Năm 1948, Peter Goldmark – một kỹ sư người Mỹ đã chế tạo cho công ty Columbia Record một loại đĩa nhạc làm bằng nhựa vinyl có thể thu lại 25 phút âm thanh trong trẻo ở mỗi mặt đĩa. Loại đĩa này nhanh chóng trở thành hiện tượng và trở nên phổ biến. Đến năm 1967, khi The Beatles phát hành đĩa SGT Pepper’s Lonely Hearts Club Band, việc thiết kế đĩa than dần trở thành 1 nghệ thuật.
Chất âm chính là lợi thế lớn nhất của đĩa than trước các loại đĩa ghi âm kỹ thuật số. Sóng âm được ghi lại trên đĩa than là loại sóng âm thuần analog giúp lưu trữ trọn vẹn chất âm mượt và ấm áp của bài nhạc. Trong khi đó, sóng âm kỹ thuật số thực chất là các bậc thang nối tiếp nhau. Chính vì vậy, đôi lúc, âm trumpet hay trống có tốc độ nhanh sẽ bị méo trong quá trình thu. Với một máy quay đĩa ở mức khá và một dàn âm thanh hạng trung và chiếc đĩa than, bạn có thể tận hưởng bản nhạc du dương, giàu cảm xúc mà không máy chơi CD đắt tiền nào có thể thay thế được.
Có lẽ chính vì tính nghệ thuật và chất âm, dù đĩa than có giá thành cao hơn rất nhiều so với CD kỹ thuật số, các nghệ sĩ đôi khi vẫn sản xuất đĩa than để đánh dấu một cột mốc trong sự nghiệp và người nghe có gu, có điều kiện kinh tế vẫn săn lùng, thưởng thức.