CỐ THỦ TƯỚNG THỤY ĐIỂN OLOF PALME – NGƯỜI BẠN LỚN CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM

Vào ngày 30 tháng 7 năm 1965, tại hội nghị của Đảng Dân Chủ Xã Hội (DCXH) Thụy Điển ở Gavle, có một Bộ Trưởng còn trẻ và ít tiếng tăm đứng lên phát biểu về một vấn đề không phải của Thụy Điển, nhưng lại là tin tức thời sự toàn cầu thời bấy giờ – chiến tranh Việt Nam. Vị này đã sử những ngôn từ gay gắt nhất để nói về cuộc chiến:

“(Hoa Kỳ) thật viển vông khi tin rằng công lý xã hội có thể đạt được bằng bạo lực và sức mạnh quân sự.”

Ông cũng bày tỏ sự thương cảm cho dân tộc Việt Nam đang phải chịu đau khổ và thông cảm cho ước mơ đơn giản của họ: “Tồn tại trong hòa bình, không đói nghèo, mà giá trị của họ với tư cách là con người được tôn trọng.” [1]

Đây là lần đầu một chính trị gia Phương Tây có phát biểu như vậy. Sự kiện trở thành tin nóng trên các mặt báo Thụy Điển. Đảng đối lập tại Thụy Điển chỉ trích vị Bộ Trưởng là kẻ chống Hoa Kỳ, yêu cầu Chính Phủ phải khiển trách ông. [2]

Olof Palme, khi đó 38 tuổi – Bộ Trưởng Truyền Thông*, Thủ Tướng tương lai của Thụy Điển – có lẽ không ngờ rằng bài phát biểu tại Gavle của ông sẽ là tiếng chuông báo hiệu cho sự rạn nứt của quan hệ Hoa Kỳ – Thụy Điển trong suốt 10 năm sau đó. Ông đã, và sẽ trở thành cái gai trong mắt người Mỹ vì đã dám phản đối cuộc chiến của họ ở một đất nước Châu Á xa xôi.

CHÀNG THANH NIÊN THƯỢNG LƯU NGƯỠNG MỘ HOA KỲ

Tuy nhiên, Olof Palme không hề ghét nước Mỹ. Như The New York Times đã nói, cuộc đời ông là một chuỗi những nghịch lý: Là người con thứ 3 trong một gia đình thượng lưu, Olof Palme là một cậu bé ốm yếu nhưng rất thông minh – ông sớm học nói được nhiều thứ tiếng từ khi còn nhỏ. Năm 17 tuổi, Palme tốt nghiệp sớm tại một trong những trường tư thục tốt nhất của Thụy Điển, Sigtuna Humanistiska Laroverk. Cùng năm (1944), ông thực hiện nghĩa vụ quân sự trong quân đội TĐ và trở thành một sĩ quan** kị binh [3].

Năm 1947, sau khi giải ngũ, Olof Palme nhận được một học bổng từ Đại Học Kenyon tại Ohio với chuyên ngành kinh tế và chính trị. Bạn đại học của ông từng chia sẻ: “(Palme) đã luôn muốn du học tại Hoa Kỳ – nhưng anh ấy không bao giờ giải thích rõ ràng lý do tại sao.” Tại Kenyon, Olof Palme là một sinh viên xuất sắc, ông đã tốt nghiệp và nhận bằng B.A chỉ trong vòng chưa đầy một năm [4].

Tuy nhiên, thứ ảnh hưởng nhất tới Olof Palme tại Hoa Kỳ lại không phải là tấm bằng của ông. Bạn bè Palme kể lại rằng cuối tuần nào ông cũng đi tìm hiểu về các hoạt động công đoàn, và nói chuyện với các công nhân ở khu công nghiệp gần thành phố Mount Vernon (Ohio) [4].

Sau khi tốt nghiệp Kenyon vào năm 1948, Palme đã dành bốn tháng du hành qua 34 bang của Hoa Kỳ – chỉ với kinh phí ít ỏi 300 Đô-la. Việc này khiến Palme lâm vào cảnh bần hàn, và ông nhận những công việc nặng nhọc nhất khi có thể. Trải nghiệm đã đem cú shock lớn cho chàng trai xuất thân từ giới thượng lưu. Palme chia sẻ rằng chuyến đi đã đem đến cho ông cảm nhận mạnh mẽ về sự bất công trong xã hội Hoa Kỳ [5]. Rằng ông cảm thấy “một số người có thể nghèo đến thế nào tại đất nước giàu nhất thế giới.” [6] Palme còn bàng hoàng bởi điều kiện sống tồi tệ và những sự phân biệt đối xử mà người da màu tại Hoa Kỳ phải chịu đựng. Ông vừa cảm thấy ngưỡng mộ quốc gia này nhưng đồng thời cũng đòi hỏi những thay đổi từ nó [7]. Có thể nói ngay tại thành trì số một của chủ nghĩa tư bản, Olof Palme đã trở thành một người theo chủ nghĩa xã hội – và nó đã trở thành lý tưởng của đời ông.

Quay trở lại Thụy Điển, Palme lấy bằng Luật tại Đại Học Stockholm vào năm 1951 – và khi đó ông đã là một thành viên của đảng DCXH. Năm 1953 – Palme lại có một chuyến đi trong vòng 3 tháng, lần này là tới Đông Nam Á – và trải nghiệm ở đây khiến ông cực lực lên án những động cơ của người Pháp trong khu vực [8]. Vào năm 1954, Palme trở thành trợ lý của Thủ Tướng khi đó là Tage Erlander và cho tới năm 1957, ông lần đầu được bầu vào Riksdag – Quốc hội Thụy Điển.

Năm 1963 ông trở thành Bộ Trưởng Không chuyên trách trong chính phủ Erlander. Tuy nhiên, phải sau bài phát biểu tại Gavle, thì tên tuổi của Palme mới nổi tiếng trên bình diện quốc tế.

CUỘC TUẦN HÀNH DƯỚI ĐƯỜNG PHỐ

Năm 1968, khi là một ngôi sao chính trị đang lên, Palme lại gây rắc rối cho Hoa Kỳ: Dù đang là Bộ Trưởng Giáo Dục Thụy Điển, Palme đích thân xuống đường tham gia cuộc tuần hành rầm rộ chống chiến tranh VN tại Stockholm vào ngày 21 tháng 2. Gây shock hơn nữa là ông đã cùng với Đại sứ VN tại Liên Xô – ông Nguyễn Thọ Chân (khi đó thăm Thụy Điển) cầm đuốc dẫn đầu đoàn tuần hành. Sau đó, Palme còn đồng ý đọc một bài diễn văn trước 5000 người tuần hành – mà nội dung của nó không khác gì một cái tát vào mặt Hoa Kỳ:

“Những mục tiêu dân chủ không bao giờ có thể đạt được bằng cách áp bức. Bạn không thể cứu một ngôi làng bằng cách xóa sổ nó, bằng cách đốt cháy mùa màng, phá hủy nhà cửa, bắt bờ hoặc gi*t người…” [9].

Người Mỹ phản ứng lập tức: Đại sứ Hoa Kỳ tại Thụy Điển, ông Heath nổi đóa lên và yêu cầu được biết tại sao một Bộ trưởng, một người “nổi danh” sẽ trở thành Thủ Tướng tiếp theo lại dám có những hành động như vậy. Khi một phát ngôn viên Thụy Điển nói rằng Palme chỉ tham dự với lý do cá nhân, Đại sứ Heath phát đi*n: “Vậy nếu các anh không đồng ý, liệu có thể công khai chỉ trích anh ta không?” Khi biết rằng việc đó khó xảy ra, Đại sứ Heath lên án Chính Phủ Thụy Điển là vô trách nhiệm và cảnh bảo về phản ứng “mạnh mẽ” của Hoa Kỳ [10]. Và cảnh báo đó đã chính xác: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo họ sẽ triệu hồi Đại Sứ Heath về nước để bày tỏ sự “không vui” của Washington.

Có thể nói sự kiện đầu năm 1968 này đã làm mối quan hệ giữa Thụy Điển và Hoa Kỳ xấu đi rất nhanh. Chính phủ của Tổng Thống Johnson thắc mắc về việc tại sao một nước “trung lập” lại ưu ái kẻ thù của họ. Còn tại Thụy Điển , các Đảng phái đối lập của Đảng DCXH lớn tiếng chỉ trích Chính Phủ vì việc để Hoa Kỳ triệu Đại Sứ về nước, có người còn yêu cầu Palme phải từ chức, và họ lo lắng rằng Hoa Kỳ sẽ trừng phạt kinh tế Thụy Điển [11].

THỦ TƯỚNG

Vào tháng 9 năm 1969, khi Olof Palme chính thức kế nhiệm Erlander và trở thành Thủ Tướng trẻ nhất đến thời điểm đó của Thụy Điển (và là người đứng đầu Chính Phủ trẻ nhất Châu Âu) – thì mối quan hệ Hoa Kỳ – Thụy Điển đã khủng hoảng cao độ. Ngoài sự kiện năm 1968, Thụy Điển đã thực hiện 2 quyết định khác mang tính “phản nghịch” với Hoa Kỳ:

  • Thứ nhất – Thụy Điển quyết định tiếp nhận những binh sĩ Mỹ đào ngũ để khỏi phải chiến đấu ở Việt Nam với tư cách người tị nạn (mà họ có thể di chuyển qua Nhật Bản hoặc Liên Xô bằng đường sắt để tới Thụy Điển);
  • Thứ hai – Vào ngày 9 tháng 1 năm 1969, Thụy Điển quyết định chính thức công nhận ngoại giao đối với VNDCCH, trở thành nước đầu tiên ở Phương Tây thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Việt (Trong khi đó, Thụy Điển kể từ năm 1967 đã không còn bất kỳ tiếp xúc ngoại giao nào với VNCH). Thêm vào đó, vào tháng 9 năm 1969 – Stockholm còn cam kết sẽ ủng hộ VNDCCH 40 triệu Đô-la viện trợ nhân đạo.

Vì những lý do này mà sau khi nhậm chức, Tổng Thống Nixon đã trì hoãn bổ nhiệm Đại Sứ tại Thụy Điển (chưa muốn nối lại quan hệ ngoại giao). Phải đến khi Ngoại Trưởng Henry Kissinger thuyết phục rằng quan hệ với Thụy Điện rất quan trọng tại Châu Âu, Nixon mới quyết định bổ nhiệm Đại Sứ mới vào tháng 4 năm 1970. Và tại Hoa Kỳ, báo chí, tổ chức kinh tế, và cả Lưỡng Viện Quốc Hội có nhiều người kêu gào đòi trừng phạt Thụy Điển vì “trợ giúp cho Hà Nội là trợ giúp cho kẻ thù,” “và vì “Thụy Điển đang khuyến khích những kẻ phản bội tổ quốc (ý chỉ quân nhân đào ngũ).” [12]

Đối với Palme, từ khi nhậm chức Thủ Tướng, ông đã cố tránh việc chỉ trích Hoa Kỳ, do bản thân ông cũng phải đối mặt với những vấn đề quốc nội. Tuy nhiên, trong chuyến thăm không chính thức (theo lời mời của Đại học Kenyon) tới Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 1970, Palme nhận ra rằng ông không được chào đón ở đây.

Rất nhiều nhóm nhỏ người Mỹ tuần hành để phản đối ông ở mọi ngóc ngách mà ông đi qua. Thậm chí tại Đại học Kenyon – nơi ông tới nhận bằng danh dự – thì chính quyền địa phương và Liên Bang đã phải bố trí hàng trăm đặc vụ (cả công khai và ngầm) trong khuôn viên nhà trường. Lo lắng này có vẻ không thừa khi Hiệp hội Nhân viên Hải Cảng Quốc Tế còn cho 2 xe buýt đầy thành viên đến tận Kenyon tới hú hét, hò reo phản đối Palme. Rất may mắn là đã không có bạo lực nổ ra [13]. Palme cũng trở thành người đứng đầu Chính Phủ đầu tiên thăm Hoa Kỳ khi đang đương chức mà không hội đàm với Tổng Thống nước này (Chủ Tịch Cuba Fidel Castro năm 1959 là một trường hợp khác).

HÀ NỘI THÁNG 12 NĂM 1972

Tuy nhiên tình cảm của Palme đối với Việt Nam, cũng như đỉnh cao xung đột Hoa Kỳ – Thụy Điển chỉ được thể hiện rõ ràng nhất vào tháng 12 năm 1972. Việc ném b*m Hà Nội (chiến dịch Linebacker II hoặc ”12 ngày đêm”) được Hoa Kỳ bắt đầu từ ngày 18 tháng 12, thì ngay hôm sau, Krister Wickman, Ngoại Trưởng mới của Thụy Điển – đã ra một tuyên bố rằng vụ ném b*m là “mù quáng và độc ác.”

Nhưng như vậy là chưa đủ với Palme: Ông gần như phát bệnh (theo nghĩa đen) với hành động của người Mỹ. Khi thấy chiến dịch của Hoa Kỳ chưa có dấu hiệu dừng lại trong lúc Giáng Sinh đến gần và khi một nhà ngoại giao tại Hà Nội báo cáo với ông rằng bệnh viện Bạch Mai đã bị phá hủy nghiêm trọng, Palme quyết định rằng ông phải hành động. Vậy là ông đã thức suốt đêm viết bài phát biểu nổi tiếng nhất đời mình trong ngày 22 tháng 12. Bài phát biểu này sau đó lập tức được ghi hình và phát sóng trên toàn Thụy Điển. Và nó cũng đã được phổ biến rộng rãi trên toàn cầu (Toàn văn bài phát biểu vô cùng nổi tiếng này của Thủ Tướng Palme có thể thấy trên youtube – Từ khóa Olof Palme Hanoi Speech 1972 – Xin phép không trích dẫn đầy đủ).

“Chúng ta nên gọi sự việc đúng theo tên của nó…Những gì xảy ra ở Việt Nam Hôm nay là một sự tra tấn…Một dân tộc bị hành hạ, một đất nước bị hành hạ để hạ nhục nó, để ép buộc nó phải cúi đầu trước cường quyền. Đó là lý do tại sao vụ ném bom này lại là một sự việc gây phẫn nộ.”

Palme còn gây shock hơn khi so sánh chiến dịch của Hoa Kỳ với những tội ác của phe Phát Xít trong Thế Chiến 2 và của chế độ Ap*rtheid tại Nam Phi: Ông nói rằng đã có những sự phẫn nộ như vậy tại Guernica, Oradour, Katyn, Lidice, Sharpeville, Treblinka và Giáng Sinh tại Hà Nội là một cái tên thêm vào danh sách đó. Những chỉ trích và giận dữ của Thủ Tướng Palme có thể nói là sự lên án mạnh nhất mà có lẽ ngay cả kẻ thù của Hoa Kỳ cũng chưa bao giờ thể hiện như vậy [14].

Ngay hôm đó, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngay lập tức cho đòi Đại Sứ Thụy Điển và chỉ trích phát ngôn của Palme, Bộ này cũng lần đầu tiên đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế Thụy Điển. Tại Nhà Trắng, Nixon sôi máu vì tức giận do bài phát biểu của Palme, Tổng Thống Mỹ tin rằng Thủ Tưởng Thụy Điển đang ví von ông như một kẻ s*t nhân hàng loạt. Ngoài ra, Ngoại Trưởng Kissinger còn rất ức chế khi Palme đem những sự kiện của Thế Chiến 2 ra so sánh vì Kissinger là một người D.T. Châu Âu chạy nạn. Dẫu vậy thì Nixon và Kissinger cũng không trừng phạt Thụy Điển vì lo ngại sẽ chỉ càng làm cho vấn đề gây được chú ý hơn. Tuy nhiên, để thể hiện sự giận dữ, Hoa Kỳ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Thụy Điển (không có Đại Sứ giữa 2 bên) trong vòng hơn một năm và hai bên chỉ bổ nhiệm lại vị trí Đại Sứ vào tháng 5 năm 1974 [15]. Cần lưu ý đây là một sự kiện chưa từng xảy ra giữa hai nền “dân chủ” mà có vẻ như cùng một phe với nhau

Ngay tại Thụy Điển, một số quan chức DCXH cũng lo lắng rằng Palme đã quá đà và rằng Đảng này sẽ phải trả một cái giá chính trị đắt đỏ cho hành động của ông. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra: Đơn giản là vì phần lớn người Thụy Điển đồng tình với thông điệp của Palme. Vào đầu tháng 1 (1973) Chính Phủ Thụy Điển tự hào thông báo rằng một bản kiến nghị bởi tất cả các đảng phái kêu gọi chấm dứt đánh b*m và trả lại độc lập cho VN đã có tất cả 2,7 triệu chữ ký (ở một đất nước mà chỉ có hơn 8 triệu dân khi đó). Cùng tháng, nhà Vua Thụy Điển – Gustaf IV Adolf – vốn ít khi thể hiện ý kiến chính trị, cũng công khai chỉ trích vụ ném b*m “vô nhân đạo” tại Bắc Việt Nam [16].

ỦNG HỘ KHÔNG CHỈ BẰNG LỜI NÓI

Thụy Điển không thể trực tiếp tài trợ vũ khí cũng như thiết bị quân dụng cho Việt Nam, bởi như đã biết, vào thời điểm cao trào nhất của cuộc chiến (1969), việc tài trợ tiền mặt cho VN ở dạng viện trợ nhân đạo cũng đã bị nhiều người Mỹ coi là “tiếp tay cho kẻ thù”.

Bộ trưởng Cơ khí luyện kim Nguyễn Văn Kha năm đó khi sang thăm Thụy Điển thì đã được Ngoại Trưởng Torsten Nilsson hỏi rằng: “Bây giờ Việt Nam cần điều gì nhất?” Phía Việt Nam đề xuất Thụy Điển hãy xây dựng một nhà máy giấy giúp VN. Đầu năm 1975, sau vài năm khảo sát, dự án nhà máy giấy Bãi Bằng được khởi công tại Phong Châu [17].

Dự án này đã gây tranh cãi trong lần đầu cầm quyền của Thủ Tướng Palme và đã khiến Chính Phủ của ông bị chỉ trích rất nhiều, bởi chi phí của nó đơn giản là quá lớn: dự toán 700 triệu Kronor vào năm 1970 (nếu tính lạm phát thì tương đương với 685 triệu USD ngày nay) và tổng chi phí thực tế rơi vào khoảng 2,8 tỉ Kronor. Đây chính là dự án tài trợ cho nước ngoài lớn nhất trong lịch sử của Thụy Điển [18].

Ngoài ra, Thụy điển còn giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình quan trọng khác. Bệnh Viện Nhi Trung Ương, Bệnh Viện Việt Nam-Thụy Điển tại Uông Bí, và việc tái thiết bệnh Bạch Mai đều được tiến hành dưới thời Thủ Tướng Palme nắm quyền. Trong thập niên 70, Thụy Điển chính là nước tài trợ ODA nhiều thứ hai cho Việt Nam, còn tới thập niên 80, họ đã trở thành quốc gia đứng đầu về hoạt động này. Viện trợ của TĐ cho VN chỉ dừng lại vào năm 2013 – khi VN đã đạt được mức thu nhập trung bình.

BẠN CỦA NHIỀU NGƯỜI, NHƯNG LÀ KẺ THÙ CỦA NHIỀU NGƯỜI KHÁC

Không chỉ quan tâm đến vấn đề của Việt Nam, Thủ Tướng Palme cũng trăn trở về nhiều sự kiện khác trên thế giới. Ông đã chỉ trích Liên Xô vì sự can thiệp vào Tiệp Khắc, đồng thời cực lực lên án chính sách PBCT của chính quyền Ap*rtheid tại Nam Phi. Ông cũng là người phản đối chính quyền quân sự của nhà độc tài Pinochet tại Chile, và đích thân ông từng xuống phố quyên góp tiền cho những nhóm phản đối chính quyền Franco tại Tây Ban Nha [19]. Vào năm 1975, ông cũng là người đứng đầu chính phủ Phương Tây đầu tiên đến thăm Cuba sau cuộc cách mạng của Fidel Castro.

Một người bạn từng hỏi rằng liệu ông có tính làm điều gì khác nếu như ông mất ghế Thủ Tướng Thụy Điển hay không? Palme đáp ngay: “Tôi sẽ không thua đâu,” nhưng người bạn cố gắng hỏi tiếp, và ông trả lời: “Tôi muốn trở thành Tổng Thư Ký của LHQ” [20]. Việc ông thẳng thắn về các sự kiện quốc tế đã đem lại cho ông sự nổi tiếng, nhưng có lẽ nó cũng đã khiến ông có nhiều kẻ thù.

Palme hiếm khi yêu cầu có vệ sĩ xung quanh mình. Ông thậm chí còn công khai số điện thoại nhà mình trong danh bạ điện thoại của Stockholm. Một người bạn từ Mỹ sang thấy vậy ngạc nhiên hỏi Palme: “Anh không có ai bảo vệ sao?” Palme vỗ vai người bạn: “Hanks, Đây là Thụy Điển, không phải Hoa Kỳ!” [21].

Vào đêm ngày 28 tháng 2 năm 1986, Khi Thủ Tướng Palme cùng vợ mình trở về nhà từ một rạp chiếu phim tại Sveavågen, Stockholm, thì có một người đàn ông lạ mặt bước tới, hắn ta sử dụng khẩu .357 Magnum b*n hai phát đạn, một phát trong đó trúng lưng Palme và một phát sượt qua người vợ ông. Kẻ ám s*t sau đó đã trốn qua một con phố hẹp. Rất nhiều người qua đường đã chạy đến giúp đỡ, người ta đã cố gắng thực hiện 2 lần CPR cho vị Thủ Tướng. Một tài xế taxi bật thông báo khẩn cấp cho cảnh sát. Và Palme nhanh chóng được đưa vào bệnh viện [22].

Nhưng tất cả đã quá muộn, Olof Palme – một vị thủ tướng được ngưỡng mộ, một con người tài năng và mạnh mẽ trong một thời đại đầy hỗn loạn đã ra đi mãi mãi – Khi đó ông mới năm mươi chín tuổi.

Có nhiều thuyết âm mưu về chủ mưu vụ ám s*t Olof Palme: Người ta đồn thổi từ CIA, lực lượng cảnh sát mật Nam Phi, chính quyền Franco và nhiều người có tư thù lẫn công thù với ông. Năm 2020, cảnh sát Thụy Điển công bố danh tính nghi phạm số 1 có thể đã ra tay với ông: Đó là một nhân viên hãng bảo hiểm Skandia, một trong những nhân chứng có mặt tại hiện trường. Ông này bất bình với những chính sách của Palme, tuy nghiên do nghi phạm đã tự s*t vào năm 2000, nên vụ án được chính thức khép lại.

Ngày 15 tháng 3 năm 1986, lễ tang của Palme diễn ra tại Stockholm: Hàng chục ngàn người dân thủ đô đã mang hoa hồng đỏ tới đặt tại nơi vị cố Thủ Tướng của họ đã ngã xuống. Đại diện của 132 quốc gia đã tới viếng ông, và Tổng Thư Ký LHQ khi đó, ông Javier Perez de Cuellar đã phát biểu rằng:

“Olof Palme là một con người điển hình của hòa bình, một người đã đấu tranh, giống như Abraham Lincoln, vì một thế giới nơi các thế hệ tương lai có thể sống trong sự tự tin và phẩm giá.” [23].

Ngoài Thụy Điển, Olof Palme được tưởng niệm tại hơn 20 quốc gia khác nhau và tên ông được đặt cho cho nhiều con đường, trường học cũng như quảng trường.

Tại Hà Nội, trên tầng 8 của Bệnh Viện Nhi Trung Ương, hiện cũng có đặt một bức tượng bán thân tương đối khiêm tốn khắc họa hình ảnh của ông – một người bạn lớn của chúng ta, một người mà khi chào mừng đoàn đại biểu Việt Nam thăm chính thức lần Thụy Điển đầu tiên, đã nhắc nhở người dân của chính quốc gia ông bằng câu trích dẫn nổi tiếng của Chủ Tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn Độc Lập – Tự Do!”

————————————————————————–

*: Gốc là Minister for Communications, tuy nhiên Bộ Trưởng này phụ trách cả các vấn đề về đường sá giao thông vận tải, năm 2000 tên chức vụ này đổi thành Minister for Infrastructure.

**: Gốc là Lieutenant.

Nguồn:

[1], [4], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [14], [15], [16]: LOGEVALL, FREDRIK. “The Swedish-American Conflict over Vietnam.” Diplomatic History 17, no. 3 (1993): 421–45.

[4], [7], [13], [20], [21], [22]: MAYR, BILL. “Remembering Olof Palme.” Kenyon College Alumni Bulletin 34, no. 2 (2012).

[17] LAM, THANH. “Cuộc vật lộn của một biểu tượng kinh tế quốc doanh.” VnExpress, May 29, 2019.

[2], [18]: Bài phát biểu của Đặc phái viên Thủ Tướng Thụy Điển Pierre Schori tại Học Viện CTQGHCM. “The Legacy of Olof Palme and Sweden.” Hà Nội, Ngày 2 Tháng 6, 2016.

[23]: YUENGER, JAMES. “Palme, ‘Man of Peace,’ laid to rest.” Chicago Tribune, March 16, 1986.

[3], [5], [6], [19]: MCFADDEN, ROBERT. “Olof Palme, Aristocrat Turned Socialist, Dominated the Politics of Sweden.” The New York Times, March 1, 1986.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *