Chum Mey, người sống sót tại nhà tù Toul Sleng 

Ông Chum Mey sinh năm 1930 ở một sóc nghèo thuần nông thuộc tỉnh Prey Veng (Campuchia). Cha mẹ mất sớm, ông được dân làng gửi vào chùa. Năm 17 tuổi, ông rời chùa bắt xe đi Phnôm Pênh để kiếm kế sinh nhai mặc dù không có tiền, dù chỉ 1 đồng riel. Ông đứng ven đường đón những chiếc xe để quá giang. Rất nhiều chiếc xe chạy ngang qua nhưng không dừng lại. Cuối cùng, một tài xế cũng dừng lại đón ông. Ông hồi tưởng: Người tài xế tốt bụng ấy là một ông già gốc Việt ốm yếu, hom hem. Ông ấy đang lái chiếc xe tải chở cát cũ kỹ, già nua. Khi nghe tôi kể hoàn cảnh, ông ấy đồng ý cho tôi làm phụ lái. Chiếc xe rất hay trở chứng. Mỗi lần nó trở chứng, tôi phụ giúp ông sửa chữa. Nhờ đó, tôi được tiếp xúc với động cơ và có được kiến thức cơ bản.

Thời gian sau, ông xin vào làm thợ phụ việc cho nhiều xưởng sửa chữa ôtô ở Phnôm Pênh để học thêm nghề. Nhờ sáng dạ, chỉ một thời gian ngắn, ông có thể sửa chữa tất cả các loại động cơ ôtô và trở nên nổi tiếng. Năm 20 tuổi, ông mở một gara sửa xe. Nhờ tay nghề cao, ông được Hoàng thân Sisowath Monireth (chú của Vua Sihanouk) thuê bảo trì xe và trực thăng cá nhân. Ông mua nhà, cưới vợ và sống sung túc với nghề sửa chữa ôtô tại thủ đô Phnôm Pênh.

Tháng 4/1975, Pol Pot cầm quyền Campuchia. Theo lệnh của chính quyền Pol Pot, tài sản của ông bị tịch thu. Ông cùng vợ và 4 đứa con bị buộc phải rời Phnôm Pênh cùng với nhiều người khác. Ông biết là mình và gia đình đã trở thành tù nhân lao động khổ sai của Pol Pot. Đoàn người bị những người lính xưng là Angka thúc súng lùa đi suốt 10 ngày đêm đến Chrang Chamrek. Tại đây, chúng đẩy ông vào xưởng sửa chữa động cơ có sẵn 30 con tàu hư hỏng. Ông chỉ được phép làm quần quật suốt cả ngày lẫn đêm mà không được đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào, kể cả ăn uống. Hằng ngày, chúng ném cho ông một gói cơm ít ỏi kèm muối mặn và cá khô. Đêm ông bị nhốt vào một phòng giam chật hẹp cùng nhiều người khác. Vợ con ông bị chúng tách ra, đưa đi đâu ông cũng chẳng biết.

Sáng ngày 28/10/1978, khi trời còn nhập nhoạng, một toán lính Pol Pot xông vào trói ông lại ném lên xe chở thẳng đến một trường học. Đến nơi ông mới biết trường học này đã bị chúng biến thành một nhà tù có mật danh là S21, chuyên giam cầm, tra tấn những tù nhân được gán cho tội làm gián điệp, tình báo cho nước ngoài. Vừa đến nơi, chúng đã đánh phủ đầu ông một trận đến tóe máu, ngất xỉu. Chúng buộc ông phải nhận mình là điệp viên của CIA hoặc KGB mặc dù ông chẳng biết đó là tổ chức gì. Bị đòn đau, buộc lòng ông phải nhận tội. Chúng lại hỏi những điều mà trong đời ông chưa từng nghe nói đến, ông lại bị ăn đòn vì không biết. Chúng đánh ông gãy hai cánh tay, gãy hết các ngón tay. Các móng tay, móng chân đều bị chúng dùng kiềm rút ra hết. Ông còn bị chúng dùng lõi dây điện bằng đồng ngoáy, chọc thủng màng nhĩ tai trái

