Đại kiện tướng cờ vua có học thuộc lòng các biến khai cuộc không? Độ sâu thế nào?

TRẢ LỜI BỞI PETER FLOM – NGƯỜI CHƠI HỆ PHONG TRÀO NHIỀU THỂ LOẠI GAMES (CỜ VUA, CỜ VÂY, GIẢI ĐỐ Ô CHỮ, ĐÁNH BRIDGE)
Đại kiện tướng có học thuộc lòng khai cuộc không? Chắc chắn có.
Bao sâu? Cái này thì tùy thuộc cả vào biến khai cuộc và vị đại kiện tướng đó. Thời này, đặc biệt là các siêu đại kiện tướng có chiều hướng học thuộc lòng rất rất nhiều biến khai cuộc, đến độ sâu khó ngờ được, có thể là 20 nước (40 lượt đi) hoặc hơn nữa. Một vài vị kiện tướng thì chuyên về một biến khai cuộc cụ thể. Ví dụ như Vladimir Kramnik là một chuyên gia trong thế biến “Phòng thủ Berlin” của khai cuộc Ruy Lopez (ván cờ Tây Ban Nha). Ông đã phát triển đến mức có thể ngăn cản Gary Kasparov chiến thắng dù được cầm Trắng, và trong dài hạn – đã khiến rất nhiều đại kiện tướng khác bỏ khơng chơi khai cuộc Tây Ban Nha nữa luôn. Lý thuyết khai cuộc đến cỡ đó thì dĩ nhiên là đi sâu vào rất rất nhiều nước trong ván cờ rồi. Tương tự với nhiều thế biến của phòng thủ Sicilian.
ED CARUTHERS:
Cũng có một xu hướng khác là ráng mà né đi các biến khai cuộc đã bị phân tích kỹ càng quá đáng, bằng cách là sử dụng các biến khai cuộc có tốc độ triển quân chậm hơn chút. Ví dụ: Trắng chơi d2-d3 sớm trong các biến Ruy Lopez và Giuocco Piano.
KRISH DESAI:
Đây cũng là lí do vì sao các tay cờ như Dubov – những kiện tướng có xu hướng chơi các biến ít phổ biến đương thời lại gặt hái được nhiều thành công (không có ý hạ thấp tài năng tuyệt vời và rất nhiều sự cố gắng từ Dubov đâu nhé anh em.) Các đại kiện tướng top đầu đã trở nên phụ thuộc hơi bị nhiều vào sự ghi nhớ thế biến, và tập trung quá mức đến “hệ số Chốt chia nhỏ” từ đánh giá của máy tính.
Khi xem ván cờ gần đây của Dubov và Kajakin ở giải vô địch Nga 2020, đâu đó trên mạng sẽ có những lời công kích rêu rao rằng lựa chọn khai cuộc và sau đó là nước hi sinh Hậu của Dubov là không hợp lý (họ có thể phát biểu như thế, vì Stockfish bảo họ như thế) và nếu Kajakin phòng thủ chính xác hơn thì Dubov đã bị giã cho tơi tả luôn rồi. Nhưng mà, họ đã bỏ qua một điểm quan trọng: nếu Sergey Kajajkin – “bộ trưởng bộ Phòng thủ” mà còn không thủ được thế cờ đó thì không có ông top GM nào phòng thủ nổi trong thực chiến đâu.
Khi đồng hồ vẫn đang đếm nhịp trên bàn cờ và không có Stockfish trong tay để giải đáp ngàn lẻ một câu hỏi, việc phòng thủ là không dễ dàng chút nào bất luận bên kia chơi khai cuộc có hợp lý hay không.
TRANSLATOR NOTES:

  • Trong hệ thống cấp bậc của Fide – liên đoàn cờ thế giới thì danh hiệu cao nhất là Đại kiện Tướng (Grand Master – GM). Siêu đại kiện tướng là danh xưng do các báo và cộng đồng cờ Vua dùng để gọi các đại kiện tướng cờ vua có elo từ 2700 trở lên.
  • Stockfish: Engine cờ vua nguồn mở mạnh nhất nhì thế giới.
  • Trắng chơi d2-d3 sớm trong các biến Ruy Lopez và Giuocco Piano: là xu hướng khai cuộc yên tĩnh không nhiều đột biến, nên ít có khả năng bị bắt bài.
  • Hệ số Chốt chia nhỏ: Khi đánh giá thế cờ, máy tính thường đưa ra các con số: +0.5, -0.89, căn cứ theo giá trị của Chốt là 1. +0.5 nghĩa là thế cờ Trắng đang ưu thế nửa Chốt. Lý thuyết khai cuộc cho rằng nước đi đầu tiên của Trắng sẽ mang lại lợi thế khoảng chừng 0.3. Trong các ván đấu của các GM, thế cờ được máy chấm điểm +1.xx là xem như đủ để đánh thắng rồi, với xx càng cao thì cơ hội càng lớn.
  • Ván cờ của Dubov – Kajakin được đề cập trong phần trả lời: xem ở đây:
    http://bit.ly/chessedu-van-co-dubov-kajakin-2020.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *