CUỘC ĐỜI THAY ĐỔI KHI LÒNG TỰ TRỌNG THAY ĐỔI

“Tôi chưa từng thấy ai xấu xí như mình. Tôi thật thảm hại, tôi ghét bản thân vô cùng.”

Khi nghe Soo Hyun (35 tuổi) nói những lời này, tôi không thể không nghi ngờ đôi tai mình. Cô ấy không chỉ có diện mạo thanh tao mà bộ trang phục cô đang mặc cũng rất trang trọng. Không chỉ vẻ ngoài, năng lực của cô ấy cũng khiến mọi người phải ghen tị.

Bố mẹ Soo Hyun đi làm kiếm tiền từ khi rất trẻ, đều xuất thân từ những trường đại học danh tiếng và có tiếng tăm trong lĩnh vực của bản thân. Cô cũng theo bố mẹ ra nước ngoài sinh sống từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp trường đại học nổi tiếng ở Mỹ, cô quay về Hàn Quốc và đảm nhận vị trí rất cao trong một công ty nước ngoài. Nhưng, Soo Hyun có một thói quen, sau khi tan làm về nhà hoặc cuối tuần khi ở một mình, cô đặt một con búp bê lên giường và nổi giận với con búp bê ấy. Cô thường chỉ trích những lỗi lầm của bản thân ngày hôm ấy.

Soo Hyun liên tục nói những lời chán ghét bản thân. Thế nhưng mối quan hệ với mọi người không được thoải mái, hay cảm thấy bản thân thảm hại, những điều này hoàn toàn không liên quan đến năng lực của Soo Hyun. Vấn đề nằm ở chỗ cô có lòng tự trọng thấp.

Lòng tự trọng ảnh hưởng rất lớn đến cách chúng ta phân tích ý nghĩa của cảm xúc, nhu cầu, phán đoán, giá trị và trải nghiệm – những thứ chi phối cuộc sống hằng ngày. Tổn thương chính là thứ khiến lòng tự trọng của chúng ta bị tổn hại nghiêm trọng. Tổn thương trong quá khứ làm giảm dần lòng tự trọng trong quá trình trưởng thành và rồi khiến chúng ta không thể tôn trọng hay yêu thương bản thân. Tổn thương càng sâu, càng nhiều, lòng tự trọng càng thấp và làm chúng ta có cái nhìn tiêu cực về bản thân cũng như thế giới.

Chúng ta của hiện tại là kết quả của những sự lựa chọn chúng ta đưa ra hằng ngày và những hành động sau khi lựa chọn. Chỉ những người xem bản thân có giá trị mới có thể tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác. Vậy nên lòng tự trọng được gọi là chìa khóa cho sự tồn tại của con người.

Để mọi người công nhận chúng ta là sự tồn tại đáng trân trọng và có giá trị thì trước tiên chúng ta phải công nhận bản thân là một người đáng trân trọng, là một sự tồn tại có giá trị. Trưởng thành thực sự là khi chúng ta chấp nhận bản thân như vốn là. Để làm được điều đó, trước tiên chúng ta cần tiếp xúc và gặp gỡ với bản thân thực sự.

(trích sách Trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ cần vỗ về)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *