Tại sao Ông Già Noel mặc áo đỏ ? Truyền thống Giáng Sinh có tự bao giờ ? Kể từ khi nào ngày 25 tháng 12 chính thức được xem là ngày Chúa chào đời ? Đây luôn là những câu hỏi trở lại theo đúng chu kỳ 12 tháng một lần và từng là đề tài thu hút không ít các nhà sử học và hay triết gia.
Năm 2016 cuốn Noel, une si longue histoire … – Chuyện dài về Noel của hai nhà sử học Alain Cabantous và François Walter (Nhà xuất bản Payot) kể lại, thực ra không ai biết gì nhiều và một cách chính xác về lịch sử truyền thống Giáng Sinh. Dường như mãi đến quãng 353 năm sau Công Nguyên, nhân loại mới bắt đầu mừng ngày Chúa giáng trần. Giải thích khá đơn giản là ở vào thời kỳ xa xưa chẳng mấy ai quan tâm đến ngày sinh. Thậm chí đến thế kỷ thứ ba, khi người Công Giáo muốn chính thức kỷ niệm ngày sinh của Chúa, thì chính giáo phụ Origen đã phản đối bởi ông cho rằng đấy là một “truyền thống dị giáo”.
Mãi đến thế kỷ thứ tư, giới nghiên cứu mới tìm thấy một tài liệu chứng minh rằng, ngày 25 tháng 12 năm 353, Nhà Thờ mới mừng Chúa chào đời. Nhưng phải đợi thêm đúng một chục năm sau, sách vở mới nói đến buổi “thánh lễ” được cử hành mừng đón Giáng Sinh.
Ánh sáng dẫn đường cho nhân loại
Về câu hỏi tại sao ngày 25 tháng 12 đã được chọn, hai đồng tác giả Walter và Cabantous cho rằng sự chọn lựa ấy trước hết mang tính biểu tượng. Đấy đơn giản là vì lễ Giáng Sinh trùng hợp với tiết đông chí ở bắc bán cầu, tức là thời gian ngày ngắn nhất trong năm. Các bậc thánh hiền ngày xưa quan niệm rằng, ngày đông chí thực sự là điểm khởi đầu, đem lại ánh sáng. Chúa là ánh sáng, là Mặt Trời soi sáng cho nhân loại.
Máng cỏ nơi Chúa sinh ra, một truyền thống Noel quan trọng khác mà chúng ta còn giữ lại cho đến ngày hôm nay, thực ra chỉ xuất hiện tại châu Âu vào quãng thế kỷ 16 -17. Giáo dân lui tới một nhà thờ của dòng Tên tại thủ đô Praha, năm 1562 đã ngạc nhiên khi thấy máng cỏ với Chúa Hài Đồng, mẹ Maria và thánh Giuse một con lừa và một con bò. Riêng trên đất Pháp mãi đến thế kỷ 18, máng cỏ đêm đông mới trở nên quen thuộc với người Công Giáo vào mỗi mùa Giáng Sinh.
Bước vào thời kỳ hậu cách mạng công nghiệp, thế kỷ 19, cây thông xanh, quà Noel và ông Già Áo Đỏ đã phần nào làm lu mờ phần nào ý nghĩa tôn giáo của ngày lễ trọng đại này.
Một điểm thú vị trong cuốn Chuyện Dài về Noel đó là Giáng Sinh thường mang nặng màu sắc chính trị. Dưới thời đại La Mã, Noel là một công cụ để củng cố đạo Thiên Chúa trên vương quốc. Thời Trung Cổ các đời vua chúa dựa vào tôn giáo để củng cố ngai vàng, nhận mình là những vì Thiên Tử. Chẳng vậy mà vua Charlemagne năm 800 cử hành lễ Đăng Quang đúng ngày lễ Giáng Sinh.
Gần với thời đại của chúng ta hơn, chế độ Đức Quốc Xã từng tìm cách bào mỏng khía cạnh tôn giáo của ngày Noel.
Ba năm sau ngày hai đồng tác giả Cabantous và Walter cho ra mắt sách, đến lượt ông Tập Cận Bình muốn “viết lại kinh Thánh theo đường lối của Đảng Cộng Sản” Trung Quốc !
Dị đoan ngày Noel
Người Pháp rất dị đoan, đặc biệt là vào dịp Giáng Sinh. Thời Trung Cổ tại nhiều vùng, dân cư có thói quen tìm người giữ nhà trong lúc cả gia đình đi dự lễ nửa đêm. Người xưa không sợ trộm cắp, nhưng cần có người canh lò sưởi. Đêm 24 tháng 12, củi lửa trong bếp và lò sưởi lúc nào cũng phải rừng rực hồng để xua đuổi tà ma. Chưa hết, cũng đêm tối trời ấy, trong nhà có bao nhiêu người thì trong lò sưởi phải có bấy nhiêu khúc củi.
Lại cũng có vùng tin rằng, nếu trời trở gió lớn vào đêm Giáng Sinh, đó là điềm gở, báo trước cái chết của nhiều nhân vật quan trọng trong vùng. Còn nếu như trước giờ Chúa chào đời, trời quang mây tạnh thì đó là dấu hiệu Ơn trên ban phúc lành cho dân gian : thóc sẽ đầy sân, ngũ cốc đầy bồ.
Trăng non vào dịp lễ Giáng Sinh cũng là điềm lành, báo trước mùa màng thuận lợi.
Nông dân vùng Normandie miền bắc nước Pháp tin rằng, giữ được mẩu bánh mì đã được làm phép Thánh ở trong nhà giúp xua đuổi được tà ma, ngôi nhà không sợ bị sét đánh, gia chủ không sợ bị chó dại cắn càn. Dân vùng Bretagne có thói quen đeo vào mỗi thân cây một chiếc thắt lưng bằng cói, để xua đuổi ma quỷ lai vãng.
Bữa tiệc kết thúc một năm cực nhọc
Nhưng bất luận nơi nào, Noel trước hết là một bữa cơm thịnh soạn hơn hẳn ngày thường, là dịp để cả gia đình cùng quây quần, là thời khắc người già truyền lại kinh nghiệm sống và làm ăn, trẻ nhỏ thì nhộn nhịp cười nói … Nông dân Pháp có thói quen mổ lợn, xẻ trâu, làm thịt bò vào dịp lễ cuối năm, nhưng từ thế kỷ 18, vua Henri 8 lại thích ăn thịt gà tây giống như người Anh và từ đó bắt đầu có trào lưu ăn thịt gà tây nhồi hạt dẻ đêm Giáng Sinh.
Ở miền nam, những ai đã đọc qua tiểu thuyết của văn hào Marcel Pagnol thì không thể quên 13 món tráng miệng ông từng kể lại trong cuối La Gloire de Mon Père – Vinh Quang của Cha : nào là kẹo sữa nu-ga trắng, nu-ga đen, nào là bánh xốp làm bằng bột mì gọi là “Fougasse” thoảng hương thơm của dầu ô liu và mùi hoa cam, nào là quả khô mà dân bản xứ gọi “Les Quatre Mendiants”. “Bốn gã ăn mày” ấy thực ra là các quả sung và nho khô, là hạt hạnh nhân và hạt dẻ khô. Nhờ Marcel Pagnol mà ta biết được rằng, ở những vùng đất trù phú ấy, thông thường người ta có đến 7 loại rượu khác nhau được cất kỹ chỉ để dành riêng cho bữa tiệc Noel.
New York và truyền thống cây Noel chọc trời
Nhìn đến truyền thống cây Noel, tới nay, hiếm có thành phố nào dám đọ sức với New York. Đây là nơi từ năm 1951 trên quảng trường Rockefeller Plaza, một cây thông lộng lẫy, cao hơn 20 mét được thắp sáng. Cứ đều đặn từ cuối tháng 11, một cây thông xanh ngự tọa trên quảng trường giữa tòa nhà cao ốc mang tên ông vua dầu hỏa Rockefeller và sân trượt băng của thành phố. Cây thông được chọn luôn thuộc dòng Epicea của ba vùng Connecticut, Vermond hay Ohio. Cây phải có chiều cao tối thiểu 23 mét. Một nhà nghiên cứu tò mò tìm ra được rằng, để thắp sáng cây thông ngoại hạng đó, thành phố New York cần 7.500 bóng đèn, dây điện có độ dài hơn 8 cây số.
Chỉ riêng ngôi sao trên đỉnh cao của cây thông này cao gần ba thước và nặng 250 cân ! Cây thông ở quảng trường Rockefeller là biểu tượng của tinh thần Giáng Sinh, Christmas Spirit, bởi năm 1951 là thời điểm Mỹ tham chiến ở Triều Tiên. Ngôi sao chót vót trên đỉnh cao sáng ngời như thể thôi thúc những người lính xa nhà chóng hoàn thành nhiệm vụ và bình an yên trở về.