ĐI TÙ, VÀ NHỮNG CHUYỆN KHÁC (P1)

Bố bảo tôi chạy xuống căng-tin, mua 3 phiếu ăn và 1 bao thuốc lá Thăng Long.

– Nhớ là Thăng Long, 10 nghìn thôi đấy nhé.

Để làm gì ư? Để hút vài điếu cho đã trước khi quay trở lại phòng giam và lấy phần ni-lông bọc ngoài vỏ thuốc để cuộn 2 triệu tiền mặt mẹ tôi dấm dúi, luồn tay qua chiếc bàn gỗ nâu bóng nằm ở góc trong cùng của Nhà thăm gặp phạm nhân… nhét vào hậu môn. 

Đúng vậy, bố tôi nhét tiền vào hậu môn, một cách khéo léo và chuyên nghiệp. Nhà tù vẫn có chế độ gửi đồ trợ cấp và tiền sinh hoạt tháng qua cán bộ nhưng phạm (phạm nhân) không được cầm tiền trực tiếp mà order đồ qua cán bộ, cán bộ dùng tiền mua và gửi vào. Mỗi lần thăm gặp về đều phải lột sạch đồ để cán bộ kiểm tra xem có tuồn “hàng cấm” vào trại không. Tuyệt chiêu nhét tiền hậu môn đã giúp bố tôi an toàn mang tiền vào suốt mấy năm liền. Bố tôi kể: Tiền đưa 10 phần, qua cán bộ ai biết dùng được bao nhiêu phần. Cắt phế hay không thì không chắc nhưng có những món, muốn mua được thì không thể thông qua cán bộ. Đấy là bố tôi kể với bạn tù ngồi bàn bên cạnh nhân lúc mẹ tôi làm thủ tục ký gửi thịt kho lẫn lạc rang chứ nào dám ho he hóc hách nói trước mặt mẹ. 

Sau này lớn chút, lúc đó bố cũng sắp mãn hạn, mẹ cũng bỏ đi được hai ba năm, tôi mới ngộ ra: những thứ bố muốn mua mà không qua cán bộ là những thứ mẹ không muốn tồn tại trên đời, là những thứ khiến cả gia đình tôi mỗi tháng chỉ gặp nhau 1 lần tại Nhà thăm thân của Trại giam này, những thứ mà mỗi lần nhắc đến, mẹ tôi như có ngàn vạn mũi dao đâm xuyên tim. Đau vì người mình thương không giữ lời, đau vì mẹ tôi luôn nghĩ, những thứ đó đã phá hoại hạnh phúc của mẹ, tuổi xuân của mẹ và tuổi thơ của tôi. 

Còn vì sao là Thăng Long ư? Đơn giản vì Thăng Long thì rẻ, nghe đâu rẻ nhất trong những hãng thuốc lá mà bố biết và bố thì luôn bảo: 

– Không có tiền, hút thế này là đủ sướng lắm rồi. Cỡ nào giàu, bố mi phải thử xì gà phát cho biết mùi đời.

Tính đến thời điểm đó, bố tôi đã đi tù được 3 lần. Một lần lúc chưa cưới mẹ tôi, một lần năm tôi lớp 1 và lần thụ án này là lúc tôi lớp 3. Ký ức của tôi về lần đầu, tất nhiên là không có, lần thứ 2 quá nhòe mờ. Tất cả những gì tôi nhớ là bố tôi chỉ đi đúng 1 năm vì mẹ tôi dốc sạch tiền chạy án. Vào một Chủ Nhật, bố tôi – trong bộ quần áo màu xanh xanh gì đó, hứng khởi gọi: Con gái yêu! Bố về rồi. Và thú thật, cảm xúc của tôi lúc đó chẳng khác gì bé Thu trong Chiếc lược ngà: Ngỡ ngàng, lạ lẫm, ngại ngùng. So sánh bố tôi với một chiến sĩ có vẻ hơi khập khễnh nhưng diễn biến tâm trạng trong tôi những ngày tiếp theo cũng same same câu chuyện đó. Tôi dần thân hơn, yêu bố hơn và bám bố hơn cả bà, cả mẹ. Tôi thần tượng bố và tự hào với tình yêu mà ông dành cho tôi rất nhiều. Thậm chí, tôi thương bố ngay cả lúc chứng kiến cảnh bố lên cơn vật vã, tự trói mình bằng dây xích sắt to khổng lồ, gào hét chửi mẹ tôi, chửi đời hay lúc bố cẩn thận cuộn thứ bột màu trắng vào miếng giấy bàng bạc nhỏ xíu, lén lút trốn đi trong đêm và tất nhiên, không quên nhoẻn miệng cười dặn tôi – con nhóc 8 tuổi lúc đó còn đang ngái ngủ:

– Bố đi tí rồi về. Đừng nói mẹ nhá. Ngủ đi.

Hôm xử án bố (chắc là lần thứ 3 trong cuộc đời của ông), tôi không nhớ rõ đấy là ngày mưa hay ngày nắng. Chỉ biết, sau 1 tuần không thấy bố về nhà và tự vẽ ra nhiều viễn cảnh, tôi đã bỏ cuộc. Tôi gần như mặc kệ những suy nghĩ điên rồ nhất và tự trấn an: Một ngày Chủ Nhật, bố sẽ về. Nhưng hôm đó, mẹ tôi thức tôi dậy rất sớm, sửa soạn quần áo và đi xuống thành phố. Lần đầu đến thành phố của tôi, là lần tôi ngồi trên chiếc ghế băng dài ngoài hành lang của một phiên tòa, nức nở khi nghe tuyên án: 9 năm tù dành cho người mà tôi thương nhất cuộc đời.

Năm đó tôi đã 9 tuổi, mẹ bảo tôi đã đủ lớn để biết sự thật này. Bà tôi bảo lần này không chạy nữa, để bố tu chí và để cả nhà không phải nói dối tận 9 năm, tôi nên tham gia phiên tòa đó. Tử Thu của Lấy Danh Nghĩa Người Nhà là một đứa trẻ hiểu chuyện và tôi nghĩ, năm tháng đó, tôi cũng là một đứa trẻ hiểu chuyện như vậy. Tôi chỉ nức nở những lúc không có mẹ và ôm chầm lấy bà để bà được nức nở trong lòng tôi. Tôi cũng không oán trách, không giận dữ, không đau khổ trước mặt bất cứ ai trong gia đình. Tôi bình tĩnh và chỉ xem WC là nơi mình được buông xả tất cả những điều đó. Với tôi, 9 năm vắng bố sẽ là 9 năm để tôi đủ 18 tuổi. Ngày ấy, cứ nghĩ 18 tuổi là to lắm, là đủ để bảo vệ cả gia đình nên tôi an tâm: 9 năm thôi mà.

Tôi chẳng bao giờ nghĩ 9 năm đó (thực tế bố tôi cải tạo tốt, mãn hạn sớm tận 2 năm) lại chính là quãng thời gian 2 chữ “đi tù” bám lấy đời tôi dai dẳng, hành hạ và hình thành nên tôi bây giờ. Dù đã từng, nhưng tôi bây giờ, thật may, không còn chút oán trách.

Những năm đầu, tôi khá bình ổn với cuộc sống đi học, phụ mẹ, phụ bà và mỗi tháng lại háo hức đến ngày đi thăm bố. Nhà tôi cách trại giam chừng 1 tiếng rưỡi chạy xe. Cứ mỗi lần đi thăm, mẹ và bà tôi lại lục đục nấu nướng rất nhiều món. Nhà tôi, từ u sầu, bỗng rộn ràng như đến tết. Mẹ kho thịt, bà kho cá, tôi xé thịt, sấy khô làm ruốc. Ông tôi gói ghém đồ đạc chất lên con Wave đang cố o ép để khít thùng, khít hộp vào với nhau. 

Tôi rất thích đi thăm bố. Đường vào trại hai bên là đồi thoải và một cái đập lớn. Nhà tù mà, phải xây trong rừng, trong núi còn tiện quản thúc. Nhỡ có trốn trại cũng không để phạm hòa vào đời sống người dân quá nhanh. Và, hơn hết, xây càng sâu, càng nhiều đất để phạm làm ruộng, trồng lúa, trồng rau, canh tác hàng ngày. Mỗi lần mẹ chạy xe máy qua, tôi đều nhắm mắt mà hít hà không khí trong lành rồi phóng tầm mắt ra xa mà ngắm cái màu xanh ngọc tươi mát của nước. Sau này lớn, mẹ cũng không còn ở cạnh, tôi hay đi ké ô tô của các chú thăm bố, cảm giác khoan khoái, háo hức đã bị thay thế bởi sự ngại ngùng, ngột ngạt. Mẹ tôi lấy chồng lúc còn rất trẻ nên cũng rất nhí nhố. Ngoại trừ những lúc dùng roi mây vụt đau quắn đít, mẹ tôi rất đáng yêu. Lần nào đi thăm bố đúng mùa hoa dẻ rừng, mẹ cũng dừng xe, hái cho tôi một bịch to, thơm ngát. Chúng tôi cùng nhau ép sổ, sấy khô hoặc dùng bón cho mảnh vườn con con phía trước nhà tươi tốt và thơm tho hơn. Những lần khác, đúng mùa lúa non đang cô sữa, mẹ cũng chẳng ngần ngại hái cho tôi đôi chút, hào hứng tách những hạt bé xíu để tôi được nếm vị của sữa gạo non ngọt ngậy. Thay bố, mẹ luôn có cách khiến tôi mỉm cười. Dọc 2 bên đường dẫn vào chính cổng trại là hàng xà cừ siêu to khổng lồ. Cây cao, vững chãi, vươn dài về phía mặt trời và tỏa bóng mát quanh năm. Chưa lúc nào mà tôi thôi cảm kích trước đoạn đường ngắn có hương đồng nội, hương lúa hai bên và tiếng lá va vào nhau xạc xào êm ái đó, kể cả lúc không còn mẹ đi bên cạnh.

Trước cổng trại tất nhiên sẽ là bốt canh và tên trại. Phía sau cổng, nhìn từ trong ra là câu khẩu hiệu như muốn xin chào, hẹn không gặp lại “không gì quý hơn độc lập tự do”. Mẹ tôi sẽ nộp CMND và giấy khai sinh của tôi lên một chiếc rổ đặt trước bàn và nói với chú công an canh cổng: Mẹ con em đến sớm, có ký gửi nha bác. 

Tất nhiên, việc thăm gặp luôn là first come, first serve. Ai đến sau phải kẹp giấy tờ và để xuống cuối. Nhưng theo tất cả những gì tôi biết, chỉ cần kẹp thêm 50k hồng hào ấm áp, giấy tờ của mẹ con tôi ắt sẽ được lên hàng đầu. Kẹp thêm 100k xanh rừng núi thì dù đến muộn cỡ mấy, bố tôi sẽ vẫn hiên ngang bước ra trong tốp đầu của đợt gặp. Giờ thăm gặp cố định là 8h-12h sáng và 13h30 – 17h chiều. Nhưng phần vì sửa soạn, phần vì nhà xa, phần phải xếp hàng, mẹ con tôi luôn phải có mặt từ lúc 6h để nộp giấy tờ. Nếu 7h hơn mới đến, xác định sẽ gặp ca 2 hoặc đen đủi hơn là dời lịch đến chiều. Đến sớm hay bị dời lịch đến chiều chúng tôi cũng đều đi ăn cơm ở một quán phở – do một cô Tuesday của bác áo xanh nào đó mở ngoài trại giam. Sau này, mẹ tôi móc nối được, nhà tôi cậy nhờ cô đủ thứ từ tăng thêm cân ký gửi đến thư từ với tần suất nhiều hơn. Bố tôi vì thế chắc cũng khá khẩm hơn trong trại. Những hôm chờ qua trưa, ăn xong, chúng tôi trải chiếu dưới gốc xà cừ ngồi chờ. Ở đó có rất nhiều nhà khác cũng đang rôm rả. Có người trông bần hàn, gầy nhẳng. Có nhà sang chảnh, đi xe to, ăn mặc lộng lẫy. Tôi cũng may mắn hồi bé múp míp đáng yêu nên hay được cô chú cho bánh trái, nếm đặc sản đủ vùng từ đó. Trại giam bố tôi hầu hết là các phạm nhân nặng tội, không chung thân cũng phải cỡ chục năm. Có gia đình nọ ở Sơn La, trồng và buôn mai thúy, đi cả bố lẫn con. Mỗi lần gặp, tôi đều được tặng bánh sừng trâu chấm gà ướp gừng xé nhỏ. Ngon mất lưỡi. Có nhà kia, chồng đánh lớn, lĩnh án chung thân, 4-5 bà vợ thay nhau thăm nom, bà nào cũng xinh tươi, xúng xính. Mỗi lần đi mua hộ kẹo cao su hay bao thuốc lá, tôi đều được các cô, các chị boa thêm cho chiếc kẹo mút bạc hà nên lúc nào thăm bố, tôi cũng háo hức được gặp lại 2 nhà nọ.

Mỗi năm một lần, cứ đến gần Tết, trại lại tổ chức Đại Hội Gia Đình Phạm Nhân, dựng rạp, thuê ca sĩ, nghệ sĩ về diễn. Mẹ tôi tất nhiên là Đại diện gia đình nhận giấy mời. Mẹ đi từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau thì về. Có năm tôi đi theo, được cùng gói bánh chưng, được xem văn nghệ, được lon ton phái đi đăng ký qua đêm cho bố mẹ còn tính chuyện “có em bé”. Tất nhiên, những lần đó đều thất bại và tôi vẫn hưởng đặc ân con một suốt nhiều năm.

Ở trại giam (hoặc trại bố tôi), nhà thăm gặp có 4 phòng nhỏ. Vợ chồng phạm nhân muốn kéo dài thời gian hàn huyên thì chọn qua trưa, muốn ái ân thì qua đêm, đăng theo thủ tục kèm tờ hồng, tờ xanh tùy tâm tại quầy. Tôi chưa từng được qua đêm nhưng đã vào phòng qua trưa một vài lần. Trong trại nên chắc chắn không có ghế tantra, king size bed nhưng 4 chiếc giường đơn, quạt trần và chiếu thơm tho sạch sẽ thì luôn đảm bảo.

Phòng lớn nằm giữa nhà thăm gặp là nơi thăm thân tập trung của các phạm nhân và gia đình. Mỗi nhà lớn có kê 1 chiếc bàn làm việc cho cán bộ ca trực đó, 4-5 chiếc bàn lớn hơn đặt giữa nhà, mỗi bàn có thể ngồi được 10 người xung quanh. Nhà đông thì chiếm cả bàn còn nếu chỉ có mẹ con tôi thì ngồi ké các gia đình khác cũng dư chỗ. Nhiều lần các bác và bà tôi cùng đi thì tất nhiên, chúng tôi chiếm trọn mọi slot của một bàn. Mỗi tốp thăm gặp chừng 5-10 người, tùy số giấy tờ nộp vào ở bốt canh. Mỗi buổi sẽ có 2 tốp gặp trong 1 tiếng. 

Trong trại, bố tôi cũng có cuộc sống khá màu sắc. Ngoài giờ cải tạo, bố tôi cũng được làm báo tường hoặc sáng tác. Các tờ báo tường treo trong phòng lớn nhà thăm gặp thay đổi liên tục. Có người làm thơ, người viết văn, người sáng tác nhạc, người vẽ, người kẻ khung, cắt giấy. Dưới mỗi tác phẩm đều có bút danh của tác giả nhưng đính kèm tên thật – phòng giam và tổ cải tạo. Tôi thích đọc, và gần như đọc hết tất cả tờ báo tường ở đó. Bố tôi được đăng tác phẩm tận 3 lần. Một bài thơ tặng tôi, một hình vẽ rồng phượng khó hiểu và một bài hát ngắn, vẫn là tặng tôi – con gái rượu. Tôi không nhớ rõ tất cả những tác phẩm đó nhưng tôi nhớ mọi câu chuyện và món quà bố tôi tạo ra lúc cải tạo. Khi ở tổ mây tre đan, bố tôi làm tặng tôi cái giỏ xinh xinh và một con tôm sặc sỡ tết bằng dây dù. Nghe bố bảo các sản phẩm đấy đem bán được và dùng làm ngân sách xung công cho trại. Hồi sang tổ làm mi, tóc giả, tôi còn được bố tặng cho mấy bộ mi giả trông điêu ơi là điêu. Mỗi tội hồi đấy bé, có biết dùng đâu, đem bọc lại, cất cẩn thận trong “hòm châu báu” xem như bảo vật. Lúc nào nhớ bố, lại lôi ra, ngắm nghía, sướt mướt chút rồi lại cất vào, khóa chặt. Những năm cuối, bố được làm đội trưởng đội trồng rau hay tổ trưởng nào đó, bố còn dạy tôi cách để lên luống, bón phân cho rau xanh tốt.

Nói chung, 2 năm đầu, tôi thấy chuyện bố đi tù thực ra cũng là một trải nghiệm thú vị. Có nhớ, có thương, có hụt hẫng, nhưng chung quy lại, tôi vẫn không hề cay đắng như cách mà bà tôi vẫn hay than trách hay cách các cô hàng xóm vẫn thường chép miệng tiếc rẻ cho một gia đình.

Nhưng thời điểm đó, nói không mặc cảm là nói dối. Tôi từ một đứa tự tin dần thu mình lại trước những lời dị nghị, sự hắt hủi của bọn trẻ hàng xóm hay sự quan tâm không cần thiết của các cô, các bác. Bạn thân tôi bị bố mẹ cấm chơi cùng vì sợ tôi bị AIDS (???), còn tôi mỗi lúc theo mẹ đi chợ lại đón lấy những ánh mắt thương hại, những lời dặn dò cố học cho tốt, cố mà ngoan, nhà mình không như nhà người đừng học đòi đú đởn rồi lớn lên lại cha nào con nấy. Giờ bình an với tất cả những điều đó rồi nhưng tôi không thể phủ nhận con bé năm đó phải kìm nén đau khổ, giả lả cười trừ cho qua chuyện.

Mỗi lần cay cú quá, tôi lại lôi vở ô li ra, xé trang giữa, viết kể cho bố và cất kỹ chờ ngày được gửi. Tôi viết cho bố rất nhiều, làm cả đồ thủ công gửi tặng. Thư nào tôi cũng kết bằng câu: “Em yêu bố và nhớ bố nhiều nhất” rồi mới gấp lại, liếm mép thư, dán chặt. Bà tôi thấy tôi hay viết, lúc nào cũng dặn: “Mi nhớ dặn bố tiêu vừa tôi, nhà này không phải cái máy in tiền. Lo tu chí về mà nuôi con nuôi cái.” Tôi không biết bà có ý gì nhưng tôi luôn gật gật và chưa một lần ghi những dòng đó vào thư. Tôi chỉ viết những gì tôi thấy, tôi cảm nhận và hằng hà sa số từ thương yêu nhớ nhung, hì hục đạp xe lên bưu điện, dán tem và gửi cho bố. Sau này, tôi nghe các chú cán bộ trại bố kể, thư nào của tôi các chú cũng đọc trước để “kiểm duyệt”, riết rồi thấy thích mỗi lần nhận thư từ con bố T, vừa đọc, vừa vui, vừa ngưỡng mộ bố tôi. Nói yêu nhiều, có khi cũng là một sức mạnh, đủ để chú công an ngưỡng mộ một phạm nhân, nhỉ?

Bài viết của tác giả Monet Monet trên Spiderum.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *