ĐÊM GIÁNG SINH KÌ DIỆU

Đêm Giáng sinh năm 1944 tại Ardennes, một câu chuyện có thật…

Gia đình Vincken đã trở thành vô gia cư vào tháng 4 năm 1944 sau một vụ đánh bom vào Aachen. Họ đã được sơ tán đến thành phố Neuwied am Rhein. Ở đó, người chủ gia đình, thợ làm bánh bậc thầy Hubert Vincken đã trở thành người thợ cả xưởng làm bánh cho đến khi tiệm bánh của ông cũng sập sau một cuộc không kích. Ông thợ làm bánh 48 tuổi này chuyển sang làm trong một tiệm bánh quân đội. Và vì vậy, bây giờ ông nướng bánh mì ở khu vực biên giới Đức-Bỉ của Ardennes cho các đội xây dựng tham gia vào xây các công sự tại Westwall.

Quân Đồng minh tràn qua phía đông nước Pháp. Nhiều người Đức nghĩ chiến tranh sẽ kết thúc vào mùa thu này. Họ muốn đi trước đoàn quân đồng minh theo phương châm:”càng sớm càng tốt!”. Hầu như không ai sợ kẻ thù phương Tây. Đó là lý do tại sao cha Vincken đến Neuwied một ngày kia, chở vợ Elisabeth và con trai mười hai tuổi Fritz của mình (bằng chiếc xe các bạn thấy trong ảnh) và đưa họ đến gần Ardennes sau một chuyến đi xuyên đêm vất vả. Ở đó, ông đã chuẩn bị một chỗ ở cho hai người, một doanh trại trống rỗng của “Tổ chức Todt”, nơi này vắng vẻ và kín đáo. “Hai mẹ con hãy ở đây trong vài tuần. Trong ba tuần nữa, chúng ta sẽ hết chiến tranh!”, Người cha nói với niềm tin chắc chắn.

Nhưng thật không may, không có hòa bình vào tháng 10 năm 1944. Mùa thu kéo dài, mặt trận miền Tây co cụm lại, và vào tháng 12 thậm chí Đức còn có một cuộc phản công ở Ardennes. Người mẹ và con trai Fritz vẫn ở trong túp lều, tuyết rơi dày đặc và không có bất kỳ mối liên hệ nào với thế giới bên ngoài trong nhiều tuần. Người cha đã mang tới thực phẩm thường xuyên cho đến tháng mười một. Bây giờ ông không thể vượt qua những cánh đồng tuyết. Túp lều có hai cửa sổ bằng kính và bếp lò bằng gạch cũng có thể được sử dụng để nấu ăn. Củi lửa có sẵn sàng. Có đủ các loại thực phẩm cơ bản: khoai tây, bột mì, mì ống, bột yến mạch.

Trước khi tuyết rơi, Fritz thường đến thung lũng để mót khoai tây, nơi có con lợn rừng đã đào một cái hố. Ở đó, cậu nhét đầy khoai tây nhiều nhất có thể vào trong ba lô. Có lần anh tìm thấy rất nhiều nến trong một ngôi nhà bỏ hoang và một con gà trống bị bỏ rơi, cô đơn, đói khát đi theo anh như một con gà con. Con gà trống là cư dân thứ ba của túp lều. Hai người sợ rằng gà trống có thể phản bội họ bằng tiếng gáy. Và thế là bà Vincken đã bắt  nó im lặng mãi mãi vào sáng Giáng sinh năm 1944. Buồn m ột chút đấy, bởi vì có thể coi như đã mất một người bạn đồng hành nhưng cũng vui khi mong chờ món súp gà cho Giáng sinh, hứa hẹn một sự thay đổi trong thực đơn vốn nghèo nàn …

Fritz Vincken sau đó đã viết ra những gì xảy ra tiếp theo. Vào ngày 22 tháng 1 năm 1996, câu chuyện được đăng trên tờ báo “The Frederick Post” của Mỹ (rồi  phát sóng vào ngày 21 tháng 12 năm 2008 tại Bavaria 2 với tên “Incident in the Hürtgenwald”, được tìm thấy trên Internet, được quay tại Canada. Bộ phim truyền hình “SILENT NIGHT” với Linda Hamilton đã giành được bốn giải thưởng Gemini – giải thưởng điện ảnh cao nhất ở đất nước này. Và phim chưa được lên sóng tại Đức bao giờ…) 

