ĐẤT KHÁ ĐỘC
Phần 11: Trùng Tang Pro Max
Tối đó, ngoài trời mưa lớn, điều đấy khiến kế hoạch đi chơi điện tử của đám bọn tôi bị hoãn lại.
Tôi chán chường ngồi dưới mái che ở vườn sau, vừa rít vài hơi thuốc vừa suy nghĩ mông lung.
Chợt, nghe tiếng bước chân đang tới gần. Tôi giật mình ném thứ đang cầm trong tay rồi nhanh trí bóc kẹo sing-gum ra nhai.
– Mày biết tin gì chưa?! – Hoa rời khỏi hiên nhà, nó tới gần bên tôi.
– Hả sao bác?
– Có ông thợ điện bị tai nạn hồi trưa ở xóm Cầu. Ông ấy là ông Phương đó!
Tôi chớp chớp mắt, vẫn chưa hiểu gì.
– Là ông nào bác?
Hoa ngồi lên chiếc ghế gỗ. Giọng nó trầm xuống.
– Theo tao hóng được. Đấy là đàn em của ông Miên! Một trong những người từng tham gia vào việc chặt cây da!
Tôi hốt hoảng, muốn té luôn khỏi chiếc võng gai.
– Ối thật hả? Tin này có xác thực chưa bác???
– Chắc chắn đúng! Tới giờ mà mày vẫn nghi ngờ vào trình độ hóng chuyện của tao à?
Tôi đưa tay lên vò tóc.
– Chà! Căng thật…Nhưng…
– Hay là bọn mình cứ xem chuyện này chỉ là yếu tố ngẫu nhiên đi bác…
– Tai nạn là việc khó tránh khỏi…!
Hoa gật đầu.
– Tao chưa vội kết luận đấy là do tà linh khử ở cây da làm đâu. Và tao cũng nghĩ điều này rất khó xảy ra.
Tôi hiểu mọi chuyện một cách tương đối rõ ràng. Tôi liền đáp:
– Phải! Rất mâu thuẫn bác ạ. Như hôm trước bác phân tích, yêu ma vốn đã mạnh, bắt người làm gì nữa chứ?
– Với cả, cô Nơ yểm cây da. Kẻ âm vô tình thoát được nhờ chặt cây, lẽ ra họ phải mừng. Thay vì trả ơn, sao phải hại mấy người đó đúng không?
Hoa tròn xoe đôi mắt nhìn tôi.
– Quào! Tự nhiên mày bỗng thông minh một cách lạ thường vậy?
Tôi cười khoái chí.
– Bác quá khen rồi. Trước giờ em vẫn vậy mà…
…
Sáng hôm sau.
Lại một ngày mới bắt đầu ở chốn vùng quê. Trời đã ngưng mưa, nhưng chẳng có chút nắng nào rọi xuống đất này.
Mấy tuần trước, ông Miên có giới thiệu cho đàn em của mình là Ngoan một “kèo” làm ăn ở gần đường Kỳ Lân. Căn biệt thự đầu tiên và duy nhất tại làng này đã sắp hoàn tất.
Chủ đầu tư là đại gia ở tỉnh, quen biết với ông Miên. Ngoan được giới thiệu tới làm mộc cho ngôi biệt thự ấy.
Hôm nay, ông Ngoan cùng đoàn thợ đến thi công cửa sổ. Mặc dù biết chuyện bạn mình là ông Phương vừa mới mất. Nhưng Ngoan vẫn tranh thủ sắp xếp công việc để chiều thăm viếng.
Tới gần trưa, khi sắp tới giờ nghỉ. Đã có một chuyển xảy ra khiến ai cũng bàng hoàng.
Ông Ngoan bất ngờ bị tai nạn khi đang dọn dẹp. Ông ta rơi từ lầu 3 của ngôi nhà xuống. Như có sự dữ sắp đặt sẵn, ông Ngoan bị mớ sắt bên dưới xiên trọn vào người…
Ông không qua khỏi trong khi được đưa đến bệnh viện xã.
…
Tin này nhanh chóng được lan truyền. Nhiều hàng xóm sống gần cây da nắm được thông tin người mất. Họ không khỏi khiếp đảm khi hai người liên quan tới vụ chặt cây vài tuần trước nay đã vong mạng. Chưa tính đến con trai ông Miên.
Những lời đồn đoán bắt đầu hình thành. Bà con cho rằng; Ma quỷ từng ở cây da đang nổi giận. Chúng trú ngụ tại đó bao năm nay, giờ không còn chỗ ẩn náo nữa, chúng điên tiết nên mới báo thù.
…
Khi ấy tầm hơn hai giờ chiều. Tôi lại hết thuốc hút nên cuốc bộ đi mua. Ngang qua lũy tre, thấy vài ba người bàn tán. Tôi lại hỏi chuyện và chính thức biết được ông Ngoan vừa gặp tai nạn.
Nhìn khung cảnh âm u hai bên đường. Trong đầu tôi như mớ hỗn độn, chẳng biết rốt cuộc nguyên nhân những cái chết liên tục là vì sao. Và khi nào mới thật sự dừng lại…
Rời khỏi đoạn dốc, tôi chợt nghe mùi khói nhang.
Vị trí ở gốc cây da cũ, có vài bà con đang xúm lại.
Họ là người dân sống quanh đây, thực hiện cúng kiếng khấn vái xin kẻ âm đừng hại thêm ai nữa.
Nhìn mâm đồ đặt ở trên bàn nhỏ có trái cây, gạo, bánh,…Hương nhang thì nghi ngút. Tôi thầm nghĩ; Liệu mấy thứ này có làm nguôi ngoai các tà linh khử?
– Này mấy người kia! Có thôi đi không?!
– Trước nhà tôi đâu phải chỗ cúng bái lung tung!
Ngọc – Con gái lớn của ông Miên bước ra, đưa tay xua đuổi. Kế bên là Thuỳ – Con gái ông Chung(người từng tham gia chặt cây da) cũng hùa theo lớn tiếng.
Thi thoảng, Thuỳ qua nhà chơi với Ngọc. Hai cô gái này tầm hơn tôi chục tuổi lúc bấy giờ. Tính cách họ giống nhau, chảnh chọe và khó gần.
– Mấy cháu ơi! Mình phải cúng, vong âm mới thôi phá…! Mọi người làm vậy chỉ muốn tốt cho gia đình cháu thôi…
– Cô Nơ lúc sống đã dặn đừng chặt cây.
– Nhưng nhà cháu vẫn làm. Bây giờ hậu họa đang tới đó…
– Ừ ừ…!
Nghe hàng xóm nói vậy. Thuỳ trề môi:
– Thôi đi! Thời đại nào rồi mà mấy cô mấy bác còn mê tín quá! Đốt nhang đốt giấy hôi chết đi được!
Ngọc nạt:
– Mấy người dẹp ngay! Bố tôi về lại mắng cho trận bây giờ!
Một ông bác tỏ vẻ khó chịu:
– Nói chuyện với người lớn cho lễ độ chứ cháu! Có thờ có thiêng có kiêng có lành. Nhà đã mất thằng út rồi, còn muốn mất thêm ai à?
– Này anh! Đừng nói vậy chứ…
Ngọc điên tiết lên:
– Cái ông kia! Ông đừng tưởng lớn tuổi rồi muốn nói gì thì nói! Trù ẻo nhà tôi à?
Ngọc xồng xộc bước lại. Cô ấy đưa tay hất tung chiếc bàn cúng. Bánh kẹo, nhang đèn đều rơi vãi hết xuống đất.
– Cái cô kia!!! Sao cô…
– Thế nào? Đây là phần đất trước nhà tôi.
– Mấy người làm vậy chẳng phải đang trù gia đình tôi à? Dẹp cái mớ này ngay! Tôi vào gọi báo xã xuống giải quyết bây giờ!
Nói xong, Ngọc và Thuỳ trở lại vô nhà. Hai cô gái còn quay đầu lại lườm liếc, chửi đổng.
– Đúng cha nào con nấy! Hách dịch! Thiếu giáo dục!
– Thôi bác ơi…Bỏ đi…
…
Mọi người khấn vái xung quanh bàn cúng rồi cùng nhau dọn dẹp.
Tôi lầm lũi bước đi. Có thể cái chết của ông Ngoan và ông Phương đơn thuần do tai nạn, nên gia đình kia chưa nhận thức được sự nghiêm trọng của sự việc này. Hoặc sâu trong tiềm thức của họ, vốn chẳng tin vào tâm linh.
Nhưng cũng có thể, ông Miên có quá nhiều đàn em và luôn coi họ là “công cụ”. Nên việc hai người kia mất, chẳng tác động nhiều vào cách nhìn và quyết định của ông…
…
Bạn đang đọc một tác phẩm của người viết Hoàng Ez – Biên tập Phạm Đào Hoa
Chập hơn 5 giờ chiều. Trời thì lạnh, bụng cũng đói, tôi tranh thủ làm mọi thứ nhanh gọn. Sau khi tắm rửa cơm nước, tôi vào phòng ngồi bàn chuyện với Hoa.
Tú Dẹo nằm bấm điện thoại bên cạnh, thằng này vốn không hứng thú với ma cỏ, nên từ bữa tới nay nó chẳng hỏi gì bọn tôi.
– Tao vừa tra lại sách, phát hiện ra một hiện tượng. Nếu đúng những việc đang diễn ra là hiện tượng đó, thì nó còn nguy hiểm hơn cả “trùng tang liên táng”!
Tôi gãi đầu:
– Cụ thể hơn đi bác!
Hoa giải thích: Hiện tượng trùng tang chỉ đơn thuần “trùng đạo” rơi vào người trong một dòng họ, có quan hệ huyết thống. Tuy nhiên, việc đang xảy ra kéo luôn cả người ngoài, tức ông Ngoan và ông Phương. Do vậy, đây có khả năng được gọi là hiện tượng “Liên Tang”.
Liên Tang mang điểm chung với Trùng Tang ở chỗ: Trong một khoảng thời gian ngắn, từ vài ngày cho đến hạn ba năm, những người được sấp vào “trùng đạo” sẽ luân phiên rời khỏi cõi trần. Và hiện tượng này chỉ dừng lại khi đã bắt đủ người hoặc có sự can thiệp của các thầy pháp.
Nguyên nhân Liên Tang hình thành thường rơi vào trường hợp: Một nhóm người từng cùng nhau làm việc ác, nay nhận báo ứng.
Thay vì hiện thân của Trùng Tang là Trùng Điểu với yếm đỏ, đến nơi người mới mất để tra hỏi thông tin, thì Liên Tang không như vậy.
Liên Tang là sự “nối tiếp”.
Người đầu tiên sau khi mất sẽ nhận lấy một phần yêu, hoá thành dạng quỷ tương tự với bậc âm tà thực hiện báo oán, gọi là “nhất liên hồn”.
Sau đó, nhất liên hồn sẽ đi bắt mạng người tiếp theo. Và người tiếp theo lại hoá thành dạng quỷ được gọi là “nhị liên hồn”.
Một lần nữa, “nhị liên hồn” bắt người kế tiếp và người ấy trở thành “tam liên hồn”.
Nếu tới đây, tang đạo dừng lại, không người nào bị bắt nữa thì gọi là “tam liên nhẹ”.
Trái lại, tình thế sẽ hoàn toàn bị đảo lộn nếu “tứ liên hồn” xuất hiện. Tứ liên hồn sẽ bắt người có quan hệ gần cho tới khi nào các âm tà bảo dừng thì dừng. Nếu điều này xảy ra, sẽ được gọi là “tam liên nặng”.
Theo ghi chép, nhất và tứ liên hồn được xem là mối nguy lớn đối với các thầy pháp chưa đủ đạo hạnh. Do vậy, việc xem xét hiện tượng, tính toán trước khi ra tay hoá giải cần được coi trọng hơn cả.
Sau khi nghe Hoa luận giải một điều rất mới mẻ, tôi bắt đầu cảm thấy lo cho số phận của những ai liên quan tới việc chặt cây da.
– Ôi trời…Chỉ mong ông Ngoan là người cuối cùng rồi bác ạ…Nếu nữa thì nguy mất…
Hoa gật đầu:
– Mặc cho điều này không ảnh hưởng đến chúng ta ở hiện tại.
– Nhưng biết đâu, nó sẽ làm vùng đất này rơi vào cảnh tang thương dai dẳng…Đó là điều đáng sợ của Liên Tang…
Tôi thở dài:
– Nhưng…Chúng ta chỉ có thể đứng ngoài cuộc thôi bác nhỉ…? Đâu thể làm được gì…
– Mấy anh chị ơi! Đi ăn chè không? – Nhóc Phú hí hửng chạy vào phòng chúng tôi.
– Ăn gì giờ này, mưa gió… – Hoa lườm thằng em mình.
– Ừ đúng đó! Ở nhà ấm cúng thì không chịu, thiệt tình mấy ba mấy má rảnh dễ sợ.- Tú Dẹo nói chêm vào.
Tôi bật cười:
– Có gì đâu hai người căng vậy. Thôi đi đi cho vui!
Hoa lại cắm cúi vào quyển sách.
– Tao bận đọc rồi. Để khi khác.
Tôi kéo tay Tú Dẹo.
– Đi mày!
– Ui da…Đau em…Đồ bạo lực!
…
Mới hơn sáu giờ, trời trên cao đã sầm tối. Lại là 3 anh em: Tôi, nhóc Phú và Lì với đèn pin trên tay. Quán chè nằm gần chợ, tức cũng khá xa. Nhưng không sao, tôi thích ra ngoài ở cái thời tiết này, cảm giác lành lạnh, vị “mưa” thoang thoảng trong không gian, ai thế nào chứ tôi lại thấy rất dễ chịu.
Đi ngang qua bụi tre, một lối nhỏ nằm phía bên phải. Chỗ đấy có cái trại gà, nên đèn hắt ra ngoài khá sáng.
Tôi chợt thấy phía xa nơi lối vắng vẻ ấy, một cô gái đang thẩn thờ, đi từng bước như người mất hồn.
Tôi đoán ra ngay đó là chị Ngọc – con ông Miên, cái người chửi bới hàng xóm hồi đầu giờ chiều. Tuy rằng khoảng cách từ đây tới đó tương đối xa, nhưng với chiếc áo đỏ chót kia, tôi không nghĩ mình nhầm.
– Ê ê! Hai bây! Cái chị con ông Miên đang đi đâu kìa!?
Phú và Lì quay đầu nhìn rồi chăm chăm đôi mắt vào tôi.
– Hả? Gì vậy? Thấy ai đâu?
– Ừ. Anh Hoàng bị ảo giác hả?
Tôi xoay thoắt cả người về phía lối ấy.
Thật kỳ lạ, cô con gái ông Miên đã biến mất tựa lúc nào?
Tôi há hốc mồm.
– Ơ…Ơ???
– Sao đi nhanh như vậy???
– Ê bọn mày! Đường ấy là dẫn tới đâu thế???