Lược dịch bởi: Cao Đức Hiếu
“Tối hôm nay, một mình tôi cầm một vé xem phim, một cốc trà sữa, chọn một góc không bắt mắt nhất trong rạp, một mình xem hết bộ phim này.”
Dạo này Wechat của tôi toàn là status kiểu thế này luôn, chỉ vì một bộ phim – “Hôn lễ của em”.
Đây là một bộ phim kinh điển về đề tài tình yêu, kể về quá trình 15 năm của nam chính, tuy đánh mất đi nữ chính nhưng đã trở thành một con người tốt đẹp hơn.
Sau khi chiếu, bộ phim đã nhận được những luồng bình luận trái chiều, cũng có nhiều lời chê bai.
Trong phim, có một câu hỏi thú vị đã trở thành chủ đề cho nhiều người tranh luận: Giữa “chưa từng bên nhau” và “có nhau rồi nhưng lại chia xa”, cái nào đau khổ hơn?
Đây là một câu hỏi rất khó trả lời, bởi vì trải nghiệm cuộc đời của mỗi con người không ai giống ai, suy nghĩ cũng khác nhau, cho nên chúng ta không thể nói chính xác cái nào đau khổ hơn cả.
Phật tổng kết ra, đời người có 8 cái khổ.
Sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tằng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ uẩn xí thạnh khổ.
(T/N:
Cầu bất đắc: Con người khổ khi không được toại (bất đắc) nguyện vọng, tham muốn, khao khát của bản thân (sở cầu). Chẳng hạn, lúc đói thì muốn có cái ăn cái mặc; lúc no lại muốn giàu sang phú quý.
Ái biệt ly: Con người phải chịu khổ khi yêu mà lại phải chia lìa điều mình yêu, hàng ngày đem lòng mong nhớ. Đó là khổ. Có hai loại ái biệt ly khổ: sinh ly (chia lìa nhau khi còn sống) và tử biệt (chia lìa nhau khi chết). )
Trong đó, “cầu bất đắc” và “ái biệt ly” về bản chất thì đối ứng với hai vấn đề “chưa từng bên nhau” và “từng yêu nhưng lại chia tay”.
“Cầu bất đắc” là bởi vì “chúng tôi chưa từng yêu nhau”, đối diện với người mình thầm mến thương nhưng lại chắc có đủ ma lực để giữ người ấy lại bên mình, trong tim tôi toàn là bóng hình người đó, nhưng trong lòng người đó lại chẳng có một vị trí nào cho tôi. Yêu mà không có được, sao lại không khiến người ta khổ sở chứ?
“Ái biệt ly” là bởi vì “cuối cùng chúng tôi cũng ở bên nhau rồi”, có lẽ không phải là chúng tôi không hề yêu thương nhau, nhưng đời sống hiện thực đã khiến chúng tôi không thể không rời xa, chỉ để lại một dấu ấn trong cuộc đời của người kia, mỗi người một nơi.
Trước đây, trong chương trình U Can U Bibi cũng đã có một câu hỏi tương tự: Bạn cho rằng “chưa từng yêu nhau” với “cuối cùng chẳng thể ở bên nhau”, điều gì đáng tiếc nuối hơn?
Một cô gái đã trả lời như thế này, để lại cho người xem ấn tượng sâu sắc: “Nếu tôi yêu một chàng trai nào đó, thì từ lần chạm mắt đầu tiên đến lần đưa mắt nhìn cuối cùng, tôi sẽ yêu anh ấy thật trọn vẹn đủ đầy, dùng cho bằng sạch tình cảm của tôi. Tôi chỉ hi vọng rằng những năm tháng đó người khiến tôi trưởng thành là anh ấy, nhiều tháng năm sau người anh ấy nhớ về mỗi lần uống say là tôi, chứ không phải là những cô gái tốt đẹp hơn tôi. Ai mà đã yêu rồi đều sẽ có những dấu tích mà người kia để lại, để rồi chuyện cũ theo gió bay. Nếu tình cơ tôi gặp lại chén rượu ngon ngày đó, tôi sẽ không hề do dự mà nói với mọi người cạn hết ly này, chẳng vì gì lí do gì cả.”
Tâm lý thoải mại nhẹ nhàng này của cô nàng làm mọi người kính phục. Yêu thì cứ dốc hết lòng ra mà yêu đi, nếu có phải chia tay thì cũng thoải mái nói lời từ biệt.
Nhưng mà trong cuộc sống hiện thực, có rất nhiều người do dự chần chừ, không thể bước đi dứt khoát như vậy, quá tính toán thiệt hơn được mất trong chuyện tình cảm, cuối cùng lại trắng tay.
Thật sự, hai người có thể gặp gỡ, quen biết, thương yêu nhau trong biển người cuồn cuộn, vốn đã là một chuyện chẳng hề dễ dàng rồi.
Đã gặp được rồi, xin hãy trân trọng, nếu chẳng may lỡ mất nhau thì hãy nhanh chóng điều chỉnh lại bản thân rồi tiếp tục hướng về phía trước, tìm kiếm niềm hạnh phúc thuộc về mình, viết nên câu chuyện của bản thân.
Lại quay về bộ phim này, tôi xin phép không spoil nhiều nhưng mạn phép chia sẻ đến 3 lời thoại mà tôi thích nhất trong phim:
“Anh không hề nuối tiếc rằng mình đã từng yêu”.
“Trước đây anh đúng là ngốc nghếch, vừa lo lắng về tương lai, vừa lãng phí đi hiện tại”.
“Nếu như anh trưởng thành sớm hơn một chút, có phải anh sẽ không đánh mất em không?”
Đã từng yêu, không hối hận, cũng không nuối tiếc.
Kết phim, nam nữ chính không thành đôi, cuối cùng nữ chính trở thành cô dâu của người khác.
Vào lần gặp gỡ cuối cùng, Châu Tiêu Tề đã có công việc ổn định, Vưu Vịnh Từ cũng đã lấy đúng người. Ngay tại thời điểm đó, mối quan hệ của hai nhân vật cũng đã đến hồi kết.
Hiển nhiên, kết thúc của mối quan hệ này là ẩn dụ cho việc hai người đã hoàn thành quá trình trưởng thành.
Tiêu chuẩn duy nhất của tình yêu, là khiến mình trở thành người tốt hơn, hạnh phúc hơn chứ không phải là trói buộc lẫn nhau, không có ý nghĩa.
Vậy nên có thể có nhiều người thấy rằng kết thúc của bộ phim không phải là một cái kết viên mãn, nhưng đối với hai nhân vật chính mà nói, có lẽ đây là cái kết đẹp nhất cho bản thân họ rồi.
Nếu như trong những năm tháng thanh xuân của mình, bạn đã yêu một ai đó, thì có được ở bên người đó hay không cũng chẳng quan trọng nữa. Rồi bạn sẽ thật lòng cảm ơn người đó đã đến, đã xuất hiện trong cuộc đời mình, dẫu cho người cuối cùng mà bạn ở bên có phải là người đó hay không.