CÔNG PHU NGHỀ “ DỤ” DƠI RỪNG Ở HUYỆN U MINH

Từ ý tưởng “nuôi dơi diệt muỗi” của một bác sĩ, một số hộ dân ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh đã nuôi thành công hàng trăm ngàn con dơi rừng.

Mô hình nuôi dơi lấy phân bán đắt tiền không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, mùa màng…

Huyện U Minh với bốn bề là rừng nguyên sinh. Với sự đa dạng sinh học, nơi đây đã trở thành khu tụ hợp, sinh sống của nhiều loài động vật, trong đó có loài dơi chuột hoang dã.  

Điều đáng nói, tập tính của loài dơi chuột sống theo bầy đàn với số lượng lớn và chỉ ăn các loài côn trùng, đặc biệt là muỗi…

Do xung quanh là rừng nên nhiều năm trước đây là xã nguy cơ cao về dịch bệnh liên quan đến muỗi như: sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh sốt vàng da, phù chân voi…

Loài dơi chuột sống hoang dã có tên khoa học Vespertilio, loài dơi này đặc biệt chỉ thích ăn các loại côn trùng, nhất là muỗi mà không phá hoại mùa màng như những loại dơi chó, dơi quạ…

Đặc biệt, phân của loài dơi này có giá trị cao cho nhiều loại cây trồng và đang rất “được” giá trên thị trường.

Bởi dơi là loài động vật hoang dã và người nuôi không thể nhân giống nên chỉ có cách “dụ” dơi về bằng việc làm những “ngôi nhà” tốt nhất để chúng về ở. Và bầy dơi cũng rất biết cách chọn “nhà” tốt nhất, “tiện nghi” nhất để tập hợp bầy đàn về sống.

Để dẫn dụ dơi hoang dã về, thoạt đầu người dân địa phương bắt khoảng chục con dơi cho vào lồng rồi treo ở cành cây cao để đàn dơi nghe tiếng kêu của đồng loại mà kéo về. Cứ thế, khi làm xong chòi thì cũng là lúc chúng đã quen đường tỏ lối mà kéo đến sinh sống.

Tìm hiểu kỹ tập tính cùng thói quen của loài dơi này được biết, dơi chuột rất dễ bị những loại cú mèo, rắn… “xơi thịt” nên chúng thường ẩn trú trên những loại cây có sóng lá cứng, tán rộng. 

Và trong quá trình làm những chòi dơi, dơi là loài hoang dã và cũng thích ở chỗ tốt nên phải chọn chỗ xa khu dân cư, môi trường yên tĩnh để làm chòi cho dơi ở. Những chòi dơi được dựng cao từ 9-12m, bên trên là nhà của chúng, bên dưới được giăng lưới để thu hoạch phân dơi.

Để có “ngôi nhà”  lý tưởng cho những chú dơi sinh sống, lá thốt nốt là vật liệu tốt nhất để làm chỗ cho dơi đậu. Mỗi chòi cần khoảng 3 ngàn lá thốt nốt xâu thành 3 chuỗi giăng thành hàng cách nhau từ 30-50cm để dơi có chỗ bay ra, bay vào.

Khi trời nhá nhem tối thì đàn dơi đi ăn và khoảng 5 giờ sáng trở lại chuồng. Một đêm mỗi con dơi có thể bắt được hàng ngàn con muỗi, côn trùng trung gian truyền bệnh mà không cần phải xử lý bằng việc phun xịt hóa chất trừ muỗi và lăng quăng như trước đây, độc hại cho con người lẫn môi trường. 

Hơn nữa, đây là loài dơi chuột, chúng sống thân thiện với môi trường chứ không tàn phá cây trồng như những loài dơi khác nên có thể nuôi số lượng lớn. Tất nhiên, các chòi nuôi dơi cũng phải đặt cách xa nhau để có đủ thức ăn cho các đàn dơi mà chúng không bị chia đàn do “tranh giành” địa bàn sống.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *