Vào thời đất nước còn bị quân Lương đô hộ, ở trang Vân Lộng xứ Đông (nay là huyện Nam Sách, Hải Dương) có ông Phạm Lương vợ mất sớm, gà trống nuôi con mà dưỡng dục cô con gái là Phạm Thị Toàn lớn khôn. Ông vốn là người có chí vì non sông, luôn nhắc nhở cô con gái về nỗi đau là người dân mất nước với một niềm đau thương cùng mong mỏi. Ông cho con gái của mình học võ nghệ và cách bày quân đánh trận.
Khi nghe tin Lý Bí dựng cờ nghĩa, Phạm Lương vốn có chí lớn phục quốc đã lâu, nay có cơ hội thì liền bán hết tài sản, cùng con gái là Phạm Thị Toàn tham gia nghĩa quân. Người con gái này của ông thân trải trăm trận, trở thành mãnh tướng kiệt xuất bậc nhất, ra bắc vào nam tham gia hầu hết các trận đánh chủ chốt. Lý Bí chia quân tiến đánh thành Long Biên (sau này đổi tên thành Thăng Long), Thứ sử Tiêu Tư thua trận phải bỏ chạy về Quảng Châu. Lý Bí cho quân đánh khắp nơi thu lại được toàn bộ vùng Giao Châu vào năm 542.
Không muốn tuột mất Giao Châu béo bở, nhà Lương cho quân sang hòng tái chiếm. Lý Bí cho quân đến đóng tại bán đảo Hợp Phố (khu vực huyện Hợp Phố thuộc thành phố Bắc Hải tỉnh Quảng Tây và bán đảo Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay) đón đánh phủ đầu. Phạm Thị Toàn làm tướng tiên phong dẫn quân tiến đánh, quân Giao Châu thắng lớn, thế như chẻ tre. Quân Lương 10 phần chết mất 6, 7 phần, hoàn toàn tan rã, bỏ chạy tan tác.
Cùng lúc đó ở phía nam, quân Lâm Ấp nghe tin nhà Lương tiến đánh Giao Châu từ phía bắc, thì nhân cơ hội đục nước béo cò, cũng cất quân tiến đánh Giao Châu từ phía nam. Quân Lâm Ấp vượt dãy Hoành Sơn chiếm quận Nhật Nam (Quảng Bình ngày nay), rồi kéo quân tiến đánh quận Cửu Đức (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay).
Lý Bí hay tin liền sai tướng Phạm Tu dẫn quân vào miền nam đánh chặn. Nữ tướng Phạm Thị Toàn vừa đánh tan quân Lương ở phía bắc xong cũng xin được nam tiến, tiếp tục lập công lớn đánh bại quân Lâm Ấp, đập tan âm mưu của chúng.
Mùa xuân năm 544, quốc thổ sạch bóng quân thù, Lý Bí lên ngôi vua, xưng là Lý Nam Đế, định đô ở cửa sông Tô Lịch, đặt tên nước là Vạn Xuân với mong muốn giang sơn xã tắc mãi mãi là mùa xuân. Lúc này Lý Bí nhớ đến Phạm Thị Toàn, vị nữ tướng luôn dẫn đầu cầm quân xông trận, không chỉ nết na xinh đẹp mà võ công cũng là đệ nhất, trận nào cũng là tướng tiên phong lập công lớn. Lý Nam Đế bèn ngỏ ý muốn Phạm Thị Toàn vào cung làm Vương phi, cùng mình hưởng cảnh thái bình.
Thế nhưng, vị nữ tướng thân trải trăm trận lại từ chối điều mà bao nữ tử khác mong muốn: “Vì sự nghiệp phục quốc mà phận gái liễu bồ nghĩ cũng phải góp phần gánh vác, đó là tâm nguyện lớn lao không mong gì hơn. Nay việc lớn đã thành, chỉ xin cho thiếp ở lại chốn quê hương chăm sóc phần mộ cha mẹ, vui với cảnh ruộng đồng, hằng ngày nghe câu kinh tiếng kệ!”
Biết không thể gượng ép, nhà vua đành chấp thuận. Phạm Thị Toàn về quê lập chùa tịnh tu cho đến lúc tạ thế. Những câu chuyện về nữ tướng Phạm Thị Toàn vẫn được lưu truyền trong dân gian cho đến tận sau này. Năm 1103, vua Lý Nhân Tông sắc phong cho Phạm Thị Toàn là “công chúa ni cô”. Tương truyền, người dân sau đó đã lập đền thờ, tôn bà làm Thành Hoàng. Dã sử kể rằng Thành Hoàng rất linh thiêng, từng hiển linh giúp cho quân tướng nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông.
Nghĩ về cuộc đời của nàng tường quân Phạm Thị Toàn, tác giả lại nhớ về bài thơ ngợi ca nàng Tần Lương Ngọc:
Học tựu Tây Xuyên bát trận đồ,
Uyên ương tụ lý ác binh phù.
Cổ lai cân quắc cam tâm thụ,
Hà tất tướng quân thị trượng phu
Dịch:
Học xong Tây Xuyên Bát Trận Đồ, phụ nữ cũng có thể nắm binh phù, đã có người phụ nữ sẵn sàng đảm nhận rồi, thì không cần đàn ông làm tướng quân nữa.
Các bà là những nữ tử hiếm có được ca tụng muôn đời bởi những công tích lừng lẫy nơi trận mạc. Người dân Trung Quốc tự hào về Hoa Mộc Lan thì người Việt Nam cũng tự hào vì Bà Trưng, Bà Triệu, Phạm Thị Toàn vậy! Sinh thời các bà phải nỗ lực và chấp nhận trả giá hơn nam nhân cùng thời cả trăm lần; phải vượt qua bao nhiêu rào cản, quy củ của xã hội phong kiến, và phải xuất sắc đến thế nào mới có thể trên lưng ngựa, lưng voi mà cầm quân đánh trận, xông pha trận mạc, đuổi giết quân thù như thế? Ở chốn khuê các, các bà cũng là những nữ tử bình phàm, nhưng khi ra chiến trường, các bà sẽ dùng máu thay son, dùng gió sương để điểm tô mi mục. Nữ tử nước Nam, vốn dĩ cùng đầy khí phách như bao nam tử khác, ngồi trên lưng ngựa mà ngắm nhìn giang sơn trải vạn mùa xuân.