Điều gì khiến ung thư tụy nguy hiểm hơn so với các loại ung thư khác?

Ung thư tụy gần như không gây ra triệu chứng nào vào những giai đoạn đầu, vậy nên ta không thường phát hiện ra cho tới khi bệnh đã lan rộng.
Người bạn thân nhất của bố tôi cảm thấy không khỏe vào cuối tháng Sáu, đi làm một số xét nghiệm, và rồi ra đi vào tháng Chín.


Thật đáng tiếc khi nghe điều này. Tôi từng đọc bài đăng về một người đàn ông đã được chẩn đoán, và toàn bộ phần bình luận là những người khác cũng chia sẻ những câu chuyện tương tự. Một người phụ nữ nói rằng mẹ cô ấy được chẩn đoán “sớm” và vẫn không qua khỏi trong vòng 30 ngày. Khốn nạn thật.


Tôi đồng ý về điều này. Một người đồng nghiệp cảm thấy đau và đi cấp cứu mổ ruột thừa khẩn cấp. Chỉ vào lúc đó họ mới nhận ra rằng đó không phải viêm ruột thừa mà là ung thư tụy. Anh ấy đã đi từ khỏe mạnh tới lúc qua đời chỉ trong vòng 5 tuần.


Căn bệnh này không phổ biến tới mức các đợt sàng lọc quy mô lớn (giống như với ung thư đại tràng) trở nên khả thi hoặc tiện lợi về mặt kinh tế, nhưng nó đồng thời cũng có xu hướng không bộc phát triệu chứng nào cho tới khi tế bào ung thư đã di căn sang các cơ quan khác (ung thư tụy có xu hướng lan tới gan, một nơi rất tệ khi bị di căn tới). Vậy nên mọi người thường không phát hiện bệnh ra cho tới khi đã quá muộn để có thể làm bất kỳ điều gì hiệu quả nhằm loại bỏ chúng.


Mong rằng những xét nghiệm rẻ và đơn giản sẽ xuất hiện và chúng ta sẽ có thể thực hiện sàng lọc quy mô lớn.
Có thể đó sẽ là bộ xét nghiệm Galleri của Grail: https:wwwenglandnhsuknhs-launches-world-first/
*TN – Lược dịch bài báo – Đăng ngày 13/09/2021:
Ngày hôm nay NHS (National Health Service – Dịch vụ Sức khỏe Quốc gia tại Anh) sẽ chính thức thử nghiệm quy mô lớn đối với bộ xét nghiệm máu mang tính cách mạng, có thể phát hiện ra 50 loại ung thư khác nhau trước khi triệu chứng xuất hiện. Mục tiêu của thử nghiệm NHS-Galleri là tuyển chọn 140000 tình nguyện viên để kiểm tra tính hiệu quả của xét nghiệm Galleri. Thử nghiệm NHS-Galleri được triển khai bởi Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh (Cancer Research UK) và Đội thử nghiệm phòng chống ung thư Đại học King (King’s College London Cancer Prevention Trials Unit) hợp tác cùng với công ty chăm sóc sức khỏe GRAIL – bên phát triển xét nghiệm Galleri. Kết quả ban đầu được kỳ vọng vào năm 2023, nếu thành công, NHS sẽ mở rộng chiến dịch sang quy mô một triệu người vào năm 2024 và 2025. *


Sau đây là tổng hợp nhanh của tôi với vai trò bác sĩ chuyên khoa ung thư; thật vui nếu được giải thích thêm về bất kỳ thứ gì trong này. Đây không hoàn toàn là một bài ELI5 (TN: giải thích như thể tui mới lên 5), nhưng đây là một chủ đề rất phức tạp.
Khác biệt giữa các căn bệnh ung thư không đơn thuần chỉ là cùng một căn bệnh được khởi phát ở các vị trí khác nhau. Thay vào đó, ung thư là kết quả của quá trình tích tụ các bất thường về gien – số lượng lỗi trong cách vận hành của tế bào đủ nhiều để trở thành bệnh ung thư, và những sai sót đó cần xảy ra ở các gien nhất định, đặc biệt là gien đột biến gây ung thư (gien khi đột biến sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng) hoặc các gien ức chế khối u (gien bảo vệ tế bào khỏi việc phát triển một cách mất kiểm soát). Hoặc là các gien gây ung thư được “bật” lên, hoặc là các gien ngừa ung thư bị “tắt” đi. Ngay trong cùng một loại bệnh ung thư, mọi người cũng sẽ gặp phải những lỗi sai khác nhau về mặt tế bào, và điều này có thể ảnh hưởng lớn tới cách mà ung thư diễn ra, đặc biệt là mức độ hung bạo của bệnh (tốc độ phát triển và di căn), và ảnh hưởng tới cả cách điều trị. Thêm vào đó, mỗi loại bệnh ung thư có xu hướng tận dụng hoặc phụ thuộc vào môi trường xung quanh chúng theo những cách rất đặc thù (môi trường ở đây là các tế bào xung quanh, bao gồm mô liên kết và mạch máu). Ví dụ như, một vài loại bệnh ung thư, dựa trên môi trường, trên loại tế bào hình thành nên, và trên loại đột biến khiến chúng phát bệnh trở nên phụ thuộc vào việc gửi tín hiệu để hình thành nên mạch máu nhằm nhận được nhiều oxy và dưỡng chất hơn. Vậy nên ngăn chặn tín hiệu đó sẽ khiến cho tế bào ung thư chết đi. Một vài loại bệnh ung thư khác né tránh hệ thống miễn dịch cực kỳ khéo léo và sự sinh sôi của chúng phụ thuộc vào cơ chế này, vậy nên nếu có thể giúp hệ miễn dịch tìm ra khối u, ta có thể tiêu diệt được tế bào ung thư.
Đối với ung thư tụy, có những khó khăn sau:
Ung thư tụy thường diễn ra do 2 loại đột biến gien đặc biệt – TP53 và KRAS. Những đột biến này cũng được thấy ở các bệnh ung thư khác (thường được coi là những căn bệnh ung thư nặng hơn). Đây dường như cũng là loại đột biến phổ biến nhất đối với loại ung thư này. Không chỉ bởi loại đột biến này thường gắn liền với các loại bạo bệnh, mà còn bởi vì ngoài một loại đột biến KRAS (KRAS G12C), chúng ta chưa có phương pháp điều trị có mục tiêu đối với những đột biến này. Không giống như đối với ung thư phổi, chúng ta đã tìm ra nhiều hơn hàng chục loại đột biến và điều chế ra thuốc để nhắm tới chúng, điều này có thể tác động mạnh tới bệnh tình và tuổi thọ của các bệnh nhân.
Tế bào ung thư tụy đều có môi trường tế bào khối u đặc thù, chúng dường như không tận dụng các cơ chế môi trường như tôi đã đề cập ở trên. Tế bào ung thư tụy có khả năng duy trì chỉ với một số lượng mạch máu thấp và trong môi trường khối u tụy thường chỉ toàn các mô liên kết. Vậy nên việc ngăn chặn mạch máu tới khối u dường như không tác động mạnh tới bệnh tình. Việc kích thích hệ miễn dịch cũng không khả quan, điều này hạn chế các phương pháp điều trị hiệu quả. Thêm vào đó, lượng mạch máu thấp cùng với độ dày đặc của mô liên kết còn ảnh hưởng tới mức độ xâm nhập của các liệu pháp hóa trị, vậy nên tác động của các chất hóa học trong điều trị thường thấp.
Như những người khác đã đề cập, ung thư tụy thường được phát hiện muộn, ở những giai đoạn nặng hơn. Nhưng, ngay khi bệnh bộc phát các triệu chứng, tình hình không ổn chút nào. Nguyên nhân là vì vị trí của tụy, và một phần do môi trường khối ư như tôi đã nhắc đến. Khối u tụy phát triển rất mạnh các dây thần kinh. Điều này khiến cho ung thư tụy gây ra cực nhiều đau đớn khi kích thước khối u tăng lên, gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, tình trạng hoạt động, ăn uống và dưỡng chất của người bệnh. Vị trí của tụy khiến cho khối u nằm gần những cơ quan quan trọng – cụ thể là các ống tụy và ống mật, đồng thời là nhiều mạch máu lớn. Điều này khiến cho việc phẫu thuật gặp bất lợi, và việc tắc nghẽn ống mật nói chung có thể gây nguy kịch – mật về cơ bản là chất thải sản sinh bởi cơ thể, vai trò của gan là loại bỏ chúng qua ống mật đổ vào ruột. Ống tụy cũng được xả vào ruột. Việc tắc nghẽn các ống này có thể gây hư tổn gan và nhiễm trùng. Nếu tình trạng nghiêm trọng, sự tắc nghẽn này cần phải được điều trị ngay (ví dụ như bằng ống thông), bằng không bệnh nhân thường sẽ không thể qua khỏi việc điều trị bằng hóa chất.
TLDR: Ung thư tụy thường phát triển từ các đột biến gien đặc thù khiến cho bệnh nguy kịch, việc điều trị bị hạn chế do thiếu phương pháp tác động lên đột biến gien, đồng thời do môi trường khối u khiến cho việc điều trị kém hiệu quả, thậm chí không có hiệu quả. Môi trường khối u và vị trí khối u khiến cho khi các triệu chứng được phát hiện ở giai đoạn sau, bệnh trở nặng nhanh và khiến cho bệnh nhân khó có thể chịu đựng được bất kỳ loại hóa trị nào.


Tôi từng đọc được rằng các tổn thương lên tuyến tụy gây ra bởi khối u kích thích sản sinh các enzym gây hại cho cơ thể, điều này có đúng không?


Tuyến tụy là một cơ quan rất khó chiều (tôi ghét chúng vì nguyên do này!). Bất kỳ kích thích hay tổn thương nào tới tế bào tụy (chất có cồn, chấn thương, hoặc một vài loại độc bò cạp) có thể khiến sản sinh enzym tuyến tụy, gây ảnh hưởng nặng nề tới các mô, về bản chất là do chức năng thông thường của các enzym này là hỗ trợ tiêu hóa. Tự tiêu hóa chính cơ thể mình thì không tốt một chút nào cả!
Ống tụy hoạt động để cung cấp enzym tụy vào đường tiêu hóa nhằm tiêu hóa thức ăn, nhưng nếu các tế bào chết và xả enzym tụy vào trong mạch máu và vào trong các mô tụy, các enzym ấy có thể di chuyển tự do, gây kích thích và tổn thương mô, sau cùng là gây tổn thương cơ quan như phổi. Tôi cho rằng điều này không chỉ xảy ra đối với ung thư tuyến tụy, mà còn là hậu quả của bất kỳ tổn thương tụy nói chung.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *