết, chỉ còn vài gia đình ở lại. Khu tập thể cũ kỹ này là nơi lưu trú của những người cùng cơ quan anh. Diện tích các phòng không giống nhau. Các gia đình thì được tầm 50 mét vuông. Những người sống một mình thì vẫn căn như thế nhưng bị ngăn đôi, chỉ còn như cái chuồng chim. Các anh em đơn thân đùa nhau: may không nuôi chó chứ không nó lại phải vẫy đuôi dọc. Anh được xếp vào căn gia đình vì có một hộ vừa mua được nhà mới, chuyển ra ngoài. Chỗ ở của anh tốt hơn những anh em đơn thân khác, nhưng anh không quan trọng chuyện đó, chỉ nghĩ, có chỗ chui ra chui vào là tốt rồi, cuối tháng lại tếch về quê với vợ con, tha hồ nhà cửa ruộng vườn rộng rãi.
Căn phòng của anh giản dị, gọn gàng, thực ra là không có đồ đạc gì để mà bày, nhìn quanh chỉ thấy toát lên vẻ đơn sơ. Ngay cả hôm nay là ngày mồng một Tết thì nó cũng chỉ hơn ngày thường mấy gói bánh kẹo, vài chiếc bánh chưng, cân giò anh gửi những đồng nghiệp có gia đình gói hộ để thắp hương, vài ba thứ đồ Tết lặt vặt khác, vậy thôi. Chẳng có đào, quất, hoa tươi gì cả. Là đàn ông, anh ngại ra chợ mua sắm. Với lại anh cũng có ở nhà mấy đâu, ba ngày Tết thì anh đã trực cơ quan tối mồng một và ngày mồng ba, sau đó được nghỉ bù mấy ngày, sẽ về quê luôn nên chắc chắn là không bày vẽ cỗ bàn gì được.
Năm nay anh không về quê ăn Tết với vợ con mà ở lại trực Tết. Cơ quan cũng có mấy người ở thành phố nhưng người thì cũng phải trực như anh, người lại bận việc riêng, không trực thay anh được, vì vậy anh phải ở lại ăn Tết thành phố. Đúng là không có gì buồn hơn một cái Tết xa quê, xa gia đình. Anh cũng có lúc chạnh lòng. Nhưng đành vậy, những năm trước các anh em đồng nghiệp khác đã phải chịu cảnh này, năm nay đến lượt mình, cố gắng vậy.
Những gia đình ở lại ăn Tết thành phố cũng quan tâm động viên nhau. Anh nhận được nhiều thực phẩm ngon từ các anh chị em đồng nghiệp, đủ để ăn mấy ngày. Ngày mồng hai Tết rảnh rỗi nhưng anh đã nhận được lời mời ăn uống ở mấy gia đình. Chắc chắn là anh lại có một ngày say mềm, đủ vơi đi nỗi buồn xa quê ngày Tết. Hi vọng là sáng ngày mồng ba anh vẫn dậy sớm được để lên cơ quan thực hiện nhiệm vụ của mình.
Có tiếng lao xao ở ngoài cầu thang. Đoàn người cùng cơ quan ở lại thành phố đã kéo nhau lên nhà anh chúc Tết. Đám trẻ con nhao nhao chào chú Bình xong là sà vào đĩa kẹo, bánh, loáng một cái đã hết veo. Đứa nào đứa nấy miệng nheo nhẻo nhai kẹo, mắt vẫn dáo dác tìm kiếm, đầy vẻ thòm thèm. Bình mở ngăn tủ, lấy thêm bánh kẹo ra đĩa. Đám trẻ con lại xúm vào, phớt lờ những cái lườm và những câu nhắc nhở của bố mẹ. Bình vui vẻ nói: Thôi kệ các cháu. Chỉ có mấy ngày Tết chúng nó mới được ăn kẹo bánh thoải mái, cứ để chúng ăn cho thỏa thích. Ngày thường lấy đâu ra mà ăn.
Nhanh như một cơn gió, lũ trẻ giải quyết xong đĩa bánh kẹo, nhòm ngó, xục xạo trong nhà chú Bình chán chê, biết cũng không có cái gì để ăn, để chơi nữa, chúng nó kéo nhau ra ngoài cầu thang, đuổi nhau rầm rập, trêu chọc, cười đùa ầm ỹ, náo động cả khu tập thể đang yên tĩnh.
Trong nhà người lớn bắt đầu chuyện tếu. Cậu Hùng luôn là người mồm mép tép nhảy nhất cơ quan. Đưa mắt nhìn căn phòng đơn sơ, lạnh lẽo, cậu ta chặt lưỡi: Thế này không ổn ông Bình ạ. Đàn ông cô đơn lâu quá không tốt. Ông xem thế nào. Tôi thấy cô Oanh công đoàn để ý ông lắm đấy, có vẻ chết đứ đừ rồi.
Nhắc đến Oanh, cả đám người ồ lên. Oanh luôn là người nổi bật nhất cơ quan. Đã 27 – 28 tuổi nhưng cô vẫn chưa chịu lấy chồng. Trong khi các chị em khác chắt chiu từng đồng lương vào chợ búa, con cái thì cô lại dành hầu hết tiền vào quần áo, son phấn, tóc tai. Vậy nên cô luôn là đích đến của những ánh mắt ham hố của cánh đàn ông con trai, từ già đến trẻ. Công nhận là Oanh đẹp, một vẻ đẹp khỏe khoắn và quyến rũ. Thân hình cao ráo, tròn trịa, lúc nào cũng tỏa hương thơm dịu nhẹ, dễ khiến người khác mê say. Bình cũng nhận thấy Oanh khác hẳn với các chị em khác trong cơ quan. Quần áo của cô nền nã, sang trọng, là hàng cắt may chứ không phải hàng mua sẵn. Cô hay mặc áo rộng cổ, dù không cố ý nhìn cũng nhận ra viền đăng ten của chiếc áo lót bên trong. Trong những lần cơ quan tổ chức liên hoan, chị em phụ nữ tự tay nấu nướng. Oanh dù chỉ loe xoe phụ việc nhặt rau, bóc vỏ hành vỏ tỏi, cạo gừng thôi nhưng hễ cô ở đâu là râm ran cả một vùng ở đó. Nét duyên dáng cuốn hút từ cô cứ tỏa ra xung quanh như có nguồn năng lượng vô hình. Nguồn năng lượng đó rất dễ hạ gục người khác. Đàn ông mê Oanh đã đành, đám đàn bà cũng bị cô chinh phục mới lạ.
Trong cơ quan có những chàng trai chưa vợ công khai, nghiêm túc tấn công Oanh nhưng cô chưa đồng ý ai, chỉ thân tình đùa giỡn như với tất cả những người khác. Nhưng riêng với Bình, một người đàn ông đã có vợ con, Oanh lại dường như có một sự quan tâm đặc biệt, không che giấu. Đã nhiều lần Bình thấy ánh mắt của Oanh nhìn mình. Ánh mắt chứa đựng nhiều nỗi niềm, muốn nói điều gì đó mà không dám, chỉ mòn mỏi chờ đợi. Anh biết, với ánh mắt nóng bỏng đó, chỉ cần anh nhìn lại, tặc lưỡi một cái là căn phòng của anh sẽ hết cô đơn, tháng ngày cô độc đi đi về về của anh sẽ chấm dứt ngay. Trong tủ của Bình có cái áo sơ mi Oanh bọc trong một lớp giấy báo, giúi vội cho Bình hôm tan tầm buổi làm việc cuối cùng của năm rồi chạy biến. Trước con mắt tò mò cùng với những câu trêu chọc của các đồng nghiệp, anh bối rối không biết làm như thế nào, đành mang về cất vào tủ. Anh vẫn chưa mặc chiếc áo mới đó, dù hôm nay là mồng một Tết.
Anh Hải cứng tuổi nhất trong đám, đưa mắt nhìn xem đám trẻ con có lai vãng gần đó không rồi nháy mắt với Bình: Mày dại. Theo tao cứ làm tới đi. Khối ông đi thoát ly gia đình, làm việc ở thành phố vẫn duy trì song song cả con em cả vợ. Cuối tháng làm chục cái bánh mỳ, nhảy xe về với mẹ đĩ. Mẹ đĩ vui sướng cười tít mắt. Lúc đi giúi cho hai con gà, mấy chục quả trứng. Lên đến thành phố lại gọi con em đến thịt gà cho. Sống như thế có phải sướng như tiên không? Mày vừa được nâng bậc tay nghề, tương lai chắc chắn được lên phó phòng, sẽ có tiền, có quyền. Chả tội gì mà cứ đơn chiếc mãi thế.
Anh Hải vừa dứt lời liền bị ngay một cái nhéo đau điếng của chị vợ. Anh ta kêu toáng lên làm cả đám cười như vỡ chợ. Các bà các chị đi theo chồng vừa lườm nguýt chồng vừa nhủ thầm: May mình ở bên cạnh gã chứ không thì không biết như thế nào.
Ồn ào, huyên náo trò chuyện, đùa cợt, chúc tụng một lúc, cả đoàn lại kéo nhau đi sang nhà khác. Bình từ chối không đi theo đoàn, lấy lý do tranh thủ nghỉ ngơi tối còn đi trực. Anh biết nếu đi cùng đoàn, chúc tụng được hết các gia đình còn ở lại trong khu tập thể, dù chỉ tầm dăm nhà, thì đến khi về đến nhà anh chỉ có ngủ gục vì say rượu.
Cả đoàn kéo nhau đi khỏi, sự tĩnh lặng lại bao trùm căn phòng. Đang vui vẻ náo nhiệt bỗng chốc yên ắng, Bình cảm thấy hụt hẫng, trống trải lạ kỳ. Anh ngồi thừ trên ghế ngẫm nghĩ.
Cuộc sống xa nhà đơn chiếc nhiều khi cũng khiến cho dòng suy nghĩ của anh chạy lung tung, đích đến đương nhiên là có Oanh. Nhưng anh không muốn trở thành con người như mấy anh em đồng nghiệp mách nước lúc nãy. Anh biết, tuổi anh không còn trẻ nữa. Nếu mắc sai lầm sẽ khó có đường lui, không còn nhiều thời gian để sửa chữa. Bắt anh làm lại một cuộc sống gia đình từ lúc bắt đầu thì chắc anh không kham nổi. Oanh xinh đẹp và quyến rũ đấy, nhưng anh hiểu, đó là một sự quyến rũ chết người. Đó là một ảo ảnh. Nếu anh nắm bắt cái ảo ảnh ấy, hạnh phúc thật sự của anh sẽ vỡ tan.
Anh nghĩ đến người vợ hiền lành chất phác ở quê. Nghĩ đến ánh mắt lấp lánh, sự vui mừng cuống quít, ngượng nghịu trăm lần như một mỗi khi anh về nhà. Tuy cô không xinh đẹp mỹ miều nhưng thật thà, hiếu thuận, chịu thương chịu khó. Cô lại yêu thương và tôn thờ anh, tin tưởng anh tuyệt đối. Làm sao anh nỡ lòng nào phản bội lại lòng tin và sự tôn thờ ấy.
Anh lại nhìn ra ngoài khung cửa sổ tróc lở. Sân tập thể lại trở nên vắng hoe. Chắc là đoàn người đi chúc Tết đã ghé vào một nhà nào đó có ăn uống rồi nên mãi không thấy ai đi ra. Sau Tết, mọi việc lại trở lại như cũ, anh sẽ lại cô đơn đi đi về về như cái bóng sau giờ tan tầm. Lại phải đối diện với ánh mắt chờ đợi, như thiêu như đốt của Oanh. Anh sẽ như thế nào, có cứng rắn, có trốn tránh mãi được không? Cũng may Oanh chưa lần nào bước chân vào nhà anh. Không biết có phải do sự né tránh của anh ngăn cô lại. Nếu cô cương quyết bước vào, liệu anh có chống đỡ nổi không? Anh sợ rằng điều đó sớm muộn gì rồi sẽ sảy ra thôi. Chiếc áo sơ mi cô đưa cho anh chính là một tín hiệu.
Anh đứng lên thu dọn vỏ kẹo, cốc chén trên mặt bàn rồi lấy cái chổi vun rác vào góc nhà. Anh nhớ vợ anh hay nhắc con mỗi sáng mồng một Tết không được quét rác ra khỏi nhà, sẽ bị mất lộc. Nghĩ đến con anh lại thấy nhớ chúng da diết. Tết này vắng bố chúng có buồn không? Có được mẹ mua cho quần áo mới không? Có được ăn nhiều kẹo không? Mấy đứa con anh đứa nào cũng thích kẹo, nhất là những gói kẹo anh mua trên thành phố mỗi lần về quê. Chúng đón nhận quà của bố trong sự sung sướng cuống cuồng rất trẻ con, làm anh quên cả sự mệt mỏi do đi xe khách đường dài. Sự nhớ nhung, mong mỏi do xa cách sẽ kéo dài đến bao giờ? Chả lẽ gần như cả cuộc đời này anh và vợ con cứ phải xa nhau?
Anh đi đến một quyết định. Anh sẽ đưa vợ con lên thành phố sống. Đây sẽ là một khởi đầu rất khó khăn nhưng anh sẽ khắc phục dần. Vợ anh mộc mạc quê mùa thì anh sẽ tìm những công việc quê mùa mộc mạc cho cô ấy làm. Cùng lắm là để cô bán hàng ăn sáng cũng đủ kiếm tiền chợ hàng ngày. Khu tập thể của anh khá đông đúc, lại gần đường lớn, nhiều người qua lại, xung quanh có nhiều cơ quan, công ty, trường học, có nhiều công trình đang xây dựng, tương lai sẽ là một khu sầm uất, lo gì không có người mua. Các con thì anh sẽ xin học trường gần nhà, tự đi đi về về không phải đưa đón, không sợ lạc đường. Anh sẽ xin cơ quan cho ra ở một căn nhà rộng hơn, nếu không thì ở nhà anh hiện giờ cũng ổn. Trước mắt thì như đã. Về lâu dài sẽ phải tính đến chuyện mua nhà, một ngôi nhà của riêng mình.
Nghĩ đến đây anh thấy trong lòng vui vẻ, phấn chấn hẳn lên. Giá như mọc cánh thì anh đã bay ngay về nhà. Miệng lẩm nhẩm một bài hát đã lâu lắm rồi anh quên mất giai điệu, giờ tự nhiên nó lại xuất hiện trong đầu. Ô, hóa ra, nghĩ thông suốt thì sẽ thấy nhiều điều thông suốt thật. Sáng mồng bốn Tết được nghỉ bù anh sẽ bắt xe về quê để bàn bạc với vợ. Anh đã quyết thì thể nào cô ấy cũng nghe theo thôi. Cô ấy cũng mong muốn được gần anh, gia đình được đoàn tụ lắm chứ. Tuổi trẻ phơi phới mà cứ phải xa chồng. Xót xa, đau đớn lắm. Nghĩ đến viễn cảnh gia đình sum họp, anh thấy tự tin hơn hẳn. Anh không còn thấy sợ ánh mắt của Oanh nữa, dù nó tha thiết đến mức nào.
Ra Tết đi làm trở lại, việc đầu tiên anh làm là đem trả cái áo sơ mi cho Oanh. Anh sẽ can đảm nhìn thẳng vào mắt cô, không lẩn tránh nữa.
