CUỘC PHIÊU LƯU CỦA AUGIE MARCH (Saul Bellow): SỰ TÁI SINH LÝ TƯỞNG TỰ DO HAY NHỮNG M U THUẪN KHÔNG HỒI KẾT CỦA GIẤC MƠ MỸ?
Bước vào thế kỷ XX, khái niệm “Giấc mơ Mỹ” ra đời, đại diện cho những ước mơ và tham vọng hào nhoáng của xứ cờ hoa. Khái niệm “Giấc mơ Mỹ” cũng từ đó đi vào văn hoá đại chúng, trở thành lý tưởng cho những người Mỹ luôn lao đầu về phía những giấc mơ của mình mà không hề mỏi mệt. Với “Đại gia Gatsby”, “Giấc mơ Mỹ” thậm chí trở thành một nhân vật để đồng hành cùng Gatsby và thôi thúc ông không ngừng đi về phía trước, đi về phía cái đốm xanh vô vọng. Cả cuộc đời Gatsby đã sống vì giấc mơ đó để rồi đến cả khi ông chết đi, Gatsby đã trở thành nạn nhân cho chính giấc mơ của mình. Tương tự như Gatsby, Augie March đã bắt đầu chuyến phiêu lưu của đời mình bằng một động lực duy nhất – Giấc mơ Mỹ.
Sinh ra trong một gia đình chẳng mấy khá giả, Augie March lớn lên cùng những kỳ vọng. Suốt những năm tháng trưởng thành, cậu bé Augie đã lắng nghe vô vàn những điềm báo, nguy cơ, đã bị áp đặt những lẽ sống nhiều đến nỗi thứ duy nhất cậu nhận ra chính là sự thật rằng: Cuộc đời là một đường đua và cậu không được quyền nhìn thấy bóng lưng kẻ khác. Phải vượt lên, vượt lên không ngừng, vượt lên để không bị bỏ lại, vượt lên để không thua kém một ai. Đích đến của cuộc đời Augie March đã được định hình bằng những hơn thua đầy mơ hồ như thế. Để rồi, thay vì tìm kiếm cho riêng mình một mục tiêu, một điểm đến của cuộc đời, Augie March loay hoay với việc chạy theo người khác, chạy theo những điều thoắt ẩn thoắt hiện đầy bất định.
Bước ra từ khu phố nghèo nàn ở Chicago cùng đầy đủ những yếu tố cần có để trở thành “một anh hùng kiểu mẫu” của Giấc mơ Mỹ, Augie March khước từ việc xây dựng cho mình một cuộc đời chuẩn mực. Anh chàng bắt đầu những chuyến đi kinh qua mọi miền đất, đi qua những thăng trầm của nghèo nàn và giàu sang, đi qua cả lằn ranh của sự sống và cái chết để khẳng định mình mà quên chưa một lần tự hỏi: Tôi là ai và tôi cần gì? Augie March đã sống trong sự mâu thuẫn giữa những kỳ vọng của người khác và khao khát vượt qua những kỳ vọng ấy. Augie March vẫy vùng trước những xiềng xích vô hình gia đình áp đặt lên mình, dùng sự bốc đồng và nổi loạn của tuổi trẻ để vượt thoát những xiềng xích ấy. Thế nhưng, thứ anh đang muốn thoát khỏi là gì?
Và thế là cuộc đời của Augie March trở thành một bi kịch: muốn chạy trốn khỏi những rào cản nhưng không hề hay biết hình dáng của cái hàng rào đó ra sao! Sống trong sự bí bách và ngột ngạt, Augie March chỉ vội vã muốn vượt thoát ra mà chưa một lần dừng lại để nghĩ suy về thứ đang trói buộc mình. Anh loay hoay tìm kiếm cách tháo gỡ những nút thắt siết chặt lấy cuộc đời mình nhưng không biết đâu là điểm nút. Để rồi, Augie March mơ mơ hồ hồ với mong muốn khẳng định mình nhưng chưa một lần hiểu rõ bản thân. Anh lao mình về phía trước, trả giá hết lần này đến lần khác nhưng những bài học tìm về chỉ đơn giản là: Tôi không biết gì cả.
Trên suốt hành trình của mình, Augie March gặp gỡ, kết giao và yêu đương với đủ mọi hạng người. Chuyến đi của cuộc đời anh có thể coi như là thú vị, sinh động. Nhưng đến cuối cùng, anh còn lại gì – ngoài những giấc mơ tan vỡ, những lời nói dối của người và của đời cùng sự cô đơn khi sống một cuộc đời bấp bênh giữa nơi đất khách quê người. Giấc mơ Mỹ đầy hoa mỹ của thuở thiếu thời châm ngòi cho Augie March dấn thân vào những cuộc phiêu lưu, những chuyến đi cứ thế nối tiếp vào nhau cho đến khi nó vẫn dở dở dang dang thì Augie March chẳng thể làm gì hơn là hoài niệm về quá khứ trong nỗi bơ vơ của thực tại để ngóng đợi một tương lai mịt mờ.
Augie March với những phi vụ làm ăn bất chính, những chuyện tình tay ba chồng chéo và chưa bao giờ là một người cảm thấy an toàn với cuộc đời mình. Anh chọn những chuyến đi, những hành trình bất tận nhưng nghịch lý ở chỗ, Augie muốn sống trong bình yên! Nghịch lý? Hay một niềm đau? Nghịch lý ở chỗ Augie là kẻ tham lam, muốn sống đời an yên nhưng không chịu nổi vô vị? Hay đớn đau ở chỗ anh càng khao khát một bến đỗ bao nhiêu thì càng nhận ra không nơi nào dành riêng cho mình? Suốt cả đời Augie March lang thang, phiêu bạt âu chỉ là do đôi chân xê dịch không thể ngơi nghỉ hay bởi cái nội tâm tràn ngập bất an không cho phép anh hài lòng, thảnh thơi. Nỗi bất an ấy khiến Augie không dám buông lơi tựa mình vào một nơi nào mà chỉ có thể tìm kiếm đến mệt nhoài trong niềm vô vọng một điểm dừng cho cuộc đời mình. Và việc cứ đi hoài đi mãi là một trong những lựa chọn Augie có được hay là con đường duy nhất mà anh phải đi?
Thế nhưng,“Hãy nhìn tôi xem, một kẻ đi khắp đó đây! Ôi trời, tôi đại loại là một Columbus của những kẻ luôn hiện diện quanh đây và tin rằng bạn có thể gặp họ ngay ở chốn terra incognita xa hút tầm mắt này. Tôi có thể là kẻ thất bại tại lằn ranh nỗ lực. Columbus cũng nghĩ mình là kẻ thất bại, khi người ta xích ông rồi gửi trả về quê nhà. Song việc đó đâu chứng tỏ châu Mỹ không tồn tại”. Điều đó cũng giống như Augie March dẫu có loay hoay trước những ngã rẽ đời mình hay cùng đường không một lựa chọn thì người ta cũng không sao phủ nhận được sự thật rằng con người đó đã đi qua hàng trăm nẻo đường, đã trải nghiệm cuộc đời này từ khắp các ngõ ngách của người giàu kẻ nghèo. Bằng cách ấy, Augie March hiện lên trong trang sách như một nhà thám hiểm cuộc đời tuy mông lung nhưng chưa bao giờ từ bỏ, chưa bao giờ dừng chân. Cứ như vậy, Augie March trở thành một cánh chim không mỏi, chao liệng khắp những vòm trời để tìm một châu Mỹ của riêng mình!