chuyen-“liet-sy”-tro-ve-o-hai-duong

Chuyện “liệt sỹ” trở về ở Hải Dương

Trận đánh khốc liệt

Làng quê Quan Lộc, xã Tiên Động nằm bên dòng sông đào Bắc Hưng Hải yên ả, thanh bình. Thầy giáo già Đinh Đức Lâm, em trai của “liệt sĩ” Đinh Đắc Khâm vui vẻ dẫn tôi đến nhà anh trai mình. Nhà hai anh em cùng làng, cách nhau không xa lắm, đi chẳng mấy chốc đã đến.

Nhà ông Khâm là ngôi nhà cấp 4 mái fibro xi măng, có chung sân, chung cổng với nhà 2 tầng của con trai. Ông Khâm năm nay 86 tuổi. Tuy dáng đi có nét chậm do tuổi tác nhưng khi trò chuyện về thời trai trẻ, chuyện đánh giặc, chuyện bị địch bắt, chuyện trong tù… thì ông lại như chưa từng bị yếu tố tuổi già tác động.

Ông Khâm là con cả trong một gia đình có 3 anh em, sau ông một em gái, một em trai. Cả ba anh em đều sớm mồ côi bố. Tuổi thơ của cậu bé Khâm trải qua nhiều gian nan, khổ ải như làm phu dịch thay cho mẹ, đi phu dịch thuê lấy tiền phụ giúp mẹ nuôi các em.

Clip: Thầy giáo già Đinh Đức Lâm kể lại lần ra thăm anh trai Đinh Đắc Khâm trở về an dưỡng tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Thực hiện: Nguyễn Việt.

Trong kháng chiến chống Pháp, cậu bé Khâm cùng bạn bè trang lứa tham gia các hoạt động như canh gác, tuần tra, bao vây bốt giặc cùng du kích, hoạt động giao thông, liên lạc cho cán bộ. Hoà bình lập lại, lúc đã thanh niên, Khâm còn tích cực tham gia công tác tại địa phương, lập gia đình, sinh con.

Năm 1965, theo tiếng gọi của non sông, Tổ quốc và của Bác Hồ, mặc dù lúc đó đang làm cán bộ hợp tác xã, đã có gia đình một vợ và hai con nhưng chàng thanh niên Đinh Đắc Khâm vẫn lên đường tòng quân đánh giặc. Nơi quê nhà, những người thân yêu dấu, đó là bà, mẹ, vợ và hai con nhỏ 8 tuổi và 2 tuổi luôn dõi theo.

Khi được hỏi trận đánh nào khiến ông bất đắc dĩ trở thành “liệt sĩ”, ông Khâm cười và bồi hồi nhớ lại. Đêm hôm ấy, ngày 11/7/1967, cả trung đoàn 41 lặng lẽ cùng nhau tiền nhập để đánh đồn Tân Hưng thuộc tỉnh Bình Long, ông được tiểu đoàn cử đi đánh bộc phá số 1, ở màn cho trận đánh công kiên đầu tiên của đơn vị.

“Lúc đó, trên vai tôi đeo khẩu tiểu liên AK và quả bộc phá 7kg. Trăng non đầu tháng mà trời tối như mực, bởi núi rừng âm u. Nhưng đoàn quân vẫn lặng lẽ kéo vào gần bốt giặc. Theo sự phân công, tổ bộc phá của chúng tôi đã sẵn sàng chờ lệnh.

Chuyện

Ông Đinh Đắc Khâm (bên phải) và ông Đinh Đức Lâm (bên trái) đang trò chuyện về một thời trận mạc. Ảnh: Nguyễn Việt.

Gần 1 giờ đêm, trước giờ vào trận đánh chúng tôi đều hồi hộp, bỗng những tiếng nổ inh tai của cối 120 ly của ta tới tấp nã vào bốt giặc. Tiếng nói dõng dạc của Trung đội trưởng vang lên: “Đồng chí Khâm bốc phá số 1, tiến lên mở đầu cho trận đánh”.

Quả bộc phá nặng 7kg, dài 1m vỏ bằng tôn đã được tôi đặt giữa hàng rào thép gai. Nhận lệnh, tôi bình tĩnh rút nụ xoè rồi nhanh như cắt chạy quay lại độ 5 – 7m vừa kịp nằm xuống thì tiếng bộc phá nổ long trời lở đất.

Kế tiếp những tiếng nổ rền vang khắp đồn Tân Hưng, những ánh chớp nhoang nhoáng, cả bốt giặc rực lên ngọn lửa như thiêu cháy kẻ thù. Rồi pháo sáng và tiếng súng trong đồn bốt bắn ra xối xả dữ dội. Đơn vị của tôi thương vong quá nhiều nhưng vẫn chưa làm câm họng được lô cốt ngầm của địch. Những tràng đại liên của giặc vẫn bắn găm lối tiến vào của quân ta.

Lúc đó trời sắp sáng. Tôi bị thương vào đùi trái, Trung đội trưởng bị thương vào đầu, một số người khác hy sinh. Một lúc sau có 2 chiến sĩ vào khiêng tôi trở ra. Đi được một đoạn, trời tảng sáng, chúng tôi đành phải nằm lại, ẩn mình kẻo bị lộ. Lúc sau, máy bay địch tới trút bom xuống chỗ chúng tôi. Bom nổ, cây cối đổ gãy phủ, vùi lấp chúng tôi. Không biết ai còn sống hay chết.

Từng đàn máy bay trực thăng tiếp viện đổ quân xuống, lùng sục tìm kiếm, bọn giặc phát hiện thấy tôi nằm bất tỉnh bên lùm cây, chúng bắt tôi đi.

Sau khi điều trị khỏi thương, chúng giam tôi tại nhiều nhà giam khác nhau ở Sài Gòn, Biên Hòa để hỏi cung tôi. Sáng mồng 5 Tết Mậu Thân 1968, chúng đưa tôi và nhiều anh em khác lên máy bay C130 ra đảo Phú Quốc. Chúng giam tôi ở nhà tù Phú Quốc”, ông Khâm nhớ lại.

Thân tù ở Phú Quốc, quê nhà nhận giấy báo tử…, bất đắc dĩ trở thành “liệt sĩ”

5 năm 10 ngày, đó là số năm số ngày ông Khâm ở trong nhà tù Phú Quốc và những năm tháng đó ông không thể nào quên.

Ông Khâm nhớ lại: “Chúng đàn áp, đánh đập tù binh nhiều lúc vô cớ và dã man. Tôi nhớ ngày 7/5/1970, một trại tù đấu tranh, chúng bắn vào tù nhân, khiến 200 tù nhân vừa bị chết và bị thương. Do chúng nghi ngờ anh em tù xây dựng phong trào, tổ chức đấu tranh. Sau đó chúng tra tấn một số đồng chí để răn đe những tù nhân khác.

Ngoài chuyện đánh đập, chúng cho tù nhân ăn đói mặc rách. Cả năm không được miếng thịt, rau xanh cũng không có, quanh đi quẩn lại chút ít cá khô. Rồi nhiều lần chúng kiếm cớ bắt tù nhịn đói. Bởi sự khắc nghiệt của cảnh tù đày bị đánh đập, bỏ đói, cộng với nhiều thiếu thốn về thuốc men, chăm sóc y tế, khám chữa bệnh nên ngày nào cũng có người từ giã cõi đời”.

Chuyện

Ông Định Đắc Khâm kể lại những năm tháng bị tù đày ở Phú Quốc. Ảnh: Nguyễn Việt.

Mặc dù, thực tế chiến sĩ Đinh Đắc Khâm bị thương, bị địch bắt và bị tù đày ở nhà tù Phú Quốc nhưng ở quê nhà, người thân lại nghe và nhận nhiều thông tin khác nhau. Nào là chiến sĩ Đinh Đắc Khâm đầu hàng địch. Đến năm 1972, gia đình còn nhận được giấy báo tử ông Khâm đã hy sinh.

Thầy giáo già Đinh Đức Lâm ngồi cạnh anh trai cũng kể: “Cùng thời gian anh Khâm chiến đấu bị thương, bị địch bắt và ở tù Phú Quốc, lúc đó ở quê nhà cũng không hay biết tin tức gì. Mở đài dò sóng… để nghe tin về tình hình chiến sự trong Nam, có lần tôi nghe chúng rêu rao thông tin về người chiến sĩ Đinh Đắc Khâm, quê quán… đã đầu hàng. Mặc dù, vẫn biết đó là chiêu bài tâm lý chiến của kẻ thù nhưng cũng khiến tôi không khỏi buồn.

Sau đó, tôi cũng nhập ngũ, chiến đấu và bị thương, ra Bắc thì một hôm lại nhận được tin có giấy báo tử của anh Khâm.

Hôm đó là ngày 21/4/1972, một người bạn báo tin: “Có giấy báo tử anh Khâm rồi! Ngày mai làm lễ truy điệu”. Về tới đầu ngõ, tôi đã nghe thấy tiếng khóc của mẹ, của bà và tiếng khóc thê thảm của chị, của các cháu, đã dội vào lòng tôi một nỗi buồn đau đớn. Rồi bà con làng xóm, họ hàng đến thăm hỏi ngày một đông. Giữa lúc ấy, một số đồng chí đảng uỷ xã tới gia đình để báo tin chính thức về việc anh tôi hi sinh vào ngày 11/7/1967.

7 giờ tối hôm đó, hàng trăm người trong thôn xã đến thăm hỏi và dự buổi lễ truy điệu anh tôi. Nhìn vòng hoa trên có dòng chữ đỏ: “Kính viếng hương hồn liệt sĩ Đinh Đắc Khâm” và nghe từng lời điếu văn của đồng chí xã đội trưởng trong lễ truy điệu anh Khâm khiến tôi không khỏi xúc động.

Bẵng đi một thời gian, hôm đó là ngày 3/3/1973, tôi lại nhận được thông tin anh Đinh Đắc Khâm của tôi còn sống. Anh bị địch bắt làm tù binh và được trao trả theo Hiệp định Paris”.

Ông Khâm lại tiếp lời: “Quên sao được ngày chúng tôi được trao trả. Sáng hôm ấy, 17/2/1973 khoảng 500 tù binh được gọi ra xe để ra chỗ đỗ máy bay. Hơn 9 giờ sáng, máy bay cất cánh. Đến 12 giờ trưa xuống sân bay Phú Bài (Huế) rồi lên xe đến bờ sông Thạch Hãn. Chúng tôi sung sướng, nhìn sang bờ Bắc sông thấy cờ giải phóng của quân ta. Xuồng máy chở chúng tôi qua sông.

Những ngày sau đó, tôi có gặp được một người cùng làng và được nghe kể ở quê nhà đã nhận giấy báo tử, thông báo tôi hy sinh. Sau đó, tôi cũng viết thư gửi về gia đình thông báo tôi còn sống và đang an dưỡng ở Tiên Yên, Quảng Ninh.

Qua lá thư của tôi gửi về, gia đình và thân nhân rất mừng, họ mạc, xóm làng đến chia vui. Rồi em trai tôi, Đinh Đức Lâm và vợ con tôi ra Tiên Yên thăm tôi. Vợ chồng, bố con, anh em gặp nhau sau 8 năm biền biệt, vui mừng khôn tả”, ông Khâm cho hay.

Những năm tháng sau này, ông Khâm tiếp tục tham gia công tác ở địa phương, tình nguyện đi công tác tại vùng kinh tế mới trong Tây Nguyên và về nghỉ mất sức tại quê nhà. Ông cũng tự hào kể về những người con đã trưởng thành, làm ăn gây dựng được kinh tế khá giả, nuôi con ăn học thành tài. Ông vui mừng khoe mình đã lên chức cụ. Ông còn khoe mình còn làm thơ để ghi lại cảm xúc với cuộc sống này.

Mọi người mừng cho ông sau tất cả những gì ông trải qua gian nan, khổ cực của tuổi thơ, hay những lúc đối mặt với lằn ranh sống chết trong chiến đấu với kẻ thù, rồi bị thương, tù đày, hay bất đắc dĩ trở thành “liệt sĩ”, rồi “liệt sĩ” đó đã trở về tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước để cuối đời ông đã nhận được cái kết viên mãn, điền viên bên con cháu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *