Đoạn đường từ khoa khám bệnh đến khu điều trị nội trú không quá dài, thoáng đãng, hai bên đường ngập tràn những khóm hoa vừa được cắt tỉa gọn gàng, bên trên là một cây cầu bắc ngang qua có mái che. Dù là bác sĩ tất bật, người bệnh nhập viện, hay người nhà đến thăm cũng đều đi qua con đường này. Cũng bởi đây là lối di chuyển chủ yếu của bệnh viện nên rất ít người đứng nán lại đây quá lâu.
Nhưng chính tại nơi này, tôi đã gặp được em, một cậu thanh niên cao, gầy. Trầm ngâm đứng bên cạnh khóm hoa, ngẩng đầu trông ra tòa nhà nội trú của bệnh viện, được một lúc lại cúi đầu, quay sang nhìn con mèo hoang ở khóm hoa bên cạnh.
Cậu nhóc mặc đồng phục cấp 3, đứng lẻ bóng một mình. Tôi nghĩ chắc hẳn cậu ấy đang lạc đường, nên mới lại gần hỏi thăm.
Nhưng có vẻ cậu ta không muốn để ý đến tôi cho lắm, sắc mặt có chút ủ rũ, mắt vẫn chăm chú ngắm nhìn con mèo hoang. Tôi nghĩ bụng, hành xử như vậy thật chẳng lễ phép chút nào!
Đưa mắt dõi theo hướng cậu nhóc đang nhìn, đó là một con mèo tam thể, mèo ta ườn mình lăn lộn trên bãi cỏ phía xa xa, nom có vẻ vô cùng thư thái.
“Nếu tôi đến gần, nó sẽ chạy đi mất phải không?” Cậu nhóc bỗng cất tiếng hỏi.
Tôi khựng lại một chút, đáp: “Có lẽ vậy.”
Cậu ấy tiếp tục hỏi: “Thế nếu tôi rời đi, nó có đuổi theo tôi không?”
Tôi đáp: “Chắc là không, em với nó có quen biết gì nhau đâu.”
Cậu nhóc bỗng im lặng hồi lâu, rồi nói: “Vậy nếu chúng tôi quen biết thì sao?”
Tôi không trả lời, cảm thấy trong lòng cậu ắt hẳn chất chứa nhiều tâm sự, liền nhẹ nhàng hỏi: “Em tên gì?”
“Phương Vũ Khả.”
Cậu nhóc vừa nói dứt câu, phía xa đột nhiên vang lên tiếng gọi hoảng hốt: “Vũ Kỳ!”
Tôi quay đầu, một người phụ nữ khoảng chừng 40 tuổi đang tiến lại phía chúng tôi, chắc hẳn bà ấy là mẹ của cậu nhóc, bên cạnh còn có Tiểu Lịch Tử, y tá nam duy nhất của bệnh viện.
Cậu ấy chạy đến bên mẹ, nhưng lúc này, người mẹ bỗng khựng lại, ánh mắt có chút hoang mang và dè chừng.
Thấy vậy, cậu ân cần nói: “Con là Vũ Kỳ đây mẹ.”
Tôi ngẩn người, Vũ Kỳ? Không phải lúc nãy cậu ấy nói tên mình là Phương Vũ Khả sao?!
Tiểu Lịch Tử vẻ mặt đầy lo lắng, chạy lại chỗ tôi rồi bắt đầu càm ràm: “Tôi tìm em ấy nãy giờ, hoá ra là rơi vào tay cậu.”
Tôi đập vào đầu cậu ta một cái đau điếng: “Nói năng cho cẩn thận, cái gì mà rơi vào tay tôi cơ chứ, thằng nhóc này là ai?”
Tiểu Lịch Tử nói nhỏ: “Khi nãy lúc bác sĩ khám bệnh có nói người mẹ tạm thời đi ra ngoài một lúc nhưng bà ấy quay ra quay vào đã không thấy con đâu, lo lắng đến nỗi suýt phát khóc.”
Tôi có chút ngạc nhiên hỏi: “Gì mà đến mức đấy?! Cậu nhóc này cũng là học sinh cấp 3 rồi, còn sợ lạc mất con á?”
Tiểu Lịch Tử nháy mắt ra hiệu: “Tôi cũng thấy hơi quá, nhưng cảm giác người mẹ này đã nhiều lần bị vậy, nên sợ hãi dẫn đến ám ảnh. Quan trọng hơn là do em ấy mắc… haizz…”
Tôi hỏi: “Rối loạn tách rời nhận thức phải không?”
Tiểu Lịch Tử khựng lại: “Ơ, sao cậu biết?”
Rối loạn tách rời nhận thức, có tên gọi khác là rối loạn đa nhân cách. Cũng không khó để đoán ra bệnh này, từ hai cái tên khác biệt, sự trái ngược trong tính cách trước và sau khi mẹ đến, và cả phản ứng của người mẹ, đều có thể chứng minh rõ điều này.
Rất nhiều người vì xem phim, đọc truyện mà hiểu sai về đa nhân cách. Họ tưởng rằng từ một nhân cách này chuyển sang nhân cách khác cần một khoảng thời gian rất dài và phản ứng khi thay đổi nhân cách khá phô trương, dễ thấy. Nhưng đó chỉ là do các tác phẩm nghệ thuật cần phải làm quá lên để đạt được những hiệu ứng cần thiết.
Trên thực tế, không hề giống vậy.
Việc chuyển đổi giữa hai nhân cách chỉ diễn ra trong nháy mắt.
Ví như khoảnh khắc lúc cậu nhóc quay ra nhìn về phía người mẹ khi nãy vậy.
Phương Vũ Kỳ và Phương Vũ Khả là 2 anh em, sống trong cùng một cơ thể, Phương Vũ Kỳ là em, Phương Vũ Khả là anh, năm nay cả hai đều 17 tuổi.
Lần đầu tiên người mẹ phát hiện ra điều bất thường này là khi cậu nhóc 12 tuổi. Khi mới bước vào tuổi dậy thì, tính cách con thường không ổn định, lại hay thay đổi thất thường nên bà mẹ không mấy để tâm. Mãi cho đến khi triệu chứng xuất hiện ngày càng dày đặc và xảy ra thường xuyên hơn, cô mới bắt đầu nhận thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề.
Nguyên nhân đến khám bệnh lần này là do Phương Vũ Kỳ suýt chút nữa đuối nước ở hồ bơi. Điều đáng nói là cậu nhóc trước nay không hề biết bơi, nhưng đột nhiên lại đòi đi, rồi xảy ra thảm cảnh như vậy khiến người mẹ vô cùng hoảng sợ. Quyết không để tình trạng này tái diễn, cô liền đưa con đến bệnh viện thăm khám.
Chủ nhiệm khoa cho rằng, nhân cách thứ hai trong Phương Vũ Kỳ có thể được phân tách ra trước cả năm em 12 tuổi. Với các trường hợp đa nhân cách từng gặp phải, nhân cách thứ hai thường bắt đầu phân tách từ khi bệnh nhân còn rất nhỏ.
Bệnh của Phương Vũ Kỳ có thể đã “âm ỉ” từ lâu, đến gần đây mới bắt đầu bộc phát mạnh mẽ.
Mẹ của Phương Vũ Kỳ tên Tạ Tống Mỹ. Với bất kỳ câu hỏi nào chủ nhiệm đặt ra, cô đều trả lời rất lưu loát, giống như đã suy tính và nghĩ kỹ từ trước.
Đến khi dần phát hiện chủ nhiệm nghi ngờ cô ngược đãi con, cô mới kinh ngạc thốt lên: “Tôi không hề làm vậy, sao ông lại có ý nghĩ đấy cơ chứ? Quan hệ của hai mẹ con tôi trước nay đều rất tốt.”
Chủ nhiệm động viên: “Cô không cần kích động như vậy, tôi chỉ hỏi theo đúng quy trình thôi. Bởi rối loạn đa nhân cách thường là do hồi nhỏ bị ngược đãi, sau đó phân tách ra một nhân cách mới để bảo vệ bản thân, trốn tránh sự đau khổ. Do vậy tôi mới hỏi để xác nhận lại.”
