CHÚA TRỊNH SÂM: CON DẠI CÁI MANG

Năm 1767, vị chúa Trịnh thứ 8 – Trịnh Sâm lên ngôi. Những năm đầu, Trịnh Sâm tiến hành công cuộc đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân, đồng thời nam chinh, thu được đất Thuận Hóa. Tuy nhiên, càng về sau, vị chúa này lại rơi vào cảnh ăn chơi sa đọa, chìm đắm trong “ái tình” với Tuyên phi Đặng Thị Duệ, bỏ bê đất nước. Dù được mẹ là Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diễm khuyên bảo can ngăn hết lời, chúa vẫn bỏ ngoài tai.

Nói qua một chút về Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diễm, đây là một người phụ nữ có trí tuệ và tài năng. Bà là thứ phi của chúa Trịnh Doanh. Khi chồng kế ngôi, bà đã dâng kế sách “Ngũ quy” bao gồm: Quy nông tắc ổn, quy công tắc phú, quy thương tắc hoạt, quy tri tắc hưng, quy pháp tắc bình. Kế sách ấy được chúa khen hay lắm, lấy làm rường cột cải tổ triều chính. Khi đi kinh lý, Chúa Trịnh Doanh nhờ bà buông rèm trông coi việc triều chính. Bà được thỏa chí thi thố tài năng tạo phúc trăm họ. 

Nhìn ông con trai có tiềm ẩn nguy cơ phá nát cơ nghiệp dòng họ vì nóc nhà khủng bố quá, Thái Phi dùng 7749 cách, khuyên đến độ miệng không nhai nổi cơm mà thằng con cứng đầu không chịu nghe. Tổn thương, Thái phi chán nản rời phủ chúa sống ở quê Linh Đường, giúp làng sửa đình, chùa, cày cấy, dệt lụa, làm nhiều việc thiện cho dân. 

Cụ thể, khi Trịnh Sâm quá mê mẩn Đặng Thị Huệ, muốn bỏ con lớn, lập con nhỏ, bà dù vẫn còn dỗi nhưng nhìn ông con càng ngày càng sai thì cái tấm lòng người mẹ sao mà chịu nổi, lại phải lết cái thân già về kinh mà khuyên rằng: “Khải với Cán đều là cháu nội của già này, nhưng già này nghĩ rằng Khải đã trưởng thành mà Cán thì còn quá nhỏ, lại đau yếu luôn, già này chỉ mong vương thượng coi trọng tôn miếu xã tắc, hãy tạm để khuyết ngôi kế tự, chờ xem Khải có tự răn mình mà sửa lỗi hay không, nhược bằng không thì hãy đợi đến khi Cán đã lớn cùng chẳng có gì là muộn”. Nhưng Chúa Trịnh Sâm lại nói: “Việc lớn của nước nhà cốt sao tìm được người xứng đáng để phó thác. Nếu như bệnh tình của Cán không khỏi thì thà là lập (Trịnh) Bồng trả lại cơ nghiệp cho ngành cả của nhà bác”. Thái phi nghe vậy thì cạn ngôn, không nói thêm gì nữa.

Rồi điều mà Thái phi lo sợ đã xảy ra, trong những năm cuối cùng Trịnh Sâm cai trị, mất mùa, hạn hán liên tục, bộ máy quan lại thì lơ là, không ngó ngàng gì đến dân chúng đang rơi vào lầm than… Sau khi chúa Trịnh Sâm mất, lần lượt hai người con trai lên nối ngôi, nhưng đất nước cũng chẳng vực dậy lên được. Cuối cùng, bị quân Tây Sơn đánh cho tan tác, sự nghiệp nhà Trịnh đặt một dấu chấm vào năm 1787.

Có thể tổng kết lại, Trịnh Sâm đang phong độ ngời ngợi, thông minh, quyết đoán hơn người thì bị tình yêu làm cho lú lẫn tinh thần, chỉ số IQ giảm sút; đang là đứa con ngoan ngoãn, biết lắng nghe ý kiến phụ huynh thì chỉ biết vợ là nhất. Vợ tốt thì không sao nhưng ông số xui, không được như vua Lý Thánh Tông xưa gặp cô thôn nữ hái dâu thông tuệ, giỏi giang, trao nhầm trái tim cho người đàn bà chỉ biết gây họa cho chồng. Thế mới nói, đôi lúc là “con trai cưng” của mẹ cũng không phải là quá tệ.

Nguồn: Chuyện hậu cung

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *