Nhắc đến Lê Lợi người ta thường nhớ đến cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, 10 năm chiến đấu đầy gian khổ và thành công đánh đuổi quân Minh về nước, giành lại nền độc lập của Đại Việt, mở ra một thời kỳ tự chủ và thịnh vượng.
Võ nghiệp hiển hách thường khiến người ta đánh giá thấp văn nghiệp, đánh giá thấp tài trị quốc. Nếu các bạn làm một phép so sánh với các triều đại về sau, tìm hiểu kỹ hơn về hoàn cảnh nước ta sau chiến tranh với nhà Minh, những vết thương dai dẳng thời hậu chiến sẽ thấy rằng công lao trị nước của Thái Tổ không hề kém cỏi chút nào so với võ công.
Nước ta sau 10 năm Minh thuộc có thể nói là đã hư hại đến tận gốc rễ, quốc khố trống rỗng, vàng bạc của cải châu báu bị Quân Minh đem cả về nước, đến cả đồng để đúc tiền còn thiếu thốn đến mức Thái Tổ phải “trưng cầu dân ý” rồi mới quay lại in tiền đồng như cũ. Thầy giỏi, thợ hay cũng bị kéo cả về phục vụ thiên triều.
An Nam tứ đại khí, những công trình một thời mang tính biểu tượng bị phá hủy, văn hóa, sử sách bị đốt sạch, phá sạch đến mức hiện nay hiểu biết chúng ta về thời Lý Trần không gì hơn ngoài mấy điển chương thậm chí hơi nhuốm màu huyền sử trong toàn thư.
Chưa kể, sự phức tạp rối rắm trong các thế lực tàn dư triều đại cũ, lòng người khắp nơi còn chưa quy thuận, chiến tranh tàn phá, quân lương thiếu thốn, nhưng đồng thời phải đề phòng ba mối nguy: ở phía Tây thù hân đã kết với Ai Lao ở trận Sách Khôi, phòng bị biên giới phía Nam với Chiêm Thành, và giữ quan hệ ngoại giao hòa hảo phía Bắc với nhà Minh.
Về xuất thân, Thái Tổ thậm chí theo một số thuyết còn chả phải người Kinh, quê thì ở tận vùng núi rừng Thanh Hóa, với đất kinh kỳ vốn mang trong mình sự kiêu ngạo, lòng người đã chẳng dễ tuân phục, hà huống chi, Việt gian vẫn còn đầy rẫy, nhiều kẻ vẫn còn ngầm mong quân Minh trở lại, một số tù trưởng bất phục nổi loạn, Bế Khắc Thiệu, Nông Đắc Thái, Đèo Cát Hãn.
Triều đại thì chỉ vừa mới lập, từ vua đến tướng không có kinh nghiệm trong trị quốc, có thể nói là CV chỉ ghi mỗi một dòng: “Kinh nghiệm 10 năm đánh giặc, còn trị nước hả, anh chưa có”, xã hội còn rối loạn, luật pháp, kỷ cương toàn bộ phải làm lại từ đầu.
Đây là những khó khăn đủ để đè sập bất kỳ một triều đại nào.
Và cũng nên nhớ rằng, Thái Tổ phải đối mặt với từng đó khó khăn chỉ trong vòng 5 năm, đặt lại nền móng cho đời sau chỉ trong 5 năm với phần lớn thời gian là đánh vật với tuổi già và bệnh tật. Thái Tổ lên ngôi từ 1428 và mất năm 1433, lắm khi tuổi cao bệnh nặng liệt giường, khi dậy vẫn ngự giá thân chinh xuất binh dẹp loạn.
Thái Tổ dùng ân nghĩa thu phục lòng người, dùng võ nghiệp giương uy chấn áp nội ưu ngoại hoạn, thu hút các bộ lạc, phòng bị nơi biên cương, định lại pháp tắc kỷ cương , đặt ra quy mô đại định thiên hạ, giang sơn từ đó mà an trị, đất nước từ đó mà chấn hưng.
Nước ta xuất hiện một người như Lê Thái Tổ ấy chính là vận may của dân tộc.
“Đời vua Thái Tổ, Thái Tông, thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”.
#MinhĐức