Tạ Tống Mỹ đáp: “Tôi không làm chuyện đó, không tin ông cứ hỏi nó mà xem. Nếu như dám nói dối nửa lời, tôi sẽ bị trời đánh, c.hết không toàn t.hây!
Chủ nhiệm gật đầu, chuyển sang chủ đề khác: “Vậy bố của đứa trẻ thì sao? Hoặc họ hàng thân thích, liệu có ai cũng mắc phải căn bệnh như vậy không?”
Tạ Tống Mỹ nghĩ một lúc rồi đáp: “Không có, thằng bé từ nhỏ đến lớn đều nhờ tôi và bố nó một tay nuôi nấng, không có ai khác chăm sóc thay cả. Bệnh này bao giờ mới có thể chữa khỏi? Vũ Kỳ sang năm là phải thi đại học rồi, không thể bị chuyện này ảnh hưởng được.”
Tạ Tống Mỹ trông khá lo lắng, chủ nhiệm động viên cô ta mấy câu, nói bây giờ sẽ đưa Vũ Kỳ đi kiểm tra trước.
Tạ Tống Mỹ khựng lại: “Kiểm tra gì vậy? Kiểm tra não sao?”
Chủ nhiệm đáp: “Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ và toàn diện hơn, xem thật sự mắc chứng đa nhân cách hay chỉ là giả vờ.”
Tôi đưa cậu nhóc đi làm kiểm tra, Tiểu Lịch Tử cũng đi cùng. Suốt quãng đường Phương Vũ Kỳ đều rất ngoan ngoãn, hỏi gì đáp nấy, phản ứng rất nhanh nhạy. Tâm trạng thằng bé khá tốt, vui vẻ, nói năng lễ phép, chiếm được cảm tình từ mọi người, khiến tôi tin lời Tạ Tống Mỹ nói, cậu nhóc chưa từng bị ngược đãi bao giờ.
Nhưng tôi thực sự không hiểu, nếu như vậy, tại sao lại xuất hiện nhân cách trầm lặng còn lại?
Hàn Y Y là bác sĩ thôi miên hợp đồng của bệnh viện chúng tôi, tay nghề giỏi, nhưng lại mắc bệnh “tiểu thư”. Cô ấy học cùng trường, là đàn chị trên tôi 6 khoá.
Kiểm tra về đa nhân cách, trước nay đều do cô ấy phụ trách.
Thực ra một mình tôi đưa Phương Vũ Kỳ đến là được, không cần đến y tá Tiểu Lịch Tử. Nhưng anh ta biết tôi và Hàn Y Y không hợp nhau, cứ đụng mặt là cãi vã long trời lở đất, sợ chúng tôi xích mích sinh ra đánh nhau, nên kiên quyết đến để bảo vệ sự bình yên của bệnh viện.
Hàn Y Y bước ra từ phòng xét nghiệm, mặc áo blouse trắng cùng mái tóc xoăn sóng nhuộm màu nhìn như đuôi chim công. Cô ta nhìn thấy Tiểu Lịch Tử đáng yêu, liền tiến lại gần nhéo nhéo mặt cậu ta mấy cái, sau đó quay sang nhìn Phương Vũ Kỳ nói: “Em là người cần làm kiểm tra đúng không? Em tên gì?”
“Phương Vũ Kỳ, làm phiền chị rồi.” Thằng bé đáp.
Hàn Y Y vui vẻ ra mặt. Thường thì lứa học sinh cấp III đều gọi cô ta bằng cô, xem ra cậu nhóc này cũng mồm mép gớm!
Sau đó, cô ta quay sang nhìn tôi một hồi, coi vỏ hạt bí trong miệng cô ta là tôi mà nhổ phẹt ra, như thể khiêu khích và sỉ nhục tôi.
Tiểu Lịch Tử đưa cho Hàn Y Y một tờ giấy ăn, cô ta cười xòa, lấy giấy bọc vỏ hạt bí lại rồi vứt đi, nhưng không trúng thùng rác mà lại rơi đến gần chỗ chân tôi, sau đó thong thả lau tay, đưa Phương Vũ Kỳ vào phòng xét nghiệm.
Tiểu Lịch Tử vội vàng vứt tờ giấy vào thùng rác, căng thẳng quay ra nhìn tôi.
