Sau Hỏa Ngục (Inferno), Dan Brown tiếp tục đưa độc giả của mình đến với cuộc phiêu lưu mới của giáo sư Robert Langdon ở Tây Ban Nha. Với Nguồn cội (Origin), giáo sư Langdon sẽ bắt đầu từ Bilbao, Madrid, Seville đến Barcelona, trong đó, Barcelona chiếm phần lớn thời lượng. Việc của giáo sư Langdon là đi giải mã nhiểu biểu tượng cổ, những ký tự bí ẩn,…còn việc của khách du lịch là “Chúng ta chơi gì, chúng ta ăn gì” khi đến Barcelona.
Antoni Gaudi: Ở Barcelona, Gaudi được mệnh danh là “Kiến trúc sư của Chúa”. Những kiến trúc của ông tạo ra được UNESCO thừa nhận là di sản thế giới như: Công viên Güell (1900-1914); Casa Battlló (1905-1907); Casa Milà (1905-1910); Vương cung thánh đường Thánh Gia/Basilica Sagrada Familia. Tất cả đều xuất hiện trong chuyến phiêu lưu của Langdon ở Barcelona. Vì vậy, những ai đã từng du lịch Barcelona chắc hẳn sẽ không bỏ qua những địa điểm tham quan này.
Gaudí rất mạnh về kiến trúc đường cong, biến những hình khối kiến trúc thành các kiệt tác mềm mại, uyển chuyển, nhẹ nhàng quyến rũ. Trang bìa của cuốn Origin, Dan Brown đã sử dụng hình ảnh chụp cầu thang hình xoắn ốc tại Casa Mila làm hình ảnh minh họa, vừa làm nổi bật phong cách kiến trúc của Gaudi, vừa là trọng tâm của cuốn truyện với câu hỏi “Chúng ta đến từ đâu, Chúng ta sẽ đi về đâu”.
Công trình Casa Batllo của Gaudi được Starbucks chọn làm biểu tượng của thành phố Barcelona trong chiếc ly Barcelona City của hãng café Mỹ này. Để vào được bên trong tham quan ngôi nhà này thì cần phải kiên nhẫn khi đứng xếp hàng chờ đến lượt hơi bị lâu.
Được biết, mùa bóng 2017/2018, Barcelona FC đã tung ra mẫu áo có in họa tiết theo phong cách của Gaudi.
Messi: Nếu như Gaudi là Kiến trúc sư của Chúa ở Barcelona, thì Messi, một người Argentina lại được xem là biểu tượng bất tử của CLB Barcelona, niềm tự hào của xứ Catalunya. Từ một cậu bé còi cọc, ốm yếu ở Rosario, Argentina, Messi đã vươn lên thành một thiên tài ở Barcelona, không chỉ được fan của Barca mến mộ mà còn cả hàng triệu triệu người yêu bóng đá trên thế giới, kể cả fan của CLB đối thủ mê mẩn. Đến Barcelona, ta không nên bỏ qua cơ hội mua sắm ở Barca Store có ở khắp nơi trong thành phố, để sắm cho mình một chiếc áo của Messi hoặc một cầu thủ Barca nào đó, để làm kỷ niệm cho riêng mình hoặc tặng cho người thân, bạn bè ở quê nhà. Mình đã thăm hàng trăm Store của các CLB bóng đá trên thế giới, nhưng Barca Store được xem là đẹp nhất thế giới, một trong những thiết kế của Barcelona store đã mình được copy để về làm thiết kế cho một phần bảo tàng mini của…AC Milan ở Việt Nam. Lạc bước trong Barca store giống như các tín đồ hàng hiệu chót đưa chân vào các store của Chanel, LV, Prada, Gucci vậy.
Là một fan của AC Milan nên không thể “yêu” một cầu thủ của CLB khác, nhưng Messi và Maradona (cũng là một cựu cầu thủ của Barca) là một ngoại lệ. Trước khi đến Barcelona xem Messi đá, thì cũng đã thực hiện chuyến đi đến Argentina thăm căn nhà đầu tiên, nơi Messi sinh ra ở Rosario (có lẽ là người VN đầu tiên đến ngôi nhà này); ăn ở nhà hàng của gia đình Messi và thăm CLB đầu tiên thời Messi đang còn nhỏ đã luyện tập ở đây, đó là Newell’s Old Boys.
Đáng tiếc, vì quản lý yếu kém, nay Barcelona đã không thể giữ được Messi, đánh mất báu vật của mình vào tay gã nhà giàu Paris Saint-Germain của Pháp. Có lẽ Barca sẽ mất một thời gian rất dài để tìm được một ngôi sao khác có thể thay thế được Messi, như cái cách mà thành phố Barcelona đã và đang mất hàng trăm năm để hoàn thành công trình vĩ đại Basilica Sagrada Familia mà Gaudi đã để lại cho hậu thế. Đây cũng là một mất mát của nhiều khách du lịch khi đến với Barcelona vì “No Messi, No Party”.
Camp Nou: Khi giáo sư Langdon tới Barcelona, ngoài những công trình kiến trúc ấn tượng của Gaudi thì sân Camp Nou cũng lọt vào mắt của ông dù chỉ là 1 giây. Camp Nou là nơi thể hiện dòng chữ “Més que un club”, dịch từ tiếng Catalunya có nghĩa là “Hơn cả một CLB”, nó không chỉ đơn thuần chỉ là bóng đá mà là biểu tượng của những giá trị của xứ Catalunya. Messi có thể ra đi, nhưng Camp Nou vẫn mãi trường tồn với xứ Catalunya.
Đối với một fan bóng đá, trong đời chỉ cần được xem trực tiếp một trận Siêu kinh điển El Clásico giữa Barcelona và Real Madrid trên sân Camp Nou là đã mãn nguyện lắm rồi. Hôm đó, trong một ngày tháng 4, mình đã được xem trận El Calsico với 4 bàn thắng chia đều cho 4 siêu sao Messi, Suarez (Barca) và Ronaldo, Bale (Real).
Ăn Jamon Iberico, xem nhảy Flamenco: Barcelona là thành phố nổi tiếng về du lịch nên ăn là một phần không thể thiếu khi đến đây. Có rất nhiều món ngon ở Barcelona, nhưng thú thực vì mất nhiều thời gian tham quan Barcelona và các công trình Gaudi nên trong 4 ngày ở đây ngày nào của chỉ chén mỗi món Jamon Iberico, món ăn số 1 ở TNB cũng như ở Barcelona. Ở trung tâm Las Ramblas, có rất nhiều nhà hàng, quán ăn bán Iberico ham xịn xò, ngon, bổ và hạt rẻ, vừa ăn vừa thưởng thức các vũ công nhảy điệu Flamenco trên nền nhạc guitar Tây Ban Nha, phê hơn nhiều so với xem trên phim ảnh, Youtube. Nhìn mấy em mặc váy đỏ đen bán vé xem nhảy Flamenco thôi mà cũng đủ thèm không khác gì nhìn thấy dĩa thịt Iberico mới cắt từ đùi heo đen TBN.
Móc túi ở Barcelona: Vì giáo sư Langdon quá bận rộn trong Nguồn cội nên không có thời gian xuống phố, nếu không thì đồ nghề của ông chắc còn mỗi cái nịt. Barcelona được xem là top 1 thành phố có tỷ lệ móc túi cao nhất Châu Âu, là “pickpocketing capital of the world” – thiên đường của tội phạm móc túi. Ngày xưa có câu nói “Một mét vuông ở Hà Nội có 8 thằng ăn trộm” thì ứng với Barcelona lại thành lạc hậu. Ở Barcelona thực ra xung quanh không biết ai là trộm, ai là người bình thường giống như mình. Trải nghiệm móc túi ở Barcelona cũng đã được chứng kiến người thật việc thật chứ không phải từ nhiều cảnh báo từ các trang du lịch cũng như khách Việt Nam nói về nó khi dính phải.
Đầu tiên là bị móc mất chiếc kính viễn ghẻ 5euro trong ngày đầu tiên di chuyển tàu điện ngầm trong thành phố. Có 3 ông bà già Tây ăn mặc rất lịch sự, họ nhìn mình chằm chằm trong lúc chờ tàu, cứ nghĩ họ nhìn là do mình mặc chiếc áo của Valencia FC, CLB đối địch với Barcelona FC, ai dè đâu mình chính là con mồi của họ vì là dân Châu Á. Khi lên tàu, 3 người này áp sát xung quanh rồi nói chuyện rất to để gây chú ý, khi thấy đầu gói có va chạm, theo thối qua khi di chuyển trên tàu ở Châu Âu là 2 tay cho vào túi quần giữ chặt điện thoại, tiền lẽ. Khi về đến khách sạn thì mất chiếc kính đểu để ở túi quần bắt gà vì nghĩ cái kính đểu này ai lấy làm gì.
Do không có kính đọc điện thoại nên sáng sớm hôm sau dậy sớm để ra hiệu thuốc mua kính, cẫn thận nhét điện thoại, bóp và ít tiền mặt vào trong ngăn thứ 3 của balo, đè bên ngoài là chân tripod, máy ảnh, lens nên việc lấy ra còn khó khăn chứ dễ gì mất cắp. Lúc xuống trạm tàu điện ngầm, có nhìn thấy một cặp đôi Tây cầm tay nhau đi giống như khách du lịch đang đi tới từ một đường hầm khác, lúc đó thoáng qua tưởng như đang mơ ngủ (như kiểu bị đánh thuốc mê hoặc thôi miên), sau đó có cảm giác sao chiếc balo trên lưng lại nhẹ như vậy (tầm 5kg), giật mình kêu to lên thì thấy cậu thanh niên xoa tay như ý là xin lỗi do va chạm, sau đó cặp Tây này lướt qua, mất mấy giây suy nghĩ mới lấy chiếc balo ra thì thấy toang hoác, vợi kiểm tra thì mới chỉ mất chiếc Iphone 6, bóp và tiến mặt vẫn còn. Trong cái rủi cũng có cái may là chưa bị lấy hết do tỉnh mộng sớm. Vội đuổi theo nhưng không kịp, có báo với tay cảnh sát ở ga nhưng thờ ơ không quan tâm vì họ coi đó là điều bình thường rồi. Sau này có check xem cái điện thoại mất ở đâu thì thấy ở một con phố nào đó ở Barcelona.
Tệ nạn móc túi khách du lịch là rất phổ biến ở Barcelona, nên đôi khi tất cả đều nghi ngờ nhau, ngay cả khi hỏi thăm đường ở dưới ga tàu do chưa quen trạm tàu đi, đến thì người dân ở đây cũng xua tay né tránh, lúc đó rất quê nhưng cũng hiểu được nguyên nhân vì sao. Kinh nghiệm chống móc túi, lừa đảo ở Châu Âu cũng kha khá mà đến Barcelona vẫn bị mất như thường, coi như là của đi thay người và có cơ hội dùng điện thoại mới. Sau khi mất điện thoại, vào quán café ngồi uống cho đỡ buồn thì lại gặp ngay được một bạn người Việt, từ thông cảm, an ủi, được xả tiếng Việt líu lô sau nhiều ngày, lại làm guide Barcelona cho bạn ấy lần đầu đến đây, chỉ dẫn cảnh giác mất trộm,…từ đó lại thành bạn bè của nhau đến bây giờ.
Tiếc nuối lớn nhất khi đến Barcelona là không tìm được bức tranh tường của một họa sỹ nào đó vẽ Messi và Ronaldo đang hôn nhau trên phố, tính làm quả ảnh “some” với 2 cầu thủ này cho phê mà cuối cùng thì bức tranh đã bị xóa mất.