CÓ LẼ THỜI GIAN BẠN Ở BÊN BỐ MẸ CHỈ CÒN LẠI 55 NGÀY THÔI

Thi thoảng ngước đầu nhìn, tôi chợt nhận ra tóc bố mẹ đã bạc đi nhiều, không biết từ lúc nào mà tóc đen đã chẳng còn được bao nhiêu.
Nhìn lại mới thấy tấm lưng bố mẹ đã nhỏ bé đi nhiều, không còn đầy đặn vững chãi như trong trí nhớ nữa.
Ngồi ngay sát cạnh nhau, chỉ cần nói hơi nhỏ lại chút là bố mẹ không nghe rõ được thứ gọi là lời thì thầm ấy nữa.
Hình như bố mẹ không còn là “người lớn” không gì không biết nữa, trên bước đường con cái ngày một trưởng thành, họ cũng dần dần già đi.
1/
Trong “Đại Hội Hài Độc Thoại”, Đại Trương Vỹ đã kể câu chuyện về anh và mẹ anh ấy.
Anh bảo mẹ anh thường hay gửi cho anh những tin nhắn thoại dài 60s, hơn nữa còn gửi lúc chưa nghĩ xem định nói gì, hễ nhấn vào nút bấm ghi âm là không dễ dàng nhấc tay lên nữa.
Đến khi mẹ anh được chẩn đoán mắc bệnh Altreimer, anh mới biết vì sao trong nhà có nhiều đồ để quên đến khi hết hạn mà mẹ vẫn không nhớ lấy ra ăn; vì sao mẹ hay để đồ ở một chỗ cố định mà không nỡ vứt đi; cũng hiểu ra vì sao mẹ anh toàn gửi tin nhắn thoại mà không nhớ ra phải nói gì.
Cách lớp màn hình mà tôi cũng thấy xót xa. Không nỡ vứt đồ ăn quá hạn, thích cất giữ đồ đạc, gửi tin nhắn thoại toàn mấy lời thừa thãi, như thể tôi cũng có một người mẹ nhiều tuổi thường hay quên trước quên sau vậy.
May mắn là bố mẹ tôi vẫn còn khoẻ cả, ngày nào tôi cũng nhận được tin nhắn thoại dài 60s của họ.
Trong 60s tin nhắn thoại đó, thông tin cần thiết luôn luôn chỉ trong vòng 10s. Vài năm trước tôi chẳng bao giờ kiên nhẫn nghe hết 60s ấy, toàn chuyển thoại thành dạng văn bản hoặc nghe vài giây đầu đã trả lời luôn.
Những lúc bận tối mắt tối mũi, tôi đã từng nói với bố mẹ bằng giọng điệu mất kiên nhẫn “đang làm việc không tiện nghe tin nhắn thoại”, cho đến khi thấy họ đeo kính lão cố gắng gõ tay từng chữ tôi mới biết mình nực cười đến mức nào.
Khi tôi chê tin nhắn thoại 60s quá dài lại còn phiền phức thì bố mẹ lại sợ gây phiền phức cho tôi nên họ lựa chọn gõ chữ một cách khó khăn.
Mà trong 60s đó, phần lớn đều là dự báo thời tiết thành phố tôi đang ở, lời căn dặn ăn cơm đúng giờ, vài việc vụn vặt trong nhà cùng với hỏi tôi bao giờ thì về nhà được – Tất cả đều tràn đầy sự quan tâm và yêu thương.
2/
Năm ngoái về ăn Tết xong, lúc quay lại thành phố, bố mẹ gói ghém cho tôi rất nhiều thứ, như muốn đưa mọi thứ trong nhà cho tôi mang đi luôn vậy. Ngoài mấy đồ ăn nhà làm như khoai lang sấy, mứt me thì còn rất nhiều thứ trên mạng đều có thể mua được.
Nhìn cả đống hành lý, tôi không nhịn được than phiền: “Nhiều đồ quá, mấy thứ này con mua trên mạng được cả mà”
Bố mẹ ngẩn người không biết làm sao, sau đó vừa lẩm bẩm “Thế thôi không mang nữa, không mang nữa” vừa bỏ bớt đồ ra cho tôi.
Giây phút đó dường như tôi nhìn thấy bản thân khi còn bé hỏi bố mẹ có được mang búp bê đi học không, lúc nhận được đáp án không đồng ý thì chỉ đành không cam lòng lấy hết búp bê vải, kẹo, truyện tranh ra khỏi cặp.
Chẳng biết tự bao giờ, tôi và bố mẹ đã hoán đổi nhân vật cho nhau. Bố mẹ trở nên thận trọng cẩn thận, sợ khiến tôi giận, sợ gây thêm phiền phức cho tôi.
Hồi trước mỗi lần nghỉ hè nghỉ Tết tôi đều không tránh khỏi bị bố mẹ cằn nhằn, ngủ nướng sẽ bị cằn nhằn, không gấp chăn sẽ bị cằn nhằn, ru rú ở nhà sẽ bị cằn nhằn, đi chơi cả ngày không thấy mặt cũng sẽ bị cằn nhằn, thậm chí ngay đến đặt đồ ăn về tôi cũng phải lén lút ăn.
Giờ thì tôi trở thành người lớn trong nhà. Lúc bố mẹ không quyết định được việc gì sẽ lập tức hỏi ý kiến tôi, lúc ý kiến chúng tôi bất đồng, bố mẹ cũng không còn tranh luận với tôi nữa mà lựa chọn nghe theo lời tôi.
Trước kia tôi mong ngóng bố mẹ tan làm, giờ bố mẹ mong ngóng tôi về nhà. Tôi chỉ có thể ngóng trông thời gian trôi chậm lại đôi chút để đuổi kịp được tốc độ già đi của bố mẹ.
3/
Bạn có biết những ngày tháng chúng ta không ở nhà, bố mẹ đã sống thế nào không?
Có lần tôi xin nghỉ phép lặng lẽ về nhà định cho bố mẹ một bất ngờ, lúc đó mới thấy trên bàn chỉ có một đĩa thức ăn thừa, vài quả trứng, một lọ dưa muối. Tủ lạnh cũng trống trơn chứ không hề thịnh soạn thịt cá như những lần tôi về thăm.
Cả đời bố mẹ chịu nhiều khổ cực nên tính tiết kiệm đã ăn sâu vào xương máu. Bố mẹ chỉ muốn bản thân dùng ít đi chút, để dành cho con cái nhiều hơn chút.
Cách thể hiện tình yêu thương của bố mẹ tuy vụng về mà chân thành, họ rất ít khi nói “bố mẹ yêu con”, họ đong đầy tình yêu của mình vào những bữa cơm, những bài học kỹ năng sống và cả những tin nhắn thoại dài 60s nữa.
Họ không cần bạn tài giỏi xuất sắc, không cần bạn làm ông này bà nọ, cũng không cần bạn đi làm lương trăm triệu.
Họ chỉ mong bạn sẽ mặc quần giữ nhiệt khi trời lạnh, không phải chịu tủi thân thiệt thòi nơi xứ người, mong bạn có thời gian thì về thăm nhà, nếu bận quá thì gọi cuộc điện thoại trò chuyện thường ngày cũng được.
4/
Đi làm rồi thì chúng ta tính toán thu nhập và chi tiêu, có gia đình rồi thì chúng ta chi ly tính toán để nuôi gia đình. Chúng ta tính toán rất nhiều thứ, nhưng lại chưa từng tính xem còn ở bên bố mẹ được bao lâu nữa.
Có một cuốn sách đã tính thời gian con cái ở với bố mẹ thế này:
“Giả dụ bạn đi làm xa nhà, thời gian bạn gặp bố mẹ mỗi năm là 6 ngày, thời gian tiếp xúc mỗi ngày là 11 tiếng, vậy thì trong vòng 20 năm tới thời gian bạn ở cạnh bố mẹ sẽ là 1320 tiếng, cũng tức là 55 ngày”
Có biết bao người đời này chỉ còn thời gian 55 ngày ở cạnh bố mẹ nhưng bản thân họ lại chẳng hay biết chi. Điều chúng ta làm được chính là lúc gặp nhau có thể ôm bố mẹ thật chặt, là kiên nhẫn nghe hết đoạn tin nhắn thoại dài 60s, là nghiêm túc đọc hết một bài viết kỹ năng sống mà bố mẹ gửi, sau đó dặn dò họ “bố mẹ cũng phải sống tốt với bản thân hơn một chút”.
Hôm nay, tôi muốn nói với tất cả những người làm cha làm mẹ trên đời: “Chúng con yêu bố mẹ, như thể hồi nhỏ bố mẹ yêu chúng con vậy”
Về nhà thăm bố mẹ nhiều hơn nhé, họ nhớ bạn lắm đấy!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *