Chủ nghĩa Phản khuyến sinh (anti-natalism) – Một góc nhìn khác về việc sinh đẻ

Bạn không cần phải là người ghét trẻ con để nhận thấy những điều nguy hại khi mang chúng đến cuộc đời. Có một nguyên tắc đạo đức chống lại việc sinh sản.
Vào năm 2006, tôi xuất bản một cuốn sách có tựa đề Better Never to Have Been (tạm dịch: Tốt hơn là không bao giờ được sinh ra). Tôi lập luận rằng việc xuất hiện trên cuộc đời này luôn luôn là một hiểm họa nghiêm trọng. Con người, trong bất kì hoàn cảnh nào, chớ bao giờ nên sinh đẻ–một quan điểm được gọi là ‘anti-natalism’ (chủ nghĩa Phản khuyến sinh). Đáp lại, độc giả đã viết đã viết thư đánh giá cao, ủng hộ và tất nhiên cũng bày tỏ cả sự phẫn nộ. Nhưng tôi cũng nhận được một thông điệp này–phản hồi thấm đẫm đau khổ mà tôi nhận được:
Ở tuổi niên thiếu, tôi từng trải qua nỗi đau kinh khủng vì những trò bắt nạt cay độc ở trường học. Chuyện đó khiến tôi bị sang chấn tâm lý sâu sắc tới mức phải bỏ học. Bất hạnh thay, tôi mang ngoại hình khó coi và ngay cả những người xa lạ ngoài đường cũng đánh giá, chế giễu, sỉ nhục vì trông tôi ‘quá xấu’’. Điều này xảy ra gần như hằng ngày. Họ nói tôi là thằng xấu nhất mà họ từng thấy. Đó là một điều cực kỳ khó giải quyết đối với tôi. Rồi để kết thúc chuyện này, khi vừa bước qua tuổi 18, tôi bị chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng, và ngày nay khi đang ở độ tuổi 20, tôi bị suy tim nặng và rối loạn nhịp tim ác tính đe dọa tính mạng của tôi. Tim tôi gần như ngừng đập nhiều lần và mỗi ngày tồn tại của tôi đều phải đối mặt với nỗi sợ bị đột tử. Tôi điếng người vì sợ chết và nỗi thống khổ giày vò của cái chết đang gần kề thì không sao tả xiết. Tôi không còn sống được bao lâu nữa và điều khó tránh khỏi sẽ sớm xảy ra. Cuộc sống của tôi hoàn toàn là địa ngục và tôi thậm chí chẳng suy nghĩ được gì cả. Rõ ràng, việc kết án một ai đó đến sống trong một thế giới như vậy là tội ác tồi tệ nhất trong mọi tội ác, và trái đạo đức một cách nghiêm trọng. Nếu không phải do mong muốn ích kỷ của bố mẹ thì tôi đã không có mặt ở đây ngày hôm nay để vô cớ chịu đựng những gì mà tôi đang chịu đựng. Đáng lẽ tôi có thể được giải thoát trong sự bình yên tuyệt đối của trạng thái phi-tồn tại, nhưng tôi lại đang ở đây chịu đựng cảnh tra tấn mỗi ngày.
Một ai đó không cần phải là nhà phản khuyến sinh để cảm thấy xúc động rơi lệ trước những dòng này (tôi đã được cho phép trích dẫn). Một số người có thể nghĩ rằng tình cảnh của một bạn đọc viết thư cho tôi là ngoại lệ, và điều đó không nên cổ súy ta theo chủ nghĩa phản khuyến sinh. Tuy nhiên, nỗi khổ trầm kha không phải là một hiện tượng hiếm, và do đó chủ nghĩa phản sinh là quan điểm mà chí ít thì nên được xem xét một cách nghiêm túc bằng một tâm thế cởi mở.
Ý tưởng của chủ nghĩa phản sinh không hề mới. Trong vở kịch Oedipus at Colonus của Sophocles có đoạn hợp xướng như sau ‘Bỏ ra ngoài mọi sự xét suy, điều tuyệt vời nhất vẫn là chưa từng được sinh ra’. Một quan điểm tương tự được trình bày trong Ecclesiastes. Ở phương Đông, cả Ấn Độ giáo và Phật giáo đều có quan điểm tiêu cực về sự tồn tại (cho dù họ thường không đi xa tới mức chống lại chuyện sinh sản). Kể từ đó, nhiều nhà tư tưởng cũng nhận ra khổ đau phổ biến đến nhường nào, điều đó thôi thúc họ công khai chống lại chuyện sinh đẻ: Arthur Schopenhauer có lẽ là người nổi tiếng nhất, nhưng còn có những người khác gồm Peter Wessel Zapffe, Emil Cioran và Hermann Vetter.
Chủ nghĩa phản khuyến sinh sