CHÚNG TA ĐANG “XIN VIỆC”, HAY ĐANG “TÌM VIỆC”?

Bạn có để ý rằng, trong tiếng Anh người ta thường sử dụng cụm từ “looking for a job” (tìm việc) chứ chẳng ai đi nói là “asking/begging for a job” (xin việc) không? Vậy tại sao ở đất nước chúng ta, cụm từ “xin việc” lại thịnh hành đến tận thời điểm bây giờ vậy? 

Nếu các bạn search từ điển tiếng Việt và tìm thử định nghĩa của từ “xin” trong ngữ cảnh mà bài viết đang đề cập, “xin” có nghĩa là “Tỏ ý muốn người khác cho cái gì hoặc cho phép làm điều gì”. Như vậy, ta dùng từ “xin” trong một tâm thế thấp hơn, yếu hơn đối phương và có được thứ mình muốn mà không phải đổi lấy cái gì từ mình.

Nhưng trong thực tế ở môi trường tuyển dụng, nhà tuyển dụng không thể ở vai trên và chúng ta cũng không hề thuộc vai dưới. Bởi lẽ đây là một mối quan hệ mà 2 bên cùng có lợi theo đúng nghĩa. Bản chất là các bạn và nhà tuyển dụng đang trao đổi và mua bán trên thị trường lao động:

 Người đi làm thì đang “bán” khả năng làm việc, thời gian, công sức, trí tuệ của mình cho DN, đổi lại những giá trị cả về tiền bạc (thu nhập – lương, thưởng hàng tháng, hàng quý,… điều này cũng phần nào giải thích cho cụm từ mà chúng ta nghe suốt ngày – thời gian là tiền bạc) và cả những giá trị phi tiền bạc (kinh nghiệm, kỹ năng, khả năng thăng tiến,….)

 Ngược lại, nhà tuyển dụng thì đang “mua” thời gian, công sức và trí óc của người lao động, với chi phí liên quan tới tiền bạc (là đồng lương và thưởng,..) và những chi phí không liên quan tới tiền bạc (thời gian đào tạo, training,…)

 Vậy, như các bạn thấy, việc tuyển dụng của DN và người lao động hoàn toàn là quá trình mua bán – trao đổi, không có ai “xin” và cũng không có ai “cho”.

Còn với câu hỏi “nếu tôi chưa ra trường, đang đi tìm kiếm vị trí thực tập để lấy kinh nghiệm, và trong một số trường hợp thì tôi chấp nhận không nhận lương để lấy được kinh nghiệm, thì đó có phải là “xin việc” hay không?”. Theo Tây, đây không hoàn toàn là quá trình xin việc bởi vì:

 Với bản thân các bạn là ứng viên, để có được vị trí đó thì các bạn đang đánh đổi thứ quan trọng nhất của mình – đó là thời gian và công sức. Luôn có chi phí cơ hội cho mọi lựa chọn (bạn nào học kinh tế sẽ quen với khái niệm này). Thời gian 8 tiếng mỗi ngày thực tập không công tại một công ty nào đó, tôi hoàn toàn có thể dành để đi phục vụ nhà hàng, quán trà sữa, đi ship đồ, làm grab chở xe,…. Và kiếm ra thu nhập từ những công  việc đó. Đây chính là chi phí cơ hội mà các bạn đang đánh đổi.

Nhưng, nếu chọn thực tập không lương (hoặc lương ít) thứ mà các bạn nhận được lại là những thứ quý giá hơn rất nhiều so với đồng tiền, thứ mà ai khi mới bắt đầu sự nghiệp cũng đều thiếu – đó là kinh nghiệm, kỹ năng và các mối quan hệ.

 Về phía công ty, khi tuyển dụng khi tuyển những thực tập sinh, cộng tác viên không lương, họ sẽ chấp nhận bỏ ra thời gian, công sức huấn luyện và đào tạo các bạn; đó là thời gian và công sức quản lý cấp dưới của những nhân sự cấp cao hơn, nhân sự quản lý của công ty đó (và thời gian của họ thì công ty đang phải bỏ tiền ra, thậm chí bỏ nhiều tiền là đằng khác).

Vì vậy, đây vẫn là một quá trình trao đổi giá trị giữa hai bên. 

Đương nhiên, quan điểm nói trên không đồng nghĩa hay cổ vũ việc chúng ta phải có thái độ kiêu căng, đòi hỏi hơn ở nhà tuyển dụng (điều sẽ hại các bạn nhiều hơn khi bước vào bất kì môi trường làm việc nào) . Mối quan hệ “thuận mua vừa bán” chỉ được xác lập khi cả 2 bên đảm bảo được sự chuyên nghiệp và những yếu tố cần có như chuyên môn, kỹ năng, thái độ. Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị cho mình một tâm thế tự tin nhưng cũng phải nhận thức rõ được rằng bản thân có những giá trị nổi bật nào để có thể “đem bán”, các bạn nhé. 

Nguồn: Ta đi làm với Tây

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *