Ngoài mong muốn được hỗ trợ về cơ chế, chính sách, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang rất cần cơ quan chức năng cung cấp thêm thông tin về nhu cầu thị trường.
Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 100 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang là vendor cấp 1 cho các tập đoàn lớn, và khoảng 700 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là vendor cấp 2 và cấp 3.
Không chỉ gia tăng về số lượng, chất lượng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam những năm qua cũng không ngừng tăng lên. Có nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn lao động để đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Điển hình theo ông Đinh Hồng Lương – Phó Tổng giám đốc Công ty Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ PMTT Group, hiện doanh nghiệp đang là đối tác sản xuất linh, phụ kiện cho doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản, còn tại Việt Nam doanh nghiệp cũng đang sản xuất linh, phụ kiện cho các doanh nghiệp như VinFast và một số linh kiện cho Tập đoàn Viettel.
Mặc dù có sự tăng trưởng tích cực cả về số lượng và chất lượng, nhưng theo PGS, TS Đàm Hồng Phúc – Trường Cơ khí – Đại học Bách Khoa Hà Nội, nếu so với Thái Lan, số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam làm vendor cấp 1 cho các tập đoàn lớn chỉ bằng 1/7 và số lượng doanh nghiệp Việt Nam làm vendor cấp 2, cấp 3 cho các tập đoàn lớn chỉ bằng 1/10 của quốc gia này.
Thừa nhận, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu so với yêu cầu của thực tiễn. Nguyên nhân một phần là co các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thời gian qua đã được ban hành khá đầy đủ, nhưng khi thực thi vào thực tế vẫn còn nhều bất cập. Chưa kể, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công nghiệp hỗ trợ mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, Thông tư, trong khi công nghiệp hỗ trợ là một lĩnh vực quan trọng, thì Việt Nam vẫn chưa có một bộ Luật về ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ thì có, nhưng chưa tạo được hành lang pháp lý đủ tốt cho doanh nghiệp phát triển.
Công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Trong khi đó, để sản xuất được sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp trong nước cũng phải nhập khẩu một số linh, phụ kiện từ nước ngoài. Theo đó, để thúc đẩy sự phát triển cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, ông Trần Văn Nam – Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty MBT cho rằng: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp về việc liên hệ với nhà cung cấp nước ngoài, từ đó có những chính sách hỗ trợ, kết nối tốt hơn cho doanh nghiệp.
Cùng quan điểm trên, ông Đinh Hồng Lương cho rằng, doanh nghiệp rất mong muốn được cơ quan chức năng hỗ trợ kết nối về thông tin thị trường, nhu cầu đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các tập đoàn lớn, tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, từ đó giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt được thông tin, phương hướng sản xuất đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các chuỗi cung ứng.
Bên cạnh sự hỗ trợ về nhu cầu thị trường, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cơ quan chức năng nên hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận đất đai, mặt bằng nhà xưởng và tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh. Bởi bản thân công nghiệp hỗ trợ là một ngành quan trọng, song cũng đòi hỏi số vốn lớn, khả năng thu hồi vốn lại chậm hơn so với các lĩnh vực khác, nên nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì sẽ không có nhiều doanh nghiệp “mặn mà” đầu tư vào lĩnh vực này.
Trên thực tế, để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, thời gian qua Bộ Công Thương bên cạnh tư vấn cho Chính phủ về hoàn thiện chính sách công nghiệp hỗ trợ cũng đã có các chương trình hỗ trợ kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với một số tập đoàn lớn tại Việt Nam. Điển hình như phối hợp với Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) triển khai chương trình tư vấn cải tiến, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Để tiếp tục nâng cao năng lực cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, theo ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), về giải pháp trước mắt, Bộ Công Thương đã và đang xúc tiến đầu tư ở các thị trường trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Còn về lâu dài, sẽ tiếp tục tư vấn Chính phủ ban hành các chính sách hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong nước. Đồng thời, hình thành các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ với sự xuất hiện của các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt và hình thành các dịch vụ cho các khu, cụm công nghiệp đó để phát triển hệ sinh thái hoàn chỉnh, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này.
>> Hiện Việt Nam có khoảng 100 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ làm vendor cấp 1 cho các tập đoàn lớn, trong khi Thái Lan cho tới 700 doanh nghiệp. Còn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ làm vendor cấp 2, cấp 3 của Việt Nam chỉ bằng 1/10 của Thái Lan.
Nguyễn Hoà
Nguồn Báo Công Thương