Tôi cười nhạt: “Nhìn cái gì? Trên mặt tôi mọc hạt bí à?”
Tiểu Lịch Tử thở dài: “Hai người rốt cuộc có thù oán gì vậy? Hễ gặp là như muốn lao vào cắn xé, lẽ nào cô ta cướp bạn trai của cô à?”
Tôi chẳng thèm bận tâm đến: “Trẻ con đừng có hỏi nhiều!”
Cửa mở, Hàn Y Y đưa Phương Vũ Kỳ ra, trên tay cầm một tập giấy xét nghiệm, trên đó ghi chép chi tiết về sự khác biệt của tần số chuyển động mắt, điện não đồ, đề kháng da và một số kiểm tra tâm lý. Tất cả đều cho thấy sự khác biệt rõ ràng.
Hàn Y Y đọc mấy tờ xét nghiệm trong tay, nói: “Quả thực là đa nhân cách, nhưng chỉ có một nhân cách phụ, chính là anh trai Phương Vũ Khả.”
Hàn Y Y nhấn mạnh số lượng nhân cách phụ là 1, bởi những người mắc bệnh này thường sẽ có từ 3 nhân cách trở lên. Nhân cách càng nhiều càng thường thấy, một lúc có đến 15-16 nhân cách cũng là chuyện hết sức bình thường. Trái lại, trường hợp chỉ có 1 nhân cách phụ như Phương Vũ Kỳ mới là điều hiếm gặp. Tuy nhiên, cậu nhóc giờ vẫn còn nhỏ, có lẽ sau vài năm nữa, những nhân cách còn lại mới dần dần “thức tỉnh”.
Tiểu Lịch Tử nghe vậy sắc mặt bỗng ỉu xìu, nở nụ cười gượng gạo với Phương Vũ Kỳ, thấy vậy, cậu bé liền quay sang an ủi Tiểu Lịch Tử.
Tôi cầm tập giấy xét nghiệm Hàn Y Y đưa, quan sát tờ phiếu kiểm tra IQ, phát hiện ra sự khác biệt rõ rệt giữa hai nhân cách. IQ của Phương Vũ Khả thấp hơn khá nhiều so với Phương Vũ Kỳ.
Hàn Y Y day day ấn đường, giải thích thêm: “Nhưng nhân cách phụ này của cậu nhóc lại không thích thể hiện bản thân cho lắm. Xuất hiện thì có xuất hiện, cũng khá nghe lời, tuy nhiên ngoài tên ra, hỏi cái gì cũng không nói. Lần đầu tiên tôi gặp phải trường hợp như vậy.”
Tôi tỏ ra ngạc nhiên, hỏi: “Phương Vũ Khả không nói chuyện với cô sao? Lạ thật, vừa nãy nó còn nói với tôi mấy câu, hay là bộ tóc lòe loẹt của cô khiến nó chán ghét ta?”
Mặt Hàn Y Y xám xịt, Tiểu Lịch Tử thấy vậy, lo sợ cuộc chiến lại sắp bùng nổ, liền vội vàng chạy lại chen vào giữa, đẩy tôi đi, không quên quay đầu lại nói: “Chị Hàn! Tối cùng nhau ăn cơm nhá! Chị Hàn vất vả rồi! Moà!”
Tôi huých cậu ta một cái: “Chị cái con khỉ ấy! Phải gọi là dì Hàn.”
Tiểu Lịch Tử vẻ mặt đầy đau khổ, cố đẩy tôi đi nhanh hơn, lo sợ Hàn Y Y sẽ đuổi theo giật tóc tôi. Cô ta thấy thế chỉ có thể nói vọng lại phía sau, khuyên Tiểu Lịch Tử đừng có chơi với tôi nữa, kẻo lại bị kéo chung vào cái trạm thu gom rác thải.
Phương Vũ Kỳ chạy theo, đi bên cạnh nhìn chúng tôi cười khoái chí.
Đi được một đoạn, Tiểu Lịch Tử dừng lại thở gấp. Phương Vũ Kỳ đột nhiên lại gần hỏi tôi: “Chị ơi, anh em nói chuyện với chị thật ạ?”
Tôi nghĩ một lúc, mới hiểu ra “anh” mà cậu nhóc nhắc đến chính là nhân cách còn lại tồn tại trong nó. Do cậu nhóc gọi tự nhiên và thân thiết quá mức, khiến tôi nhất thời tưởng rằng nó thực sự có một người anh trai.
Tôi đáp: “ Ừ, sao vậy?”
Phương Vũ Kỳ vui vẻ ra mặt: “Không có gì, em chỉ cảm thấy như vậy thật tốt. Từ trước đến nay, anh trai em chưa từng nói chuyện với ai ngoài em cả.”
Tôi ngỡ ngàng: “Hai đứa từng nói chuyện với nhau hả?”
Phương Vũ Kỳ gật đầu chắc nịch, đáp: “Đúng vậy, khi soi gương ấy ạ, hoặc có nhiều lúc anh trai sẽ viết nhật ký cho em.”
Việc này quả thực cực kỳ hiếm gặp. Bởi bình thường, giữa hai nhân cách, cho dù có quen biết, cũng sẽ không trao đổi hay giao tiếp với nhau, thậm chí còn ghét bỏ và tìm cách tiêu diệt đối phương.
Tôi nhìn nó hồi lâu, hỏi: “Quan hệ giữa hai đứa rất tốt sao?”
Ánh mắt Phương Vũ Kỳ ánh lên vẻ chân thành và đầy lưu luyến: “Tất nhiên rồi, anh ấy là anh trai duy nhất của em, là người hiểu em nhất trên đời!”
Khi ấy tôi thực sự rất muốn hỏi, vậy tại sao em lại đến đây chữa trị? Điều này chẳng phải đồng nghĩa với việc anh trai em sẽ biến mất hay sao.
Nhưng tôi không cất nổi thành lời, bởi cho dù thế nào đi nữa, việc nó đồng ý chữa trị, là một chuyện tốt.
Đi thêm mấy bước, bỗng nghe nó cất giọng: “Nhưng, anh muốn g.i.ế.t em.”
Tôi kinh ngạc, không biết câu: “Anh muốn g.i.ế.t em” đó liệu có liên quan gì đến sự cố cậu nhóc suýt c.h.ết đuối ở bể bơi không.
Tôi muốn hỏi thêm, nhưng không kịp, chúng tôi đã về đến chỗ chủ nhiệm khoa.
Tạ Tống Mỹ chăm chú ngồi nghe chủ nhiệm phân tích đống giấy tờ xét nghiệm. Khi biết kết quả khẳng định con trai thực sự mắc chứng đa nhân cách, mặt cô ánh lên vẻ suy sụp. Cô xoa đầu Phương Vũ Kỳ đang ngồi bên cạnh, lộ rõ vẻ xót xa dành cho đứa con còn nhỏ tuổi nhưng không may mắc phải căn bệnh tâm lý như vậy. Phương Vũ Kỳ ngoan ngoãn nắm tay, an ủi mẹ.
Nội dung thảo luận bắt đầu từ việc đề ra phương pháp chữa trị. Do Vũ Kỳ chỉ phân tách ra một nhân cách phụ, nên sẽ không quá phức tạp. Nhưng vẫn cần tìm hiểu thời gian và động cơ mà nhân cách Vũ Khả xuất hiện. Một khi tìm ra nguyên nhân, việc chữa trị sẽ có bước tiến lớn.
Chủ nhiệm hỏi: “Cô nói phát hiện ra điểm bất thường sớm nhất là khi Vũ Kỳ 12 tuổi. Lúc đó cậu bé có vấn đề ở đâu?”
Tạ Tống Mỹ suy nghĩ một lúc, sau đó nói: “Là cô giáo của con báo với tôi. Nói rằng thằng bé luôn viết sai tên trên phiếu làm bài, từ Phương Vũ Kỳ nó viết thành Phương Vũ Khả. Tên là Kỳ (奇), nhưng lại luôn viết thiếu bộ Đại bên trên (大) chỉ còn mỗi chữ Khả (可).
Tôi suy xét một chút, lúc này mới nhận ra chữ Kỳ và chữ Khả quả thực chỉ khác nhau một bộ phía trên. Từ góc độ liên tưởng ngôn ngữ, nhân cách phụ dùng cái tên gần giống với nhân cách chính, chỉ khác nhau một chút như vậy, chắc hẳn phải có ý nghĩa sâu xa. Có thể, chữ “Đại” này, chính là điểm khác biệt, dùng để phân biệt giữa anh và em.
Tạ Tống Mỹ tiếp tục nhớ lại: “Lúc đầu, nó chỉ viết sai tên trên phiếu làm bài, tuy nhiên ít lâu sau, hiện tượng này xuất hiện ở trên cả sách bài tập. Tôi hỏi thì nó lại nói là không sai, có khi lại im lặng không trả lời. Mãi về sau, thằng bé vẫn không sửa được lỗi này.”
“Sau đó, tôi còn phát hiện, Vũ Kỳ thường ở trong nhà tắm rất lâu. Thậm chí tôi còn hay nghe thấy tiếng con trò chuyện. Ban đầu tôi cứ tưởng nó yêu sớm, nhưng sau đó không yên tâm, lén mở cửa ngó vào, kết quả thấy nó đang nhìn vào gương tự lẩm bẩm một mình, dáng vẻ và ngữ khí còn thay đổi liên tục.”
Nói đến đây, giọng nói của Tạ Tống Mỹ có chút nghẹn ngào. Dù là ai đi chăng nữa, bỗng một ngày thấy con trai mình có những thay đổi bất thường như vậy, ắt hẳn đều sẽ không tránh khỏi đau lòng, xen lẫn chút lo sợ.
Phương Vũ Kỳ vỗ nhẹ vào cánh tay mẹ. Là người trong cuộc, gương mặt cậu nhóc thoáng hiện lên vẻ đau lòng, nhưng khi mọi người phát hiện ra căn bệnh này, cậu tuyệt nhiên không hề xấu hổ hay bối rối, thản nhiên coi việc nói chuyện với một nhân cách khác qua gương là chuyện gì đó rất đỗi bình thường.
Nghe thấy tiếng mẹ khóc, Phương Vũ Kỳ nói với chủ nhiệm: “Xin bác sĩ hãy giúp mẹ cháu.”
Là “giúp mẹ cháu”, chứ không phải “giúp cháu”.
Đợi đến khi tâm trạng Tạ Tống Mỹ dịu đi một chút, chủ nhiệm mới hỏi tiếp: “Việc cậu bé nhìn vào gương nói chuyện, bắt đầu từ năm bao nhiêu tuổi?”
Tạ Tống Mỹ đáp: “Từ năm ngoái.”
Chủ nhiệm hỏi: “Tại sao khi ấy không đưa đến bệnh viện luôn?”
Tạ Tống Mỹ trả lời: “Năm đó Vũ Kỳ phải thi vào cấp 3, tôi không muốn làm ảnh hưởng đến tâm trạng của thằng bé.”
Chủ nhiệm sắp xếp lại tập giấy xét nghiệm trên tay, nói: “Chúng ta quay trở lại việc viết sai tên. Bài thi đại diện cho kết quả học tập, Vũ Kỳ viết sai tên trên bài thi, điều này đồng nghĩa với việc cậu nhóc đang có ý trốn tránh việc thi cử, nên mới gọi Vũ Khả xuất hiện. Hơn nữa, kết quả kiểm tra IQ cho thấy, thành tích của Vũ Khả vốn không được tốt. Có thể là do cô quá coi trọng thành tích, nên Vũ Kỳ mới dùng cách này để thể hiện sự phản kháng trong học tập.”
Tôi nhìn Phương Vũ Kỳ, lời nói này giống như đang chê trách việc cậu nhóc có hành vi chống đối học tập, tuy nhiên sắc mặt cậu vẫn không có chút thay đổi nào. Cậu nhóc dửng dưng như không, coi người mà chủ nhiệm nhắc đến không phải là mình.
Tạ Tống Mỹ khựng lại, không biết đang nghĩ gì, sau đó gật gật đầu, có chút trầm tư: “Bác sĩ nói đúng, có lẽ do tôi đã ép con quá mức.”
“Vậy sau đó thì sao, những năm gần đây việc viết sai tên còn xảy ra không?” Chủ nhiệm hỏi.
Tạ Tống Mỹ lắc đầu: “Sau đó thì không còn nữa.”
Câu trả lời này có chút mơ hồ, chủ nhiệm tiếp tục hỏi: ““Sau đó”, cụ thể là khi nào? Khi ấy có sự kiện nào xảy ra không?”
Tạ Tống Mỹ im lặng một hồi, sau đó do dự đáp: “Chỉ đơn giản là không còn nữa.”
Rõ ràng, cô ta vẫn đang che giấu điều gì đó.
Chủ nhiệm muốn nói chuyện riêng với Tạ Tống Mỹ về quá trình trị liệu của Phương Vũ Kỳ, vậy nên tôi, Tiểu Lịch Tử cùng cậu nhóc phải ra ngoài đợi.
Do Phương Vũ Kỳ vẫn chưa tròn 18 tuổi, không thể tự quyết định phương án trị liệu của mình, nên quyền quyết định vẫn do người giám hộ đảm nhiệm.
Tiểu Lịch Tử đi lấy thuốc, Phương Vũ Kỳ ngồi ở phòng chờ, tôi ngồi bên cạnh nhìn nó, nó cũng quay sang nhìn tôi.
Kết luận sơ bộ ban nãy chủ nhiệm đưa ra là: Vì áp lực học tập hồi tiểu học quá lớn, trong quá trình thi cử, Phương Vũ Kỳ đã “gọi” nhân cách thứ hai, Phương Vũ Khả, ra để giúp nó làm bài kiểm tra.
Thành tích học tập của Phương Vũ Kỳ rất tốt, còn Phương Vũ Khả thì không. Phương Vũ Kỳ muốn “âm thầm” làm mẹ thất vọng, từ đó bày tỏ sự phản kháng của mình trong học tập.
Nhân cách thứ hai của Phương Vũ Kỳ là một người anh trai chứ không phải là em trai. Điều này có thể hiểu được, bởi thường thì anh trai mới là người bảo vệ em mình. Khi bị áp lực học tập căng thẳng từ người mẹ đè nặng, cậu nhóc đã “gọi” ra một người anh để “bảo vệ” bản thân.
Tôi ngồi nghĩ một lúc, cảm thấy phần lớn những gì đã biết đều khá hợp lý, nhưng vẫn cho rằng dường như đã bỏ sót điều gì và có điểm nào đó không đúng ở đây.
Tôi đang định hỏi kỹ hơn, thì bỗng phát hiện gương mặt Phương Vũ Kỳ đột nhiên trầm hẳn xuống, khóe mắt hơi xếch lên, cắn môi, trái ngược hoàn toàn với cậu nhóc vui vẻ, hoạt bát trước đó, thậm chí đến sự cử động của đồng tử mắt cũng khác.
Phương Vũ Khả xuất hiện rồi!
Lúc trước tôi và Phương Vũ Kỳ đang nhìn nhau, vậy nên khi Phương Vũ Khả xuất hiện, đôi mắt đó cũng đang nhìn thẳng vào tôi.
Khác với lần trước, lần này đối diện với ánh mắt lạnh như băng của cậu nhóc, tôi không khỏi có chút sợ hãi.
Đôi mắt ấy sắc lẹm như dao.
Ngay sau đó, nó thu lại ánh nhìn, quay mặt đi chỗ khác.
Tôi điều chỉnh lại hơi thở, nhẹ giọng gọi: “Phương Vũ Khả?”
Nó không đáp hoặc đã mặc nhiên chấp nhận cái tên ấy.
Tôi cố gắng bình tĩnh nói: “Em còn nhớ chị không? Chúng ta từng gặp nhau ở chỗ khóm hoa phía trước khu điều trị nội trú đó.”
Tôi cứ ngỡ sẽ không có câu trả lời nào đáp lại, nhưng thấy nó gật gật đầu. Thở phào một hơi, tôi cố gắng tìm chủ đề mà nó hứng thú để gợi chuyện: “Khi nãy em đến khu điều trị nội trú là vì biết mình sẽ ở trong đó nên đến tham quan trước ư?”
Phương Vũ Khả nhìn chằm chằm xuống sàn nhà: “Không ở đó đâu, em ấy còn phải thi đại học.”
Tôi khựng lại. “Em ấy” rõ ràng là để chỉ Phương Vũ Kỳ. Phương Vũ Khả nói “em ấy còn phải thi Đại học” mà không phải “tôi phải thi đại học”, chứng tỏ nó đã biết chắc người sẽ thi đại học là Phương Vũ Kỳ và biết rõ bản thân mình chỉ là nhân cách phụ.
Tôi quyết định hỏi thẳng, không vòng vo nữa. Bởi không biết khi nào Phương Vũ Khả sẽ lại biến mất, nên tôi phải nắm chắc cơ hội hiếm có này.
“Em đi bơi làm gì vậy? Phương Vũ Kỳ vốn không biết bơi, chẳng lẽ em muốn g.iết em ấy sao?”, tôi hỏi.
Tôi nhìn chằm chằm vào Phương Vũ Khả, không muốn để sót bất cứ cử động trên gương mặt hay biểu cảm nào của cậu nhóc. Nhưng, vẫn không có gì xảy ra. Sắc mặt nó vẫn vậy, bị nói là g.iết người mà cậu nhóc vẫn điềm nhiên như không.
“Tôi chỉ muốn đi bơi mà thôi.” Giọng nói của Phương Vũ Khả rất khẽ, giống như sợ lỡ lời nói ra những điều không nên nói.
Tôi khựng lại rồi hỏi tiếp: “Em thích bơi à?”
Phương Vũ Khả gật đầu: “Vâng.”
Tôi đại khái đã hiểu được một điều, Phương Vũ Kỳ không biết bơi, còn nhân cách thứ hai – Phương Vũ Khả lại bơi rất giỏi. Nhưng do nhân cách chính áp chế nên Vũ Khả không thể thỏa mãn đam mê bơi lội của mình. Vậy nên sau khi “cướp” được cơ thể, Vũ Khả mới không kiềm chế được mà đi bơi, tuy nhiên bơi được một lúc thì Vũ Kỳ đột nhiên quay trở lại, sau đó xảy ra chuyện suýt c.hết đ.uối kia.
Tôi không hiểu, Phương Vũ Kỳ chưa bao giờ học bơi, vậy thì người dùng chung một cơ thể với nó là Vũ Khả sao lại có thể biết bơi được? Khi tôi hỏi đã học bơi khi nào, Vũ Khả lại tiếp tục im lặng, tôi hỏi thế nào cũng không đáp.
Tôi chỉ có thể nói với nó: “Thực ra em có thể kiên nhẫn, đợi thêm chút nữa, đợi đến khi Vũ Kỳ thi xong thì lại bơi tiếp. Hoặc em thương lượng với Vũ Kỳ, bảo em ấy đi học bơi, thì mọi thứ sẽ tốt hơn nhiều so với bây giờ.”
Lời nói của Phương Vũ Khả có chút bối rối: “Nếu khi ấy không bơi, thì sẽ chẳng còn cơ hội nữa.”
Ánh mắt nó có chút lạnh lẽo nhưng vô cùng bình tĩnh.
Dường như nó biết, mình sắp phải biến mất.
Cảm giác như đã chấp nhận tất cả.
Tôi toan hỏi thêm thì Phương Vũ Kỳ quay trở lại, nụ cười rực rỡ phút chốc làm tiêu tan gương mặt ủ rũ buồn bã của Vũ Khả khi nãy. Nó đứng dậy nhìn về phía phòng chủ nhiệm, Tạ Tống Mỹ đang đi ra, Phương Vũ Kỳ chạy lại. Thấy mắt mẹ có chút hằn đỏ, cậu bé hiểu chuyện liền ôm lấy mẹ an ủi.
Hai mẹ con ra về, chủ nhiệm dặn họ khi nào tái khám thì mang theo quyển nhật ký ghi lại cuộc nói chuyện giữa Phương Vũ Kỳ và Phương Vũ Khả.
Nhìn theo bóng lưng của Vũ Kỳ, tôi đã bắt được khoảnh khắc chuyển đổi nhân cách khi nãy, đó là sự khác lạ từ trong ánh mắt và cả cặp lông mày của cậu bé!
– CÒN TIẾP –
