Bạn đã từng gặp ai đó quá lằng nhằng chưa?
Thật là mệt mỏi.
Sự đeo bám liên quan đến việc kiểm soát. Những người không thể từ bỏ việc đạt được một kết quả cụ thể sẽ trở nên lằng nhằng và áp đặt. Trong nỗi ám ảnh muốn đạt được một kết quả cụ thể, họ đẩy đi thứ mà họ muốn.
Có thể bạn không bám víu trong các mối quan hệ của mình – điều đó tốt. Nhưng bạn cảm thấy thoải mái đến mức nào khi tách khỏi kết quả? Hầu hết chúng ta, bao gồm cả tôi, đều gặp khó khăn trong việc không ép buộc hoặc áp đặt những kết quả mà chúng ta mong muốn trong cuộc sống.
Nhưng chúng ta luôn cố gắng quá mức. Lạ thay, bạn càng cố gắng đạt được một kết quả, bạn càng ít có khả năng đạt được nó.
Tôi đã học được rằng việc tách rời khỏi kết quả có nghĩa là thay đổi cách tôi tự nói với bản thân về những gì đang xảy ra. Tôi chưa thành thạo nghệ thuật tách rời, nhưng đây là một số chiến lược hàng ngày mà tôi thấy hữu ích.
THỰC HIỆN CÁC HÀNH ĐỘNG KHÔNG CẦN QUÁ NỖ LỰC
Những influencer trên internet đều nói với bạn rằng cách duy nhất để tìm thấy ý nghĩa và mục đích sống là làm việc và nỗ lực mỗi ngày.
Bạn có biết điều gì xảy ra khi nghiền nát thứ gì đó? Nó biến thành bụi.
Tôi rất hứng thú với khái niệm “wu wei” trong Đạo giáo. “Wu wei” được dịch theo nghĩa đen là “không làm” hoặc “không cần nỗ lực”. Và mặc dù khái niệm này giống như một nghịch lý, nhưng cách tốt nhất để diễn tả nó là nghĩ về nước.
Nếu có đủ thời gian, nước chảy có thể làm xói mòn đá. Tất cả những gì nước phải làm là chảy xuôi dòng theo cách tự nhiên. Không cần phải đập vào đá, hoặc thậm chí đẩy vào nó. Bằng cách chảy tự nhiên, nước có thể bào mòn mọi chướng ngại vật trên đường đi của mình.
Bạn đã lãng phí bao nhiêu thời gian để cố gắng ép buộc điều gì đó rõ ràng là không hiệu quả? Thay vào đó, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn nỗ lực nhiều hơn vào thứ gì đó đã cho thấy triển vọng?
Chúng ta muốn tin rằng mình có thể kiểm soát kết quả, nhưng thực tế không phải vậy. Nói thì dễ, nhưng bạn có đang sống như thế không?
Wu wei không có nghĩa là bạn chỉ cần “đi theo dòng chảy” và không bao giờ cố gắng đạt được bất cứ điều gì. Nó có nghĩa là dồn năng lượng vào điều gì đó có triển vọng, tăng cơ hội thành công của bạn.
Chúng ta có thói quen xấu là dán nhãn “tốt” hay “xấu” cho mọi thứ trước khi thấy chúng diễn ra như thế nào. Thật đáng tiếc, vì đôi khi những gì chúng ta nghĩ là xấu thực ra lại là điều tốt.
Có một câu chuyện Đạo giáo cổ xưa kể về một người nông dân có con ngựa chạy mất. Những người hàng xóm thương hại cho nỗi bất hạnh của ông cho đến khi con ngựa trở lại với sáu con khác.
Giờ đây, nhiều ngựa, con trai của người nông dân cưỡi ngựa ra ngoài. Nhưng anh ta bị té và gãy chân, và một lần nữa, những người hàng xóm lại thương hại cho nỗi bất hạnh của người nông dân.
Một năm sau, đất nước lâm vào cuộc chiến chống quân xâm lược và nhiều bạn bè, hàng xóm của người nông dân đã thiệt mạng. Nhưng người con trai bị gãy chân vẫn sống sót vì không tham chiến.
Vận rủi mang lại vận may.
Điều này cũng đúng với bạn. Bạn không biết việc chia tay, mất việc hoặc thất bại có thể mang lại lợi ích cho bạn như thế nào.
Chỉ có thời gian mới trả lời được.
Khả năng chấp nhận những gì xảy đến trong cuộc sống là một siêu năng lực.
Nietzsche gọi nó là amor fati, hay tình yêu số phận. Ông gọi đó là “công thức cho sự vĩ đại”. Nó là sự công nhận rằng mọi sự kiện, dù tốt hay xấu, đều mang lại cho chúng ta cơ hội để học hỏi, phát triển và trưởng thành; không phàn nàn về việc bạn mong muốn cuộc sống diễn ra như thế nào.
Rất nhiều bất hạnh đến từ việc chống lại cuộc sống.
Đây không phải cái cớ để bạn tự coi mình thành nạn nhân của vận mệnh – tư tưởng này có nghĩa là nhận biết những gì bạn có thể và không thể thay đổi. Điều đó thật khó khăn vì việc thừa nhận điều gì đó nằm ngoài tầm kiểm soát là một cú đấm vào lòng tự trọng của bạn.
Ngay cả khi mọi thứ không diễn ra như bạn muốn, bạn vẫn chấp nhận nó và làm việc trong những ràng buộc của hoàn cảnh.
Bạn bị từ chối với công việc mong muốn? Bạn có thể phàn nàn về điều đó và đắm mình trong sự tủi thân. Hoặc bạn có thể nói: “Điều này thật không công bằng, nhưng tôi sẽ sử dụng công việc hiện tại để tìm kiếm một công việc tốt hơn”.
Bơi theo thủy triều thì dễ hơn là bơi ngược dòng.
Việc bơi theo dòng chảy dễ dàng hơn là bơi ngược dòng.
Là con người, tầm nhìn của chúng ta bị hạn chế nghiêm trọng. Chúng ta bị mắc kẹt trong suy nghĩ rằng khoảng thời gian khó khăn sẽ kéo dài mãi mãi và khoảng thời gian tốt đẹp sẽ không bao giờ kết thúc. Điều này khiến chúng ta không hạnh phúc (trong thời điểm khó khăn) và khiến việc thay đổi trở nên đáng sợ và tồi tệ (trong thời điểm thuận lợi).
Có một câu chuyện ngụ ngôn Ba Tư kể về một vị vua đã yêu cầu một nhà thông thái đưa ra một tuyên bố có thể đúng trong cả thời điểm thuận lợi lẫn khó khăn.
Nhà thông thái đã đưa cho ông một dòng chữ có nội dung: Chuyện này cũng sẽ qua.
Đó là một câu ngạn ngữ đơn giản nhưng mạnh mẽ. Dù hoàn cảnh hiện tại của bạn tốt hay xấu, chúng đều vô thường. Không có gì tồn tại mãi mãi.
Khi doanh nghiệp của bạn thất bại, mọi chuyện cũng sẽ qua.
Khi bạn dành thời gian vui vẻ bên những người bạn yêu thương, mọi chuyện cũng sẽ qua.
Thật làm cho ta tỉnh ngộ, phải không? Nhưng đó cũng là lời nhắc nhở để bạn không để hoàn cảnh hiện tại, dù tốt hay xấu, khiến bạn rơi vào tuyệt vọng hay thờ ơ.
Mọi chuyện đều sẽ qua.
Học cách tách khỏi những kết quả cụ thể là con đường mạnh mẽ dẫn đến hạnh phúc.
Có dễ để tách bạch không? Không. Chúng ta thường có sẵn ý tưởng về cách chúng ta muốn các kế hoạch, cuộc sống, hoặc các mối quan hệ của mình diễn ra như thế nào. Chúng ta nghĩ rằng một kết quả cụ thể sẽ làm mình hạnh phúc.
Nhưng việc tách bạch có nghĩa là kết quả này – thắng hay thua – không ảnh hưởng đến những gì bạn đã cam kết làm hoặc trở thành.
Khi bạn từ bỏ việc cần một kết quả cụ thể, bạn sẽ mở ra cho mình những cách khác để đạt được điều mình muốn. Khi một cơ hội mới đến, bạn sẵn sàng đón nhận vì bạn không cố gắng ép buộc mọi thứ phải diễn ra theo một cách nhất định.
Những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống không đòi hỏi bạn phải ép buộc chúng.