Có bí mật nào, bạn chỉ có thể ẩn danh để nói ra? (2)

Năm nay tôi 20 tuổi, quê nhà ở nông thôn, tôi là con thứ hai trong nhà, trên tôi có một người chị hơn tôi ba tuổi, dưới tôi có một đứa em trai bé hơn tôi hai tuổi và một cô em gái nhỏ hơn tôi năm tuổi. Ngoại trừ ba người bạn cùng phòng thì tất cả thầy cô bè bạn đại học không ai biết hoàn cảnh thực sự về gia đình tôi cả. 

Tôi nói dối bọn họ. 

Tôi nói với họ rằng ba mẹ tôi đi làm xa từ khi tôi còn rất nhỏ, tôi lớn lên với ông bà nội. Gia đình chúng tôi sum họp vào những dịp quan trọng trong năm. Và đương nhiên là không có ai hoài nghi về chuyện này. 

Cũng bởi vì lời nói dối này nên tôi không xin học bổng trợ cấp học tập. Bởi vì sự việc sẽ dễ bại lộ nếu như nhà trường điều tra gia cảnh gia đình. Tuy rằng tôi thực sự, thực sự rất cần đến khoản tiền này. Tôi cắn răng tiết kiệm tiền học phí và tiền sinh hoạt phí khi học đại học. Số tiền này tôi dành dụm được bằng việc đi làm nhiều công việc part-time khác nhau. Tuy gia đình tôi không nghèo, ít nhất cũng có tiền cho tôi ăn học, nhưng gia đình tôi lại không muôn cho tôi tiền để tiếp tục học hành. 

Bởi vì họ cảm thấy học hành cũng vô dụng, con gái học nhiều đến đâu, sau này cũng phải về nhà chăm sóc hết các thành viên lớn nhỏ trong gia đình. Còn có tư tưởng trọng nam khinh nữ, người quan trọng nhất trong nhà chính là em trai tôi, tiếp đó là chị tôi và em gái tôi, sau cùng là tôi. Đó là tư tưởng trước giờ của gia đình tôi. 

Tôi là người có địa vị thấp nhất trong nhà, nói trắng ra là không có địa vị gì. Lúc nhỏ đồ của tôi mặc trên người là đồ cũ của chị, tôi vẫn luôn mặc như thế, mặc rách rồi thì dùng lại đồ còn lại của chị tôi. Chị cao hơn tôi rất nhiều, tôi mặc đồ của chị trông rất buồn cười. Sau đó, khi vào trung học, tôi được trường phát đồng phục, tôi rất cẩn thận, bởi vì các bạn có thể mua đồng phục mới, mà tôi thì không có tiền để làm như vậy. Tôi mặc bộ đồng phục đó từ lớp sáu đến lớp chín, đến khi tốt nghiệp cấp hai, đồng phục tôi phai màu, không phải bẩn, mà là bởi vì mặc rất lâu rất lâu rồi. 

Cũng không có ai quan tâm đến dậy thì của tôi. Lần đầu tiên hành kinh là vào năm lớp sáu, cảm thấy rất khó chịu nhưng lại không biết phải làm sao. Sau khi về nhà, tôi phát hiện phía sau quần mình có một mảng máu lớn đã khô. Chị tôi cố ý giúp tôi xử lí, lừa tôi uống một ly nước lạnh, đau đến hôn mê bất tỉnh. Cuối cùng người bị mắng chính là tôi, bởi vì tôi không kịp thời rửa bát. Ba tôi vừa cầm chổi vừa đánh mắng tôi vì tội cố tình lười biếng, bảo tôi uống nhanh nước ấm rồi lăn xuống bếp rửa bát. 

Một mình tôi ngồi ngoài nhà bếp đốt lửa sưởi ấm, run rẩy thổi ly nước ấm uống từng chút từng chút một. Lúc uống hết ly nước, nước mắt không biết từ đâu chực trào ra rất nhiều. 

Lúc học cấp ba, có một lần được nghỉ hằng tháng để về thăm nhà. Lúc về đến nhà đã là tối muộn. Ba mẹ và các chú bác hàng xóm đều ở ngoài đồng làm việc, tôi thì không có chìa khóa vào nhà, ở bên ngoài cửa lớn tiếng gọi chị và em trai, họ không để ý tới tôi. Em gái tôi nghe thấy tiếng tôi gọi, cố tình giả vờ không nghe thấy. Kết quả, trời đổ một cơn mưa rất lớn, tôi tức giận, căng thẳng đập cửa, trốn dưới hiên nhà ôm lấy cặp sách, sợ ướt hết sách vở. Ba người họ chạy đến cửa cười ầm lên. Không một ai chịu mở cửa cho tôi vào nhà. Tôi cầm một viên gạch đập mạnh vào cửa, dọa bọn chúng sợ một trận. Em trai tôi vội vàng mở cửa, tôi mất đà viên gạch đập vào trán em ấy, máu chảy ròng ròng. Hai người chúng tôi lăn lộn dưới đất đánh nhau một trận, chị cả và em gái lần đầu tiên thấy tôi đánh người, sợ đến nổi không dám giúp đỡ em trai. Thế nhưng, sau khi ba mẹ tôi về nhà, họ lập tức cáo trạng. Ba tôi lấy thắt lưng ra, bảo chị tôi giữ tôi lại, tôi một lời cũng không nói. Ba tôi càng thêm tức giận, dọa đánh chết tôi rồi mới chịu buông tay. 

Ngoại trừ lần về nhà đó, những lần nghỉ tiếp theo tôi đều không về nhà lần nào nữa. 

Khi thi tuyển vào lớp mười năm 2014, tôi đứng nhất thị trấn, xếp thứ năm huyện, những giáo viên của huyện đến thị trấn tìm những học sinh điểm cao đó, một người tìm một em, sau đó là giáo viên chủ nhiệm cấp ba đích thân đến tìm tôi. Tôi rất biết ơn cô. Nếu như không có sự giúp đỡ của cô ngay từ đầu, có lẽ bây giờ tôi thực sự đã trở thành một người phụ nữ nông thôn. Nhưng mà, thời điểm đó gia đình tôi không đồng ý cho tôi học cấp ba, bà nội tôi bảo con gái biết một ít chữ là được rồi, gia đình tôi con cái đông, cần tôi phải về nhà giúp đỡ gia đình nếu không thì không còn cách nào khác. Cô giáo chủ nhiệm của tôi lúc đó cũng sợ hãi với suy nghĩ của gia đình tôi, chắc cô ấy không ngờ thế kỷ mới lại có người nói những lời như thế. Sau này cô ấy bảo đảm rằng gia đình tôi không cần phải đóng học phí cho tôi, lúc đấy gia đình tôi mới miễn cưỡng đồng ý. 

Rất cảm ơn trường cấp ba của tôi, tôi được hưởng chính sách miễn giảm học phí ngay từ khi mới nhập học. Giáo viên chủ nhiệm sau khi biết được hoàn cảnh gia đình tôi, mỗi tuần đều đưa tôi đến nhà cô ấy ăn cơm. Cô ấy không có con, cô và chồng luôn xem tôi như con gái của họ. Quần áo, giày dép của tôi đều là mặt hàng tốt nhất, và do đích thân cô ấy dẫn tôi đi chợ huyện để mua. Năm lớp mười hai, mỗi tuần cô ấy đều hầm cho tôi một con gà để bồi bổ thân thể. Tôi không có gì ngoài lòng biết ơn vô hạn. Tôi cũng không dám khiến cô thất vọng, trong ba năm học, tôi đều nằm trong top 5 học sinh xuất sắc nhất của huyện. Cuối cùng, trong kỳ thi tuyển đại học, thành tích môn văn học của tôi đứng thứ ba toàn huyện. Lúc đấy, cô ấy nói với tôi học phí đại học đều do cô ấy phụ trách, bảo tôi chọn một ngôi trường tốt một chút. Cô ấy là người đối xử với tôi tốt nhất đời, cũng là người tôi biết ơn nhất đời. Đáng tiếc là vào lúc học năm nhất, cô đã qua đời vì bệnh. Tôi ở nhà cô rất lâu rất lâu, cũng khóc rất lâu, rất lâu. 

Sau khi thi xong, tôi học ở một trường trọng điểm ở Bắc Kinh, chồng của cô chủ nhiệm tỏ ý muốn tiếp tục được giúp tôi học hành, nhưng tôi từ chối. Tôi hy vọng chú ấy của thể giúp được những đứa trẻ có hoàn cảnh giống như tôi. Tôi có tay, có chân, có trí não, là một người hoàn toàn bình thường, tôi có thể tự kiếm tiền nuôi sống cuộc sống sinh tồn cơ bản nhất của chính mình. 

Cho nên, tôi đã làm gần như tất cả những công việc bán thời gian có thể làm ở Bắc Kinh. Vào mùa hè, tôi bị chóng mặt và nôn mửa khi phát tờ rơi, còn mùa đông, tôi đi làm gia sư, lúc đêm khuya không có người qua lại, tôi sẽ gắng sức đạp xe trở về kí túc xá. Mặc dù chỉ tốn nữa tiếng ngồi xe bus nhưng tôi không nỡ tiêu tốn 2 tệ một ngày. 

Bình thường tôi sẽ làm thêm trong nhà ăn của trường, vừa có thể không làm lỡ việc vào học và tan học, vừa có thể có được một bữa ăn no, tiết kiệm được tiền cơm nữa. Buổi tối khi không có buổi học nào, tôi sẽ đạp xe đi làm gia sư. Thực sự tôi rất sợ tối, mặc dù buổi tối có đèn đường nhưng tôi vẫn rất sợ, rất sợ. Có nhiều lúc đạp mãi, đạp mãi liền cảm thấy rất buồn, có lẽ là cảm giác khó chịu, nước mắt rơi rồi, tôi đành phải vừa đạp xe vừa khócVì để có tiền sinh hoạt phí, tôi rửa rau ở nhà ăn, lau giày cho người khác, phát tờ rơi, rửa bát. Thực sự, ngoài tiền ra, không còn bất kì thứ gì có thể cho tôi cảm giác an toàn. 

Bạn cùng phòng kí túc xá của tôi đều là người thành thị, lúc đầu họ không biết hoàn cảnh của tôi, cho rằng tôi bán mạng kiếm tiền bởi vì muốn rèn luyện bản thân, sau khi hiểu được sự tình, bất cứ khi nào tôi cần, họ đều chìa tay ra giúp đỡ tôi. Còn giúp tôi tạo lời nói dối thêm phần chân thật. Tôi thật sự, thật sự rất cảm động. Cảm ơn họ đã âm thầm bảo vệ lòng tự trọng kém cỏi này của tôi. Cho dù mua đồ ăn, đồ uống, đồ dùng, họ đều cho tôi một phần. Lúc tôi kiếm ra tiền, tôi sẽ mua nước ép các loại mời họ dùng, họ đều không cần, các cô ấy nói không thích uống bảo tôi sau này đừng mua nữa. Nhưng lần sau khi mua đồ, họ đều vui vẻ đặt lên bàn tôi một phần. 

Đôi lúc thật là buồn cười, người cho bạn sự ấm ấp thường là những người không cùng huyết thống với bạn, còn người làm bạn tổn thương nhiều nhất thường là những người chảy cùng dòng máu với bạn… Đôi lúc tôi rất hận những người thân trong gia đình mình vì đã đối xử bất công với tôi. Nhưng tôi chỉ có thể sống tốt mới có thể dễ dàng thoát khỏi gông cùm của họ. 

Tôi vẫn còn nhớ rõ kì nghỉ hè năm nhất. Tôi ở lại Bắc Kinh kiếm tiền nhưng người nhà lại không ngừng hối thúc tôi trở về làm nông, mắng tôi không có lương tâm, đủ lông đủ cánh bay đi không nhớ tới người nhà. Tôi nói, tôi ở đây kiếm tiền gửi về nhà, kết quả họ mắng tôi còn khó nghe hơn. Sau khi tôi về nhà liền giúp họ đi nương thu hoạch dưa hấu, thu hoạch rau cải, bảo tôi cùng ba kéo xe lôi đem lên chợ huyện bán. 

Lên tới chợ huyện, khi xe dưa hấu bán được phân nữa, thu về được hơn 300 tệ (~1 triệu) thì em trai tôi đến xin ba tôi tiền mua đồ ăn, ba tôi đưa hẳn cho em ấy 100 tệ, và ba bảo tôi chùi rửa xe cho sạch sẽ sau đó mới được ăn cơm. 

Đến lúc tôi ăn cơm, trên bàn chỉ còn lại vài thứ, tôi vừa ăn vừa nghe chị tôi khoe khoang hôm nay đã cùng ai nói chuyện gì, nghe được những tin tức quan trọng gì, sau đó họ cùng nhau cười đùa vui vẻ. Chị tôi khinh bỉ nói mọi người trong làng học hết cấp hai đã lập tức đi kiếm tiền, xây nhà hai tầng, mua ô tô chứ không giống như những đứa xấu hổ nói mình là sinh viên đại học, một chút tiền cũng chẳng thấy đem về. Ba tôi cũng phụ họa theo, chịu khổ một chút mới biết thân biết phận. 

Tôi rửa bát xong thì quay về phòng mình, bắt đầu soạn đồ ngày mai chuẩn bị trở lại Bắc Kinh. Vất vả cả một ngày trời, nóng như nắng hạ, dưa hấu mới bán được 300 tệ. Tôi mua vé tàu về nhà ít nhất cũng hơn 1000 tệ (~3,5 triệu) mà họ từ đó giờ lại chẳng cho tôi, em trai tôi nói một câu đơn giản liền rút 100 tệ đưa cho, mà trước giờ số tiền nhiều nhất mà tôi có được chính là 50 tệ (~175k) tiền mừng tuổi. 

Không có ai nói với tôi một câu cảm ơn. 

Những thứ tôi làm cho họ, họ xem đó là việc mà tôi đáng lí phải làm. 

Nói thật lòng tôi hoàn toàn cho rằng họ bảo tôi về nhà chính là do lương tâm cắn rứt, cảm thấy suốt bao nhiêu năm qua nợ tôi rất nhiều, thậm chí tôi còn nghĩ nếu như họ xin lỗi tôi, tôi nhất định sẽ tha thứ cho họ vô điều kiện. Nhưng mà, họ không làm thế, tương lai cũng chẳng có. Họ cũng giống như tôi, tiền mới là thứ quan trọng nhất. 

Tôi để lại một tờ giấy và 700 tệ (~2,5 triệu), sáng sớm hôm sau tôi bắt xe về Bắc Kinh. Sau này tôi sẽ không ảo tưởng lần nào nữa. 

Trước giờ tôi không hiểu rằng mình đã làm sai điều gì, làm không đúng điều chi. Đứa con gái như tôi lại không đem đến cho họ một sự tự hào nào, nhưng những đứa con như rác rưởi ấy lại khiến họ trân quý như bảo vật. 

Lần về nhà đó tôi mới biết đó là do ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Chí ít đối với những người trong nhà tôi, đứa con gái không nghe lời họ mà tiếp tục đi học chính là rác rưởi. 

Nhưng mà bây giờ tôi không còn để ý nữa… Cuộc sống của họ với tôi bây giờ không còn liên quan gì tới nhau. 

Chị tôi, tốt nghiệp cấp hai xong thì trông trẻ cho một trường mầm non trong làng. Lên huyện chơi với một thanh niên trong làng, cùng nhau thuê phòng dẫn đến việc chưa lập gia đình đã có thai. Chàng thanh niên đó nghe tin chị tôi có thai liền bị dọa cho sợ nên khuyên chị tôi phá thai, ba tôi sau khi biết chuyện liền đem hết họ hàng tới cửa nhà thanh niên đó làm loạn, ép đính hôn. Cả làng được một phen náo nhiệt. Hậu quả là đứa bé trước khi sinh mắc một chứng bệnh bẩm sinh, hai bên gia đình ngày nào cũng xáo trộn lên vì tiền chữa bệnh. 

Em trai tôi, tốt nghiệp cấp hai thì đi làm công. Một hai năm sau thì tập theo người ta làm ông chủ nhỏ, chơi bời nghiện ngập, việc gì cũng biết, một thiếu niên 16-17 tuổi biến thành một kẻ già đi vì nghiện thuốc, lang thang hết tiệm gội dầu này đến tiệm gội đầu khác trong huyện. Cuộc sống bế tắc đến nổi chẳng còn bế tắc hơn. Tết năm ngoái, công trường nợ tiền, công nhân đến tận nhà tìm, cả nhà trên dưới đứng ngồi không yên, ba mẹ tức giận thở không nổi, còn bà tôi thì tức đến mức ngất xỉu ngoài đường. 

Em gái tôi, năm nay tốt nghiệp cấp hai. Từ nhỏ đã rất thân thiết với chị cả, cũng không biết là có tiếp tục học cấp ba hay không, thành tích học tập không tốt, mỗi ngày đều mặc lên người những bộ đồ như thiếu nữ ngoài tuổi 30, trông con bé thật sự rất thảm hại. 

Tôi, tiếp tục sống ở Bắc Kinh. Mặc dù mỗi ngày chuyện khiến tôi vui vẻ không nhiều, nhưng so với cuộc sống như họ thì hạnh phúc hơn rất nhiều. 

Từ nhỏ đến lớn tôi luôn khát khao được yêu thương, khát khao có được sự ấm áp tình thương gia đình thuộc về mình. Nhưng mà bởi vì sự tự tin của bản thân mà cự tuyệt lời tỏ tình của những chàng nam sinh ưu tú. 

Tôi đã nghĩ rất nhiều lần, nhưng tôi cảm thấy như thế thực quá sức với bản thân. Khó khăn lắm tôi mới thoát ra được xiềng xích đó, nhất định phải có một ngày tôi đứng trước mặt họ, vạch rõ ranh giới với họ. 

Họ quên mất chính là tôi đã cho chị mượn 5000 tệ, con của họ mới có thể lên bệnh viện huyện thăm khám. Họ quên mất chính là tôi đã gửi cho họ 2000 tệ mua lại cửa và kính khi xảy ra hỗn chiến với công nhân công trường. 

Thứ họ nhớ chính là tôi đã trốn khỏi nhà không giúp gia đình làm nông, khiến gia đình suy sụp. Thứ họ nhớ chính là tôi dứt khoát từ chối về nhà sau khi tốt nghiệp cấp ba, từ chối việc đính hôn với một thanh niên trong làng. 

Trong mắt họ, việc từ chối của tôi chính là bất hiếu, còn những điều áp đặt và sắp xếp của họ thì lại là lẽ đương nhiên. 

Tôi chưa từng quên đi mọi chuyện đã qua. Lúc chị em nhà tôi đều có điện thoại thông minh để dùng, tôi học cấp ba vẫn dùng chiếc điện thoại bấm nút second hand. Nói ra thật nực cười, năm tôi lên đại học, lần đầu tiên mua điện thoại thông minh, tôi không biết là mình phải bật chế độ dữ liệu di dộng mới truy cập được vào mạng, giả vờ đóng mở QQ nhưng không thấy thông báo gì, còn nghĩ có phải là do mình mua lầm hàng nhái rồi không. 

May mắn thay, cuối cùng tôi cũng đã có một khoản tiền tiết kiệm riêng cho mình, và tôi tin rằng số tiền đó sẽ ngày càng nhiều hơn, đủ để sau này tôi không phải ngủ ngoài đường ở Bắc Kinh. 

Tôi muốn sống một cuộc sống tốt đẹp, khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời tôi đã xảy ra trong thời niên thiếu và tôi vẫn sống qua được. Tôi cảm thấy có một chút tự hào về bản thân mình. 

Rất lâu về sau, bí mật về gia cảnh gia đình tôi có thể sẽ không được kể cho bất kì ai. Tôi luôn cảm thấy đây chính là bóng đen trong cuộc đời mình, tôi tự tin rằng một ngày nào đó tôi có thể bình tĩnh đối mặt với nó, nhưng ít nhất không phải bây giờ. 

Nói ra được tốt hơn nhiều rồi. Sau này hãy để nước mắt rơi cho những điều xứng đáng. Cảm ơn mọi người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *