22/05/2006 ngày mà đời này tôi chẳng thể nào quên được. Năm ấy tôi đang học lớp 8 đứa con trai mười mấy tuổi đầu đang trong giai đoạn nghịch ngợm, ngày đó tôi còn cùng một đứa bạn góp tiền mua lồng bắt cá như ảnh dưới đó.
Mỗi sáng trước khi đi học tôi sẽ bỏ ít mồi vào trong chiếc lồng đó rồi thả xuống hồ nước, buổi tối đi học về chỉ cần thu hoạch mấy em cá nhỏ đem về nhà sơ chế rồi để mẹ nấu cùng món đậu phụ thì cứ phải gọi là tuyệt cú mèo. Tiếc là bây giờ cái hồ đó ô nhiễm nặng quá, mấy em cá đó cũng chẳng thấy đâu nữa rồi. Hơ, có chút lạc đề rồi nhở !
22/05/2006, theo thường lệ sau khi tan học hai đứa bọn tôi lại rủ nhau đi kéo cá, hôm ấy chúng tôi lại đặt lồng cá ở gầm cầu, kéo lồng rồi thu mẻ cá, đếm chút rồi trở về nhà . Nhưng vừa quay người định đi lại phát hiện có thứ gì đó màu trắng nơi gầm cầu, tiến lại gần mới thấy đó một đứa bé được bao lại bởi giấy vệ sinh, nói chính xác một chút là vừa mới sinh ra ấy, cuống rốn còn chưa rửa sạch sẽ, chất lỏng màu đỏ vàng vẫn còn chất thành đống trên giấy. Ban đầu chúng tôi tưởng đứa bé mất rồi cơ, xong lại thấy miệng đứa bé đang mấp máy, không biết là bởi khóc mệt hay là yếu ớt quá rồi, chẳng khóc cũng chẳng quấy, khi ấy chúng tôi đều ngơ cả người, cứ nhìn chằm chằm vào bé ấy tầm 1 phút , thằng bạn tôi là đứa “tỉnh” đầu tiên, nó đẩy đẩy tôi rồi hỏi “làm sao bây giờ?”, bấy giờ tôi như bị ai xúi cứ buột miệng nói ” Cứu một mạng người hơn xây bảy toà tháp” . Nói xong, chúng tôi bắt tay vào công cuộc cứu đứa bé. Bởi vì khi ấy điện thoại di động không phổ biến lắm, chỉ có cửa hàng tạp hoá mới có điện thoại bàn nên bước tiếp theo chúng tôi cởi áo khoác đồng phục quấn quanh bạn nhỏ ấy rồi phi nhanh đến cửa hàng tạp hoá, lúc đến nơi vào bác chủ còn chửi cho một trận bảo là “mấy thằng quỷ này, con cái nhà nào đây?” , chắc bác tưởng chúng tôi là bọn buôn trẻ con đây mà.
Tôi vội chạy tới khu để điện thoại bàn rồi gọi 110, bạn tôi vừa ôm đứa trẻ vừa giải thích cho chủ quán, nghe xong đại khái tình hình bác ấy bước lại nhìn đứa bé rồi vuốt nhẹ trán bé một chút “con chuột nhắt này sắp bị lạnh chết rồi đây” ( nguyên văn câu bác nói, sau này nhớ lại một chút, hình dung này có chút giống thật, chỉ là đứa bé giống con chuột lớn hơn, cái trán thì toàn nếp nhăn) rồi bác quay vào nhà lấy chút nước ấm sau đó tắm rửa cho đứa bé.
Tầm 15 phút sau thì cảnh sát tới mang đứa bé đi, sau đó đứa bé được đem đi đâu, giải quyết chuyện này thế nào, có tìm được bố mẹ bé hay chưa, thậm chí còn sống không chúng tôi đều chẳng biết, dù sao hồi đó chúng tôi cũng mới chỉ học cấp 2 thôi.
Trong kì nghỉ phép tháng 11/ 2019, tôi gặp lại anh bạn năm ấy, chúng tôi là hàng xóm,lớn lên cùng nhau, tuy rằng hiện giờ mỗi đứa đều làm việc ở tỉnh ngoài, một năm chẳng gặp nhau được mấy lần, nhưng mỗi lần gặp đều hẹn nhau làm chén rượu. Lần này cũng chẳng ngoại lệ, đang uống thì thằng bạn lại nói về “chú chuột nhắt” năm đó, cả hai đều nghĩ không biết đứa trẻ ấy giờ ra sao rồi nhỉ? Vẫn còn sống chứ? Cuộc sống hiện tại ra sao? Rồi thằng bạn tôi lại bảo ” tao muốn gặp lại đứa trẻ năm đó quá” . Cũng chẳng biết tại sao khi nghe câu nói này, đầu tôi lại nảy ra ý nghĩ ” đứa trẻ năm đó được đưa đi đâu rồi nhỉ?”câu hỏi ấy giống như tiếng sấm dội thẳng vào tim tôi, thúc giục tôi mau đi tìm đứa trẻ đó, cảm giác này nó lạ lắm, cũng chẳng thể miêu tả được.
Thế là hôm sau chúng tôi lên kế hoạch đi tìm đứa bé đó rồi cùng nhau thực hiện ý tưởng không chút thực tế này. Sau 2 tháng cùng nỗ lực chúng tôi cuối cũng biết được đứa trẻ đó hiện đang ở Thanh Đảo. Vì dịch covid-2019 bệnh nên mãi đến tháng 8/2020 chúng tôi mới gặp được đứa bé đó. Và bởi không muốn làm ảnh hưởng đến nhịp sống của bé cũng như gia đình, chúng tôi gặp bố mẹ nuôi của đứa bé trước rồi vào vai “người chú xa”. Anh chị nhận nuôi đứa bé 7 tháng sau khi chúng tôi giao bé cho cảnh sát, bởi vì khi ấy đứa bé con nhỏ chưa có nhận thức gì với lại anh chị vẫn luôn coi bé như con ruột của mình, thế là đứa trẻ cũng chẳng biết mình là con nuôi hay bị vứt bỏ hồi mới sinh.
Bữa trưa dùng bữa với gia đình, qua giới thiệu của bố, đứa bé chào chúng tôi một tiếng “chú” rồi trò chuyện đôi chút về tình hình học tập của bé. Tôi vừa ăn vừa nhìn vào tôi tay của mình, dường như cảm xúc năm nào đó nhặt được đứa bé vẫn còn phảng phất đâu đây, “chú chuột nhắt” nhăn nheo đỏ hoẻn nhỏ bé năm nào giờ đây đã trở thành một cô bé 1m4 xinh đẹp đang ăn uống say sưa. Cảm giác ấy thành tựu lắm mọi người, là cảm xúc vừa vui vừa bất ngờ khi một ngày nào đó bạn phát hiện những bông hoa mình trồng năm nào nay đã trổ bông, hay cảm giác nhẹ nhõm tự hào khi giải một bài toán hoặc vượt qua một trò chơi siêu khó.
Sau bữa cơm chúng tôi ngồi lại uống với anh chị chén trà rồi chào ra về. Nhìn thấy đứa bé khoẻ mạnh, cuộc sống đủ đầy chúng tôi cũng yên lòng phần nào. Trước khi ra về hai đứa còn gửi ảnh chị chút tiền cho bé, hai bên cứ chối qua đẩy lại, cuối cùng vẫn là phải nhét vào tay anh chị rồi chào tạm biệt.
Đi đến cửa bố mẹ đứa bé gọi chúng tôi lại rồi kêu đứa bé ra bảo : “Tuệ Nhi ( tên gọi ở nhà, Tuệ trong thông minh, trí tuệ ), tuy rằng đây là lần đầu con gặp hai chú nhưng con phải luôn nhớ rằng ngày con còn rất nhỏ hai chú từng cứu con một mạng vì thế hãy quỳ dập đầu xuống cảm ơn hai chú nhé”. Mặc dù đứa bé vẫn có chút hoang mang nhưng vẫn đáp lễ với chúng tôi, mà hai bọn tôi cũng không cản lại, sau khi đứa bé đứng lên chúng tôi chỉ sờ đầu bé rồi bảo: sau này nếu con không ngại, khi nào kết hôn nhớ gửi thiệp mừng cho hai chú nhé, bọn chú sẽ qua đây, dẫn con về nhà chồng.
Xong việc thì chúng tôi trở về quê,mỗi người lại bận bịu với cuộc sống hằng ngày của mình, đồng thời chúng tôi cũng quyết định sẽ không làm xáo trộn cuộc sống của cô bé nữa, giả sử mai này nếu may mắn nhận được thiệp cưới của con bé thì nhất định hai chúng tôi sẽ giữ lời hứa, đưa con bé về nhà chồng.
Tôi cũng không rõ lắm điều gì đã khiến chúng tôi hành xử như thế nhưng nhìn thấy con bé khoẻ mạnh, cảm giác như đời này lại có thêm chút sắc màu, cũng là gỡ bỏ nút thắt bấy lâu nay. Tuy rằng khi vừa mới đến thế giới này bé ấy đã phải trải qua điều không may nhưng mong rằng cuộc đời sau này của con bé sẽ luôn vui vẻ mạnh khoẻ, vô âu vô lo.