Khốn khổ vì Tết này không thưởng, còn bị nợ BHXH
Là một trong số hàng trăm nghìn lao động đang bị nợ BHXH, BHYT, cuộc sống của chị Hà Hoài Thu (25 tuổi) công nhân tại một công ty cổ phần tại Hà Nội đang bị nợ 12 tháng BHXH. Hiện chị Thu đã chuyển sang làm việc ở công ty khác nhưng đến giờ vẫn chưa được công ty cũ thanh toán tiền BHXH.
Chị Thu chia sẻ: “Trước khi nghỉ việc ở công ty, tôi bị nợ lương 3 tháng, nợ BHXH 12 tháng. Lúc sinh con đi đẻ mới tá hỏa vì không được thanh toán tiền thai sản và tiền nằm viện”.
Cũng theo chị Thu, nhiều lần chị liên lạc với BHXH quận và cả công ty cũ nhưng đến nay vẫn không thể giải quyết được món nợ BHXH. Nhiều lần chị Thu muốn bỏ tiền túi ra đóng bù số tháng nợ BHXH để được chốt chuyển sổ đảm bảo quyền lợi nhưng vẫn không được.
“Tết cận kề, công việc mới thu nhập cũng thấp, loay hoay mãi mới chuyển được việc nhưng vì mới đi làm nên công ty mới nói là không có thưởng Tết, chỉ có chút quà tặng động viên thôi. Chỉ mong cơ quan chức năng sớm giải quyết được nợ đọng cho tôi, chứ giờ đau ốm có muốn khám cũng không có tiền”, chị Hòa Thu nói.
Mới đây chia sẻ tại Hội thảo về nợ đóng BHXH, chị Nguyễn Thị Huyền – Quản đốc Phân xưởng may – Nhà máy Dệt kim Haprosimex (Khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex) không khỏi xúc động. Những giọt nước mắt lăn dài trên má.
Chị Huyền kể: Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ lương từ tháng 1/2017 và nợ BHXH từ tháng 7/2011 của toàn bộ gần 500 anh chị em công nhân. Tính đến trước tháng 3/2023, số tiền Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ BHXH của người lao động là hơn 15 tỷ đồng.
Do công ty không đóng BHXH, BHYT nên nhiều nữ công nhân không được hưởng chế độ thai sản mặc dù con của họ đã lớn. Không những vậy, nhiều lao động bị nợ tiền lương, tiền BHXH không kết thúc hợp đồng lao động nên không xin được việc làm phải đi làm lao động tự do: xoay sang chạy xe ôm, rửa xe, rửa bát thuê…
Nữ quản đốc nghẹn ngào khi nhắc hoàn cảnh chị em công nhân Lê Thị Là, Lê Thị Ngân. Trước tháng 3/2023, chị Là hai lần sinh con nhưng chưa được hưởng một đồng thai sản. Chị Ngân bị ung thư máu, qua đời năm 2012 không có tử tuất, trợ cấp mai táng phí. Công nhân cùng cảnh, mỗi người góp một ngày lương trao gia đình làm đám tang cho Ngân.
Chị chia sẻ, trong 6 năm ròng rã, người lao động đi tìm gặp các lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời mà người lao động nhận được là: “Doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả cho người lao động”.
Sau hàng chục cuộc đối thoại, lao động mời báo chí vào cuộc thì cuối tháng 6/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex mới trả hết số tiền nợ đọng BHXH của người lao động, hơn 15 tỷ đồng.
Nhưng có lẽ đây chỉ là một trong những vụ việc hiếm hoi mà lao động và công đoàn “đòi nợ” thành công.
Giải pháp giải quyết nợ đọng BHXH cho lao động?
Về tình hình nợ BHXH, ông Dương Văn Hào – Trưởng ban Quản lý Thu – Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, số nợ BHXH dồn từ trước đến nay đã lên đến hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 3.000 tỷ (thống kê đến năm 2021) là của các doanh nghiệp phá sản, có chủ bỏ trốn.
Số người lao động bị “treo” sổ BHXH do DN phá sản, chủ bỏ trốn lên đến hơn 200.600 người. Tuy nhiên, theo ông Hào, trong số 206.000 trường hợp bị nợ BHXH đã có gần 2.300 người được giải quyết chế độ hưu trí, 535 người được giải quyết chế độ tử tuất, hơn 27.400 người đã được giải quyết chế độ BHXH một lần, gần 34.600 người đã được cơ quan BHXH xác nhận thời gian tham gia để bảo lưu quá trình đóng…
Hiện còn khoảng 125.000 người lao động vẫn bị nợ nhưng chưa có giải pháp để giải quyết vì chưa có nguồn tiền nào để bù vào. Cơ quan chức năng đề xuất hai hướng xử lý: một là lấy từ Quỹ BHXH; hai là từ ngân sách; nhưng hiện cả hai hướng đều chưa được duyệt. Ông Hào cho biết, đa số các lao động này đã đi làm ở DN mới.
Ông Hào cũng cho biết, thời gian qua, BHXH Việt Nam cũng đã triển khai nhiều giải pháp, từ việc cử cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình của doanh nghiệp để đôn đốc số nợ đọng BHXH cũng như gửi thông báo kết quả đóng BHXH về chủ doanh nghiệp.
BHXH Việt Nam đã triển khai hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành đóng để đốc thúc và sát sao trong việc thu nợ BHXH. Riêng năm 2022, toàn ngành đã thanh tra, kiểm tra hơn 36.000 đơn vị, qua đó, thu hơn 3.000 tỷ (đạt hơn 90%) tiền nợ đọng, chậm đóng của các DN.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã triển khai sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số, giúp hơn 90% NLĐ cài đặt VssID. Điều này giúp NLĐ có thể kiểm tra quá trình đóng BHXH, BHYT… Nếu phát hiện có trốn đóng, nợ đóng BHXH có thể đòi quyền lợi cho bản thân hoặc kiến nghị lên cơ quan BHXH.
Đối với việc khởi kiện hình sự các DN nợ, chậm đóng BHXH, đến nay cơ quan BHXH các cấp đã chuyển 399 hồ sơ, trong đó 12 vụ việc được xử lý, một số DN ngay khi bị khởi kiện đã lập tức đóng tiền.
“Việc nợ BHXH vẫn còn tiếp diễn khi tình hình kinh tế sau dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN thực sự khó khăn, không có tiền trả lương, thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.
Ngoài ra, các chế tài xử lý các DN nợ BHXH còn chưa đủ mạnh nên chưa đủ sức răn đe khiến một số DN vẫn cố tình chây ỳ, tìm cách né tránh cơ quan chức năng…
Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, bên cạnh khởi kiện hình sự, cơ quan BHXH đề xuất với Bộ LĐTBXH cấm xuất cảnh với chủ nợ từ 12 tháng trở lên; không vinh danh, không khen thưởng đối với các doanh nghiệp nợ BHXH….”, ông Hào chia sẻ.
Không chỉ BHXH, Bộ LĐTBXH, Công đoàn Việt Nam cũng có nhiều giải pháp nhằm xử lý nợ đọng BHXH cho công nhân, lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, ông đồng cảm trước những khó khăn của người lao động. Hiện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang kiến nghị Chính phủ và cơ quan chức năng sớm tìm chính sách đặc thù để giải quyết một vấn đề kéo dài có ảnh hưởng lớn tới đời sống của công nhân lao động. Tổng liên đoàn cũng đề xuất cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan liên quan.
“Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm nên cần có sự nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể của các cơ quan chức năng. Công đoàn cũng xem đây là một trong những vấn đề cần theo đuổi trong nhiệm kỳ 2023 -2024 để hoàn thành trách nhiệm chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động”, ông Hiểu nói.
Ông Hiểu cũng cho biết, nhóm công nhân lao động bị mất việc, giảm lương thu nhập và nợ đọng BHXH sẽ là nhóm được công đoàn các cấp ưu tiên chăm sóc, thăm hỏi dịp Tết nguyên đán năm 2024 này.