Nếu không nhanh chóng thay đổi và thay đổi triệt để, ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục suy thoái và thậm chí không thể tồn tại.
Thị trường thế giới cạnh tranh gay gắt
Đây là ý kiến được ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đưa ra tại Hội nghị Toàn thể hội viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 12/6.
Ông Quang phân tích, hiện ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn như tỉ lệ thành công thấp, giá thành sản xuất cao, sản lượng tôm sú không tăng. Những thực trạng này đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp nhanh chóng, triệt để để tránh đi vào “vết xe đổ” của ngành tôm Thái Lan trước đây và tăng sức cạnh tranh với hai thị trường lớn là Ấn Độ và Ecuador.
“Trước đây ngành tôm Thái Lan đứng thứ 2 thế giới, nhưng vì không có sự thích ứng kịp thời nên hiện đã lùi về top sau. Trong khi đó, Ấn Độ và Ecuador đã vươn lên nhờ giá thành tôm thấp và giống tôm ổn định”, ông Quang nói.
So sánh giữa ngành tôm của ba nước Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador, ông Quang cho biết hai nước Ấn Độ và Eucador đã có nhiều sự thay đổi từ những năm 2000 để có được vị trí ngày hôm nay.
Hội nghị Toàn thể hội viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2023. |
Ví dụ, ông Quang chỉ ra hiện giống tôm Việt Nam đang không có công nghệ gene mà phụ thuộc nhập khẩu tôm bố mẹ. Trong đó, dùng chủ yếu dòng siêu lớn, lớn nhanh, dùng ít dòng cân bằng và rất ít dòng kháng bệnh. Điều này khiến khả năng tự chủ con giống của các doanh nghiệp chỉ khoảng 10 – 15%, tỷ lệ sống khoảng 40%, hiệu suất 6,7 tấn tôm/triệu post (post: con giống, PV), đều rất thấp.
Tại Ấn Độ, tình trạng này cũng xảy ra, tuy nhiên các doanh nghiệp nước này sử dụng chủ yếu dòng tôm giống cân bằng, dùng rất ít dòng siêu lớn, lớn nhanh và dùng ít dòng kháng bệnh. Từ đó, tỷ lệ sống đạt 66% và hiệu suất đạt 8,6 tấn/triệu post, cao hơn khá nhiều so với Việt Nam.
Trong khi đó, từ những năm 2000, Ecuador đã bắt đầu chọn lọc và gia hóa tôm giống, giúp nội địa hóa con giống. Trong đó, họ dùng ít dòng giống cân bằng và dùng chủ yếu giống kháng bệnh. Hiện nay, nước này có khả năng tự chủ 100% con giống và có tỷ lệ sống lên tới 75%, hiệu suất đạt tới 12 tấn tôm/triệu post.
Theo ông Lê Văn Quang, sở dĩ tình trạng này trở nên nhức nhối, kéo lùi sự phát triển của ngành tôm nguyên nhân nhiều cũng do người dân muốn nuôi nhiều, muốn sản lượng cao, dẫn tới việc chọn giống tôm siêu lớn, siêu nhanh, mật độ nuôi cao so với sức tải sinh thái và khả năng quản lý ao, từ đó lại tạo ra sự lãng phí tài nguyên, chi phí nuôi cao mà lại khó cạnh tranh với nước bạn, ông Quang cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư – baodautu.vn, bà Võ Thị Lâm Chi, Phó giám đốc Công ty TNHH Hải Ân cho biết thêm, tuy là mặt hàng thuộc nhóm nhu yếu phẩm thiết yếu nên đơn hàng cho ngành tôm vẫn còn, song đã giảm rất mạnh, thậm chí còn xảy ra tình trạng ép giá bởi sự thay đổi của mệnh giá đồng tiền.
Song song với đó, giá thành nguyên liệu từ con giống tới thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, tạo sức ép lớn cho doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp dù giá thấp cũng phải bán, khiến lợi nhuận hao mòn, có những doanh nghiệp thậm chí đã phải cắt giảm công nhân để giảm chi phí vận hành.
Cần thay đổi triệt để
Trước thực trạng ngành tôm Việt Nam hiện nay, ông Lê Văn Quang đã đề xuất đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam giai đoạn 2023 – 2045, trong đó cần cải thiện tỉ lệ thành công trong nuôi tôm, tối thiểu 70% bằng cách nuôi giống kháng bệnh, thích nghi, giảm mật độ nuôi.
Đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm từ 5 – 10% bằng cách đạt chứng nhận ASC, BAP, truy xuất được nguồn gốc; có giá thành sản xuất cạnh tranh được với Ấn Độ sau 5 năm và Ecuador sau 1 năm.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng lợi nhuận, chia sẻ hợp lý trong chuỗi giá trị tôm nhằm tăng cường liên kết chuỗi giá trị; chủ động hoàn toàn việc gia hóa, chọn giống 3 loài tôm bản địa là tôm sú, tôm bạc thẻ và tôm đất, sản xuất tôm giống chất lượng cao.
Ông Quang cũng cho rằng, cần nâng sản lượng tôm sú lên tối thiểu 50% sản lượng tôm nuôi quốc gia, chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường quốc tế.
Để làm được vậy, ông Lê Văn Quang đã chia sẻ 7 giải pháp mà thủy sản Minh Phú đã bắt đầu triển khai trong 2023.
Ngành tôm Việt Nam cần nhanh chóng có sự thay đổi triệt để để cạnh tranh với các nước khác trên thị trường quốc tế. |
Theo đó, Minh Phú đã giảm mật độ nuôi, cải thiện và quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống bằng phần mềm, chọn đúng tôm bố mẹ có sức chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường, cải tiến quy trình bằng việc sử dụng khuê tạo, chức năng, nguồn nước sạch từ đó tăng tỉ lệ sống của tôm nuôi, tỉ lệ thành công và chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, Minh Phú cũng xây dựng kế hoạch gia hóa, chọn giống 3 loài tôm bản địa gồm tôm sú, tôm bạc thẻ và tôm đất để đa dạng hóa thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, tiến tới chủ động về nguồn con bố mẹ, cải thiện hiệu quả nuôi.
Ông Quang cũng cho biết, hiện thủy sản Minh Phú đã và đang hợp tác với Cơ quan nghiên cứu Khoa học và công nghệ Australia (CSIRO) để tiếp nhận công nghệ và nghiên cứu để sản xuất ở quy mô lớn các sản phẩm thức ăn như tảo khuê, luân trùng phục vụ sản xuất tôm giống và sử dụng Vitamin C cho tôm (Nova-C) trong thức ăn nuôi tôm để nâng cao chất lượng tôm giống. Đồng thời, thử nghiệm hệ thống quản lý chất lượng tôm giống đã được số hóa do CSIRO xây dựng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc nhờ sử dụng công nghệ blockchain.
“Không ngừng đầu tư phát triển khoa học công nghệ, lập các đề án nâng cao năng lực cạnh tranh, định hướng sản phẩm tốt chính là khoản đầu tư cho tương lai”, ông Quang nói.