Trong quan hệ bang giao với nhà Thanh, triều đình Lê – Trịnh luôn tỏ thái độ giữ thể diện cho đất nước và nắm vững chủ quyền của quốc gia. Dưới thời Trịnh Cương, vào năm 1719, nhà Thanh cử sứ thần là Nội các điển bạ Đặng Đình Triết và Hàn lâm viện biên tu Thành Văn sang sách phong vua Lê làm An Nam quốc vương. Lúc sứ thần nhà Thanh đến, đã yêu cầu vua Lê khi nhận sách phong phải làm lễ 3 lần quỳ, 9 lần vái. Tuy nhiên, triều đình không chịu, lấy lẽ theo lễ nghi trong nước chỉ làm lễ 5 lạy, 3 vái. Trước đường lối ngoại giao mềm mỏng của triều đình Lê -Trịnh, sứ thần nhà Thanh phải chấp nhận.
Về vấn đề đất đai lãnh thổ giữa ta và nhà Thanh, triều đình Lê – Trịnh cũng có thái độ bền bỉ, lúc thì mềm dẻo, lúc lại kiên quyết. Vùng đất của ta ở Vị Xuyên và Thủy Vĩ, thuộc xứ Tuyên Quang, trước đây – năm 1688, bị thổ ty phủ Khai Hóa nhà Thanh xâm chiếm mất 120 dặm. Triều đình Lê – Trịnh cũng đã cử các viên quan Trấn thủ và Đốc đồng Tuyên Quang là Lê Huyền, Đặng Đức Nhuận và Trần Thọ đem thư sang Vân Nam biện luận rõ về việc này, nhưng thổ ty Vân Nam không chịu trả lại.
Đến năm 1725, Tổng đốc Vân Nam của nhà Thanh là Cao Kỳ Trác đã tâu với vua Thanh là cương giới của An Nam có chỗ bị xâm lấn, xin thi hành việc tra xét. Trước sự việc đó, triều đình Lê – Trịnh đưa thư sang biện giải. Triều đình đã cử Hồ Phi Tích và Vũ Công Tề giữ nhiệm vụ hội đồng với viên quan phái ủy của nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn đến tận nơi để khám xét. Nhưng 2 bên vẫn giằng co nhau không giải quyết được. Đến tháng 8-1726, có tờ dụ của vua Thanh đưa sang, triều đình Lê – Trịnh bèn sai Vũ Đình Ân đi hội đồng lập giới mốc ở dưới núi Xưởng Chì. Từ đó, nhà Thanh mới trả lại cho nước ta 80 dặm, còn 40 dặm chỗ có xưởng đồng, vẫn bị nằm vào phủ Khai Hóa (tỉnh Vân Nam) của nhà Thanh.
Vùng đất 40 dặm có xưởng đồng của ta bị quan phủ Khai Hóa nhà Thanh chiếm chính là đất Tụ Long, một xã thuộc châu Vị Xuyên, xứ Tuyên Quang, giáp giới tỉnh Vân Nam (Trung Quốc ngày nay). Vào thời Lê – Trịnh, Vị Xuyên là xã lớn nhất trong 31 xã của châu Vị Xuyên. Theo Lê Quý Đôn trong sách “Kiến văn tiểu lục” thì Tụ Long trải rộng trên một vùng đồi thấp, đất tốt, thuận lợi cho việc trồng trọt. Nước dùng cho người và tưới cây trồng được lấy từ khe suối, ở những con suối ấy, nhân dân địa phương còn đặt cối giã gạo. Ruộng ở đây chỉ cấy một vụ mùa, mỗi mẫu thu hoạch được 20 gánh thóc.
Tụ Long còn là vùng đất có nhiều lâm thổ sản quý hiếm thời bấy giờ. Lâm thổ sản nổi tiếng là thứ gỗ thông người Trung Quốc rất chuộng. Tụ Long có nhiều khoáng sản quý, nhất là mỏ đồng và bạc. Vào thời Lê – Trịnh, những loại khoáng sản này đã được nhà nước tiến hành khai thác và quản lý. Chính do vị thế quan trọng về kinh tế của Tụ Long nên đã thu hút lòng thèm muốn của vua quan nhà Thanh và cũng là lý do mà viên thổ ty phủ Khai Hóa nhất định không trả lại vùng đất này từ những lần trước. Đã thế chúng còn cho đặt quan ải tại đây để đánh thuế. Triều đình nhà Lê – Trịnh thời Trịnh Cương đã nhiều lần làm văn thư với lời lẽ mềm mỏng, vua Thanh đọc quốc thư rất vui lòng và khen ngợi, lập tức sai viết sắc văn khác, sai Dịch Lộc đưa sang nước ta tuyên bố đất xưởng đồng 40 dặm, nay giao trả cả lại.
Triều đình cử Tả thị lang bộ Binh là Nguyễn Huy Nhuận và Tế tửu Nguyễn Công Thái lênTuyên Quang để nhận đất và lập mốc giới. Đến lúc này, mưu đồ xâm chiếm đất đai của quan lại nhà Thanh vẫn chưa hết, viên thổ ty phủ Khai Hóa muốn ăn chặn lấy các sách ở Bảo Sơn nên đã chỉ sai địa điểm sông Đổ Chú. Nhưng Tế tửu Nguyễn Công Thái của ta đã sớm phát hiện, tìm nhận ra đúng địa phận sông Đổ Chú, bèn cho dựng bia nơi giáp giới. Từ đấy việc biên giới hai bên mới ổn định.
