CON GÁI XẤU XÍ CÓ THỂ THẢM TỚI MỨC NÀO?

Phải nói sao đây ta? Bất kể bạn mập hay ốm, gương mặt sẽ là thứ quyết định bạn đẹp hay xấu. Mập nhưng đẹp, người ta gọi là tròn tròn dễ thương. Ốm mà đẹp, người ta gọi là mảnh mai xinh xắn.

Nhưng, mập mà xấu, người ta gọi là con heo nái xấu xí. Ốm mà xấu, thì bị gọi là người ngợm như con cò ma.

Tiểu học thì còn ổn. Thời ấy nhỏ nhắn, chưa biết gì, chơi vui vẻ là được, mấy lời kia chẳng để trong lòng.

Lên đến cấp hai thì bắt đầu như cơn ác mộng. Vì xấu, nên bạn đã trở thành đối tượng của bạọ lực học đường. Tụi con trai lấy tên bạn cho những trò đùa cá cược, đứa nào thua sẽ nhận hậu quả là bạn sẽ thành vợ của nó. Thậm chí chúng còn bắt sâu bỏ lên bàn ghế, lên tập vở, trong hộp bút, đáng sợ hơn nữa là chúng bắt bạn ăn, hỏi bạn có phải vì ăn mấy con sâu này nên mới xấu xí như vậy không.

Tụi con gái thì cười cợt, ăn hiếp bạn. Chúng lật xem nhật kí, quấy tung hộc bàn, đặt biệt danh ghê tởm cho bạn. Nếu bạn dám phản kháng thì chúng sẽ cười bạn, bảo bạn đáng đời. Chúng còn đến hỏi cậu bạn mà tôi đã thầm ghi trong nhật kí rằng cảm thấy như thế nào, cậu ta trừng mắt nhìn tôi: “Cậu thật ghê tởm.”

Nếu như gặp trúng thầy cô giáo đã có thành kiến với bạn thì thôi rồi, một cái lỗi nhỏ cũng biến thành trọng tội.

Ừ thì tôi đã nổi tiếng, nổi tới mức trở thành trò cười của cả trường. Đi ăn cơm cũng bị chỉ chỉ trỏ trỏ sau lưng. Bị vài cô bạn cố ý chạy đến tông vào tôi, rồi còn nói: “Ay, cậu truyền nhiễm cái xấu xí vào người tôi rồi”. Nhiều lúc bị chen ngang hàng một cách bất công, sau đó chỉ vỏn vẹn một câu: “Ngại quá, không nhìn thấy cậu.”

Vì tôi xấu, lúc ấy cũng không hề mập một chút nào, 1m6/45kg, nhưng da đen, mũi thì to, mặt đầy mụn vì tuổi dậy thì. Có cô bạn ngồi trước bàn tôi: “Làm sao cậu có thể xấu đến như vậy nhỉ?”

Tôi nhớ câu này đến hết đời.

Tôi nhịn, tôi quyết tâm thi lên cấp 3, tôi nghĩ như thế rồi cũng sẽ tốt thôi. Nhưng mọi thứ không hề như điều tôi mơ tưởng. Vì xấu, lại đến từ nông thôn, mọi người đều gọi tôi là con chó nhà quê. Nhưng thôi vẫn không sao, dù gì vẫn đỡ hơn hồi cấp 2. Tôi vẫn trở thành trò cười của tụi con trai, nhưng có thể do lớn rồi, áp lực học tập đè nặng, nên hầu như tụi nó không quá tập trung vào tôi. Đám con gái thì bình thường, chắc vì tôi không thích tiếp xúc, nói chuyện gì hết.

Tôi thi đậu vào trường đại học khá tốt. Những câu chuyện lấy tôi làm trò cười cũng ít dần, nhưng chúng vẫn còn tồn tại xung quanh. Tôi thì cứ nỗ lực học tập, lấy học bổng, tham gia đột tuyển các kiểu, sau này thi nghiên cứu sinh, thi tiến sĩ, tìm một công việc ổn định thì cuộc sống có thể sẽ tốt đẹp hơn.

Những câu nói khó nghe vẫn còn đó. Chúng xuất hiện từ người bạn học chung lớp, cũng có thể từ bạn chung kí túc xá,…

“Học giỏi thì sao, vẫn xấu xí mà thôi!”, “Haizz, không phải vì quá xấu nên mới cố gắng học tập hay sao?”,…

Thi lên nghiên cứu sinh, mấy lời nhục mạ kia hầu như không còn, vì mọi người đều chuyên tâm học tập, không ai rảnh rỗi để ý đến bạn cả.

Thực ra là tôi học ngành y. Lúc trước, tôi không muốn học ngành này đâu, vì mệt mỏi, muốn đi làm công việc trái ngành. Nhưng đến khi đi phỏng vấn tuyển dụng, nếu như ứng viên khác đều cùng học lực với bạn thì tất nhiên HR sẽ chọn người theo nhan sắc rồi. Cái đó còn chưa nói đến khi bạn đẹp thì HR cũng sẽ có hảo cảm và ưu tiên bạn hơn.

Sau thì tôi ngoan ngoãn đi làm bác sĩ, vì tôi không muốn đi phỏng vấn mà bị chọn lựa bởi gương mặt. Vả lại, làm bác sĩ thì không có ai thèm nhìn bạn đâu, nếu có mắng thì cũng vì mấy vấn đề công việc mà thôi.

Xấu xí thật sự rất đáng sợ. Nhan sắc cũng là một sự bẩm sinh, về mặt sinh lí thì bạn không thể thay đổi được. Nhưng bạn có thể thử những cách tác động từ bên ngoài khác, như: béo thì giảm cân, đen thì trang điểm, xấu xí hơn nữa thì đợi lớn lên rồi đi phẫu thuật.

Vì trên thế giới này chẳng cứu được bạn ngoại trừ bạn. Bố mẹ, bạn thân cũng thế, họ không thể thấu hiểu hết được. Trừ phi là những người đồng cảnh ngộ thì may ra, nhưng họ cũng đang chật vật với bản thân mà lấy đâu ra tâm trạng để an ủi bạn.

Xấu không phải là lỗi của bạn. Nếu người khác ức hiếp bạn chỉ vì bạn xấu, thì coi như họ không có văn hóa. Nếu họ không quan tâm, không nói chuyện cùng bạn, thì đó là quyền của họ. Nhưng bạn không được để bản thân lún sâu vào vũng bùn đó. Hãy cố gắng hết sức để hoàn thiện bản thân, làm những điều bạn muốn, không vì ai khác cả, mà vì chính bạn mà thôi!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *