Thứ năm, ngày 08/05/2025 07:34 GMT+7
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT: Đây là những điều học sinh, sinh viên Việt Nam hôm nay cần trang bị
Tào Nga Thứ năm, ngày 08/05/2025 07:34 GMT+7
Chuyên gia cho rằng: “Mỗi học sinh, sinh viên Việt Nam hôm nay cần trang bị kiến thức về công nghệ, kỹ năng về AI và khả năng làm việc cùng chuyên gia quốc tế”.
Nghị quyết 57: “Mỗi học sinh, sinh viên đều cần biết sử dụng công nghệ”
Tại Diễn đàn Phát triển xung lực mới cho quốc gia và Lễ ra mắt liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW tổ chức tại Hà Nội ngày 7/5, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho hay, học sinh, sinh viên Việt Nam hôm nay cần trang bị kiến thức về công nghệ, kỹ năng về AI và khả năng làm việc cùng chuyên gia quốc tế.

“Đảng đã chỉ ra ‘bộ tứ chiến lược’ như Thủ tướng đã nói: Chúng ta phải tạo ra những thế hệ trẻ có kiến thức, kỹ năng về trí tuệ nhân tạo, phát huy sức mạnh toàn dân – như từng làm trong kháng chiến. Từ trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến giới trẻ – tất cả cần cùng nhau đổi mới, dấn thân vì sự phát triển của dân tộc. Thế hệ trẻ, với kỹ năng công nghệ và tư duy sáng tạo, sẽ là lực lượng quyết định giúp Việt Nam vượt qua các thách thức và gia nhập cộng đồng quốc tế.
Nếu không đào tạo được nhân lực AI, chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi công nghệ, còn nếu dẫn đầu trong đào tạo AI, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành lực lượng lao động toàn cầu trong lĩnh vực này. Khi thế giới lo lắng AI sẽ cướp đi việc làm thì Việt Nam sẽ vươn lên, trở thành trung tâm nhân lực công nghệ toàn cầu”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Ngành Giáo dục thay đổi nhanh chóng đáp ứng nguồn nhân lực thực hiện Nghị quyết 57
Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành năm 2024 với tầm nhìn chiến lược về việc sử dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Một trong những mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng cán bộ, công chức và nhân viên có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở quy mô quốc gia. Các trường đại học hiện nay cũng gấp rút chuyển mình đào tạo theo xu hướng nhân lực mới.

PGS.TS Bùi Văn Huyền – Viện trưởng Viện Kinh tế, Xã hội và Môi trường, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chức năng và nhiệm vụ của Học viện là đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Đối tượng đào tạo của chúng tôi là những lãnh đạo cấp chiến lược – những người lãnh đạo bộ ngành, địa phương. Vì vậy, các lãnh đạo này cần phải hiểu sâu sắc về công nghệ và phải xác định đúng mục tiêu của các quá trình chuyển đổi.
Ngay sau khi Nghị quyết 57 ra đời, Giám đốc Học viện đã triển khai ngay nghị quyết này trong toàn hệ thống. Học viện đã thiết kế các chương trình bồi dưỡng chuyên biệt, trong đó có những nội dung cụ thể về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tổ chức các lớp học tại các địa phương. Tính đến nay, Học viện đã tổ chức khoảng 10 lớp đào tạo cho các đối tượng thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
PGS. TS. Lương Thế Dũng – Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, cũng thông tin: “Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực an toàn thông tin hiện nay vẫn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Đây là vấn đề cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết 57 ra đời, xác định chuyển đổi số là trụ cột trong phát triển kinh tế quốc gia, thay đổi quản trị và tạo ra lực lượng sản xuất mới.

Học viện Kỹ thuật Mật mã đang phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để xây dựng các khóa học ngắn hạn dành cho cán bộ ngành và lãnh đạo địa phương về chuyển đổi số và an toàn bảo mật thông tin. Chúng tôi xác định rõ: lực lượng tham gia triển khai Nghị quyết 57 không chỉ là những kỹ sư vận hành mà còn phải có những người làm nghiên cứu phát triển, kể cả sau đại học. Hiện nay, Học viện là trường đại học duy nhất ở Việt Nam đào tạo liên tục từ bậc cử nhân đến tiến sĩ trong lĩnh vực an toàn, bảo mật thông tin”.
Trước câu hỏi AI có thể thay thế con người trong lĩnh vực này không, PGS. TS. Lương Thế Dũng khẳng định là chưa thể. Đặc biệt, trong những vấn đề chiến lược, chính sách về bảo mật, AI không thể thay thế vai trò của con người. Tuy nhiên, AI có thể hỗ trợ các kỹ sư trong nhiều nhiệm vụ cụ thể như xử lý dữ liệu lớn, phân tích mã độc, ứng phó sự cố và ra quyết định xử lý.

Đại diện 5 học viện, đại học và trường đại học hàng đầu đã tham gia ký kết liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW gồm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Kỹ thuật mật mã; Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học FPT.