Tại Nhật Bản, dân gian lưu truyền một câu chuyện rằng khi trời đổ cơn mưa bóng mây thì những đứa trẻ được người lớn khuyên không nên ra khỏi nhà. Vì lúc này, loài cáo sẽ tổ chức đám rước dâu và nếu con người trông thấy phải trả giá bằng mạng sống. Truyền thuyết này gọi là Kitsune no yomeiri.
Kitsune no yomeiri được ghép bởi 2 từ (cáo, hồ ly) và Yomeiri (đám cưới). Nghĩa của cụm từ này là đám cưới của loài cáo hay là hiện tượng mưa bóng mây, chỉ thời tiết đang nắng mà bỗng đổ mưa, đồng nghĩa với từ Tenkiame. Vào thời kỳ Showa, Kitsune no Yomeiri Gyoretsu (Lễ rước dâu trong đám cưới của cáo) được sử dụng phổ biến. Thuật ngữ này ở mỗi vùng miền sẽ có cách gọi khác nhau, như tỉnh Saitama và Ishikawa gọi là Kitsune no Yomitori , tỉnh Shizuoka thì gọi là Kitsune no Shugen,…
Mưa bóng mây xuất hiện, đám cưới cáo bắt đầu
Mô tả về Kitsune no yomeiri xuất phát từ cuốn sách Echigo Naruse xuất bản trong thời Horeki (1751-1764) như sau:
“ Vào những đêm tĩnh mịch, ở những nơi bí mật, người dân nhìn thấy chuỗi lồng đèn và những ngọn đuốc trải dài hơn hai dặm. Người ta nói rằng vào những đêm đó, nhiều con cáo trẻ đã tổ chức đám cưới của chúng, sự kiện này được nhìn thấy thường xuyên nhất ở quận Kanbara”.
Truyện kể Kitsune no yomeiri thường gắn liền với những câu chuyện về ma thuật và sự mê hoặc của loài cáo. Theo quan niệm dân gian, cáo là một loài vật gắn liền với thần Inari, vị thần đại diện cho gạo, trà và rượu sake, đây đều là ba thứ đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Nhật Bản. Cáo thường sử dụng phép thuật để đánh lừa con người, loài vật này còn có khả năng biến hình hóa thành người tình, vợ hoặc bạn bè, bề tôi trung thành.
Trong thế giới thần thoại của loài cáo tồn tại những quy luật nghiêm ngặt mà nếu con người phạm phải thì sẽ bị trừng phạt thảm khốc. Hồ ly hay loài cáo tinh sẽ tạo ra cơn mưa bất chợt để che giấu đám rước dâu của chúng. Đám cưới cử hành nhanh chóng nên trời mưa khá vội vàng. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi nếu người dân không trở về nhà hay tìm chỗ trú mà vẫn ở ngoài trời tò mò tìm hiểu và trông thấy đám cưới cáo thì sẽ bị báo ứng. Con người xấu số đó sẽ bị loài hồ ly tìm đến và đoạt mạng, nếu muốn sống sót thì phải đi đến chân cầu vồng, nơi trú ngụ của cáo tinh để cầu xin sự tha thứ.
Loài cáo triệu hồi cơn mưa để che giấu đám cưới của chúng và nhiều người Nhật vẫn tin rằng mưa bóng mây chính là dấu hiệu kỳ bí của hồ ly ở dương gian. Đám cưới cáo lúc diễn ra bàn ngày thì trời bất chợt đổ mưa, còn ban đêm là những đám lửa lập lòe xuất hiện mang đến sự huyền bí, kỳ ảo mà loài người muốn tìm hiểu sẽ phải trả cái giá đầy đau đớn.
Kitsune no yomeiri ở thời đại ngày nay
Hiện nay, nhiều địa phương tổ chức lễ hội đám cưới cáo, thu hút đông đảo du khách đến tìm hiểu về nét văn hóa dân gian đặc sắc này của xứ sở hoa anh đào. Hằng năm, ở tỉnh Yamaguchi, lễ Kitsune no yomeiri được tổ chức vào ngày 03/11 trong ngày hội Inari. Những người biểu diễn sẽ mặc trang phục truyền thống, mang mặt nạ cáo và thực hiện nghi lễ cưới hỏi cổ xưa, đám rước dâu diễu hành trên đường phố. Người Nhật tin rằng, những ai vào vai cô dâu cáo trong tương lai sẽ gặp được ý trung nhân, hôn nhân viên mãn.
Hiện nay Kitsune no yomeiri được dùng nhiều nhất với nghĩa chủ yếu là nói về tình trạng thời tiết, về mưa bóng mây. Cụm từ này được hiểu theo nhiều cách khác nhau, tùy vào từng khu vực. Ở Tokushima, mưa bóng mây được gọi là Kitsuneame (mưa cáo) và không liên quan gì đến đám cưới, tỉnh Kumamoto thì đám cưới của cáo gắn liền với cầu vồng còn tỉnh Aichi lại là mưa đá. Tại các vùng nông nghiệp, người dân cho rằng mưa bóng mây tượng trưng cho một mùa màng bội thu và cô dâu nào may mắn kết hôn vào ngày này sẽ có được một gia đình hạnh phúc, luôn gặp may mắn và thành công.
Kitsune no Yomeiri cũng ảnh hưởng đến văn hóa nghệ thuật, được tái hiện nhắc đến trong sách truyện, phim ảnh. Bạn có thể tìm hiểu rõ về đám cưới cáo lãng mạn mà kỳ bí này qua tác phẩm Dreams của đạo diễn Kurosawa Akira, phát hành vào năm 1990.
Nguồn tham khảo: hyakumonogatari