Hành trình “không tưởng”
Sáng 18/1, Vashna Thiên Kim – nhà hoạt động môi trường đã có cuộc gặp gỡ với báo chí tại Hà Nội sau hành trình đặc biệt của cô tới đỉnh Kala Patthar, dãy Himalaya, kết thúc hồi đầu tháng này.
Tại đây, cô gái trẻ sinh năm 1991 đã chia sẻ về những khó khăn, thách thức khi quyết định chinh phục thử thách “không tưởng” là vượt núi, ngồi thiền trên đỉnh Kala Patthar có độ cao hơn 5.600m so với mực nước biển.
Kala Patthar là một ngọn núi đá nằm trên dãy Himalaya, nằm ở phía Đông của đỉnh Everest, được biết đến như một trong những nơi có khí hậu khắc nghiệt bậc nhất. Vào giữa mùa đông (từ tháng 12 đến tháng 2), nhiệt độ nơi đây có thể xuống qua -30 độ C, gió mạnh, tình trạng thiếu hụt oxy trầm trọng và nguy cơ xuất hiện những cơ bão tuyết.
Vashna Thiên Kim cho biết, Kala Patthar là nơi phù hợp nhất với chuyến đi của cô gái trẻ và bạn cùng đoàn, bởi họ chưa từng có kinh nghiệm leo núi, đu dây đặc thù. Cô muốn chứng nhằm chứng minh sự hiệu quả, thực nghiệm khả năng vượt qua giới hạn thể chất và tinh thần của con người bình thường khi áp dụng phương pháp thở Haama do cô sáng lập.
Kể lại hành trình đặc biệt của mình, Vashna Thiên Kim cho biết, từ Gorakshep (trạm dừng chân cuối cùng trước khi lên tới các đỉnh núi trên 5.000m) đến Kala Patthar chỉ có khoảng cách 200m nhưng Vashna Thiên Kim cùng đoàn đã phải dành 3 tiếng để leo núi vì địa hình vô cùng hiểm trở và khó khăn, kèm theo gió lớn liên tục thổi đến mức có thể xô ngã người, bụi cuốn lên khiến tầm nhìn hạn chế. Tuy nhiên, cô cho biết mọi thứ đều trở nên đáng giá khi lên đến đỉnh bởi đây là nơi có view ngắm nhìn đỉnh Everest rõ nhất, đẹp nhất, cùng các đỉnh tiêu biểu ở độ cao trên 6.000, 7.000, và 8.000m khác như Lho La (6.006m), Nuptse (7.861m) và Everest (8.848m).
“Hành trình kéo dài 18 ngày, đến ngày thứ 5 đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc, có những ngày liên tục sốt nhưng mục đích và thông điệp mà tôi muốn truyền tải từ chuyến đi đã thôi thúc cố gắng, tiếp tục hành trình”, Vashna cho hay.
Dù không ít nhà leo núi chuyên nghiệp khuyến cáo rằng không nên thực hiện hành trình vào giai đoạn này do chứa đựng quá nhiều rủi ro, Vashna Thiên Kim vẫn vượt qua các trở ngại và bước lên đỉnh Kala Patthar trong giữa mùa đông buốt giá để thực hiện một thử thách “bất khả thi” – ngồi thiền 60 phút trong thời tiết khắc nghiệt mà không sử dụng bất kỳ phương tiện hỗ trợ nào, chỉ mặc một lớp áo mỏng. Hành động này chỉ có thể thấy ở những tu sĩ, đạo sư Tây tạng – những người đã rèn luyện rất nhiều năm bằng những phương pháp đặc biệt trong “kỷ luật thép”.
Thông điệp “khẩn” về môi trường
Thông qua hành trình đặc biệt của mình, Vashna Thiên Kim muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về môi trường sống khi thời gian gần đây, môi trường sống ngày càng biến đổi, thiên tai, dịch bệnh đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống của con người.
“Biến đổi khí hậu dẫn đến rất nhiều hậu quả về sức khỏe, làm giảm hệ miễn dịch, gia tăng bệnh tật… Mọi người lo toan cho cuộc sống của mình nhưng nếu sự sống bị đe dọa, sụp đổ trong tương lai gần thì những sự cố gắng lo toan đó sẽ có ích gì? Tương lai tươi đẹp cho các thế con em chúng ta sẽ có xuất hiện không? Người dân đang đầu độc chính bản thân mình qua từng hơi thở. Vậy mà tất cả vẫn thờ ơ, chịu đựng bệnh tật và coi như đó là điều hiển nhiên”, Vashna Thiên Kim chia sẻ.
Cô nói thêm: “Con người dã quên rằng chúng ta là một phần của thiên nhiên. Khi thiên nhiên sụp đổ, chúng ta cũng không thể sinh tồn. Những hành động từ nhỏ bé nhất trong nhận thức của mỗi người đều có thể góp phần thay đổi cục diện này khi chúng được thực hiện bằng cả trái tim. Mỗi người chúng ta đều có thể làm gì đó cho hành tinh này, vì sự sống của chính mình và các thế hệ mai sau”.
“Trong chuyến đi này, việc sử dụng phương pháp thở Haama đã giúp tôi tích trữ một lượng oxy lớn hơn rất nhiều trong cơ thể, đồng thời giúp hoàn toàn lưu thông những mạch máu bị tắc nghẽn trong cơ thể tôi do nhiệt độ quá lạnh. Từ đó, giúp giảm triệu chứng sưng tấy toàn thân, giúp toả nhiệt khiến cơ thể tôi bớt lạnh cóng, và giảm hoàn toàn triệu chứng đau đầu, tức ngực, khó thở do sốc độ cao và thiếu oxy gây nên”, Vashna Thiên Kim chia sẻ.
“Tôi cho rằng nếu không kịp thời thay đổi cục diện hiện tại, chí ít cũng có thể có cách thức nào đó để hỗ trợ con người sinh tồn trong những điều kiện khắc nghiệt chắc chắn sẽ đến sắp tới. Chính vì vậy, sau nhiều tâm huyết nghiên cứu, tôi đã thực hiện thử thách của mình – ngồi thiền định 60 phút trên Himalaya với nhiệt độ -25 độ C mà không sử dụng trang thiết bị hỗ trợ hay quần áo giữ ấm. Tôi sẵn sàng đối mặt với cái chết để thực nghiệm phương pháp do chính mình sáng tạo nên ở cấp độ khó nhất.
Phương pháp đã giúp tôi chống chọi lại sự khắc nghiệt, sinh tồn trong những hoàn cảnh thật sự không thể sinh tồn với một cơ thể bình thường, qua đó cũng có thể giúp mọi người tự nâng cao sức khỏe, tự bảo vệ bản thân trước bệnh tật mà không phải chịu đựng sống trong ô nhiễm một cách bất lực, luôn tự phải hỏi rằng bao giờ đến lượt mình đón chào bệnh tật”, Vashna Thiên Kim chia sẻ sau khi hoàn thành thử thách.
Đây không phải lần đầu tiên Vashna Thiên Kim dấn thân vì môi trường. Trước đó, cô từng là đại sứ chính thức của Giải Marathon Quốc tế Vietcombank Mekong Delta Hậu Giang năm 2022, dùng bước chạy của mình cùng hàng nghìn vận động viên cất lên tiếng nói lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường sống, những nơi đang những hậu quả nặng nề từ hạn hán, xâm nhập mặn và khai thác tài nguyên không bền vững.