Đã từng có người nói rằng, nữ nhân một khi bước qua cửa Tử Cấm Thành, thanh xuân một đời cũng chính thức lụi tắt. Một khi đã là nữ nhân của hoàng thượng, phải tìm mọi cách khoác lên mình phượng bào thì mới có được hạnh phúc. Nhưng cũng có người nói, đã bước vào Tử Cấm Thành thì số phận không còn là của mình nữa, hoàng hậu hay không thì có ích gì, chưa kể cây cao đón gió, quyền lực chỉ có đi cùng những âm mưu và ganh ghét, an phận một đời yên ổn mới là điều nên tâm niệm. Vậy, trở thành một mẫu nghi thiên hạ có thực sự hạnh phúc?
Nhắc đến hoàng hậu, có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng một lần nghe nói đến Nam Phương Hoàng hậu – người khoác lên mình tấm phượng bào cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Thuở xuân thì, Nam Phương Hoàng hậu là một người con gái rất xinh đẹp và bản lĩnh. Để có thể đưa được nàng về dinh, vua Bảo Đại đã phải chấp nhận một loạt yêu cầu mà nàng đặt ra, phải sắc phong nàng làm hoàng hậu ngay sau hôn lễ, phải từ bỏ chế độ đa thê đã tồn tại hàng trăm năm về trước và phải chấp nhận cho nàng theo đạo công giáo. Người ta đã nói rằng, Nguyễn Hữu Thị Lan quả là một nữ nhân may mắn, cuộc đời nàng đã định sẵn là trải đầy hoa hồng rồi. Thế nhưng, hoa hồng cũng có gai và nó đã đâm nàng đến rỉ máu. Người chồng ngày ấy từng yêu thương nàng hết mực, từng đem nàng nâng niu trong lòng bây giờ lại ôm ấp một ả đàn bà khác để nàng một mình nuôi các con khôn lớn, đơn độc nơi đất khách quê người và rồi ra đi trong cô tịch, quạnh quẽ. Một hoàng hậu cao sang quyền quý, đến cuối đời lại không có lấy một người cạnh bên. Những lời ngọt ngào ngày trước đâu rồi? Những sủng nịnh chỉ dành cho nàng đâu rồi? Những lời hứa sẽ chỉ có mình nàng và sẽ cùng nàng đi đến cuối cuộc đời đâu rồi? À, thì ra bây giờ người lại dành để trao cho người đàn bà kia mất rồi. Thì ra là vậy. Thì ra đối với người, tình yêu mong manh đến thế. Thì ra những say nồng cuồng nhiệt kia không phải người vì thực sự động tâm mà có. Thì ra những lời ngọt ngào yêu thương đó người cũng có thể nói với bất kì ai người muốn chứ không phải một mình ta. Tình yêu và hôn nhân cũng giống như một canh bạc. Và đối với người con gái, canh bạc ấy còn đắt giá hơn gấp ngàn lần. Và lần này, nàng đã thua rồi. Khi nàng chọn tin tưởng vào người say mê nàng đến nồng nhiệt, nàng đâu biết được những ngày sau giông bão say mê ấy cũng dần lụi tàn. Có lẽ trong cái non nớt và nồng nhiệt của tuổi trẻ, nàng đã nhất thời quên mất rằng, trăng hoa như non nước, có thể thấy lại chẳng thể đổi dời.
“…Trách người quân tử bạc tình
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao…”
Sinh ra là một công chúa, thân phận nàng cũng chỉ như một cánh hoa mỏng trôi giữa thế gian. Không biết nàng mỉm cười được bao nhiêu lần, chỉ biết rằng những giọt nước mắt của nàng thì nhiều vô kể. Đó là nàng, Lý Chiêu Hoàng. Không giống như những nữ nhân khác phải từng bước tiến lên ngôi vị hoàng hậu, cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng vẫn luôn gắn liền với những danh xưng cao quý ngay từ khi nàng vừa mới ra đời. Với những nữ nhân từ bình thường, trở thành hoàng hậu đó là niềm hạnh phúc cùng tự hào khi được vạn người kính trọng. Nhưng với Lý Chiêu Hoàng, nàng vốn dĩ đang ngồi ở ngôi cao thiên tử, lại phải lùi về một bước trở thành hoàng hậu, nàng có thể vui vẻ tự hào sao? Hơn nữa, phượng bào nàng đang mặc, phượng ấn nàng đang cầm, phượng tọa nàng đang ngồi, là từ đâu mà có? Là từ những kẻ đã cướp ngôi của nàng, cướp ngôi của triều Lý, là những kẻ đã đem hơn 200 năm sự nghiệp và cả cha của nàng chôn sâu xuống lòng đất, nàng ngồi ở đó có thể hoàn toàn thoải mái vô tư sao? Mỗi khi đối mặt với Trần Cảnh, nàng phải làm sao đây? Đó là người đã lấy đi long bào từ chính tay nàng nhưng đó cũng là chồng của nàng, là người bạn duy nhất bên cạnh nàng nơi hoàng cung lạnh lẽo. Nực cười, vì sao lại trớ trêu đến vậy? Làm một mẫu nghi thiên hạ, thế nhưng nàng lại chưa từng cảm thấy mình là một nữ nhân may mắn mà chỉ có trống rỗng và đắng chát. Vợ chồng, hay vua tôi, hay là tri kỉ? Không quan trọng, vì sau tất cả, đến tấm phượng bào cũng không còn thuộc về nàng nữa rồi. Xuất thân là công chúa, nàng cuối cùng lại trở về với điểm xuất phát ban đầu. Đáng lẽ ra một đời nàng phải là một đời vinh quang vô hạn, cao quý xa hoa; thế nhưng đến cuối cùng, lại chỉ là một nữ nhân bình thường, cùng một người chồng bình thường sống qua những tháng ngày bình thường còn lại. Nước mắt đối với nàng, có lẽ từ lâu đã không còn nghĩa lý gì. Khóc thì đã sao, nàng đã khóc quá nhiều rồi, đến cùng vẫn không có gì thay đổi được. Đặc quyền của phụ nữ là được khóc, thế nhưng đến cả giọt nước mắt ấy cũng trở nên vô dụng thì cũng chính là lúc tâm can người ấy đã sớm hóa tro tàn rồi.
Tất cả mọi tình yêu trên đời đều phải vượt qua thử thách, chỉ là sau cơn bão giông ấy, có những ngọn lửa sẽ lụi tàn nhưng cũng có những ngọn lửa sẽ càng bùng cháy mạnh mẽ hơn, tình yêu của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu và vua Gia Long là một ví dụ. Ngay từ khi vừa mới nhập cung, Tống Phúc Thị Lan đã rất được Nguyễn Ánh sủng ái. Nàng đã hạ sinh cho Nguyễn Ánh hai người con, bất hạnh thay, cả hai đứa trẻ nàng sinh ra đều sớm rời khỏi dương thế. Những ngày sau khi đã lên ngôi, Thừa Thiên Cao Hoàng hậu chỉ còn lại vua Gia Long và Hoàng tử Đảm là niềm an ủi duy nhất. Song, tất cả những thử thách mà nàng đã cùng Nguyễn Phúc Ánh trải qua đều không thể khiến cho tình yêu của hai người trở nên lạnh nhạt, mà một ngày so với một ngày càng thêm sâu đậm hơn. Tình yêu đó đi qua giông bão, lại càng trở nên kiên cố hơn gấp ngàn lần. Khi nàng rời nhân thế, vua Gia Long đã an táng nàng tại hoàng lăng, sau này vua Gia Long cũng được an táng ngay cạnh nàng. Cái may mắn của nàng không phải là trở thành hoàng hậu, mà chính là thực sự có được chân tâm của một người như Nguyễn Ánh. Khiến cho một người có thể cùng mình nối trọn vẹn câu “Sống cùng chăn, chết cùng huyệt” mới là điều khiến cho Thừa Thiên Cao Hoàng hậu trở thành một người phụ nữ may mắn và hạnh phúc. Dẫu nàng đã phải trải qua nỗi đau mất con đến tận 2 lần, phải trải qua những đêm dài cô đơn lạnh lẽo cùng sợ hãi, chính nàng và cả phu quân của mình cũng chưa từng mất niềm tin vào nhau và vào cả con đường phía trước. Có người nói, yêu không phải khi hai người nhìn nhau, mà là khi hai người cùng nhìn về một phía và chỉ khi nhìn về cùng một phía, họ mới có thể nắm tay nhau cùng đi đến cuối con đường.
Là thế đấy, trở thành mẫu nghi thiên hạ, không phải tất cả đều hạnh phúc nhưng cũng không phải ai cũng đau khổ. Nữ nhân trong thiên hạ, cao quý hay tầm thường, có hạnh phúc hay không, chính là do niềm tin của mình có đặt vào đúng người hay không. Chỉ cần có được chân tâm người ấy, dù có trở thành hoàng hậu hay không cũng sẽ sống từng ngày hạnh phúc. Còn một khi đã đặt niềm tin sai chỗ, mẫu nghi thiên hạ thì có ích gì, có chăng cũng chỉ là một tấm áo thật đẹp, một cái danh hư ảo, khiến bản thân nàng thêm chua xót ngậm ngùi mà thôi. Ngồi trên phượng tọa cao quý, nước mắt không phải là thứ có thể tùy tiện để người khác nhìn thấy. Vạn người cúi đầu trước nàng, chỉ duy nhất một người có thể chiêm ngưỡng dung nhan của nàng mà thôi; nhưng nếu người ấy cũng không nhìn nàng nữa, nàng có khác gì bóng ma vật vờ trong Tử Cấm Thành? Hoàng hậu, phượng bào, mẫu nghi thiên hạ, tất cả đều chỉ là những thứ xa hoa và lộng lẫy. Còn từ chính bên trong, chân tâm trượng phu mới là thứ quyết định, một đời này nàng thực sự là một hoàng hậu, hay chỉ đơn giản là chính thất của một thánh thượng.
*BÀI VIẾT MANG ĐẬM CẢM XÚC VÀ GÓC NHÌN CÁ NHÂN CỦA TÁC GIẢ.