Suốt một tuần bị tra tấn đến chết ngất, tỉnh dậy bị đánh đập lại ngất tiếp, ông được chúng “gói” hồ sơ và đưa vào danh sách đi “cánh đồng chết” vào ngày 7/11/1978. Tất cả những tù nhân vào nhà tù này, sau khi bị ép nhận tội, chúng đều đưa về “cánh đồng chết” thủ tiêu. Khi đang nằm chờ xe đến chở đi “cánh đồng chết”, ông nghe thấy một tên nói: Máy đánh chữ bị hư rồi, không làm hồ sơ được. Chúng lao xao kêu nhau tìm người sửa máy đánh chữ. Ông nghĩ có khi đây là cơ hội sống cho mình. Mặc dù, chưa từng tiếp cận máy đánh chữ nhưng ông vẫn hét to: Tôi biết sửa. Một tên ghé mắt vào lỗ nhỏ trên cánh cửa gỗ: Biết sửa không?. Ông đáp nhanh: Biết. Máy gì tôi sửa cũng được. Thế là chúng ghi thêm vào hồ sơ của ông dòng chữ: Giữ thêm một thời gian. Mấy phút sau, cánh cửa phòng giam hé mở. Một tên bước vào tháo cùm cho ông. Ông nhủ thầm sống rồi.

Dù chưa từng sửa máy đánh chữ nhưng chỉ sau ít phút, ông đã tìm ra nguyên lý hoạt động của máy và nhanh chóng khắc phục sự cố. Hài lòng, chúng đẩy ông đi sửa các loại máy móc khác trong nhà tù. Để cứu thêm một vài người, ông đề nghị bọn chúng tuyển cho ông một số thợ phụ. Khi sửa máy, ông cố tình kéo dài thời gian để sống thêm giây nào hay giây đó. Nhờ được sửa máy móc, ông có cơ hội sống và có cơ hội chứng kiến sự độc ác, phi nhân tính của bọn cai ngục. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắm mắt ông vẫn còn bị nỗi ám ảnh kinh sợ của địa ngục trần gian Toul Sleng. Ông nói: Tôi ghi ơn bộ đội Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Nếu bộ đội Việt Nam không giải thoát kịp thời thì tôi đã chết. Tôi luôn kể cho mọi người nghe về điều đó.

Ông Chum Mey nhớ lại: Lúc đó khoảng 7 giờ sáng ngày 7/1/1979, nghe tin Phnôm Pênh đã giải phóng, bọn cai ngục hoảng sợ bắt 18 tù nhân theo chúng tháo chạy. Khi ra đến gần cổng, chúng thấy bộ đội Việt Nam xuất hiện bên kia đường. Chúng hoảng sợ bắt mọi người dừng lại núp dưới các bờ tường. Thế rồi chúng đè nghiến 14 người nằm sấp xuống đất để cắt cổ. Chúng không dám bắn vì sợ bộ đội Việt Nam nghe thấy. Khi vừa đến lượt tôi thì có tiếng súng từ bên ngoài vang lên. Chúng hoảng hốt buông tôi ra rồi tháo chạy. Chúng không kịp cắt cổ 4 người còn lại, trong đó có tôi. Khi Bộ đội Việt Nam ập vào, tôi biết mình đã sống. Bộ đội Việt Nam đã tìm thêm được 3 người còn sống sót trong các hầm giam. Như vậy là có 7 người sống sót trong số 17.000 tù nhân bị giết tại nhà tù này. Bộ đội Việt Nam đã xông vào kịp lúc bọn cai tù Toul Sleng chuẩn bị cắt cổ ông. Chúng bỏ chạy, thế là ông thoát chết. Ông đã trải qua 3 năm, 8 tháng, 20 ngày trong nhà ngục của Pol Pot. Từ một người thành đạt, có gia đình ấm êm, ông trở thành người cô độc, nghèo khó.

Ông còn nhớ rất rõ, khi vừa gặp ông đang co ro dưới đất, một anh bộ đội Việt Nam tên Đông đã không quản thời tiết lạnh giá, cởi phăng chiếc áo đang mặc khoác cho ông. Ông đã gục vào vai anh bộ đội, òa khóc như đứa trẻ. Đó là những giọt nước mắt đầu tiên sau một thời gian dài dồn nén. Ông nói: Tôi mong anh ấy còn sống để tôi gặp lại. Tôi muốn nói với anh ấy rằng, tôi sẽ không bao giờ quên ơn người dân Việt Nam, Bộ đội Việt Nam. Sau khi được cho ăn uống, ông cùng 6 người sống sót khác chạy đi tìm người thân. Nhiều ngày sau, ông tìm được đứa con út mới 12 tuổi đang lang thang trên Quốc lộ số 4 cùng với dòng người được giải thoát khỏi các trại tập trung của Pol Pot. Nó cho biết mẹ và 3 anh chị của nó đã bị hành hình bằng cách đập cuốc vào đỉnh sọ tại nhà tù Prey Sar. Ông sống trong tâm trạng của người mất hồn suốt một thời gian dài.

Hàng chục năm sau, nỗi đau mất người thân và nỗi ám ảnh kinh hoàng ở nhà tù Toul Sleng cứ đeo bám dai dẳng tâm trí ông. Mỗi khi có ai nhắc đến những tháng ngày đau thương, ông lại sụt sùi khóc. Dù chưa bao giờ nghĩ mình có khả năng cầm bút song ông vẫn quyết ghi lại những điều khủng khiếp trong những ngày bị Pol Pot cầm tù. Ông viết như để mặc niệm những người chết đau đớn, trong đó có gia đình ông. Ông viết như để trút bớt nỗi khủng khiếp chất chứa trong lòng. Thế là quyển hồi ký Survivor ra đời. Ông tự giao cho mình sứ mệnh kể cho mọi người và thế hệ con cháu Campuchia nghe một phần sự thật lịch sử đen tối nhất của đất nước mà chế độ Pol Pot tạo nên. Nghe tin Tòa án Quốc tế mở phiên tòa truy tố bè lũ diệt chủng Pol Pot, ông tình nguyện đứng ra làm nhân chứng. Ông muốn kẻ đồ tể tàn sát đồng bào và người thân của ông phải bị trừng trị thích đáng. Sau đó ông được những người đồng cảnh bầu chọn làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chế độ diệt chủng Pol Pot.

Vào tháng 6/2013, trước thềm bầu cử Quốc hội Campuchia khóa V, một nhân vật lãnh đạo phe đối lập chính phủ đương nhiệm vì tranh phiếu bầu đã tạo scandal bằng cách tuyên bố nhà tù S21 là một sản phẩm ngụy tạo. Ông cảm thấy vong linh vợ con mình bị xúc phạm. Không chịu được, dù đã 83 tuổi, ông đã dẫn đầu đoàn biểu tình hơn 500 người đại diện hơn 10.000 thân nhân những nạn nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot đến Quảng trường Dân chủ – nơi có tượng đài tưởng nhớ Bộ đội Tình nguyện Việt Nam để lên án những kẻ xuyên tạc lịch sử và tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia. Ông nói bằng giọng kiên định, chừng nào còn sống, ông không cho phép bất kỳ ai chà đạp lên lịch sử về những đau đớn và mất mát mà nhân dân Campuchia đã trải qua. Ông phẫn uất nói: Ít nhất 1,7 triệu người Campuchia đã chết dưới bàn tay đồ tể của Pol Pot, tức khoảng 25% của toàn bộ dân số, trong khoảng thời gian 4 năm (1975-1979). Nếu không có Bộ đội Việt Nam giúp Bộ đội cách mạng Campuchia thì ngày nay đất nước Campuchia sẽ thành cái gì? Hãy truyền thông điệp của tôi đến đất nước các bạn: Tôi và người dân Campuchia yêu nước đời đời ghi nhớ công ơn Việt Nam.

Hiện nay, hằng ngày ông Chum Mey vẫn đến di tích nhà tù Toul Sleng kể cho mọi người nghe những điều ông tận mắt chứng kiến. Trong một góc bảo tàng chứng tích tội ác của chế độ diệt chủng Pol Pot – nhà tù Toul Sleng ông cụ tóc bạc trắng, gương mặt phúc hậu ngồi lặng lẽ sau chiếc bàn của một quầy bán sách. Hàng chục quyển sách bày trên mặt bàn có nội dung minh họa cho những hiện vật kinh hoàng trong nhà tù có mật danh là S21. Trong số đó có quyển sách mang tựa đề Survivor (Người sống sót). Quyển sách lôi kéo sự chú ý của bất cứ ai đi ngang qua, bởi bìa sách là chân dung của ông đang đứng sau song sắt nhà tù. Ông chỉ vào bìa sách nói bằng câu tiếng Anh: Đó là tôi, người sống sót từ địa ngục Toul Sleng đồ tể Duck – một thuộc hạ của Pol Pot làm giám đốc. Ông chỉ biết nói câu tiếng Anh duy nhất đó. Khách cần hỏi han thêm, một cô gái từ trong quầy sách ra làm phiên dịch cho ông.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *