CÓ BAO NHIÊU CẤP ĐỘ HOẶC PHÂN LOẠI VỀ SỰ ÁI KỶ?

Theo những gì tôi đã được đào tạo, thì cơ bản sẽ có ba nhóm chính trong việc chẩn đoán chứng Rối loạn nhân cách ái kỷ [Narcissistic Personality Disorder – NPD]. Sau đây là bản tóm lược mô tả cho từng nhóm:

(Nhưng mình sẽ dịch thêm từ các nguồn khác cho đầy đủ nên bài này không được “tóm lược” lắm đâu).

  • Nhóm 1: Exhibitionist Narcissists [Tạm dịch: Chứng ái kỷ thích phô trương].

Đây là những đặc tính mà mọi người thường xuyên dùng để hình dung về những người ái kỷ. Những người mắc chứng thích phô trương sẽ luôn muốn được phô trương, được chú ý, muốn được là trung tâm của sự ngưỡng mộ và sùng bái. Họ muốn người khác lý tưởng hoá họ. Lòng tự trọng của họ phụ thuộc vào cơ chế phòng thủ mà tôi gọi là “GOD”.

G = Grandiosity – Vĩ đại. [1]

O = Omnipotence – Toàn năng. [2]

D = Devaluation – Hạ giá trị. [3]

Cơ chế phòng thủ “GOD” chứa đựng những tư tưởng cho rằng bản thân họ đặc biệt, độc đáo, hoàn hảo, luôn luôn đúng và có quyền làm bất kỳ điều gì mà họ muốn. Các quy tắc áp đặt lên người khác không thể áp đặt lên họ. Trong mắt người bình thường, họ luôn toát lên vẻ cực kỳ tự tin, nhưng thực tế đấy chỉ là lớp ảo tưởng mỏng manh của họ mà thôi. Sau cùng, họ sẽ nhanh chóng hạ thấp giá trị của bất kỳ ai dám cho rằng họ bất toàn.

[1: Grandiose narcissism – LƯỢC DỊCH: (2)

Chứng ái kỷ vĩ đại: Đây là kiểu người có xu hướng phóng đại quá mức tầm quan trọng của bản thân họ. Họ phụ thuộc vào đánh giá của người khác để củng cố lòng tự trọng của mình – thậm chí có thể đi xa đến mức lừa dối người khác chỉ để được ngưỡng mộ và công nhận.

Theo Alena Scigliano, M.S.Ed., LPC, nhà trị liệu tâm lý được cấp phép, tác giả, diễn giả và chuyên gia lâm sàng về sự bạo hành của người ái kỷ, cho rằng, “Những người mắc chứng ái kỷ vĩ đại thường là kiểu người hướng ngoại, có sự cao thượng vô cùng lớn, họ vô cùng lôi cuốn và có sức hút. Họ là kiểu người mà bạn sẽ luôn muốn được giao thiệp cùng, và cảm thấy vô cùng vinh hạnh khi có họ trong đời. Họ thường sẽ rất thành công trong sự nghiệp hoặc tỏ vẻ như thể mình rất thành công trong sự nghiệp.]

[2: Bốn thành tố của chứng ái kỷ vĩ đại – LƯỢC DỊCH: (3)

Omnipotence – Sự toàn năng: Họ thiết lập những ảo tưởng nhằm duy trì niềm tin về sự toàn năng “như-thể-Chúa-trời” của mình. Họ tin với sự toàn năng đó của bản thân, họ tin rằng họ có thể chinh phục được bất kỳ điều gì họ muốn, và họ từ chối phá vỡ những niềm tin đó.

Omniscience – Sự toàn tri (tri thức vô hạn): Họ thích thể hiện mình là người “biết tuốt”. Trong nhận thức của mình, họ là người có quyền hành cao nhất, là nhà hiền triết, là đạo sư, họ tự thành lập giáo phái của riêng mình với những tín đồ luôn kính cẩn tuân theo mọi điều họ nói. Rõ ràng là họ không biết tuốt, vậy nên để củng cố sự trung thành của những con chiên, họ phải dùng nhiều lời nói dối và xuyên tạc tài tình.

Omnipresence – Sự toàn tại (hiện hữu ở mọi nơi): Họ kiến thiết môi trường sống của mình theo cách mà họ phải là trung tâm trong Vương quốc đó. Mọi sự diễn ra đều xoay quanh họ và họ có quyền kiểm soát mọi thứ. Vì họ tin rằng nếu thiếu họ, Vương quốc và mọi người dân bên trong sẽ mục ra và suy tàn. Kể cả khi đã bước ra ngoài vòng tròn mối quan hệ đó, họ vẫn sẽ muốn mình được đảm nhiệm một vai trò vĩ đại nào đó để có thể có quyền đưa ra các quyết định, nếu không có được đặc quyền đó, họ sẽ từ chối tiếp tục tham gia vào các hoạt động tương tự.

Omnivore – Sự ăn tạp/toàn vẹn (chủ nghĩa cầu toàn và trọn vẹn): Người ái kỷ đều là động vật ăn tạp, một đặc điểm hành vi nổi trội của động vật ăn tạp chính là tính cơ hội của chúng. Động vật ăn tạp phải luôn chuẩn bị để thay đổi các nguồn thức ăn chính – ví như nếu thứ này sắp cạn kiệt thì chúng phải đổi sang một nguồn cung khác sẵn có. Người ái kỷ sẽ ngấu nghiến mọi thứ, bất kể là bạn có gì, họ sẽ đều muốn có hết, và họ sẽ thao túng bạn để có được thứ họ muốn. Họ không có khả năng tận hưởng bất kỳ điều gì riêng lẻ, vì hằng số duy nhất có giá trị đối với họ chính là sự hoàn hảo và trọn vẹn. Họ hướng tới việc trở thành kẻ có quyền lực nhất và giỏi nhất trong tất cả mọi lĩnh vực mà họ quan tâm, lòng tham và sự đố kỵ của họ cao đến mức họ không chấp nhận một lời từ chối dưới bất kỳ hình thức nào. Họ mang theo tâm lý “tị nạn” và hoàn toàn không có sự mặc cảm tội lỗi trong việc cắn xé người khác để sinh tồn. Họ không chấp nhận được bất kỳ ai có thứ gì tốt hơn mình, vì điều đó đánh vào tâm lý tự ti không đủ tốt của họ. Sự vĩ đại hoá bản thân sẽ giúp họ che giấu nỗi đau về sự bất toàn, giúp họ nâng cao cái tôi, khiến họ thấy mình “đặc biệt”, tốt đẹp hơn và quan trọng hơn. Họ dùng sự chú ý của người khác để nuôi dưỡng ám ảnh được tôn thờ của bản thân, họ ảo tưởng về bản thân tốt đẹp đến mức đánh rơi bản chất thật của chính mình bên ngoài vũ trụ.]

[3: Chu kỳ lạm dụng của người ái kỷ trong một mối quan hệ – LƯỢC DỊCH: (4)

– Idealize – Sự lý tưởng hoá:

+ Love bombing: Thể hiện tình cảm quá mức nồng nhiệt trong giai đoạn mới chớm của tình cảm, hoặc sau khi mới cãi nhau to.

+ Nói với bạn rằng bạn đặc biệt, hoặc đặc biệt hoá bạn.

+ “Tụi mình là tri kỷ” trong khi mới biết nhau được dăm ba ngày.

– Devalue – Hạ thấp giá trị:

+ Nói với bạn rằng họ cứ tưởng là bạn đặc biệt và rằng bạn đã lừa tình họ.

+ Cho rằng bạn không sánh được với người yêu cũ hoặc bạn bè khác của họ.

+ Nói rằng bạn không đủ tốt và không đáng để họ bỏ công.

– Discard – Loại bỏ: Giai đoạn này có thể bao gồm các hình thức bạo hành ngôn từ, buộc tội vô cớ, hoặc tống tiền để huỷ hoại bạn.

+ Gọi bạn là “con điên” hoặc những danh từ khác.

+ Buộc tội bạn ngoại tình, dối trá, hoặc nhìn chung là tồi tệ.

+ Đổ lỗi cho bạn vì đã khiến họ phải trở nên vô tình và tính toán.]

  • Nhóm 2: Closet Narcissists [Tạm dịch: Chứng ái kỷ khép kín]. [4]

Không giống với nhóm trên, người mắc chứng ái kỷ khép kín thường sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu khi phải là trung tâm của sự chú ý, vì điều ấy khiến họ có cảm giác bị phơi bày và dễ bị tổn thương. Họ lo sợ việc nổi tiếng sẽ khiến họ bị tấn công hoặc bị vạch trần sự dối trá. Họ không muốn được lý tưởng hoá, mà họ muốn lý tưởng hoá người/điều khác. Lòng tự trọng của họ được xây dựng bằng cách kết nối với một người, nhóm người, hoặc một điều gì đó mà họ tin rằng nó đặc biệt. Họ tin rằng bằng việc kết nối với một ai đó hay một cái gì đó đặc biệt, thì họ cũng sẽ đặc biệt.

Họ thường tỏ ra khiêm tốn và không thích phô trương, nhưng họ cũng phải đối diện với những khó khăn tương đương với nhóm 1: Lòng tự tôn dễ bị lung lay, ý thức về bản thân dưới dạng nhị nguyên một cách bất thực tế, khó dung hoà khi họ chỉ cho bản thân mình hai sự lựa chọn: một là phải trở nên đặc biệt, nếu không mày sẽ không hơn gì rác rưởi.

[4: Covert Narcissism – LƯỢC DỊCH: (5)

– Chứng ái kỷ khép kín:

Ban đầu, họ có thể tỏ ra ngại ngùng, nhút nhát, o bế hoặc thậm chí là vô cùng tự ti vào bản thân, nhưng trong thâm tâm, họ vẫn tin rằng mình giỏi hơn người khác và xứng đáng được coi trọng. Họ thiếu sự đồng cảm, thường chỉ tập trung vào bản thân và vì thế họ khó mà kết nối hoặc xây dựng được các mối quan hệ ý nghĩa với người khác. Họ có thể tinh tế hoặc không tinh tế để hướng mọi sự chú ý về bản thân mình.

Nếu cảm thấy bị xem thường hoặc đánh giá thấp, họ có thể sử dụng các hình thức lạm dụng tình cảm hoặc thao túng tinh vi để đổ lỗi cho bạn. Mục tiêu của họ là nhận được sự trấn an và khen ngợi từ bạn – hoặc khiến bạn cảm thấy tội lỗi vì đã làm cho họ cảm thấy mình tồi tệ.

Họ dựa vào người khác để nâng cao lòng tự trọng của chính mình, vì vậy họ sẽ tỏ ra khiêm tốn để có thể nhận được lời khen lịch sự từ người khác. Họ thường tránh né các hoạt động xã hội vì sợ bị hạ thấp hoặc thù ghét, họ sợ bị phơi bày những khuyết điểm của bản thân.

– Điều gì tạo ra chứng ái kỷ khép kín? (6)

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến NPD, bao gồm cả chứng ái kỷ khép kín. Nhưng một số chuyên gia cho rằng đấy là sự kết hợp giữa di truyền, chấn thương tuổi thơ, các mối quan hệ độc hại lúc nhỏ, và bản tính riêng của một con người.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cha mẹ trọng thành tích và đề cao địa vị xã hội sẽ có xu hướng mắc chứng ái kỷ khép kín. Hoặc có thể là những đứa trẻ đã lớn lên trong sự tung hô từ người khác rằng chúng đặc biệt, chúng khác biệt và quan trọng hơn những người còn lại.

Tình thương của cha mẹ đóng vai trò rất lớn trong việc tạo ra một người mắc chứng NPD, ví dụ như những bậc cha mẹ thiếu tình thương, từ chối thể hiện tình cảm hoặc công nhận thành quả của đứa trẻ, hoặc họ tức giận và thể hiện sự tức giận về việc phải nuôi dạy con mình, điều đó khiến đứa trẻ sinh ra nhu cầu phải được công nhận và đánh giá cao.]

  • Nhóm 3: Toxic Narcissists [Tạm dịch: Chứng ái kỷ độc hại].

Những kẻ này không muốn được lý tưởng hoá hay là lý tưởng hoá một điều nào khác, họ muốn người khác phải khiếp sợ họ. Trong một vài hệ thống phân loại khác, họ được gọi là “Những kẻ Ái kỷ Ác tính” – Malignant Narcissism [5], họ củng cố lòng tự trọng của mình bằng cách huỷ hoại lòng tự trọng của người khác. Họ có xu hướng tàn bạo và thích thống trị, thích làm nhục người khác và tổn thương người khác.

Một vài kẻ rất dễ nhận diện và một vài kẻ thì không – những tên đầu gấu bắt nạt bạn ở trường trung học và làm mọi cách để công khai vũ nhục bạn, những kẻ xảo quyệt và thích tỏ vẻ ngây thơ như là bà dì nào đó luôn lớn giọng nhắc về bạn trước mặt mọi người rằng thì là mà bà ta cảm thấy rất tiếc khi bạn mất việc, hoặc bạn đã tăng cân quá nhiều kể từ Lễ Tạ ơn năm ngoái.

[5: Malignant Narcissism – LƯỢC DỊCH: (7)

– Chứng ái kỷ ác tính:

Họ là sự kết hợp của nhu cầu được ngưỡng mộ, mong muốn thổi phồng giá trị bản thân và hạ thấp người khác. Họ trải qua chứng hoang tưởng, cảm thấy bị đe doạ hoặc ngược đãi vô căn cớ, họ vô cùng hung bạo, thích thao túng và lạm dùng người khác không chút hối tiếc.

Họ là thành quả của hai chứng rối loạn nhân cách NPD và rối loạn nhân cách chống đối xã hội – antisocial personality disorder (ATSD), họ không có khả năng hối cải, không có cảm giác tội lỗi và khuyết thiếu năng lực đồng cảm, họ cũng không quan tâm đến hạnh phúc của người khác và thậm chí họ còn xem thường pháp luật và nhân quyền của mọi người.

Hai thuật ngữ thường được dùng để ám chỉ chứng ái kỷ ác tính là “kẻ thái nhân cách” – Psychop.athic personality (psychop.ath) hoặc “sá.t nhân xã hội” – Sociop.athic personality (sociop.ath) (thông cảm, sợ bị facebook ponk nên mình phải chấm giữa vậy):

+ Hai thuật ngữ trên đều được dùng để chỉ tên những kẻ bị ATSD, nhưng ái kỷ ác tính cũng mang theo nhiều đặc điểm của ATSD, vậy nên một kẻ ái kỷ ác tính cũng có thể là “kẻ thái nhân cách” hoặc “sá.t nhân xã hội”:

+ Kẻ thái nhân cách thường có thể dễ dàng hoạt động trong xã hội và được người khác nhìn nhận một cách tích cực, song lại gặp khó khăn trong việc hình thành các mối quan hệ sâu sắc cùng người khác. Ngược lại, sá.t nhân xã hội là những kẻ dễ dàng kết nối và có được những mối quan hệ thân cận, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc hoạt động xã hội.]

  • Ủng hộ xã hội (Pro-Social Narcissists) và Chống đối xã hội (Anti-Social Narcissists):

Gần đây tôi đang suy nghĩ về một cách phân loại khác dành cho NPD dựa theo các đặc tính của họ – thứ khiến cho họ cảm thấy bản thân mình tốt đẹp.

Nhóm 1 và 2 có thể là “Ủng hộ xã hội” hoặc “Chống đối xã hội”, nhưng nhóm 3 – theo định nghĩa của tôi, sẽ luôn luôn là “Chống đối xã hội”.

Điều đó có nghĩa là gì?

Ái kỷ ủng hộ xã hội: Họ muốn trở thành người hùng và chứng minh bản thân đặc biệt bằng cách từ thiện, như xây dựng bệnh viện hoặc cấp học bổng, họ làm rất nhiều điều tốt đẹp trên thế giới này. Họ muốn được yêu thích và ngưỡng vọng, họ hiếm khí làm từ thiện ẩn danh, họ muốn tên mình được khắc trên các toà nhà, muốn được trao danh hiệu ấn tượng hoặc ít nhất là một tấm bằng xác nhận cống hiến. Họ muốn được công nhận như một kẻ thành lập chứ không phải là kẻ san bằng.

Ái kỷ chống đối xã hội: Họ muốn có chức danh và uy tín, nhưng lại hiếm khi để tâm đến bất kỳ ai, họ không có thôi thúc phải làm điều chi có lợi cho kẻ khác. Họ công khai thể hiện tính tự cao, tự mãn và không hề xấu hổ về điều đó.

Ái kỷ chống đối xã hội độc hại (Toxic Anti-Social Narcissists): Một nhóm người đáng sợ vì đơn giản là họ chỉ muốn huỷ hoại cho đã.

LƯU Ý: Những người ái kỷ thích phô trương (Exhibitionist Narcissists – nhóm 1), khi đến giai đoạn thứ hai trong mối quan hệ – hạ thấp giá trị người khác (devalue), thường bị nhầm lẫn với nhóm ái kỷ độc hại, tuy nhiên những kẻ độc hại thì sẽ luôn luôn tìm cách hạ thấp bạn, còn những người thích phô trương thì chỉ hạ thấp bạn khi họ cảm thấy bị đe doạ mà thôi.

Theo: Khánh Vy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *