Tôi tên Tả Hạ.
“Trúc mã” của tôi tên Lam Diệp. Cậu ấy trông cũng được, tính cách rất tốt, nói ít làm nhiều.
Tôi và cậu ấy sinh cùng năm. Cậu ấy sinh ra giữa ngày đông giá rét. Tôi sinh ra lúc cuối xuân đầu hạ.
Nhà chúng tôi ở gần nhau, gần kiểu mở cửa sổ ra là thấy được người ta đang làm gì luôn ấy.
Nhà tôi không phải “phú nhị đại”, nhưng nhà cậu ấy thì phải.
Nhà tôi có thể gọi là “dòng dõi thư hương”, bố là giáo viên cấp 3, mẹ là giáo viên cấp 2, ông nội là hiệu trưởng trường tiểu học, bà nội là hiệu trưởng trường mẫu giáo. Thực ra tôi rất thắc mắc, có phải mọi người cố ý không? Chẳng lẽ mai sau tôi phải phấn đấu thành giảng viên đại học cho đủ bộ?
Nhà cậu ấy làm kinh doanh, còn cụ thể thì tôi cũng không biết.
Chỉ nhớ là lúc tôi còn học mẫu giáo, bố tôi khen chiếc Volkswagen của chú Lam hàng xóm ngon quá!
Lúc tôi học tiểu học, bố tôi t.ỵ nạnh chiếc Audi của chú Lam hàng xóm đẹp quá!
Lúc tôi học cấp 2, bố tôi t.hèm thu.ồng chiếc Mercedes của chú Lam!
Lúc tôi học cấp 3, bố tôi khen chiếc Rolls-Royce của chú Lam là rồng là phượng là bậc vua chúa trong giới xe cộ!!!!
Tôi cũng không nhớ hai đứa tôi quen nhau từ khi nào, nhưng, từ nhỏ đến lớn, trong đầu tôi luôn tồn tại một người tên Lam Diệp.
Cậu ấy không thích nói nhiều, thích đọc sách. Tôi thì ngược lại, không thích đọc sách, thích đ.á.n.h nhau.
Từ mẫu giáo đến nay, tôi luôn là “chị đại” trong trường, chưa từng biết 4 chữ “dòng dõi thư hương” là gì.
Trong phòng làm việc của bà nội, mỗi lần có phụ huynh đến “máng vốn” nhà trường chuyện con tôi bị d.ọ.a khóc, con tôi bị thế này thế kia,….nhất định phải có tên tôi trong đó.
Ở trường tôi hô đến hô đi với bạn học như thế nào, về nhà bà nội sẽ lấy gậy trúc “gia pháp hầu hạ” như thế đó.
Không phải là tôi cố tình gây sự với bọn họ đâu, do bọn họ cướp tập vẽ của Lam Diệp trước!
Tôi chưa từng cư.ớp tập vẽ của Lam Diệp, cùng lắm…chỉ lấy mấy quả anh đào trong phần cơm gấu trúc đỏ của cậu ấy thôi.
Cơm phần ở trường lúc nào cũng chỉ có táo, chuối, quýt…nhưng cơm gấu trúc của Lam Diệp có vải, có xoài, có cả anh đào nữa…
“Ủa? Cái này là cái gì thế, tớ chưa thấy bao giờ, ăn ngon quá trời!!!”
Lúc đó tôi vừa bốc vừa ăn vừa khen ngon miệng, lưu loát trơn trượt như nước chảy về xuôi, như sông đổ ra biển….
Lam Diệp cũng không giận, còn lấy hết anh đào qua cho tôi ăn.
Học mẫu giáo 2 năm, tôi cũng bảo vệ Lam Diệp 2 năm, ăn của Lam Diệp, uống của Lam Diệp, lúc ngủ cũng phải kề cận như một người vệ sĩ tùy thân, tự thấy mình xứng đáng được tuyên dương!
Chú Lam dì Tiết bận rộn chuyện làm ăn nên thường tặng quà gửi tiền cho bố mẹ tôi nhờ chăm sóc Lam Diệp hộ ít bữa, nên có khi cậu ấy sẽ qua nhà tôi ở. Tôi với cậu ấy ngủ chung không biết bao nhiêu lần, nhưng lúc đó còn nhỏ mà, có ai để ý đâu.
Đến giờ tôi không nhớ rõ nhiều chuyện nữa, chỉ nhớ được mấy quả anh đào, mấy miếng xoài và mùi thơm thơm từ người Lam Diệp tỏa ra thôi.
Sau đó chúng tôi lên tiểu học, há há, đây chính là địa bàn để ta tung hoành!!!!!!!!
Tiểu học xa hơn mẫu giáo một chút, tôi với Lam Diệp lưng đeo cặp sách tay cầm tay tung tăng đến trường.
Trước khi đi, lần nào mẹ tôi cũng nhắc, “Hạ Hạ, nhớ để ý Diệp Diệp, đi đường cẩn thận đấy.”
“Con biết rồi mà!!!!” Chưa nói xong tôi đã kéo tay Lam Diệp chạy đi.
Lớp 3, mọi thứ dường như bị thay đổi hoàn toàn. Lam Diệp đã không cho tôi kéo tay cậu ấy chạy đi rồi. Mẹ tôi cũng đổi lời thoại thành, “Diệp Diệp, đi đường nhớ để ý Hạ Hạ đừng cho nó chạy lung tung nhé.”
Tôi học chung lớp với Lam Diệp, lúc mới đầu thì ngồi cùng bàn. Nhưng từ năm lớp 3 về sau tôi không được ngồi chung với cậu ấy nữa. Vì vị trí thứ nhất ở hàng thứ nhất luôn dành cho người đứng đầu, đó là chỗ thuộc về cậu ấy.
Nhưng may là vị trí cuối cùng không nhất thiết phải dành cho người hạng bét, nếu không khoảng cách giữa tôi và Lam Diệp như trời với đất, như mây với cỏ, kéo tay ra nắm cũng bắt không được.
Thế giới của trẻ nhỏ, vào lúc pháo hoa nở rực rỡ nhất cũng là lúc bóng đêm dần bao phủ.
Không biết từ khi nào, trong lớp chia thành 2 phe phái, phân biệt rạch ròi.
Phe chính nghĩa, lấy học sinh 5 tốt như Lam Diệp làm người dẫn đầu, tích cực tham gia các hoạt động thi thố, so tài trong và ngoài trường, giấy khen thưởng thành tích vứt đầy góc nhà.
Phe t.à á.c, lấy học sinh 5 hư như tôi làm người dẫn đầu, tích cực tham gia các hoạt động “tan học khoan về”, “chặn cửa phòng học” hẹn hò nhau “nói chuyện đạo lý”.
Ngoại trừ cùng nhau đi học, cùng nhau đi về, bình thường chúng tôi không hề có một hoạt động chung nào cả.
Nhưng buổi tối về nhà thì khác, cái chân ngắn tũn của tôi vẫn có thể miễn cưỡng trèo lên cửa sổ nhà Lam Diệp được. Lần nào tôi cũng “vượt ngục” thành công mượn vở bài tập về chép.
Một ngày xuân đẹp trời nào đó, Lam Diệp nhờ bố của cậu ấy mua một cây non về, lấy cái xẻng đào đất trồng cây ở khoảng trống giữa hai nhà.
Tôi giúp cậu ấy đào đất, sẵn tiện hỏi, “Cậu trồng cây làm gì thế?”
Lam Diệp liếc tôi một cái, “Đợi sau này cây lớn rồi thì cậu trèo cây qua, đừng leo cửa sổ nữa.”
Tôi nhìn cái cây xanh bé tí tẹo còn chả cao bằng tôi, đợi nó lớn? Tương lai xa xôi chả mong đợi gì!
Lúc học lớp 5, trong lớp đột nhiên có tin đồn bảo là Lam Diệp sắp chuyển trường rồi, ha, cậu ấy muốn chuyển trường? Đã hỏi ý kiến tôi chưa?
Tan học hôm đó thấy cậu ấy đang thu dọn tập vở, tôi chạy lại nói, “Lam Diệp, trong lớp có người đồn cậu sắp chuyển trường, tớ giúp cậu phản pháo lại rồi đấy!”
Cái tay đang lấy sách bỏ vào cặp của Lam Diệp chợt ngừng một lúc, “Ừ.”
“Đi đi đi!! Hôm nay tớ muốn ăn gà nướng trước cổng trường!”
“Cái đó không tốt cho sức khỏe.”
“Nhưng ngon mà!”
“Ăn ít thôi.”
“Tớ muốn ăn 3 cái!”
“1 cái.”
“3!!!!”
“Tớ mách mẹ cậu.”
“Vậy…2…..”
Tôi vui vui vẻ vẻ vừa ăn gà vừa đi về nhà, trước khi vào cửa, cậu ấy gọi tôi lại, “Tả Hạ.”
“Hả?” Tôi cúi đầu, trong miệng còn ngậm khúc xương gà chưa ăn xong.
Giọng của Lam Diệp rất nhẹ, “Có thể….tớ sẽ chuyển nhà.”
Lúc mới đầu tôi còn chưa hiểu chuyện gì, đợi một lúc mới mở to miệng hỏi, “Cậu chuyển trường thật hả?”
Khúc xương gà rơi xuống đất, tôi không đau lòng. Lam Diệp chuyển trường, tôi đau lòng.
Tuổi còn nhỏ, không che giấu được gì, chỉ biết bạn chơi từ nhỏ với mình đi rồi, nước mắt không nhịn được mà rơi xuống.
Lam Diệp chơi với tôi từ nhỏ đến lớn cũng biết, số lần tôi khóc rất ít, tôi chỉ khóc khi bị người nhà đ.á.n.h.
Còn, đứng trước mặt cậu ấy, khóc vì cậu ấy, đây là lần đầu tiên.
Lam Diệp nói liên thanh dỗ dành tôi, “Tớ…để tớ nói lại với bố xem sao, cậu đừng khóc mà….”
Tôi hít hít cái mũi, lấy tay quệt nước mắt đi, tôi thật sự không nỡ xa cậu ấy mà.
Không cần nghĩ cũng biết kết quả cuộc thương lượng giữa một thằng nhóc tỳ và một người chủ gia đình là gì?
Thất bại.
Mấy ngày sau, nhà cậu ấy lục tục dọn đi.
Trên bàn cơm, bố mẹ vô tình mà hữu ý nói nói, haizzz, chuyện làm ăn của chú Lam càng ngày càng lớn rồi, nhà bọn họ chuyển đến đế đô đấy, nghe đâu còn mua một căn biệt thự thật to đối diện với Thiên An Môn cơ…xuân ấm hoa nở nha, còn Lam Diệp nữa, thằng bé thông minh như vậy, đến đế đô chắc chắn sẽ học tốt hơn nữa….
*Đế đô: Bắc Kinh.
Tôi biết đế đô chứ, chỗ đó có “Cố Cung”, có “Trường Thành”, có đại học Hoa Hạ,….còn có nhiều thứ nữa…nhưng tôi có ở đó đâu.
Lớp 3, thầy giáo kêu chúng tôi viết mục tiêu và nguyện vọng của bản thân.
Một phần nhỏ trong lớp muốn làm giáo viên, một phần lớn muốn làm nhà khoa học, chỉ có Lam Diệp viết, đại học Hoa Hạ.
Thầy giáo đọc được thì khen Lam Diệp, nói cậu ấy là người có chí lớn, ắt sẽ thành tài.
Tôi nghĩ, bây giờ cậu ấy cũng rất thành tài rồi đó, dọn đến Bắc Kinh được rồi đó, nhưng đại học thì….xa vời quá, giờ chúng tôi chưa học xong tiểu học nữa đây này.
Ngày Lam Diệp đi, tôi khóc, tôi ôm, tôi kéo cậu ấy lại, không cho cậu ấy đi.
Lam Diệp đưa cho tôi một con mèo đất, nói với tôi, bên trong là tiền để dành của cậu ấy, sau này tôi muốn ăn gà, uống coca thì cứ lấy tiền đó mà xài.
Tôi khóc còn to hơn lúc nãy nữa.
Nhưng Lam Diệp vẫn phải đi, ngồi đằng sau chiếc Audi mới mua của chú Lam.
Tôi không nỡ rời xa cậu ấy.
Tối hôm đó, nước mắt của tôi chảy mãi không ngừng, như dòng chảy của sông Hoàng Hà vậy. Vừa mở con mèo đất ra thấy bên trong đầy ụ, tiếng khóc của tôi còn vang hơn nữa, cuồn cuộn ùng ục như dòng chảy mùa lũ về.
Bố mẹ tôi không nhìn nổi cảnh này nữa đành khuyên, con gái, sau này Lam Diệp sẽ thi vào đại học Hoa Hạ, con cũng cố gắng học thật giỏi, nếu con cũng đậu Hoa Hạ, hai đứa có thể gặp nhau được mà.
Đúng rồi!
Tôi về lại phòng, lật ra trang đầu cuốn sách toán chả bao giờ ngó tới, viết một dòng, “MÌnh phải thi đậu đại học Hoa Hạ”.
Những mong ước thời trẻ dại rất dễ bị quên đi, giống như ước mơ trở thành giáo viên, nhà khoa học của mọi người trong lớp vậy. Những ước mơ đó sẽ bị những điều mới hơn, thú vị hơn thay thế. Từ một ước mơ to lớn thời bé, dần dần trở thành một lời nói đùa….
Mới là lạ!!!
Dù Lam Diệp đi rồi, nhưng cậu ấy để lại cho tôi một con mèo đất và một đống “Mao gia gia”.
*Trên tờ nhân dân tệ của Trung Quốc có in hình của Mao Trạch Đông.
Lần nào tôi ăn gà nướng, uống coca cũng dùng tiền của cậu ấy, muốn tôi quên cậu ấy là điều không thể!!!
Cho dù tôi có bao nhiêu “hồ bằng cẩu hữu”, có bao nhiêu đứa bạn thân đi chăng nữa, thì người cầm “Mao chủ tịch” đứng ở đầu chuỗi thức ăn vẫn được lòng tôi nhất!
Rất nhiều năm về sau, tôi vẫn nhớ như in ngày cậu ấy đi, nhớ từng đường nét của khuôn mặt phía sau tấm kính, vẫn luôn nhìn tôi, muốn tôi nín khóc.
—
Năm đầu tiên sau khi Lam Diệp đi, cái cây nhỏ vẫn không cao bằng tôi.
Năm thứ hai sau khi Lam Diệp đi, cái cây nhỏ đã cao hơn tôi rồi.
Đông đi xuân đến, hạ qua thu tới.
Tôi tốt nghiệp tiểu học rồi.
Lên cấp 2, tôi cảm thấy đây không còn là địa bàn của tôi nữa, đây là quê nhà vui vẻ của tôi!!!!
Ngày thứ 3 sau khi nhập học, tôi dẫn một nửa các bạn nam cùng khóa đi “khai trương đầu năm”, đem những tên đàn anh khóa trên dám gây khó dễ cho chúng tôi đ.á.n.h một trận tơi bời.
Tôi, một đ.á.n.h ba, đ.ạ.p lên người tên cao to, bất ngờ lấy cuốn từ điển đ.ậ.p liên tục lên người hắn.
Nổi tiếng toàn trường!
Cũng phải cảm ơn mẹ tôi, cô giáo Tề, giáo viên tiếng Anh lớp 9 đã cho tôi mượn cuốn từ điển Trung – Anh vừa dày vừa nặng này.
Sau đó, người khác đặt cho tôi biệt danh, “Hạ Gia”
*Chữ “gia” trong ngữ cảnh này ý chỉ cách xưng hô với thần thánh, người tài giỏi.
Nhưng vẫn thì thầm nói sau lưng tôi là “Hạ Chó Điên”!
Gặp ai cắn đó, trúng ai tự chịu.
Dù tôi hay đánh nhau, nhưng mọi người cũng không sợ tôi, ngược lại, tôi còn được hoan nghênh hơn bất kỳ ai.
Tiết thể dục, tôi mặc quần ngắn tới đầu gối, xắn tay áo lên để lộ ra cánh tay dài với đường nét tinh tế và đôi chân miên man chạy trên sân bóng rổ, các bạn nữ vừa dậm chân vừa che mặt, hò hét cổ vũ, “Hạ gia đẹp trai nhất!!!!! Hạ gia nhìn em nhìn em!!!!”
Những năm cấp 2, ngoại trừ học hành không giỏi lắm, thì các mặt đức – trí – thể – mỹ đều được tôi phát huy toàn diện, dẫn đầu xu hướng!
Tôi cảm thấy, bản thân là một học sinh tốt.
Nhưng mẹ tôi, cô giáo Tề lại không chấp nhận được điều này. Mẹ tôi vẫn nghĩ là có một lý do nào đó đang đè é.p “thiên phú học tập” của tôi, chứ một gia đình “dòng dõi thư hương” sao lại nuôi ra một “nhân tài” như thế này?
Một đoạn thời gian dài sau đó, cứ rảnh rỗi là tôi sẽ kiếm thầy thể dục tập luyện này nọ, kết quả, tôi trở thành một vận động viên nữ bộ môn chạy bộ đường dài.
Thao trường là nhà, ánh nắng là mẹ, muốn đánh nhau mời đến lớp 7-4 tìm Tả Hạ.
Cảm ơn.
—
Lam Diệp để lại rất nhiều tiền cho tôi, nhưng, miệng ăn núi lở, cũng phải có ngày xài hết.
Một ngày nào đó năm lớp 7, tôi chạy 3 vòng quanh trường học, chạy tiếp 3 vòng quanh khu dân cư.
Bỗng, tôi thấy ở xa xa có một chiếc ô tô rất đẹp đang đỗ trước cổng khu dân cư, tôi cũng không để ý, chạy tiếp. Đường ngắn không phí sức, tôi chạy tiếp 3 vòng nữa, lau sạch mồ hôi trên trán mới vào nhà.
Bữa tối hôm đó, bố tôi uống nửa cốc bia rồi bắt đầu bày tỏ sự t.hèm thu.ồng với chiếc Mercedes của chú Lam.
Lỗ tai tôi dựng đứng lên, hơi ngẩng đầu, gấp gáp hỏi, “Chú Lam về hả bố?”
“Về rồi.” Bố tôi cười haha trả lời.
Tôi đánh rơi chiếc đũa xuống bàn, chạy ra ngoài cửa.
Mới chạy được ba bước, bố tôi uống nốt nửa cốc còn lại rồi nói tiếp, “Lại đi rồi.”
Tôi mở cửa, rướn cổ nhìn ra ngoài, nhưng cũng không thấy chiếc Mercedes nào nữa.
Vẻ mặt tôi như đưa t.a.n.g vậy, kéo cái đầu lại quay về bàn ăn.
Mẹ đang múc thêm canh bưng ra thấy tôi như vậy mới hỏi, “Con chó nhỏ nhà chúng ta sao lại ỉu xìu thế?”
“Con còn tưởng là Lam Diệp về rồi.” Tôi cầm đũa lên, gắp mấy cọng rau cải.
Bố tôi vừa rót tiếp ly thứ hai vừa từ từ nói, “Lam Diệp không về.”
Ò.
Tôi há miệng cắn mấy cọng cải, nhưng trong đầu lại nghĩ, cũng đúng, nếu cậu ấy về, nhất định sẽ chạy đi tìm mình đầu tiên.
Bố tôi không vội không gấp uống nửa ly, nói tiếp, “Nhưng sắp về lại rồi.”
Toanggg~~.
Đó là tiếng lòng của tôi đó, chấn động đến mức làm tô đĩa chén dĩa vỡ toang. Tôi vội nuốt cái cọng cải dài kia xuống rồi lấy lon bia rót cho đầy ly, ngoan ngoãn nói, “Bố à, bố uống nhanh lên đi, một lần uống hết, một lần nói hết, thế mới là đàn ông đích thực!”
Bố tôi không ngờ đứa con gái ngỗ nghịch mười mấy năm nay lại hiếu thảo như thế, đang uống bia thì lại bị sặc. Một lúc lâu sau l.ỗ mũi, cổ họng mới thông thoáng được.
Haizzz, người thầy dạy Toán bao năm kinh nghiệm của trường cấp 3 Cẩm Nam suýt thì đi vì một ngụm bia.
Lam Diệp không về thật, nhưng cậu ấy nhất định phải về.
Vì hộ khẩu của cậu ấy ở đây, thi lên cấp 3 cũng phải thi ở đây.
Cảm ơn Tổ Quốc! Cảm ơn mọi người! Cảm ơn hệ thống đăng ký hộ khẩu!!!!
Tối hôm đó tôi ôm ôm con mèo đất lăn lăn, Lam Diệp mà không trở về, tôi cũng không có tiền mua coca uống nữa rồi!!!
Từ lúc Lam Diệp đi, quay qua ngoảnh lại đã 3 năm rồi.
Cây non mẫu giáo trong cái hẻm ngày xưa đã thành một cây non thanh niên rồi, rễ cắm sâu, cành vươn dài.
Bố tôi nói Lam Diệp sắp về, nhưng tôi cũng không biết sắp là khi nào.
Mắt thấy một tuần lại một tuần trôi qua, tôi cũng hẹn đ.á.n.h nhau 4 5 lượt rồi mà Lam Diệp vẫn chưa về.
Lúc đầu tôi còn háo hức, lo lắng chờ đợi, đợi mãi đợi mãi, đợi đến mức bình tĩnh luôn!!!
Năm lớp 7 sôi nổi nhiệt huyết của tôi vì một lá thư không tên bị nhét trong hộc bàn mà bước sang trang vở mới.
Lá thư đó, hồng hồng xanh xanh, vừa thơm vừa mỏng.
Hậu tri hậu giác tôi mới chợt nhận ra, tôi, nhận được…thư tình…hả?
Cái món đồ thư tình này, người khác nhận được thì không kỳ lạ, nhưng tôi nhận được thì rất kỳ lạ!
Một đứa bị gọi là “chó điên”, “tên th.ô l.ỗ”, “kẻ t.ục tằ.ng”, “trùm trường”, cũng nhận được thư tình!!!
Nếu để chuyện này cho bọn anh em trong nhóm biết thể nào cũng cười cả ngày! Có khi lại còn nói tôi tự viết tự bịa cũng không chừng!
Lá thư này viết rất hay, nhưng mắt người viết có vấn đề! Rất nghiêm trọng!
Chuyện này bị lan truyền, tôi mới biết được, bệnh về mắt sẽ bị lây!
Có người đầu tiên sẽ có người thứ hai, sau đó không ngừng có người trong tối ngoài sáng quăng ánh mắt gợn sóng lăn tăn như áng nước mùa thu cho tôi.
Làm tôi sợ hãi là, nam nữ có tất.
“…”
“Dù tôi có nam tính, hung dữ cỡ nào thì tôi vẫn là nữ, bạn học à, bạn đừng nhìn tôi rồi đỏ mặt được không?”
Còn đối với người tỏ tình, thống nhất đối ngoại, từ chối!
Cô giáo Tề và thầy giáo Tả lúc nào cũng dạy bảo tôi, thời học sinh ngông cuồng không nên yêu sớm, phải giữ thái độ đoan chính, đúng mực, chạy bộ đường dài mới là chân ái!
—
Tôi rất nghe lời.
Quả thật, trao tình thương sẽ đổi về tình thương.
Bao công sức chăm bón cho bộ môn chạy bộ đường dài của tôi cuối cùng cũng nở ra một đóa hoa huy chương vào hôm tổ chức Đại hội thể thao Thanh thiếu niên!!!
Làm vận động viên không phải tự tôi chọn, nhưng có lẽ nó đã nhắm trúng tôi rồi.
Buổi tối nhận giải hôm đó, tôi cứ như con khỉ vậy, ở trong phòng ngủ nhảy lên nhảy xuống, đợi nhảy mệt rồi thì ôm lấy huy chương, hôn một cái thật nặng nề!
Tôi lấy một cái móc trong tủ đồ ra đem treo nó lên, nhìn ngang nhìn dọc đều cảm thấy không ổn, không trang trọng tý nào!
Đôi mắt của tôi xoay qua xoay lại khắp phòng, mãi mới dừng lại ở chỗ con mèo đất đói bụng đằng kia.
Chú mèo đất hết tiền rồi, bụng đói trống rỗng, tạm thời vẫn chưa có công việc mới, nay ta giới thiệu cho mi công việc mới nhé!
Tôi lấy huy chương treo vào cổ con mèo, xoay vòng quanh vài vòng mới cảm thấy đặt mặt huy chương ở bụng mèo là đẹp nhất!
Nhìn, nhìn, tôi lại nhớ tới chủ nhân của nó.
Lam Diệp, bao giờ cậu mới trở về….
—
Lam Diệp không về nữa.
Bố tôi nói vậy.
Hôm đó chú Lam về, đem hộ khẩu của Lam Diệp chuyển đi rồi.
Tôi nghe bố nói câu đó xong, đờ người một lúc, sau đó cố gắng mở to mắt hỏi, “Vậy sau này Lam Diệp có về nữa không?”
Bố tôi bảo, “Chắc không về nữa đâu”, lại nói tiếp, “Hộ khẩu cũng chuyển đi rồi, về đây làm gì nữa.”
Hộ khẩu ở đây, Lam Diệp trở về.
Hộ khẩu không ở đây, bây giờ Lam Diệp không về, mà mai sau cũng không về.
Tôi “à” một tiếng ngoài miệng, trong lòng nói thêm một câu, không về nữa rồi,….
Lúc cậu ấy đi, hình như cũng không có nói là sẽ trở lại, nên là, không về…thì…không về.