Có gì bên trong bảo tàng hơn 500 tỷ đồng ở Đà Nẵng sắp mở cửa?
Thứ hai, ngày 20/01/2025 14:00 PM (GMT+7)
Với thiết kế sang trọng cùng nhiều công nghệ hiện đại, tổng mức đầu tư hơn 504 tỷ đồng. Bảo tàng Đà Nẵng tại cơ sở mới sẽ chính thức đi vào hoạt động ngày 29/3.
Tháng 5/2020, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm bảo tàng Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư gần 505 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.
Theo đó, bảo tàng Đà Nẵng được dời khỏi địa điểm cũ trong khuôn viên Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, trả lại không gian để phục vụ Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo Thành Điện Hải giai đoạn 2. Địa điểm mới là tòa nhà được người Pháp xây dựng có tuổi đời hơn 120 năm, sau này có nhiều tên gọi qua các thời kỳ như Tòa Thị chính, trụ sở UBND, HĐND thành phố.
Sau 4 năm thi công, công trình bảo tàng Đà Nẵng tại số 42 Bạch Đằng cơ bản hoàn thiện. Bảo tàng Đà Nẵng đang vận hành thử nghiệm trước khi đưa công trình vào khánh thành vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2025).
Với 8 chương, bảo tàng Đà Nẵng sẽ “kể chuyện” từ thời sơ khai đến hiện nay của thành phố ven biển.
Hành trình tham quan bảo tàng Đà Nẵng bắt đầu với bức tường ảnh gồm hơn 70 bức tranh tĩnh và động bao quát về văn hóa, đất và người Đà Nẵng. Mỗi bức hình là mỗi câu chuyện kể về các thời kỳ phát triển của Đà Nẵng.
Sau đó sẽ đến khu vực giới thiệu về thiên nhiên Đà Nẵng gồm có hệ thiên nhiên Đà Nẵng, địa hình sông ngòi, núi rừng, thảm thực vật, hệ sinh thái biển…
Tiêu bản con Bướm được tái hiện sinh động như đang ở trong rừng núi Sơn Trà.
Đi qua khu vực thiên nhiên, du khách sẽ bắt đầu hành trình tìm hiểu nền văn hóa, lịch sử TP. Đà Nẵng, bắt đầu với những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Đà Nẵng thời tiền – sơ sử.
Du khách sẽ được thăm quan, tìm hiểu Đà Nẵng qua các giai đoạn: Đà Nẵng thời tiền – sơ sử; Đà Nẵng thời kỳ văn hóa Champa; Đà Nẵng thời phong kiến với dấu ấn của thương cảng sầm uất; Đà Nẵng thời kỳ thuộc Pháp.
Chuyển tiếp giữa thời kỳ phong kiến và thuộc Pháp là toàn cảnh Đà Nẵng và cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập.
Chiến công của Mẹ Nhu và bảy Dũng sĩ Thanh Khê được thể hiện qua các hiện vật, hình ảnh sinh động.
Những vị khách đầu tiên được tham quan không khỏi ngỡ ngàng trước các hiện vật và sự chuyên nghiệp của Bảo tàng Đà Nẵng.
Công nghệ 3D mapping cho phép tương tác tốt hơn cho khách tham quan bảo tàng, nhất là đối tượng thiếu nhi, học sinh.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc bảo tàng Đà Nẵng cho biết, sau 4 năm triển khai thi công thì đến nay cơ bản bảo tàng đã được hoàn thiện. Một số hạng mục nhỏ còn lại đang được triển khai gấp rút để khai trương, đưa vào hoạt động chính thức ngày 29/3 tới.
“Bảo tàng Đà Nẵng đã được tôi đề xuất, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến từ Châu âu để đáp ứng được nhu cầu của người dân tham quan cũng như bảo tồn, lưu giữ các hiện vật theo thời gian. Điều này nhằm bảo đảm tối đa sự ăn mòn cũng như hư hỏng cho hiện vật”, ông Thiện nói.
Viết Niệm
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem