Với một vị trí địa lý khá độc đáo, vừa tiếp giáp với biển Đông, và vừa tiếp giáp với núi rừng, đặc sản Hà Tĩnh mang những nét đặc trưng hoà quyện giữa núi rừng, biển cả cùng với những phương pháp chế biến độc đáo tạo nên những món ngon ấn tượng vùng Hà Tĩnh.
Những món ăn tại Hà Tĩnh quen thuộc với đời sống của người dân, không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn vang danh ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Nhưng chắc chắn để thưởng thức món ngon chuẩn vị thì chỉ có đến Hà Tĩnh, thực khách mới có thể thưởng thức trọn vẹn được. Trong đó phải kể đến đặc sản gỏi cá đục.
Món ăn đặc sản ở Hà Tĩnh: Cá đục là một trong những loại cá nằm trong bộ “cá vược”, có lớp vảy màu xà cừ đẹp mắt
Ở Việt Nam, cá đục (hay còn gọi là cá bống biển) xuất hiện nhiều ở các vùng biển thuộc tỉnh Bình Thuận và Hà Tĩnh. Loại cá này có kích cỡ lớn hơn ngón tay cái, mình thon, dài khoảng 13 – 18cm. Cá đục thịt chắc, trắng, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như nướng, chiên giòn, kho tiêu, nấu canh chua,… nhưng ngon và được ưa chuộng nhất là gỏi.
Cá đục là một trong những loại cá nằm trong bộ “cá vược”, có lớp vảy màu xà cừ đẹp mắt, hình dạng khá giống cá bống nước ngọt nhưng phần thịt bên trong dai và thơm hơn. Cá đục với bên ngoài đẹp nên được sử dụng để chế biến rất nhiều món ăn ngon và cũng là một trong những đặc sản Hà Tĩnh nổi tiếng gần xa được nhiều người yêu thích.
Ở vùng biển Lộc Hà (Hà Tĩnh), gỏi cá đục là món ăn nổi tiếng và từng được bình chọn vào top 100 món ăn, quà tặng đặc sản Việt Nam (2020-2021) do Hội Kỷ lục gia Việt Nam công bố. Thực chất món gỏi cá đục có nguồn gốc từ vùng biển Tam Bình thuộc tỉnh Bình Thuận. Nhưng cá đục cũng có rất nhiều ở vùng biển Lộc Hà – Hà Tĩnh nên người dân tại đây đã tận dụng và chế biến loại cá này thành món gỏi nhưng có biến tấu độc đáo và mới lạ hơn rất nhiều.
Theo các nghiên cứu, cá đục chứa rất nhiều vitamin, dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Các chất dinh dưỡng có trong cá đục bao gồm: vitamin (A và B), khoáng chất, Omega3,… Khi chế biến cá đục cùng các thực phẩm khác với chế độ ăn uống đủ chất, cuộc sống lành mạnh sẽ rất tốt cho cơ thể.
Người dân cho biết, khoảng từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch năm sau được xem là thời điểm cá đục đạt chất lượng tươi ngon nhất. Lúc đấy, người dân quanh vùng đổ xô đi câu, thả lưới bắt cá đục rồi bán cho các nhà hàng để chế biến món ăn.
Để làm gỏi cá đục ngon cần chọn những mẻ cá còn tươi rói. Cá phải lựa những con có kích thước đồng đều, mắt trong xanh, thân có lớp vảy ánh lên màu bạc lấp lánh, kích thước khoảng 10 – 15cm.
Cá đục sau khi mua về được sơ chế bằng cách đánh vảy, cắt đầu, bỏ ruột rồi rửa sạch, lau khô. Tiếp đến là công đoạn tách thịt và xương cá (hay còn gọi phi lê) sao cho thật khéo để thịt không bị nát, vụn hay dính xương.
Món ăn đặc sản ở Hà Tĩnh: Gỏi cá đục với vị ngon “khó cưỡng” từ thịt cá hòa quyện với gia vị được tẩm ướp kỹ lưỡng đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn của ẩm thực biển Lộc Hà
Với đặc điểm mình thon, thịt trắng, săn chắc, cá đục có thể chế biến thành nhiều món ăn với các hương vị khác nhau. Nhưng, để thưởng thức đến tận cùng vị ngon của loại cá này thì món gỏi lại được nhiều người ưu ái lựa chọn.
Gỏi cá đục là món ăn được chế biến cầu kỳ. Để làm gỏi, người ta chọn cá đục chỉ khoảng 10-15 cm, thân có lớp vảy ánh lên màu bạc lấp lánh thì mới tươi ngon.
Công đoạn làm cá cũng khá công phu, đầu tiên là đánh sạch vảy, cắt bỏ đầu cá, mổ bụng rửa sạch sẽ. Sau đó, thật khéo léo cắt dọc thân cá lấy phần thịt rồi ướp bằng nước cốt chanh từ 15-30 phút. Đây được xem là công đoạn giúp làm chín thịt cá một cách tự nhiên. Sau khi ướp xong, cá sẽ được vắt khô, để ráo còn nước ướp cá sẽ giữ lại để làm gia vị nước chấm.
Để thưởng thức món gỏi cá ngon đúng điệu, người dân vùng biển Lộc Hà phải chế biến nước chấm với gần 15 loại gia vị đặc biệt như: nước chanh, tỏi băm, cà chua, hành tím, lạc, ớt….
Mỗi một vùng miền có một cách chế biển gỏi cá đục khác nhau nhưng điều làm nên sự hấp dẫn cho món gỏi cá đục Hà Tĩnh chính là bát nước chấm đặc sệt, dậy mùi thơm và là sự hòa quyện của các loại gia vị được đun sôi.
Công đoạn cuối cùng cho món gỏi cá đục thơm ngon, hấp dẫn chính là trộn đều cá đã ráo nước với hành tây, dứa, xoài xanh, cà rốt thái sợi, lạc rang…
Ăn gỏi cá đục nhất thiết phải có rau thơm, lá tía tô, xà lách cùng dưa chuột thái lát mỏng…. Khi ăn dùng bánh đa nem, xếp vào một lá rau xà lách, gắp miếng cá trắng tinh, giòn dai để lên rồi thêm vào các loại rau thơm, dưa leo và cuốn lại.
Nhúng cuộn gỏi vào bát nước chấm chua cay để cảm nhận vị ngon đến lạ lùng. Vị béo của thịt cá, vị hăng nhẹ của hành, vị cay của ớt, chua của xoài… tất cả các hương vị bên trong của món gỏi cá đục vốn đã như “một bữa tiệc ẩm thực” không nơi nào có được. Rượu là “đồ mồi” của cá đục, vừa có tác dụng đỡ lạnh bụng, lại vừa làm cho món gỏi ngon hơn rất nhiều.
Mặc dù người dân biển Hà Tĩnh có rất nhiều món ăn chế biến từ đặc sản của biển, trở thành nét văn hoá riêng của làng biển. Nhưng để thưởng thức đến tận cùng vị ngọt thơm, thanh mát của hải sản thì món gỏi cá đục là một chọn lựa tuyệt vời mà bất kỳ một du khách nào nếu đã thưởng thức một lần thì sẽ không bao giờ bỏ quên khi quay lại mảnh đất này lần nữa.