Đến dịp lễ tình yêu Valentine tôi cũng tò mò thử tìm xem các dân tộc khác nhau trong lịch sử, hay kể cả văn chương từ trước đến nay có những câu chuyện tình buồn nào thật đẹp và cảm động nhất. Như nước mình cũng có Trưng Trắc và Thi Sách, Chử Đồng Tử và Tiên Dung… Châu Âu có Romeo và Juliet, Cleopatra và Antoni, Trung Quốc có Tây Thi-Phạm Lãi, Mỹ có Scarlett O`Hara và Buttler… Nhưng rồi tôi thấy câu chuyện hoàn toàn có thật, xảy ra đúng 900 năm trước này thực sự buồn và đẹp, hơn rất nhiều câu chuyện văn chương trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gái” giữa Meggie và cha Ralph, xin giới thiệu lại với những người đang yêu để biết giá trị của tình yêu thực sự như thế nào…
Nhiều khi không thể ngờ được lại có những cuộc gặp gỡ định mệnh như thế trong cuộc đời. Mọi sự kiện của câu chuyện này xảy ra tại thành phố Paris – thành phố của tình yêu. Héloïse (Eloise Fulber, 1101-1164) là cô bé mồ côi, được ông chú Fulber – là giáo sĩ của Nhà thờ Đức Bà Paris nuôi dưỡng. Từ nhỏ cô được đưa vào học tại trường dòng thuộc tu viện, và ngoài vẻ đẹp rực rỡ ra thì còn nổi tiếng là thông minh và biết nhiều ngôn ngữ. 16 tuổi nàng trở về với chú ở Paris, ông chú rất tự hào về đứa cháu gái giỏi giang, lúc nào có dịp thì đều khoe cô cháu với những người danh giá, và thế là nàng có cuộc gặp định mệnh với chàng…
Pierre Abélard ( hoặc Peter Abélard 1079-1142) là một nhà thần học, nhà thơ, nhạc sỹ, nhà triết học kinh viện nổi tiếng của Pháp thời trung cổ. Khi gặp nhau chàng đã là một nhà triết học nổi tiếng và tai tiếng, học trò cưng của Guillaume de Champeaux-chủ nghĩa hiện thực (realism) nhưng lại lập trường phái triết học kinh viện (Scholasticism) với những tiên đề gần như trái ngược hẳn với thầy. Ông có rất nhiều học trò giỏi, ví dụ Đức Giáo hoàng Celestinus PP. II sau này, tuy vậy đương thời ông bị Giáo hội hai lần trừng phạt vì những ý tưởng có dục tính cao. Gặp Eloise trẻ hơn đến 22 tuổi chàng đã phải lòng ngay từ cái nhìn đầu tiên, và nghĩ ngay ra cách thuê phòng của ông chú Fulber rồi xung phong dạy cô bé học hành không lấy tiền…
Cô bé Eloise cũng nhanh chóng quấn quýt lấy giáo sỹ Abélard mặc dù cả hai đều biết điều đó là cấm kỵ bởi chức giáo sỹ của chàng. Họ tranh thủ bên nhau từng phút trong khi người chú vốn đang hoàn toàn choáng ngợp bởi địa vị của Abélard không hề nghi ngờ. Nàng đã viết về những cảm xúc của mình: “Không có một bà hoàng, một công chúa nào trên thế gian lại có thể không ghen tỵ với em vì những khoái cảm mà em đã có với chàng khi chăn gối…”. Còn nhà triết học thì thậm chí khi dạy học cũng không giấu nổi nụ cười, không thể quên được người tình bé nhỏ, và thế là lầm lẫn lung tung cả trên bục giảng…
Bọn học trò tinh quái biết ngay vì sao, còn ông chú đâu có thể ngờ… Nhưng cuối cùng người chú vốn vô cùng mộ đạo cũng bắt quả tang đôi tình nhân, khi đó họ đành khai thật rằng nàng đang mang thai. Lập tức đôi tình nhân bị cách lý, nhưng vào một đem tối trời Abélard đã đánh cắp được nàng, cải trang cho tình nhân và chở đến tỉnh Bretania để nàng sinh con tại nhà người chị của chàng, với tên đứa bé là Astrolabe, và nó sẽ sống xa cả cha lẫn mẹ…
Ông chú đành xuống nước, đồng ý cho đôi trẻ cưới nhau, với điều kiện phải thật bí mật. Lạ thay Eloise quyết không chịu cưới, vì biết nếu lộ ra thì chàng sẽ mất hết công danh sự nghiệp – một chuyện rất hy hữu và sự hy sinh rất lớn nếu ta nhớ lại, đó là thế kỷ 12, giữa thời Trung cổ. Nhưng cuối cùng nàng đành chấp nhận cưới ở một nhà thờ nhỏ tại rìa Paris, và sau đó hai người vẫn sống riêng rẽ, chỉ bí mật gặp nhau ban đêm như các đôi tình nhân …
Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, khắp Paris đồn đại là ngài giáo sỹ Peter Abélard cặp kè với gái trẻ, nhưng nàng vẫn ngẩng cao đầu chịu sự bẽ bàng đó (xin nhắc lại, thời Trung cổ, thế kỷ 12 – người ta sẵn sàng chết đi hơn là chịu nhục nhã!) và cuối cùng chính ông chú Fulber không chịu đựng nổi, tống nàng vào tu viện. Mọi hằn học đổ lên đầu nhà triết học: ban đêm Fulber cùng với ba tay đâm thuê chém mướn, một tay bác sỹ người Tây Ban Nha đã mua chuộc được bọn đầy tớ của chàng, xông được vào phòng, trói chàng lại và thiến chàng! Sáng hôm sau cả Paris biết về chuyện đó…
Từ năm 1119 đen tối đó Abélard không còn điều kiện để sống cuộc đời vinh quang như trước kia nữa. Ông xin chuyển về tu viện Saint Deni, còn người vợ Eloise lập tức cạo trọc đầu thành bà sơ, nhưng nàng ước nguyện phục vụ chồng trước hết, sau đó mới đến Chúa Trời…
Nàng dần dần trở thành một nữ trưởng tu viện anh minh và gương mẫu vô cùng, không ai có thể ngờ rằng trong hơn chục năm xa cách không bao giờ gặp mặt ấy, hai người vẫn yêu nhau tha thiết. Abélard viết hồi ký về chính cuộc đời mình, Eloise đọc được quyển sách đó và liên tục gửi cho chàng những bức thư chan chứa yêu thương. Nàng muốn ở bên chàng, muốn làm chỗ dựa cho chàng, nhưng điều đó không thể xảy ra vì cả hai đã hứa trước Chúa Trời…
Năm 1129 họ lại gặp lại nhau, Eloise muốn trở về bên Abélard, nhưng lúc này ông đã trở nên vô cùng sùng đạo, và khuyên vợ hãy đừng viết những bức thư đầy yêu thương như vậy nữa, ông sẽ gửi cho nàng những bài thánh ca để cùng nhau tu tập và về bên Chúa Trời. Lại một lần nữa, vì tình yêu đối với chồng nàng Eloise đã nghe lời, không bao giờ viết thư nữa. Nàng Eloise trở thành một nữ linh mục nổi tiếng ngoan đạo, trong khi đó những năm cuối đời Abélard dùng hết tài năng và cả sự giận đời của mình, để tạo nên rất nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc có giá trị, và nhất là học thuyết triết học trái hẳn với các kiến thức của Giáo hội thời đó, và ông đã mất năm 1142 trong sự ghẻ lạnh và căm ghét của tất cả. Thi hài của ông được gửi đến cho người vợ nay đã là tu viện trưởng. Theo đúng ý nguyện của chồng bà Eloise hàng ngày đều đọc kinh, cầu cho linh hồn chồng được an nghỉ. 22 năm sau, cũng đúng 63 tuổi nàng Eloise đã về với Chúa và về cạnh tình yêu duy nhất của đời mình . Thi hài của họ được chôn cạnh nhau, và sau rất nhiều biến cố, ngày nay mộ phần của họ được quàn tại nghĩa trang Père Lachaise, Paris.
Cuộc tình lãng mạn và vô cùng đau thương cách đây 9 thế kỷ này trở thành khuôn mẫu cho rất nhiều nhà văn, nhà thơ cổ điển. Peter Abélard để lại một kho tàng kiến thức quý giá về nhiều lĩnh vực, mà quan trọng nhất đó là học thuyết của ông, khi tôn giáo cũng cần phải kiểm chứng chứ chỉ bằng niềm tin không thì chưa đủ. Eloise để lại cho đời ngoài một tình yêu vô điều kiện ra, còn là những bức thư tình tuyệt đẹp về mặt văn học và lịch sử, mà nhiều thế kỷ sau các cô gái mới lớn ở châu Âu vẫn dùng chúng làm mẫu để viết thư cho ý trung nhân của mình (bà viết hay đến mức cho đến nay các nhà sử học vẫn “nghi” rằng nhiều thế kỷ sau các nhà văn đã viết hộ cho bà những bức thư tình này!).
Tại một ngôi nhà nhỏ dành cho những người giáo sỹ của Nhà thờ Đức Bà Paris cho đến nay vẫn còn một dòng chữ: “Nơi đây đã sống Eloise và Abélard. Họ thực lòng yêu nhau. Mẫu hình quý giá để noi theo. Năm 1118”.