Vào ngày Giáng sinh này, mặt trời mùa đông chiếu sáng từ một bầu trời không mây. Cả ngày, chúng tôi nghe thấy tiếng gầm rú của máy bay chiến đấu Đồng minh, đã vượt qua chúng tôi với tải trọng bom hoàn toàn không bị xáo trộn. Trời lạnh buốt. Bóng tối im lặng và bầu trời thuộc về những ngôi sao lấp lánh trên khoảng trống phủ đầy tuyết. Mẹ đảo củi trong bếp lò dưới ánh sáng lờ mờ của một ngọn nến, bảo tôi: “Nếu con biết chuyện gì đã xảy ra với cha? Bây giờ ông ấy có thể ở đâu vào Giáng sinh? “. 

Tôi ngồi trong bóng tối nửa tối và sốt ruột chờ món súp gà từ con gà trống của chúng tôi. Bỗng có tiếng gõ cửa.  

Tôi nhăn mặt và thấy mẹ vội vàng thổi tắt ngọn nến. Có tiếng gõ cửa khác. Chúng tôi run rẩy ra mở cửa. Hai người đàn ông đội mũ sắt đứng bên ngoài. Một người nói bằng tiếng nước ngoài và chỉ vào một bên thứ ba nằm trong tuyết. Chúng tôi hiểu: Những người này là lính Mỹ. Mẹ đứng bất động bên cạnh tôi. Họ đã được vũ trang và có thể ép cho vào nhưng họ đứng đó và hỏi bằng mắt. Người nằm trong tuyết dường như đã  chết.

“Vào đi!”. Mẹ tôi nói với một cử chỉ mời. Những người lính nâng đồng đội của họ và kéo anh ta ra khỏi bao rơm của tôi. Không ai trong số họ hiểu tiếng Đức, nhưng một người có thể nói  tiếng Pháp với mẹ tôi.

Mẹ tôi đã chăm sóc người bị thương và tôi đã giúp hai người kia cởi áo khoác nặng nề của họ. Ngồi ở bếp, cái ấm khiến họ phấn chấn tinh thần trở lại. Chúng tôi tìm hiểu tên của họ. Anh chàng tóc đen, ủ rũ được gọi là Jim; bạn đồng hành của anh, cao hơn và mảnh mai hơn, là Ralph. Herby là người bị thương ngủ trên giường của tôi, khuôn mặt anh trắng như tuyết bên ngoài. Cả ba bị lạc mất đơn vị và lang thang trong rừng nhiều ngày.

Họ không cạo râu và không có áo khoác nặng, họ trông giống những cậu bé mới lớn hơn. Mẹ bảo tôi “Đi, mang thêm sáu củ khoai tây”. Bà thắp một ngọn nến thứ hai và cắt khoai tây đã rửa sạch, chưa gọt vỏ vào súp. Bỏ vỏ sẽ là một sự lãng phí vào thời điểm đó. Herby đã chảy máu rất nhiều và vẫn bơ phờ. Súp của mẹ tỏa ra một mùi hương mời gọi. Tôi vừa định dọn bàn thì có tiếng gõ cửa nữa…

Tôi cứ  nghĩ  còn nhiều người Mỹ lạc hơn và mở ra mà không do dự. Họ là những người lính, bốn người đàn ông, và tất cả đều được vũ trang đến tận răng. Bộ đồng phục quen thuộc với tôi. Họ là của Đức chúng tôi, những người lính của Wehrmacht. Tôi bị tê liệt vì sợ. Mặc dù còn là một đứa trẻ, tôi biết: “Bất cứ ai ủng hộ kẻ thù sẽ bị bắn!” Đó có phải là cái kết của chúng tôi không?

Mẹ đi ra. Giọng nói bình tĩnh của mẹ làm tôi dịu đi một chút: “Các cháu mang đến cái lạnh như băng, thế  các cháu có muốn ăn cùng chúng tôi không?” Bà  đã  tìm ra cách giao tiếp phù hợp. Những người lính chào đón nồng nhiệt và rất vui mừng khi tìm thấy những người đồng hương giữa các mặt trận vào đêm Giáng sinh ở biên giới Ardennes. “Chúng cháu có thể sưởi ấm lên một chút không?”, Một hạ sĩ quan hỏi. “Có lẽ chúng cháu có thể ở lại đến sáng?” “Tất nhiên,” Mẹ trả lời nhiệt thành. Những người lính mỉm cười khi họ ngửi thấy mùi thơm của súp gà qua cánh cửa đang mở.

Bằng một sự can đảm chết người mẹ tôi nói thêm: “Hiện đã có ba người cóng lạnh xin ở đây để sưởi ấm. Bây giờ xin đừng đánh  đấm gì vào đêm Giáng sinh!”. Tay hạ  sĩ  quan hiểu ngay, hắn hỏi gay gắt: “Amis?” Mẹ nhìn từng người và chậm rãi nói: “Con cũng có thể là con trai của mẹ, cũng như mấy người ở trong đó. Một người trong đó bị thương, anh ta đang bị nặng. Những đứa khác cũng đói và mệt như các cháu”. “Rồi mẹ nói với tay hạ sỹ  quan: “Đêm nay là đêm Giáng sinh – không có bắn súng ở đây! “

Anh ta nhìn mẹ chằm chằm. Trong hai hoặc ba giây nhưng kéo dài  tưởng  chừng bất tận… Nhưng mẹ đã tận dụng khoảnh khắc: “Nói đủ rồi!”, mẹ nói chắc chắn. “Đặt súng lêng đống  gỗ và đi vào đi, nếu không những người khác sẽ ăn hết tất cả mọi thứ.”

“Hãy làm những gì cô ấy nói!”. Viên hạ sĩ quan bảo lính rồi vẫn gầm gừ “Chúng cháu đói!”. Không nói một lời, họ đặt vũ khí vào nhà kho, trong đó chúng tôi chứa gỗ: ba khẩu carbin, hai khẩu súng lục, một khẩu súng máy nhẹ và hai khẩu súng bazooka.

Không giấu được đám người Mỹ rằng có quân Đức đứng ở trước cửa và với sự can đảm cùng nỗi tuyệt vọng, họ đã sẵn sàng chống trả. Mẹ tôi bây giờ nói vội với Jim bằng tiếng Pháp. Anh ấy nói điều gì đó với Ralph và tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy người Mỹ để họ được nói chuyện như thế. Họ đã chấp  nhận…

Khi mọi người ở trong căn phòng nhỏ, họ dường như người mất hồn. Nhưng mẹ là bà chủ thực sự của tình  hình . Mỉm cười, bà xếp chỗ ngồi cho mọi người. Chúng tôi có ba cái ghế, nhưng giường của mẹ thì to. Ở đó, bà xếp hai người Đức bên cạnh Jim và Ralph. Quả  là có sự im lặng, có sự căng thẳng trong không khí lan tỏa đến mọi người. Mẹ lại bắt đầu nấu ăn. Nhưng chú gà trống không lớn hơn được nữa. “Nhanh lên,” mẹ thì thầm với tôi, “rửa thêm vài củ khoai tây. Lấy thêm một ít bột yến mạch. Khi chúng ta cho các chàng trai chén đẫy mọi thứ sẽ ổn thôi. “

Herby rên rỉ lớn tiếng. Một trong những người Đức nghiêng qua anh ta. “Cháu có phải là bác sĩ không?” Mẹ hỏi. Anh này trả lời: “Không, nhưng cho đến vài tháng trước cháu đã học ngành y ở Heidelberg.” Sau đó, anh giải thích với người Mỹ bằng tiếng Anh: “Vết thương của Herby không bị viêm do trời quá lạnh. Nhưng anh ta đã mất máu, cần nghỉ ngơi và thức ăn bồi bổ”. Hiện tại, sự căng thẳng đã được tháo gỡ. Ngay cả với tôi, những người lính, khi họ ngồi cạnh nhau, dường như còn trẻ. Hạ sỹ quan là người lớn nhất ở tuổi 23. Anh lấy một chai rượu vang đỏ từ túi bánh mì của mình, một người khác đặt bánh mì lên bàn. Mẹ cắt bánh mì thành lát. Bà rót một ít rượu vào cốc: “Để phần Herby!” Phần còn lại được chia.

Bây giờ mọi thứ đã sẵn sàng cho bữa ăn Giáng sinh. Hai ngọn nến lung linh trên bàn, bên cạnh đó là ấm đun nước với súp, bánh mì cắt lát được đặt trên đĩa, và mọi người đều có một ít rượu. Tôi đang ngồi giữa Jim và Ralph. Mẹ ngồi ở đầu một chiếc ghế dài. Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào bà. Ở nhà tôi việc cầu nguyện lớn tiếng trước khi ăn là không thông dụng, nhưng bây giờ mọi thứ đã khác. Đó là một tâm trạng lễ hội. Không ai có thể nghĩ đến việc tham gia một bữa ăn thịnh soạn mà không cầu Chúa.

Ralph nắm lấy bàn tay của những người ngồi bên cạnh, Jim cũng làm như vậy và vì thế chúng tôi ngồi quanh bàn nắm tay nhau để cảm ơn Chúa. Mẹ nói với sự thân mật cảm động, như thể bà đang thông báo Giáng sinh: “Hãy đến, Chúa Giêsu kính yêu, và là khách của chúng con…” Mẹ kết thúc bằng những lời: “Và, chúng con xin Ngài, cuối cùng hãy chấm dứt cuộc chiến này.” Khi tôi nhìn xung quanh Tôi nhận thấy mắt những người lính ngấn lệ. Và không ai xấu hổ vì điều đó…

Sau bữa tối có bánh pudding dứa mà Jim lấy ra khỏi túi áo trong những lon nhỏ màu xanh ô liu. Sau đó những người lính trao đổi thuốc lá, chẳng mấy chốc, mọi người đều có một điếu trong miệng cho đến khi cậu “bác sĩ” lo lắng về Herby nói một lời đầy quyền lực:

“Ra ngoài! Ra ngoài, ở đấy không khí trong lành!”. Bên ngoài là một đêm Giáng sinh rực rỡ. Mẹ đã đi cùng và chỉ vào Sirius, ngôi sao sáng, sáng nhất: “Đây là ngôi sao của Bethlehem, nơi tuyên bố hòa bình!”

Không ai nói một lời. Cuộc chiến bây giờ dường như rất xa và gần như bị lãng quên. Sau đó chúng tôi đi ngủ. Những người lính ngủ trên sàn trong những chiếc áo khoác dày. Tôi vẫn có chỗ nằm, trên giường của mẹ tôi.

Herby là người đầu tiên thức dậy. Mẹ làm cho anh ta một món từ loại thực phẩm tăng lực và bột trứng của Mỹ, phần còn lại của rượu vang đỏ và rất nhiều đường. Bữa sáng Herby ăn phần còn lại của súp gà với chúng tôi. Sau đó, người hạ sỹ quan chỉ cho người Mỹ đường đến toán quân Mỹ. Một la bàn Đức đổi chủ nhân…

“Hãy đi cẩn thận, nhiều cung đường đã bị đặt mìn đấy!” Bác sĩ dịch sang tiếng Anh. Sau đó, người Đức lại tự lấy vũ khí và giờ đến lúc phải nói lời tạm biệt. Mọi người ôm nhau vui vẻ; họ hứa sẽ gặp lại nhau. “Ngay khi cái trò chiến tranh chết tiệt này kết thúc!”

Herby được nâng lên chiếc cáng của anh ta, và với một chút bồi hồi chúng tôi chia tay nhau. Chúng tôi nhìn dõi theo họ đi cho đến khi họ đến rừng. Tôi không bao giờ quên đêm đó ở Ardennes. Tôi thường nghĩ về mẹ tôi và những người lính trẻ gặp nhau như kẻ thù và chia tay như những người đồng đội.

P.S.

Fritz Vincken di cư sang Hoa Kỳ vào năm 1959. Cha ông mất năm 1963 và mẹ ông ba năm sau đó. Năm 1971 ông mở một quán ăn đồ bánh bột mỳ kiểu Đức ở Honolulu (Hawaii) – ngày nay các con ông ta vẫn quản lý nó. Fritz đã dành nhiều năm để tìm kiếm những người lính từ đêm Giáng sinh năm nào. Năm 1996, ông tìm thấy Ralph và Ralph vẫn giữ chiếc la bàn Đức. Một tháng sau ông tìm ra Jim tại một trại dưỡng lão. Cả hai đến nay đều đã chết. Fritz không tìm thấy ai trong số những người lính Đức, có lẽ mấy tháng cuối của cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng họ. Đó là lý do tại sao Fritz viết ra câu chuyện này, mà “Neue Revue” in. Mong muốn lớn nhất của ông là tìm lại một trong những người lính Đức có thể vẫn còn sống đó…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *