CHUYỆN CÁC VUA MÈO

Tính tới cuối thế kỷ 19, người Mèo có mặt ở An Nam đã hơn vạn, trong số di dân sang Việt Nam, dĩ nhiên có những gia đình danh gia vọng tộc, có số má hơn những người còn lại. Họ Dương là một dòng dõi như thế. Nửa sau thế kỷ 19, trưởng họ Dương là Dương Tụ Nghĩa là thổ ty của người Mông ở Mèo Vạc, nghề nghiệp chính của Nghĩa là trồng và buôn thuốc phiện sang Trung Quốc. Cuối thế kỷ 19, giặc khách (giặc Tàu) kéo sang, Dương Tụ Nghĩa chỉ huy người Mông bản xứ chống giặc và hợp tác chặt chẽ với người Pháp, nhờ ông này mà người Pháp mới làm chủ được Hà Giang vào năm 1887. 

Tuy nhiên, nếu các bạn từng đi Hà Giang sẽ biết, nơi này chia làm hai khu: Đồng Văn và Mèo Vạc. Trong khi Mèo Vạc có Dương Tụ Nghĩa thì phía Đồng Văn lại toàn dân nghèo, mà địa hình hai nơi lại cách xa, ngày nay đi xe còn ớn chứ đừng nói ngày xưa cách đây 120 năm. Thế là giặc khách bị đánh ở Mèo Vạc chúng kéo qua Đồng Văn đi cướp, bà con Đồng Văn buộc phải bầu lên một lãnh tụ để chỉ huy, thế là họ chọn một chàng trai khỏe mạnh nhất, thông minh nhất, can đảm nhất, chính là Vàng Dúng Lùng, dịch qua tiếng Việt là Vương Chính Đức. Vương Chính Đức lãnh đạo người Mông chống giặc khách thành công, nhưng sau đó cũng … đánh Pháp luôn. Người Mông ở Đồng Văn đánh Pháp hơn 10 năm trời, Pháp đánh khô máu, mệt quá đình chiến. Thế thì ngưng chiến, kêu dân mày về trồng thuốc phiện đi, bọn tao mua giá cao – Oh, d’accord! (Tiếng Pháp nghĩa là OK). Hòa bình lặp lại trên toàn cõi Hà Giang, khắp nơi nơi mọc lên những nương thuốc phiện xanh ngút ngàn và nở hoa tím rịm vào mùa thu hoạch, Vương Chính Đức từ đấy tiền bạc dư giả, thế lực càng lớn, được người Mông gọi bằng Vua Mèo. 

Người Pháp cũng đánh giá Vương rất cao, họ thuê Vương làm bảo tiêu cho những chuyến hàng thuốc phiện từ VN sang Trung Quốc. Thuyết phục vua Khải Định phong cho cha con Vương Chính Đức – Vương Chí Sình danh hiệu Biên Chính Khả Phong, ngày nay vẫn còn trong Vương phủ. Năm 1919, người Pháp hậu thuẫn cho Vua Mèo xây nên tòa dinh thự bề thế giữa cao nguyên đá Đồng Văn ngày nay vẫn còn nguyên dấu tích, đánh dấu một thời huy hoàng của dòng họ này.  

Khi họ Vương nổi lên như thế thì “thế lực cũ” là cha con họ Dương rất không vừa mắt, họ Dương từng kêu gọi người Mông hãy chọn ra vị vua cho mình, rất tiếc, họ chọn nhà Vương. Sau khi nhà Vương xây xong cái vương phủ hoành tráng giữa cao nguyên, cha con Dương Tụ Nghĩa – Dương Trung Nhân càng điên tiết, họ cũng cất công sang Vân Nam, mua gạch, ngói, thuê thợ giỏi về xây biệt phủ chơi cho biết. Phủ xây xong, họ Dương tự xưng là Vua Mèo ở Mèo Vạc, đối chọi với Vua Mèo ở Đồng Văn. Quãng năm 1950, hai họ phát sinh mâu thuẫn lớn, đánh nhau to, kết quả họ Dương ít quân hơn nên thua chạy, hình như dạt xuống Hà Nội rồi sau năm 1954 thì theo người Pháp vô nam luôn. Có nguồn tin cho rằng vua mèo Dương Trung Nhân sau này đã đưa cả gia đình sang định cư ở Minesota Hoa Kỳ và ông này đã mất năm 1984.

Đó là chuyện người ra đi, còn người ở lại, tức họ Vương thì sau này “giác ngộ” và đi theo Cách Mạng, đi theo Cụ Hồ. Vương Chí Sình từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho một thanh kiếm dát 8 chữ vàng: Tận trung báo quốc – Bất thụ nô lệ. Các bạn sẽ thắc mắc tại sao Bác Hồ “chơi sang” phải không? Nhưng các bạn sẽ hết thắc mắc nếu biết rằng khi Việt Minh phát động tuần lễ vàng, chính Vương Chí Sình đã ủng hộ Việt Minh 22 vạn bạc trắng và … 9 kg vàng, một thanh kiếm nạm vàng thì… thấm vào đâu? Cháu kêu Vương Chí Sình là chú ruột, ông Vương Quỳnh Sơn sau này được xem như hậu duệ trực tiếp của vua Mèo, ông có những đóng góp rất lớn, là cây cầu nối giữa người Mông và người Kinh, là “sứ giả” cực kỳ quan trọng giữa Hà Nội và các miền biên viễn, đặc biệt là trong thời kỳ miền bắc … tiễu phỉ những năm 1960s (tôi không có nhiều tư liệu về thời kỳ này, nhưng đọc qua thì thấy đó là quãng thời gian mà người Mông tự tổ chức thành những toán vũ trang chống lại cán bộ và những người đi theo chính phủ, bị bộ đội đánh bại chúng rút vào rừng làm phỉ, lâu lâu kéo về các bản làng đánh cướp. Có tên Tráng Séo Phún đạt danh hiệu Bách Trảm Nhân, cây kiếm lưỡi hái trong tay Phún từng “gặt” xuống hơn 500 đầu người, về sau bị bắn rớt xuống núi tan xác. Tới khoảng 68 – 69 thì Phỉ bị dẹp hoàn toàn).

Người Pháp đã móc nối và có các mối liên hệ rất tốt với những cộng đồng dân tộc miền biên ải. Ở trên như đã nói là hai vị vua Mông ở Hà Giang, ở những miền khác người Pháp lập nên những ông vua khác: Miền Lào Cai có một vị vua người Tày, cũng được Pháp xây tặng 1 tư dinh riêng luôn, còn tồn tại đến tận ngày nay đấy là cha con Hoàng Yến Chao – Hoàng A Tưởng, nếu đến Bắc Hà – Lào Cai các bạn nhớ đi thăm chỗ này. Vùng Sơn La – Điện Biên thì không có người Mông, thay vào đó là người Thái, Pháp cũng móc nối với ông vua người Thái này và cũng mua thuốc phiện của ông ta, vua Thái – Đèo Văn Long. Họ Đèo hợp tác rất chặt chẽ với người Pháp, thậm chí trong số quân ở Điện Biên Phủ sau này còn có cả 1 tiểu đoàn lính Thái, sau năm 1954, Đèo Văn Long di tản theo Pháp và sau này chết ở Toulouse vào năm 1975.

2. CHUYỆN CỦA PAO

Người Pháp sau khi chiếm được Lào cũng áp dụng chính sách tương tự như ở VN: Tỉnh Xieng Khoảng giáp biên giới VN cũng có nhiều người Mông sinh sống. Người Pháp chọn ra được con trai một thủ lĩnh người Mông hùng mạnh ở vùng này để đưa lên làm Thổ Ty. Đó là Touby Lỳ Phóong, Phoóng học trường tây từ nhỏ, cảm tình sâu sắc với Pháp và thật sự đã phục vụ nước Pháp hết mình. Sau thế chiến thứ 2, Pháp quay lại Đông Dương và thành lập Chính phủ Hoàng Gia Lào do Pháp giật dây, Lỳ Phoóng đóng vai trò hết sức quan trọng trong chính quyền mới. Dưới sự chỉ huy của ông, người Mông ở Lào đánh cho quân Pathet Lào (kháng chiến Lào, thân Việt Minh), buộc Việt Minh lúc đó phải chi viện cho Thượng Lào.

Năm 1954, người Pháp rút khỏi Đông Dương, Lỳ Phoóng vẫn ở lại Lào tham gia trong chính phủ Hoàng Gia. Thập niên 60, khi chiến tranh VN leo thang. CIA quyết định “đi đêm” với người Mông ở Thượng Lào, nhưng họ không “kết” Lỳ Phoóng nữa, vì ông này quá đập chất Francais rồi, người Mỹ nhắm vào một quân nhân trẻ dưới quyền Lỳ, đó là Vàng Pao.

Tháng 10 năm 1960, dưới sự hậu thuẫn của CIA, Vàng Pao đã thực hiện hành động tiếm quyền vua Mèo tại Lat Houang. Ông tổ chức cuộc họp với hơn 300 tộc trưởng và sĩ quan người H’mong tại vùng Thượng Lào, tuyên bố ủng hộ cuộc đảo chính bất thành của tướng Phoumi Nosavan (Phu Mi Nô Sa Vẳn) và cánh hữu. Sau đó Vàng Paobắt cả vua Mèo Lỳ Phoóng và tướng Amkha, Tổng tham mưu trưởng giao nộp cho tướng Phoumi. Để tưởng thưởng Nu Sa Vẳn thăng Pao lên trung tá, nắm quyền lãnh đạo của các bộ tộc H’mong, thực tế được xem như một vua Mèo mới ở vùng Thượng Lào.

Năm 1964, Vàng Pao được phong hàm thiếu tướng. Thời kỳ này, Vàng Pao hoạt động hai mang: một mặt là Tư lệnh Quân khu II trực thuộc Quân đội Hoàng gia Viêng Chăn; một mặt được CIA chỉ định làm Chỉ huy trưởng lực lượng đặc nhiệm mang mật danh QH333 trực thuộc Tổng chỉ huy của CIA ở tỉnh U Đon, Thái Lan. Lực lượng do Vàng Pao chỉ huy đóng quân tại căn cứ Long Chẹng, tỉnh Xiêng Khoảng được giao hai nhiệm vụ chủ yếu: Thứ nhất là thu thập tin tức, tài liệu, vạch kế hoạch và tổ chức tấn công, triệt phá lực lượng Pathet Lào và các hoạt động của Bắc Việt trên đất Lào. Thứ hai là hỗ trợ và phối hợp với biệt kích Mỹ trong những chiến dịch tìm diệt các căn cứ, nhà kho dọc đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Lào.

Vấn đề ở chỗ là cuộc chiến chống Bắc Việt trên đất Lào không được quốc hội Mỹ cho phép, tức là những hoạt động của Vàng Pao là .. chui, cho nên CIA còn gọi đây là Cuộc Chiến Bí Mật. Mà đã bí mật thì, Mỹ không trả tiền cho Pao. Thế là CIA xoay tiền cho Pao bằng cách… bảo kê cho hắn buôn ma túy. CIA đã giao cho Vàng Pao cùng đám tay chân của y tổ chức cho người Mông trồng, thu mua thuốc phiện sau đó chế biến thành heroin và theo đường Thái Lan, Miến Điện, với sự bảo kê của CIA lan đi toàn thế giới.

Chính trong thời kỳ này, cái huyền thoại Tam Giác Vàng đã ra đời và là một biểu tượng cho ngành công nghiệp ma túy trên thế giới. Nếu như sau này trong thập niên 80, nhóm Medelin của Pablo Escoba là nơi trồng và sản xuất ma túy lớn nhất thế giới thì trong những năm 60 – 70, danh hiệu đó phải thuộc về Tam Giác Vàng. Phần lớn diện tích Tam giác vàng nằm trong vùng núi có độ cao 1.000m rất phù hợp với việc trồng ma túy. Những cánh rừng bạt ngàn có rất ít tuyến đường giao thông và một vị trí đặc biệt khiến vùng nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ cả ba nước Lào Miến Thái. Nơi đây lại có thành phần dân cư là các bộ tộc hết sức … du côn Wa, Shan, Mông…nên chính phủ cũng ngán. Những năm 1970-1990, diện tích cây thuốc phiện đến 160.000 ha với số lượng thuốc phiện mỗi vụ đã qua sơ chế 2.560 tấn, bằng 3/4 số lượng thuốc phiện thế giới, cung cấp 60% thị trường heroin Hoa Kỳ (khí hậu ôn đới trên độ cao hơn 1000 m và chất đất ở đây cho ra loại thuốc phiện bậc nhất thế giới). Hoạt động của Vàng Pao thời kỳ này vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Quân đội Hoàng gia Viêng Chăn, bất chấp luật pháp và không hề bị xem xét xử lý từ mọi phía – kể cả trong và ngoài nước. Thậm chí, Vàng Pao dùng cả xe tải, trực thăng của quân đội Mỹ để vận chuyển ma túy, tiền thu được một phần trả cho CIA, một phần vào túi Vàng Pao để gã nuôi quân và phát triển thế lực, Pao gầy dựng được đám đệ tử trung thành, tới tận sau này khi Pao chạy khỏi Lào chúng vẫn kiên cường bám trụ ở các căn cứ trên đất Lào đến tận đầu thập niên 1990s.

Năm 1973, Pathet Lào giành được những thắng lợi quan trọng trước Quân Đội Hoàng Gia. Năm 1975, cùng với VN, Lào cũng giải phóng, trước đó Vàng Pao nhanh chân di tản sang Thái, ở đây cũng có cộng đồng người Mông và có CIA bảo kê nên ông ta dễ dàng được tỵ nạn. Cũng trong năm 1975, Vàng Pao di tản sang Mỹ bỏ lại trong các cánh rừng ở Lào khoảng 8.000 du kích quân người Mông. Họ lập thành những lán trại, tiến hành chiến tranh du kích chống lại quân đội nhân dân Lào, bị bố ráp dữ quá thì họ dạt sang miền bắc Thái Lan, hết chiến dịch lại chạy về. Đây là những phần tử cuồng tín, hết sức trung thành, luôn trông đợi lãnh tụ Vàng Pao sẽ trở về. Vàng Pao ở Mỹ, thông qua cộng đồng người Mông tại đây quyên góp tài chính và bơm tiền về cho bọn này hoạt động chống phá nhà nước Lào. Chính phủ Mỹ thì một mực phủ nhận sự liên quan đến đội quân này, mãi đến thập niên 90, những cựu nhân viên CIA phải lên tiếng vì họ cảm thấy phải “có một chút trách nhiệm gì đó” đối với đội quân Mông này và năm 1997, tổng thống Bill Clinton bắt đầu cho thành lập các trại tỵ nạn cho người Mông trên đất Thái, đến đầu những năm 2000 đội quân này cùng gia đình được cho đi định cư ở Mỹ và các nước khác. Cuộc khủng bố vào nước Mỹ năm 2001 buộc chính phủ Mỹ siết chặt lại các hoạt động an ninh nội địa, dĩ nhiên trong đó phải bao gồm cả các hành vi chống phá những nước khác do những phần tử lưu vong trên đất Mỹ đạo diễn. Năm 2007, Vàng Pao cùng 7 người khác bị truy tố theo Đạo Luật Trung Lập của Hoa Kỳ nhưng năm 2009 thì được trắng án, liền ngay sau đó, Vàng Pao tuyên bố đấu tranh cho dân chủ của Lào bằng biện pháp Hòa Bình. Năm 2011, Pao mất, hưởng dương 81 tuổi.

Còn cựu Vua Mèo Lỳ Phoóng sếp cũ của Pao từng bị Pao lật đổ và bắt giam thì sau đó cũng được thả, nhưng không còn giữ những vị trí quan trọng như trước nữa. Năm 1974, trước tình cảnh Quân Đội Hoàng Gia Lào chắc chắn sẽ thất bại, ông này lại … từ chối di tản, chấp nhận ở lại. Năm 1975, Phoóng bị bắt đi trại cải tạo ở Houphan (giáp biên giới VN), năm 1979 do cự cãi quản giáo, Phoóng bị bắn, thọ 62 tuổi. 

  Hình minh họa: 

1. Quân kháng chiến Hmong của Pao

2. Dinh nhà Vương ở Đồng Văn.

Cre: Lịch Sử Thế Giới

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *