DỊCH HẠCH CÁI CHẾT ĐEN VÀ CHÂU ÂU THỜI TRUNG ĐẠI

Có lẽ bạn từng nghe qua đại dịch “cái chết đen” hoặc cụm từ “black death”, hoặc nếu chưa từng nghe qua… tôi nghĩ rằng thông tin về một trong những đại dịch đã mở ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử Châu  Âu có lẽ cũng đủ làm bạn có chút tò mò nhỉ? 

Chắc câu chuyện này phải kể từ đầu những năm 1340, khi người châu  âu nghe loáng thoáng những tin đồn về một đại dịch lớn mà họ gọi là “Great Pestilence”. Đại dịch này đã giáng những cú đấm mạnh vào các nước ở vùng cận Đông và viễn Đông như Trung Quốc, Ba Tư, Syria và Ai Cập. Và có lẽ người ta biết, nhưng không thể nào ngăn cản vị thần chết vô hình đó đang từ từ tiến đến Châu  Âu qua con đường giao thương nổi tiếng “Silk Road” (con đường tơ lụa). Người ta đều nghĩ rằng nguồn gốc của đại dịch này bắt nguồn từ Trung Quốc từ hơn 2000 năm nay, nhưng một vài nghiên cứu gần đây cho thấy dịch bệnh này bắt nguồn từ Trung Á, cụ thể là mầm bệnh xuất hiện tại một vùng thảo nguyên kéo dài từ phía Tây Bắc bờ biển Caspi đến miền nam nước Nga. Cụ thể là trong một cuộc tấn công thương nhân người Ý do người Mông Cổ phát động ở Kaffa (nay là Feodosia) của bán đảo Crimea, dịch bệnh đã lây lan giữa những kẻ xâm lược và sau đó tấn công vào thị trấn. Sau đó vào khoảng mùa xuân năm 1347, những thương nhân này bỏ chạy về Châu Âu và mang theo những mầm bệnh chết chóc. 

Cái Chết Đen là một bệnh dịch hạch được gây ra bởi một loại vi khuẩn kí sinh trong loài gặm nhấm hoang dã, thường là chuột đen. Thông thường vi khuẩn được truyền sang người bởi các loài bọ chét sống trên chuột đen. Triệu chứng bệnh thông thường là bệnh nhân sẽ xuất hiện các hạch bạch huyết sưng đỏ và rỉ máu trên háng, cổ, đùi, hoặc nách. Do đó dịch bệnh này mới có tên là dịch hạch. Theo ước tính, từ năm 1348 – 1350, hơn một nửa dân số của nước Anh tử vong do dịch hạch nói riêng và khoảng 60% dân số châu âu tử vong nói chung. Phải mất 200 năm dân số của châu  âu mới có thể khôi phục trở về mức trước khi xảy ra đại dịch. 

Các bác sĩ và thầy thuốc thời bấy giờ đều chưa hề biết đến sự tồn tại của những sinh vật cực nhỏ như vi khuẩn, chính vì vậy họ bất lực trong việc giành lấy mạng sống của các bệnh nhân từ tay “thần chết đen”. Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh và thói quen sinh hoạt của người dân thời Trung Cổ là một sai lầm chí mạng đưa họ đến gần hơn với hiểm họa. Họ hạn chế tắm rửa, di tản đến bất kì nơi đâu họ cho là an toàn và tụ tập với nhau để cầu nguyện Chúa, dịch bệnh nhờ thế ngày càng lan rộng với tốc độ chóng mặt. Và lũ chuột cũng là đồng phạm giúp họ làm điều đó. 

Hậu quả về mặt đạo đức và tôn giáo

Và bạn biết đấy, khi người ta không thể lí giải được điều gì đó, họ sẽ tìm một cái cớ thật hợp lí để đổ lỗi. Sau đấy, “Cái chết Đen” trở thành một sự trừng phạt của Chúa cho những tội lỗi mà con người gây ra. Người ta bắt đầu cúng bái, cầu nguyện, sám hối nhưng vô ích. Cho đến lúc sự kiên định đã bị mài mòn, họ quay sang căm phẫn và mất đi lòng tin vào nhà thờ và Chúa trời. Đối diện với cái chết cận kề, bản chất suy đồi và vô đạo đức của phần “con” mới xuất hiện, thay vì tìm cách phòng ngừa bệnh tật, họ lại tìm kiếm một đối tượng khác để có thể trút được cơn phẫn nộ vô lý của mình. Nạn nhân tiếp theo chính là người Do Thái, dân tộc bị xem là nguyên nhân của những điều xui xẻo, và dịch hạch là một trong những cái cớ để thực hiện những cuộc thảm sát người Do Thái sau đó. 

Hậu quả về mặt kinh tế xã hội

Trước bệnh dịch, nhà vua sở hữu tất cả đất đai trong vương quốc của ông ta và ông ta chia nó ra cho các quý tộc và lãnh chúa dưới quyền của mình. Còn các lãnh chúa thì đã có nông nô cật lực làm việc ngày đêm để phục vụ cho họ. Lúc đó dân số tại châu  âu là cực kỳ đông đúc và việc tìm kiếm một nông nô đối với lãnh chúa chẳng có gì là khó khăn. Do đó nông dân hầu như không có bất kỳ lựa chọn nào ngoại trừ việc tiếp tục lao động cật lực cho đến chết (một kiểu nô lệ). Nhưng sau khi dịch hạch “Cái Chết Đen” càn quét qua châu âu mang đi hơn nửa dân số, thì sức lao động của nông nô dần trở thành một thứ tài sản quan trọng không thể thiếu vì lãnh chúa không thể tự nuôi sống bản thân và đóng thuế cho vua mà không có lao động của nông nô. Điều này đã dẫn đến sự tăng vọt trong mức lương của những người nông dân và cuộc sống của họ ngày càng được nâng cao hơn. Tầng lớp thấp nhất hiện giờ đã có được cuộc sống khấm khá và được quyền thương lượng với lãnh chúa để có được sự đối xử tốt hơn. 

Tuy nhiên, “every coin has two sides”. Cuộc sống tốt đẹp và có phần xa hoa của những người nông nô bắt đầu bị thách thức bởi giới quý tộc. Họ đòi hỏi những lối trang phục xa xỉ hơn, trang sức đắt tiền hơn để tránh bị nhầm lẫn với tầng lớp nông nô bình thường. Mọi nỗ lực để trở nên giàu có của những người nông nô vỡ tan một cách nhanh chóng và điều đó dẫn đến cuộc khởi nghĩa Nông Dân Pháp năm 1358 ở Pháp và London năm 1381, điều đáng nói là những cuộc khởi nghĩa này đã gây ra những vết nứt đầu tiên cho hệ thống phong kiến phương Tây. 

Tác động về mặt nghệ thuật

Bệnh dịch làm thay đổi đáng kể những tư tưởng về mặt nghệ thuật, các tác phẩm như tranh vẽ, điêu khắc, vvv đều mang xu hướng hiện thực và thống nhất, tập trung vào chủ yếu vào cái chết. Tác phẩm nổi tiếng nhất là “Vũ điệu tử thần” (Dance of Death) được vẽ bởi Michael Wolgemut vào năm 1493. Tác phẩm này như một câu nói ngụ ngôn về đại dịch, “cái chết đen không chừa bất cứ một ai”. Ở thời hậu đại dịch, tác phẩm này không hề đề cập trực tiếp đến cái chết, nhưng người ta vẫn hiểu được ý nghĩa của nó hàm ẩn trong tranh

            _ Kình Lạc _

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *