DINOFELIS – CƠN ÁC MỘNG CỦA LOÀI LINH TRƯỞNG CỔ ĐẠI

Loài cọp răng kiếm Dinofelis là một chi cọp răng kiếm cổ đại thuộc phân họ Machairodontinae từng phân bố rộng rãi từ châu Âu, châu Á, châu Phi qua tới Bắc Mỹ cách đây ít nhất 1.2 triệu đến khoảng 5 triệu năm trước, từ thế Thượng Tân đến đầu thế Canh Tân. Chúng được phát hiện lần đầu tiên vào đầu thế kỷ 20 và được nhà cổ sinh vật học Otto Zdansky đặt tên vào năm 1924. Tên của sinh vật này có nghĩa là “con mèo khủng khiếp” và chúng còn có một biệt danh rất oai là “The Ape Slayer” (Kẻ giết linh trưởng). Dù chỉ có kích thước bằng loài báo đốm Nam Mỹ ngày nay nhưng chúng là sinh vật siêu dữ tợn, chuyên săn cả nhóm người tối cổ Homo habilis và vượn người Australopithecus africanus, ngoài ra chúng còn ăn thịt cả voi răng mấu Mastodon.

Chúng cao khoảng 70 cm, dài khoảng 1.7 m và nặng tầm 120 kg và chỉ là một loài cọp răng kiếm có kích thước trung bình nhưng lại là một trong những cái tên cọp răng kiếm cổ đại nổi bật nhất vì thực đơn siêu khủng của mình. Chúng có cơ thể mập, đuôi ngắn, hai chi trước của chúng còn mạnh hơn cả loài báo đốm Nam Mỹ ngày nay dùng để ghìm chặt con mồi khi bắt được, răng nanh của Dinofelis dài hơn và dẹt hơn một chút so với những loài mèo lớn hiện đại nhưng ngắn và nhỏ hơn răng của những con cọp răng kiếm cổ đại khác, do đó Dinofelis và một nhóm giống cọp răng kiếm khác là Nimravids từng được coi là đám cọp giả răng kiếm dù Nimravids không phải là họ hàng gần của Dinofelis, và thực tế Dinofelis là họ hàng xa với loài cọp răng kiếm nổi tiếng Smilodon.

Dù răng nanh cực kì chắc khỏe nhưng răng hàm của chúng lại không mạnh bằng sư tử hay các loài mèo lớn ngày nay. Răng chúng được thiết kế cho việc cắt thịt ra khỏi thớ và không đủ cứng để ăn cả xương, giống với loài báo. Các nhà cổ sinh vật học tin rằng do cấu trúc cơ thể có phần khá cục mịch, Dinofelis không phải là một kẻ săn mồi dựa trên tốc độ giống loài báo săn. Do đó, chúng sẽ dựa vào tầm nhìn ban đêm và tài ngụy trang của mình để rình rập và phục kích con mồi từ trên cây hoặc từ bụi rậm. Vì môi trường sống đa dạng từ rừng rập cho tới thảo nguyên và vùng ngập nước cho nên chúng được tin là có một bộ lông đốm hoặc sọc để dễ dàng ngụy trang hòa vào cùng môi trường xung quanh.

Con mồi ưa thích nhất của chúng là những con voi răng mấu Mastodon con và già và cả Homo habilis (người tối cổ, tổ tiên của người hiện đại Homo sapiens ngày nay). Chúng còn ăn cả các loài động vật ăn cỏ, hay thậm chí còn giết cả loài cọp răng kiếm nhỏ hơn là Megantereon. Một số địa điểm từ Nam Phi dường như cho thấy Dinofelis có thể đã săn và giết hai loài vượn người cổ đại là Australopithecus africanus và Paranthropus robustus và cả khỉ đầu chó cổ đại, tuy nhiên chúng vẫn chuộng các loài động vật ăn cỏ hơn vì dễ bắt hơn. Hóa thạch của Dinofelis cũng thường xuyên được tìm thấy trong các hang động, cùng với xương của con mồi của chúng, làm nảy sinh giả thuyết rằng chúng có thể là loài sống trong các hang động. Người ta cho rằng sự biến mất dần của môi trường rừng có thể đã góp phần vào sự tuyệt chủng của loài Dinofelis vào đầu kỷ băng hà.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *