CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG NÀNG CÔNG CHÚA ĐI HÒA THÂN

Theo ghi chép, vào thời phong kiến, những công chúa được sinh ra trong cung điện nguy nga, lộng lẫy, từ khi lọt lòng đã được mặc gấm vóc lụa là, ăn sơn hào hải vị. Bởi vậy, ai cũng ao ước, khát khao mình có số mệnh được làm công chúa, làm cành vàng lá ngọc. Thế nhưng, người thường không bao giờ hiểu được nỗi khổ sở và sự đáng sợ của cuộc sống trong cung cấm.

Thời xưa, để củng cố vương triều, những nàng công chúa xinh đẹp như hoa, như ngọc chắc chắn sẽ trở thành nhân vật hy sinh, thường bị đưa đến các nước lân cận để hòa thân, giữ tình hữu hảo. Trước đây, vì các triều đại có mối quan hệ đặc thù với các vùng tự trị, việc hôn nhân chính trị đặc biệt quan trọng. Các nàng công chúa đã quen sung sướng cũng sẽ bị gả đến cho thủ lĩnh của các bộ tộc vùng tự trị; hoặc gả cho các phiên vương nhằm mục đích chính trị.

Từ lúc ấn định hôn ước, cuộc sống của các nàng sẽ bước sang một trang mới, hoàn toàn không biết sướng hay khổ, họa hay phúc. Vì trước khi đến được nhà chồng, những nàng công chúa này thậm chí còn không biết mặt mũi phu quân như thế nào, tính cách ra sao. Hôn nhân chính trị, bản thân mỗi nàng đều là một quân cờ, rất khó có thể phát sinh tình cảm vợ chồng thực sự.

THỜI TRẦN:

1. Năm 1228, gả Ngoạn Thiềm công chúa – em vua Thánh Tông, con Thái Tông – cho Nguyễn Nộn. Nộn là cư sĩ chùa Phù Đổng, vì bắt được vàng ngọc không dâng lên triều đình nên vua hạ chiếu bắt giam. Tự Khánh, anh thứ hai của Linh Từ Quốc mẫu – mẹ Lý Chiêu Hoàng – xin cho Nộn được đánh giặc chuộc tội, vua sai đi đánh dẹp người Mán ở Quảng Oai. Nộn chiếm cứ vùng Bắc Giang, Đoàn Thượng chiếm vùng châu Hồng (Hải Dương). Nộn giết Đoàn Thượng, chiếm quân và cướp của châu Hồng, thanh thế lừng lẫy. Thủ Độ lo lắng, một mặt sắc phong cho Nộn làm Hoài đạo Hiếu vũ vương, một mặt gả Ngoạn Thiềm cho để ngầm dò la tin tức. Nộn biết ý, dọn cho công chúa ở riêng một nơi nên công chúa không làm gì được cả.

2. Năm 1286, tướng Nguyên là Ô Mã Nhi đánh rất gấp, quân ta tan vỡ, bọn Trần Kiện, Lê Tắc đem cả nhà đầu hàng quân Nguyên. Triều đình phải sai người đưa công chúa An Tư – em gái út của Thánh Tông – đến cho Thoát Hoan để xoa dịu. 

3. Năm 1305, Chế Mân dựa vào lời hứa của Thượng hoàng Nhân Tông, dâng kỳ hương cùng báu vật xin cưới Huyền Trân. Triều đình chỉ có hai người bàn nên gả là Trần Khắc Chung và Văn Đạo Tái, con Trần Quang Khải. Sau Chế Mân dâng thêm hai châu Ô, Lý, vua Anh Tông mới quyết định. Tháng 6 năm 1306, vua Anh Tông gả em gái là Huyền Trân cho Chế Mân. Tháng 5 năm 1307 Chế Mân chết, theo tục lệ Chiêm Thành thì Hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu chết theo. Tháng 10, vua sai Trần Khắc Chung sang điếu tang và tìm cách đem Huyền Trân cùng Thế tử Đa Gia, con Chế Mân về. Sử chép trên đường về, Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trân tư thông với nhau loanh quanh mãi trên biển đến tận tháng 8 năm 1308 mới cập bến.

4. Năm 1363, Minh Tông gả Nguyệt Sơn công chúa cho Ngô Dẫn vì Dẫn có viên ngọc rất lớn, bán được nhiều tiền, trở nên giàu có. Dẫn cậy giàu, tư thông với người khác, khinh khi công chúa. Công chúa tâu lên, Dẫn được miễn tội chết nhưng gia sản bị tịch thu.

Sử gia Ngô Thì Sĩ từng viết : “Nhà Trần quen làm lối này, cốt được lợi trông thấy, đem má phấn đánh đổi lấy tràng thành, gả Ngoạn Thiềm cho Nguyễn Nộn, An Tư cho Thoát Hoan đều lối ấy cả”.

Ngô Sĩ Liên cũng chê trách : “Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi mệnh có khó gì mà đem gả cho người xa, không phải giống nòi, cho đúng lời hẹn trước rồi sau dùng mưu gian trá cướp lại thế thì tín ở đâu?”. Phê bình như thế e có hơi khe khắt. Trước hết, khi gả Huyền Trân, vua Anh Tông không thể biết trước năm sau Chế Mân sẽ chết, việc dùng mưu đón Huyền Trân về để tránh cho công chúa khỏi bị hỏa thiêu cũng không thể coi là “gian trá” đánh lừa, lấy được thành rồi thì cướp người về như một vài người đã trách cứ. Còn “đổi mệnh” không gả, theo lời bàn của Ngô Sĩ Liên, thì cũng không phải là thủ tín.

NHÀ LÝ:

1. Năm 1029, gả Bình Dương công chúa cho châu mục lang là Thân Thiệu Thái.

2. Năm 1036, Lý Thái Tông sợ khó khống chế các tù trưởng quản lĩnh các châu miền thượng du, kết mối giao hảo bằng hôn nhân, gả công chúa Kim Thành cho châu mục Phong Châu là Lê Tông Thuận, gả công chúa Trường Ninh cho châu mục Thượng Oai là Hà Thiên Lãm.

3. Năm 1082, gả Khâm Thánh công chúa cho châu mục Vị Long là Hà Di Khánh.

4. Năm 1126, đem Diên Bình công chúa gả cho Dương Tự Minh là thủ lĩnh phủ Phú Lương.

5. Năm 1144, lại gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh lúc này cai quản các khe động dọc theo biên giới đường bộ và phong Minh làm Phò mã lang.

Thế là một mình Dương Tự Minh được cưới tới hai nàng công chúa và nhà Lý đã dùng tới năm công chúa làm “vật hi sinh”, nhà Trần gả bốn nàng cũng chẳng kém. Sử nhà Lê tuy không ghi chép tỉ mỉ về các công chúa như nhà Trần, nhưng cũng cho biết năm 1706 đem người tông nữ, lấy danh nghĩa quận chúa gả cho tù trưởng Triều Phúc người Ai Lao. Ngô Thì Sĩ đã viết sử lẽ nào không biết những chuyện này?

Vậy nhưng lịch sử cũng chỉ ghi lại cho tới lúc công chúa xuất giá, cuộc sống sau này của họ cũng không có thông tin gì. Thời phong kiến, vẫn hay nói mẹ phú quý nhờ con, nhưng cũng không biết rằng con của những công chúa đi hòa thân đó thế nào. Có nhiều sử gia cho rằng, sở dĩ những công chúa hòa thân không muốn có con, lý do đầu tiên là bởi bản thân những công chúa này thực sự không muốn. Dù nhà chồng có tốt đến mấy, cũng không thể so sánh với hoàng cung. Huống chi lạ đất lạ nước, những công chúa này không có tâm tư sinh con dưỡng cái.

Lý do thứ hai, bản thân mỗi nàng đều ý thức được những cuộc hôn nhân chính trị đa phần đều không vững chắc. Bởi chính họ cũng không biết, đến tột cùng lúc nào, người đầu ấp tay gối, nhà chồng của họ sẽ khai chiến cùng cha ông mình. Nếu như lúc đó có con cái, con cái sẽ khiến các nàng bị mắc kẹt ở giữa, không biết nên chạy trốn hay ở lại, vô cùng khó xử.

Lý do thứ ba, đó là do lúc này thân phận của các nàng đã hoàn toàn thay đổi, họ sẽ không bao giờ còn là công chúa lá ngọc cành vàng, được vua cha cưng chiều như trước mà đã trở thành Vương phi thông thường của các thủ lĩnh. Không chỉ như vậy, các thủ lĩnh của các bộ tộc vùng tự trị cũng không nguyện ý sinh con cùng các công chúa hòa thân. Thông thường, ý chí của các thủ lĩnh này rất mạnh, nếu chịu có con cùng công chúa, không khác nào có ý tứ thần phục hoàn toàn.

Vì thế, khi các công chúa hòa thân có mang thai, dù là chồng, những thủ lĩnh này cũng sẽ nghĩ mọi biện pháp để các nàng sảy thai.

Để tránh cho con cái mình cũng phải chịu đựng tập tục cổ hủ và đáng sợ đó, các công chúa tình nguyện không sinh con, dù cô đơn, không chỗ dựa cũng cắn răng sống lẻ loi đến khi lìa đời.

Vậy mới nói, chỉ đọc về lịch sử thời Trần cũng thấy, là công chúa nếu không thụ động tuân theo thượng lệnh, hoặc nằm trong lòng địch dò la tin tức như công chúa Ngoạn Thiềm, hay lấy mỹ sắc xoa dịu đối phương đê đem lại hoà bình cho đất nước như Huyền Trân, An Tư thì cũng lấy người cùng họ để giữ ngôi báu nhà Trần khỏi lọt vào tay họ khác. Người ta vẫn bảo hôn nhân chính trị, bản thân mỗi nàng công chúa đều là một quân cờ, sao có thể phát sinh tình cảm vợ chồng thực sự. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *