Điều gì khiến người Ý cảm thấy bị xúc phạm nhất?

Đây là năm thứ 4 tôi sống ở Ý rồi, và với mỗi một năm trôi qua thêm, tôi càng thấu hiểu hơn văn hóa của đất nước này. Ta đều biết là chuyện thứ gì khiến một người thấy bị xúc phạm còn tùy thuộc vào độ nhạy cảm và trí tuệ cảm xúc của họ. Hơn nữa, chủ đề này cũng khá chủ quan. Thế nhưng mà, nếu câu hỏi của bạn là “Điều gì khiến đa số người Ý bị xúc phạm nhất?”, tôi có thể xem xét chung một chút. Đây là những thứ mà tôi nghĩ là đúng để nêu ra được.

  1. Đùa giỡn với đồ ăn Ý: Đa số người Ý có các quy tắc khắt khe để nấu món ăn nước họ. Nếu sống ở đây, bạn cần phải phải tôn trọng điều đó. Cũng có lý lẽ chính đáng thôi, làm vậy để duy trì tiêu chuẩn của món ăn. Ẩm thực là thiết yếu trong văn hóa của họ, và người Ý (kể cả tôi) ngưỡng mộ sâu sắc từng bước trong công đoạn nấu nướng.
  2. Gán khuôn mẫu (stereotype) cho họ: Tôi không biết tại sao chứ rất nhiều những người châu Âu khác mang định kiến, khuôn mẫu phi thực tế về người Ý. Trong mạng lưới bạn bè của tôi, 90% là người Ý rồi, và họ thường hay nói chuyện về những trải nghiệm không tốt xoay quanh việc họ bị gán stereotype khi đi đến các quốc gia khác. Ừ đúng là người Ý bị gắn với những hình mẫu rất sai “nhờ” vào Hollywood, truyền thông và sự ngu dốt (không chịu tìm hiểu thông tin). Khi đặt chân đến các quốc gia khác, ngay khi người ta nhận ra tôi là người Ấn Độ (không phải người Ý) đang sống trên đất Ý, họ hỏi tôi nhiều câu hỏi rất kỳ cục về đất nước này. Dĩ nhiên là không phải tất cả những người từng tiếp xúc với tôi đều như vậy, thiểu số thôi. Đây là một vài hình ảnh khuôn mẫu mà người Ý ghét hay không thích này:
    • Họ có liên quan đến Mafia, bằng cách nào đó: Giống như bạn và như tôi, người Ý tốt tính nào cũng không ủng hộ mafia và các băng đảng liên quan cả. Mafia bây giờ không còn tồn tại nữa. Mỗi xã hội đều có mặt tốt mặt xấu, mà cái hình mẫu mafia mà Hollywood vẽ vời đó, tôi đố bạn tìm được ở đất Ý đấy. Chỉ là sản phẩm tưởng tượng mà ai cũng tin răm rắp.
    • Lười nhác và ngại làm việc: Thật ra là ngược lại mới đúng. Người Ý thuộc diện những con người lao động chăm chỉ mà tôi gặp từ trước đến giờ. Họ năng động, nhanh nhảu và đầy năng lượng. Một người Ý điển hình sẽ không để bạn thấy họ chây lười hay biếng nhác đâu. Hãy tin tôi, họ nằm trong số những người siêng năng nhất đó.
    • Lãng mạn, loverboy*: Cái này thì có vẻ không hẳn là stereotype tiêu cực, nhưng rất nhiều bạn bè của tôi không thích. Không ai chối cãi rằng Ý là cái nôi sản sinh ra chủ nghĩa lãng mạn, và người ta thì cứ mô tả như là tình yêu có mặt khắp nơi ở Ý vậy. Nhưng (sự thật) không có giống vậy đâu nha. Cũng giống như bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, ở đây người dân cũng cần nghĩ về cơm ăn áo mặc, mái nhà trú thân, và họ cũng phải dùng hầu hết thời gian và sức lực tìm kiếm việc làm để đổi lấy những thứ đó. Họ mang tham vọng phấn đấu, và thế giới thì ngày càng kết nối, trở nên toàn cầu và cạnh tranh khốc liệt hơn. Vậy nên, tiêu chuẩn cho các chàng trai Ý (để được xem là lãng mạn) khá là khó để đạt được đấy. Có lẽ trước kia thì đúng chăng, chứ gần đây thì, trai tráng nước này cũng giống như bất kỳ chàng trai nào khác thôi. Nhìn chung, họ tự tin và mạnh mẽ, đầy sinh lực, nhưng cũng có những anh chàng ngại ngùng và cả những người hướng nội nữa. Tóm gọn lại, đa số người Ý thấy áp lực về việc phải trở nên lãng mạn, vì vậy nên họ không thích chuyện đó. Ít nhất thì đó là những gì tôi hiểu được qua việc trò chuyện với bạn bè.
  3. Lạm dụng cử chỉ: Người ngoại quốc hay thích học cử chỉ của người Ý, và thỉnh thoảng sử dụng bừa bãi luôn, chủ đích lẫn không chủ đích. Người Ý cực kỳ bực khi bạn làm vậy đấy. Điệu bộ, động tác chính là một phần trong việc giao tiếp ở nơi này, và tôi thấy cũng có lý để khó chịu khi người ta lạm dụng cử chỉ. Một vài mẹo tôi muốn chia sẻ với những ai là du khách: Hãy cố gắng học các động tác đó cho đúng cách đúng mực, và bạn sẽ thấy vừa bất ngờ vừa vui thích. Còn không, nếu đã không muốn hiểu ngôn ngữ qua cử chỉ rồi thì đừng dùng hẳn luôn đi. Cứ là chính mình và diễn đạt qua lời nói thôi. Người ta sẽ trân trọng việc bạn không giả vờ, ra vẻ, và họ sẽ trở nên thoải mái với con người của bạn thôi. Suốt 3 năm qua, tôi hiếm hoi lắm mới dùng đến điệu bộ cử chỉ, mà nó cũng đến một cách tự nhiên. Tôi không cố ép mình phải làm những thứ đó và người ta vẫn hiểu được tôi như thường thôi.
  4. Một đất nước nghèo khó, không đúng nghĩa quốc gia châu Âu: Tôi nói gì được với mấy lời vô nghĩa mà lại phổ biến này đây nhỉ. Thứ nhất, nước Ý không có nghèo nàn. Nơi này đủ chuẩn để được nhìn nhận như là một quốc gia phát triển. Thứ hai, học sinh lớp 1 cũng có thể chỉ ra được cả về mặt địa lý lẫn nhân khẩu học, Ý đều đúng nghĩa là quốc gia châu Âu. Sắc tộc ở đây thực tế thì rất đa dạng. Tôi sẽ không đào sâu thêm, nhưng xét về toàn bộ dân cư thì Ý có sự đa dạng về di truyền lớn lắm. Và nếu bạn tin vào những thứ vớ vẩn, chẳng có mục đích gì ngoài việc mang tính chia rẽ, thì hãy để tôi cập nhật thông tin cho bạn rằng người Ý cũng là người da trắng, như bất kỳ người châu Âu nào khác thôi. Vậy nên khi có ai nói rằng người Ý không phải người da trắng hay không đủ, không hoàn toàn, không đúng chuẩn châu Âu, điều đó thực sự làm người Ý bực mình, khó chịu đấy.

Đây là những gì tôi quan sát được. Tôi hy vọng là nó sẽ giúp giáo dục (người đọc) một tí. Cảm ơn nhiều nha. Cheers.

Best,

Prabin

—————————————

*loverboy: có nhiều biến thể sắc thái về nghĩa được dùng của từ này, có thể kể ra như là một anh chàng người yêu trẻ tuổi, một chàng trai đi dụ dỗ / tán tỉnh như thể anh ta có tình ý với bạn, một lady-killer, hay đơn giản chỉ là một anh chàng mang sức quyến rũ và khơi dậy ham muốn ở người khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *