Tôi sinh ra ở một làng quê của miền Trung. Quê tôi nghèo lắm, nơi ấy đất đai khô cằn, ông cha tôi vẫn thường nói :Chó ăn đá , gà ăn sỏi.Mùa nắng, gió Lào thổi cháy da, mùa mưa, mưa đến bạc đầu trôi hết cả phù sa ra biển. Người dân quê tôi cần cù, còm cõi trên mảnh đất mà từ bao đời nay cha ông đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt để có cái ăn, cái mặc.
Tôi và mẹ cũng thế, mẹ con tôi suốt ngày bán lưng cho trời, bán mặt cho đất để sinh sống. Cha hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, chưa kịp biết sự tồn tại của tôi trên cuộc đời này. Thuở còn thơ, ngày nhìn nắng hạ gắt gỏng trong mắt cái Nga, đêm nghe tiếng mưa rơi ào ào trên mái cọ, nằm cuộn tròn trong vòng tay sần sùi, ấm áp của mẹ, tôi nghe mẹ thủ thỉ:
– Cố gắng mà học cho đỡ vất vả cái tấm thân con ạ!
Người dân quê tôi là thế: nghèo, thiếu thốn, có những bữa khoai sắn cõng cơm nhưng nhà nào cũng động viên con cái học hành tới nơi tới chốn, chả thế mà cái làng nhỏ của tôi được mệnh danh là vùng đất hiếu học đấy thôi!
Ngay cả bác nông dân, lúc mùa gặt ngơi tay cũng ngân nga lẩy câu Kiều bên bát nước chè xanh, sóng sánh ánh trăng vàng. Ngày lễ, ngày Tết, ngoài sân hợp tác xã, các bà, các chị vẫn ngọt ngào, da diết với câu ví dặm mà ai đi xa cũng khắc khoải nhớ về. Vùng đất khắc nghiệt, khô cằn ấy đã hun đúc chúng tôi thành những con người gai góc, can trường. Vâng lời mẹ tôi học rất giỏi, các cô bạn của mẹ cứ bảo mẹ có thằng con trai đẹp trai, ánh mắt mẹ lấp lánh niềm vui:
– Nó giống bố đấy! Tôi chỉ thấy bố qua tấm ảnh thờ trắng đen, loang lổ vết ố thời gian không rõ mặt, nhưng trong thâm tâm tôi biết mình cũng là một anh chàng cao ráo, ưa nhìn. Ngoài việc học và phụ mẹ đồng áng ra tôi chỉ thích tìm sách để giải toán.
Tôi cũng biết đàn, có cây ghi ta cà tàng, cũ kĩ của cậu cho, tôi đã nhiều lần vá víu, tu sửa … không phụ lòng tôi, âm thanh của nó cũng réo rắt không thua tiếng đàn bầu. Những lúc không có gì làm tôi hay lấy đàn ra mày mò, rồi tôi cũng biết đàn. Thằng Lâm, bạn nối khố của tôi bảo :
– Mày cũng ra dáng nghệ sĩ đấy! Rồi khối em xin nối đuôi! Tôi cười ngoác ra đến tận mang tai. Chả có em nào, thời gian đâu mà yêu, ăn còn không đủ ăn, có mỗi cái quần xanh đi học, hôm nào vô phước giặt không kịp khô là mặc luôn quần ướt đi học rồi lấy năng lượng cơ thể sưởi ấm cho nó… Thỉnh thoảng cái Nga, cái Hoài và thằng Lâm cũng kéo sang nhà tôi hát hò đến tận đêm khuya. ( Ngày ấy các trò giải trí đâu có phong phú như bây giờ. ). Mọi người về rồi, cái Hoài ngập ngừng bước sau dúi vào tay tôi nắm cơm nếp đầu mùa thơm phức, béo ngậy trong tấm lá chuối vẫn còn âm ấm bàn tay. Thằng Lâm rỉ tai tôi :
– Cái Hoài nó “mết” mày đấy!
Cuộc đời cứ thế trôi đi thì chả có gì để nói, vấn đề là đến năm cuối cấp 3 làm thế nào mà Thần ái tình lại đập vào mặt tôi, …Và thế là tôi yêu! Nếu chỉ yêu cái Hoài, con bé hàng xóm học chung lớp, ngày nhỏ mỗi lần cãi nhau là tôi hay ném chết gà nhà nó, hoặc đái qua cái rào chè tàu, lất phất tơ hồng mà mẹ nó cất công chăm sóc, tỉa tót cho bõ tức thì không nói làm gì. Đằng này tôi lại yêu cô giáo chủ nhiệm của mình, cô dạy văn lớp tôi. Cô 22 tuổi, xinh lắm, mới ra trường và về cái huyện trung du của tôi dạy học. Nghe bọn con gái kháo nhau: Bố cô làm to ở trên tỉnh, cô chỉ dạy ở đây thời gian ngắn thôi, là chuyển về tỉnh, người yêu cô tuần nào cũng đón đưa… Tôi yêu cô từ cái nhìn đầu tiên.Con gái tỉnh có khác, da trắng mịn, môi đỏ hồng, cắp mắt không lúng liếng như ca dao nhưng mỗi khi giảng bài, hình như tâm huyết của cô truyền hết vào ánh mắt ấy! Mà cũng chẳng biết có phải như vậy không hay là trái tim của một chàng trai 18 tuổi, đang yêu cảm nhận như thế. Tôi thấy tim mình nhói lên, thình thịch khi có dáng ai lướt qua. Tôi vốn không thích học văn, điểm văn của tôi không bao giờ quá con 5 truyền thống ,mặc dù các môn tự nhiên tôi không có điểm có chỗ cho những điểm dưới 8. Lắm lúc tôi còn oán trách các cụ nhà ta văn chương, thơ thẩn ở đâu mà cứ như lá đa… để con cháu hôm nay phân tích ý tưởng các cụ mệt nhoài, nát óc.
Từ ngày có cô dạy, tôi chăm chú vào giờ văn hơn bao giờ hết, tôi thấy văn học cũng có những cái hay, cái đẹp…có những cái mà con số toán học không thể nói được. Cô đã “thổi” tình yêu văn học vào một thằng như tôi.
Tôi nghe tiếng rì rào, du dương của lũy tre như tiếng thì thầm của người con gái đang yêu. Tiếng gió Lào thổi bỏng rát của quê nhà nghe như giọng cha âm vang. Mỗi mùa heo may rét ngọt về chỉ làm câu hát ru của mẹ trầm ấm, lắng đọng hơn. Ông bà nhà ta nói đúng, khi yêu con người ta thấy đâu cũng đẹp.
Bài viết hôm ấy, phân tích về :Tình yêu của người con gái trong bài thơ ”Cuộc chia li màu đỏ” của nhà thơ Nguyễn Mỹ tôi còn được 8 điểm, một kỉ lục lịch sử của môn văn, chưa bao giờ có trong cuộc đời học sinh .Tôi còn làm thơ tình nữa, những vần thơ mà cho đến bây giờ nghĩ lại tôi cũng phì cười nhưng cũng may là tôi chỉ làm cho mình thưởng thức chứ không dám tặng cô. Cái tình yêu đơn phương, ngọt ngào ấy, cứ “giữa giờ chơi mang đến lại mang về”. Nhưng cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Mọi điều cũng có thể dấu thiên hạ nhưng yêu thì khó lắm. Trường tổ chức cắm trai chào mừng ngày sinh nhật Đoàn, chúng tôi mang vác đi vào rừng. Đêm lửa trại, củi cháy bập bùng, trời mát mẻ trong ánh trăng cuối tháng ba, tôi thấy cô giáo của tôi đẹp lắm, cô đằm thắm như cô gái mặc áo đỏ trong bài thơ ”Cuộc chia li màu đỏ”, cô dịu dàng, e ấp như người con gái trong bài thơ “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn…Tôi ôm đàn và hát, không biết ma đưa lối quỉ dẫn đường thế nào mà tôi lại dám nói tặng cô giáo của mình bài: Hành khúc ngày và đêm. Tôi hát say mê, cứ như cả vũ trụ này đều là liệt sĩ, tàng hình hết chỉ còn cô và tôi. Tôi gửi hồn mình vào bài hát ấy, từng nốt nhạc, từng lời ca tôi đều hướng về cô. Không biết cô có hiểu tình ý của tôi không nhưng tôi thấy cô thoáng đỏ mặt hay là lửa trại? Khi bài hát kết thúc tiếng vỗ tay rào rào. Hôm sau, thằng Lâm nhìn vào mắt tôi:
– Mày yêu cô giáo chủ nhiệm đấy à ?
Tôi đau khổ gục đầu. Nó nheo mắt:
– Tao nghi từ cái hồi mày sáng tác ra cái vần thơ thum thủm ấy kia, nhưng hôm qua thì hết nghi rồi. Nó cười hiiii, rồi ra giọng của một quân sư:
– Không được đâu! Thứ nhất: mày không thể yêu cô giáo, cô lớn hơn mày, là cô dạy mày! Thứ hai: Tụi mình nghèo kiết xác, cô ấy là con “quan” đấy! Chữ quan nó kéo dài, nhấn mạnh như muốn làm cho tôi tỉnh cơn mê!
– Cô ấy chỉ hơn tao có 4 tuổi, chỉ bằng chị Nhàn con bác Tuất tao, hơn là bao! Cô ngồi chung với bọn con gái lớp mình ngỡ là học sinh đấy chứ! Tôi vẫn cố gắng chống chế .
– Nhìn mày cũng cao ráo, mặt mũi không ghèn, không gỉ nhưng trên răng dưới d. cô ấy không yêu đâu, bà này dạy văn nhưng thực dụng lắm! Mày không thấy thứ bảy nào xe Cup cũng đón bà ấy về tỉnh à ! (Hồi đó có chiếc Cup là rất giàu có, hàng hiếm). Tôi nghe ra cũng hơi chột dạ nhưng tôi có thể phấn đấu và tôi sẽ tỏ tình khi tốt nghiệp cấp 3 và bảo cô ấy chờ tôi. Lúc tôi Tốt nghiệp Đại học thì cô ấy cũng còn trẻ mà!
Rồi thời gian trôi đi, chúng tôi lao vào học thi Tốt nghiệp và thi Đại học. Nhìn những cánh phượng hồng lấp ló trong tán lá xanh , chúng tôi biết là mùa chia tay đã đến .Tôi sắp phải xa cô, tôi loay hoay không biết phải tỏ tình với cô như thế nào ?
Cuối cùng chúng tôi cũng có được cái bằng cấp 3, tôi đậu Đại học, khỏi phải nói mẹ tôi đã vui như thế nào ?Ngày tôi khăn gói ra Hà Nội học , tôi đã lấy hết dũng khí của một thằng con trai mới lớn đến khu tập thể của giáo viên, gặp cô giáo của mình .Nhưng vừa đến của căn phòng của cô, tôi đã thấy người con trai ngồi bên cô, họ nhìn vào mắt nhau âu yếm. Có cái gì đó tan vỡ trong tim ,tôi nặng nề lê gót, cầm cây sáo trúc mà tôi đã cất công, tỉ mỉ làm để thổi những bài hát tình ca tặng cô .
Tôi khăn gói ra Hà Nội học mà lòng nặng trĩu.Tôi chợt lóe ra một ý :Tôi sẽ viết thư cho cô, chẳng phải viết sẽ dễ dàng hơn nói đó sao !Tôi khuyến khích mình phải hi vọng chứ !Biết đâu , anh chàng kia cũng như mình thì sao, cũng chỉ là đang tìm hiểu cô?Thế là tôi viết, tôi viết dài lắm , cả một đôi giấy manh.Bao nhiêu tinh túy của văn chương tôi xổ hết vào đấy.Viết thư rồi, tôi đợi hồi âm.Quả là không phụ lòng mong đợi , tôi nhận được thư của cô.
Không có từ ngữ nào có thể tả được niềm vui của tôi khi cầm là thư của cô trên tay.
Cô viết nhiều lắm .Cô đã dặn dò tôi :Phải cố gắng học hành về phụ mẹ đỡ vất vả.Tôi đọc từng dòng chữ đều đặn của cô mà không vừa lòng tí nào , tôi đã lớn rồi đấy ! Cô không phải lo lắng cho tôi như một đứa trẻ con nữa đâu! Cô bảo :Tình yêu tôi dành cho cô chỉ là sự ngưỡng mộ của tuổi mới lớn, rồi đến một lúc nào đó , tôi sẽ mỉm cười vì cái thời ngây ngô đáng yêu này, cô chúc tôi thành đạt và luôn vững vàng. Rồi tôi vẫn kiên trì viết cho cô nhưng thư đi không trở lại .
Nghỉ hè , tôi trở về quê, ghé ngang trường huyện nhưng cô giáo của tôi đã không còn dạy ở đây, đúng như lời đồn cô về tỉnh dạy và lấy chồng .Tôi nhìn sân trường, ngẩn ngơ như một gã thất tình, dãy phòng học cũ kĩ vẫn còn đấy, lá phượng vẫn rơi lả tả sau cơn mưa rào nhưng tình yêu đầu đời của tôi thì mãi khép lại như một kí ức không thể nào quên, một kí ức đẹp, trong sáng đi cùng năm tháng.
Cầm cái bằng Tốt nghiệp kĩ sư cầu đường trong tay, chúng tôi có lệnh lên đường nhập ngũ. Riêng tôi, con liệt sĩ và là con duy nhất nên không có giấy gọi.Trái tim của một chàng trai 22 tuổi phơi phới, bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hoài bão.Tôi nghĩ :Phải xong nghĩa vụ với đất nước đã! Tôi vác ba lô bắt đầu cuộc đời lính. Sau ba tháng vất vả với thao trường, chúng tôi được nằm trong danh sách bộ đội Việt Nam tình nguyện sang giúp nước bạn Cam pu chia.Ngày chúng tôi lên xe, mẹ tôi rưng rưng nước mắt :
-Con đi chân cứng đá mềm nhé ! Tôi thương mẹ, cuộc đời mẹ vất vả, hai lần tiễn người thân ra trận thì bố tôi không trở về.
Đất nước Chùa tháp vào những năm 82-84 , mặc dù nạn diệt chủng đã được xóa sổ nhưng tàn quân Pôn–pốt thì vẫn còn, chúng vẫn còn ẩn núp ở các tỉnh dọc biên giới Việt Nam và Cam pu chia.Chúng tôi được phân về tỉnh Mondulkiri, dân ở đây chủ yếu là đồng bào Khơ me.Cuộc sống nghèo nàn lạc hậu, nhà cửa thưa thớt .Chúng ta vẫn phải giúp họ khôi phục lại cuộc sống và bảo vệ bình an cho Biên giới Tây Nam .
Chúng tôi sống cùng dân, ăn ở cùng họ.Họ cũng như đồng bào dân tộc ít người của mình , rất tốt bụng và yêu quí bộ đội Việt Nam.Mùa khô thiếu nước, thiếu rau đồng bào chia sẻ với bộ đội từng quả cà non, ngọn rau rừng, ngụm nước thốt nốt… Cũng có những người con gái yêu tôi tha thiết, những ngày sốt rét cơn, bát cháo loãng làm tôi ấm lòng nhưng sao sức nhớ thương không da diết, mãnh liệt không bằng nhớ cô giáo của mình . Ban ngày giúp dân tăng gia sản xuất và phá mìn tôi tạm quên, nhưng đêm đến nhìn sao dày dặc trên bầu trời nước bạn tôi nhớ ánh đom đóm sau nhà.Những ngày mưa rừng, sấm động nhớ tiếng gà trưa nhảy ổ, ánh mắt to, tròn, ngơ ngác của cô gái Mondulkiri tôi nhớ cô ấy, chắc bây giờ cô đã có con, bận rộn lắm rồi !Cậu học trò ngày xưa cô cũng chẳng có thời gian mà nhớ, chỉ có tôi nhớ mối tình đầu đơn phương nhưng ngọt ngào theo tôi suốt những ngày gian nan. Ông bà nói đúng mà :Một tình yêu chưa nở thì còn mãi với thời gian.
Rồi nước bạn cũng từng bước lập lại hòa bình, cuộc sống người dân bắt đầu ổn định. Chúng tôi được lệnh rút dần quân tình nguyện Việt Nam về nước .Khỏi phải nói chúng tôi vui mừng như thế nào?Người dân chia tay chúng tôi lưu luyến, có cả những giọt nước mắt của người con gái đã từng nấu cho tôi bát cháo ngày tôi rét run giữa mùa hè nóng bỏng…bộ đội Cụ Hồ mà, “đi dân nhớ, ở dân thương”.
Tôi về nhà, ngôi nhà thân thuộc đã chứng kiến từng bước đi thăng trầm , dẻo dai của tôi vẫn như xưa chỉ có mẹ là già đi, nhưng khi tôi lành lặn trở về ánh mắt bà như trẻ lại, hai con ngươi màu nâu ấm áp lúc nào cũng cười.Người và cảnh thay đổi cũng nhiều, cái Hoài thằng Lâm không biết “oan gia ngõ hẹp” thế nào mà lại thành một cặp. Cái Nga lấy chồng xa, thỉnh thoảng cũng về thăm quê. Vì là bộ đội xuất ngũ, với cái bằng kĩ sư nên tôi được công ty cầu đường Tỉnh nhà đón nhận.
Cuộc đời tôi, từ đó đi trên khắp các nẻo đường của Tổ Quốc để làm ra những con đường dân sinh, những chiếc cấu nối liền những bên lở bên bồi của những dòng sông: xong tuyến Tây nguyên, tôi lại vào tuyến Trường Sơn, xong Trường Sơn lại bổ sung cho Biên giới …Cứ như thế, công việc kéo tôi đi, tôi yêu cái nghề này như là một cái nghiệp, cái duyên. Cứ đến một vùng mới, hoàn thành những con đường mới, những chiếc cầu mới lòng tôi vui vui và hạnh phúc lắm!
Mẹ nóng ruột giục:
– Mày lấy vợ đi chứ!
Ừ nhỉ lấy vợ thôi, ngoài ba mươi rồi. Mẹ tôi và đám bạn thời trẻ trâu lựa chọn, mai mối tôi đồng ý. Vợ tôi là một cán bộ của phụ nữ xã, con của người bạn mẹ. Cô ấy nhanh nhẹn, hoạt bát, chúng tôi nên vợ nên chồng vào một ngày đẹp trời có nắng biếc những hàng cau, có gió ngoài Sông Cái thổi vào, có chén rượu mừng của bà con nội ngoại, lối xóm. Mẹ tôi mừng đến mức vừa khóc vừa cười, ngày nào cũng cầu nguyện cho chúng tôi có con để bà sớm có cháu bế. Tôi rất thương vợ mình, hình ảnh cô giáo ngày xưa mờ dần, rồi phai trong trái tim của người đàn ông trưởng thành. Nhưng cuộc sống lại không chiều tôi, chúng tôi lấy nhau 5 năm vẫn không có con. Tôi và vợ kiên trì chữa hết bệnh viện đến các thầy lang nhưng số phận không mỉm cười.
Nguyên nhân chính là từ tôi. Chiến tranh không lấy đi sinh mạng của tôi, tôi vẫn nguyên vẹn, không sứt mẻ nhưng những mùa khô thiếu nước, thiếu ăn, thiếu uống với thể trạng của mình tôi bị bệnh: Tắc nghẽn ống thận, khả năng có con rất khó. Vợ tôi đã động viên và chia sẻ với tôi rất nhiều, chúng tôi sẽ nhận con nuôi nhưng trong ánh mắt cô ấy vẫn có nỗi khát khao làm mẹ, được mang nặng đẻ đau. Cuối cùng tôi cũng quyết định chia tay để cô ấy có hạnh phúc. Đời người phụ nữ lấy chồng chỉ lãi mỗi đứa con mà tôi lại không thể cho cô ấy được điều này. Ngày ra tòa, cô ấy đã khóc rất nhiều, lòng tôi thì nặng như ai đeo đá .
Một năm sau đó, cô ấy lấy chồng, rồi sinh con. Tôi mừng cho vợ cũ, cột vào cuộc đời tôi, cô ấy làm sao có được cái thiên chức quí giá mà thượng đế đã ban tặng. Tôi nhìn cô ấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản!
Vợ chồng thằng Lâm bảo tôi nhận một đứa con của tụi nó làm con nuôi , tôi đồng ý. Mẹ tôi tuổi cao sức yếu nhắm mắt về với ông bà…Tôi sửa sang ngôi nhà thưở thiếu thời làm nơi thờ phụng cha mẹ. Tôi vẫn nay đây, mai đó đi theo các công trình. Tôi lao vào công việc như một con thiêu thân, không phải vì tiền mà để lấp đi những khoảng trống trong tâm hồn, kiếm được tiền, tôi đưa hết cho vợ chồng Hoài, Lâm nuôi con, nhưng cái Hoài cứ một, hai bảo:
– Cất hộ ông đây, để già mà phòng thân! Tôi kệ, chúng nó muốn làm gì thì làm!
Tôi được phân công về giám sát thi công ở cái cầu bắc qua con Sông Cái ở tỉnh nhà. Như một lập trình được định sẵn, tôi luôn cần mẫn, hết lòng với công việc. Sáng hôm ấy, tôi đi giám sát, kiểm tra bỗng có một đám tang qua cái cầu cũ song song với cái cầu mới tôi đang thực thi tiến độ, có rất nhiều học sinh cầm hoa tươi. Linh tính thế nào tôi lại ngẩng lên quan sát. Di ảnh của người quá cố nhìn rất quen, quen lắm, tôi nhanh chân bước theo…là cô giáo của tôi, là người con gái tôi thầm thương trộm nhớ. Người tôi lạnh toát. Bây giờ tôi mới thấy: Đám tang rất đông người nhưng chỉ có hai vành khăn trắng của hai ông bà già, chắc bố mẹ cô, còn chồng con đâu? Trái tim tôi tò mò thổn thức. Bất giác như một quán tính, tôi đi theo đám tang, tôi phải tiễn người con gái tôi yêu về nơi an nghỉ cuối cùng. Cô mãi mãi dừng lại ở tuổi 46, tuổi chín ngọt của người phụ nữ.
Tôi đến thăm bố mẹ cô vào một buổi chiều, nhìn hai ông bà già thẫn thờ trước di ảnh con gái mà lòng tôi như có ngàn mũi dao cứa vào. Tôi đau lắm! Cuộc đời cô ấy trải qua toàn những bất hạnh. Cô lấy chồng, mang thai nhưng không lần nào có quả ngọt. Vợ chồng họ chia tay, người đàn ông ấy lấy vợ khác. Cô về ở với bố mẹ. Khi phát hiện ra ung thư buồng trứng thì đã ở giai đoạn cuối, di căn khắp ổ bụng, cô suy sụp, ngã quị. Mất đi đứa con duy nhất bố mẹ cô đau đớn tột cùng, cái cảnh lá xanh khóc lá vàng nhìn mà xót lòng! Đứng trước nấm mộ của cô, tôi không khóc được :An nghỉ nhé, người con gái tôi yêu! Từ nay sẽ chẳng còn đau đớn, bất hạnh giày vò!
Tuần nào cũng thế, cứ có thời gian là tôi ghé bố mẹ của cô, khi thì kí trái cây, khi thì tấm bánh, ông bà không thiếu gì cả nhưng tôi vẫn muốn làm thế! Cha hi sinh, mẹ đã mất, tôi thấy ông bà như bố mẹ của mình. Thỉnh thoảng, tôi lái xe chở họ đi chơi, Có bữa tôi gọi điện thoại :
– Mẹ à, nấu cơm tối cho con nhé! Ông bà như bắt được vàng khi tôi về ăn cơm. Bà mừng rối rít:
– Con muốn ăn gì để mẹ nấu ?
Xin mượn bốn câu thơ của nhà thơ Thuận Hữu để kết thúc cho một câu chuyện tình đẹp của tôi:
“Cuộc đời ơi, sao lắm lạ kì!
Có những năm tháng đi qua mà chẳng thành nỗi nhớ
Nhưng nhiều khi chỉ một lần gặp gỡ
Một thoáng nhìn, cũng trăn trở mãi trong nhau”.
(Si Trang)