Mở hàng lấy ngày, người bán ô tô cũ livestream chờ khách tới mua. Clip: Trung Hiếu.
Mở hàng lấy ngày, người bán ô tô cũ livestream chờ khách tới mua
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, nhiều đại lý, showroom ô tô cũ tại các tuyến đường Thủ đô như Trần Thái Tông, Tố Hữu, Nguyễn Xiển… đều vắng khách dịp đầu năm mới, một số cơ sở vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Lượng khách tới xem chưa nhiều, không khó để bắt gặp hình ảnh nhân viên bán xe tranh thủ mang các loại ô tô cũ ra để lau rửa sạch sẽ. Theo dự đoán của anh Nguyễn Trọng Tuấn – chủ cơ sở kinh doanh ô tô cũ trên đường Nguyễn Xiển (Hoàng Mai, Hà Nội), phải qua rằm tháng Giêng (tức 15 âm lịch), việc mua bán, giao dịch xe cũ mới “nhộn nhịp” hơn.
““Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, mọi người đều đi du xuân, tham quan đình chùa… Do đó, lượng khách mua xe cũ đầu năm bao giờ cũng vắng hơn thời điểm cuối năm. Khách mua xe để chạy dịch vụ thì phần lớn họ đều mua trước Tết, tầm tháng 11, 12 dương lịch để có mức giá rẻ hơn. Từ nhiều năm nay, tôi mở hàng vào mùng 6 Tết vì số 6 là số đẹp, được nhiều người yêu thích mà thôi”, anh Tuấn tâm sự.
Vừa tỉ mẩn lắp các dụng cụ cho buổi livestream bán hàng “khai xuân”, anh Tuấn vừa tiếp lời: “Mở hàng được mấy ngày nhưng tới hôm nay tôi mới làm việc này. Từ khi tôi livestream bán hàng thì lượng khách đông hơn và họ không ở một khu vực nhất định nữa mà sẽ phân bố trên cả nước luôn. Tôi nhận thấy khách hàng hiện nay thích xem các video mô tả chi tiết về xe, nhiều người nói với tôi là khi họ thấy tôi livestream mà còn vướng bóng người trên xe thì họ rất thích vì nó thực tế”.
Theo anh Tuấn, dịp đầu năm, dù lác đác có khách tới xem nhưng số xe giao dịch thành công thời điểm này cũng không nhiều. “Thực ra bây giờ ai cũng vậy thôi, đi mua thì người ta sẽ xem ở nhiều cơ sở, so sánh giá của bên nọ với bên kia. Việc tư vấn, làm giá của chúng tôi cũng rất vất vả, có những người đến xem xe và có vẻ “ưng” rồi nhưng phải đến khoảng một tháng sau người ta mới lại quay trở lại trả giá chiếc xe đó tiếp”.
Trước đây, cửa hàng của anh Tuấn có đến hơn 10 nhân viên nhưng hiện tại, số lượng đã giảm đi một nửa. “Từ sau dịch Covid-19, việc kinh doanh của tôi gặp nhiều khó khăn hơn, doanh số bị ảnh hưởng. Thời điểm ế ẩm quá, mà anh em mua xe về nhiều nhưng không bán được thì cũng phải bán cắt lỗ để đẩy hàng đi. Tôi cũng phải làm thêm nghề tay trái ở một công ty truyền thông để thu nhập từ hai công việc gồng gánh giúp nhau”.
Đầu năm, người bán gặp khó trong việc tìm mua ô tô cũ
Tìm đến một cơ sở kinh doanh xe cũ trên đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), PV quan sát thấy không gian trưng bày hàng bán tại đây chỉ còn lác đác 1 – 2 chiếc ô tô cũ. Rảnh việc, một nhân viên vừa ngồi bấm điện thoại vừa chia sẻ: “Chúng tôi muốn mua nhưng dân người ta không bán, bình thường là bên tôi không hạn chế số lượng xe mua vào, chỉ cần chất lượng xe đảm bảo đầu vào thì có thể mua từ 30 – 50 chiếc một lúc cơ”.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, anh Nguyễn Kiên – chủ cơ sở kinh doanh xe cũ trên đường Phạm Văn Đồng nói: “So với cùng kỳ năm ngoái thì số lượng xe mình nhập là đã bị giảm đi đáng kể. Mọi người ít có nhu cầu bán ra mà đa phần muốn giữ nguyên chiếc xe mình đang đi, không thay đổi gì nhiều”.
Cơ sở kinh doanh của anh Kiên thường mua xe từ ba nguồn chính: khách quen, người theo dõi cửa hàng qua mạng xã hội hoặc mua qua những trang giao vặt. Anh Kiên đưa ra dự đoán về dòng ô tô cũ được khách hàng ưa chuộng trong năm nay: “Tôi cho rằng, những chiếc xe hạng A, B, C với mức giá dưới 900 triệu đồng sẽ được nhiều người tìm mua thời gian tới. Ở phân khúc hạng A thì mọi người có thể quan tâm tới chiếc Kia Morning, Fadil… Phân khúc hạng B thì có các mẫu City, Vios, Accent bán khá chạy thời gian gần đây. Phân khúc hạng C thì là những chiếc như Mazda 3, Cerato (K3)… có tính thanh khoản cũng tốt. Đây đều là những phân khúc xe bình dân mà nhiều người có thể tiếp cận được”.
Khi được hỏi về đối tượng khách hàng chính của cửa hàng, anh Kiên cho biết: “Tập khách hàng bên mình tương đối là trẻ, mọi người sẽ dao động trong khoảng 22 đến 35 tuổi và khách hàng của mình phải chiếm tới 70% là công chức, dân văn phòng cũng như là người làm trong các cơ quan nhà nước, họ mua xe để tự thưởng cho thành quả lao động của bản thân.”
Là một người sành chơi xe hơi, anh Nguyễn Thành Hiếu (30 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm mua ô tô cũ: “Bản thân người mua cũng phải tìm hiểu và có kiến thức về dòng xe định mua. Khách hàng nên lựa chọn những đại lý bán hàng uy tín. Mọi giao dịch chỉ nên được thực hiện sau khi người mua đến tận nơi kiểm tra qua nhiều bước như: kiểm tra bộ khởi động xe, kiểm tra gầm bệ, kiểm tra nước mát, kiểm tra điều hòa, kiểm tra dầu, kiểm tra chân côn, kiểm tra còi đèn, xi nhan…”.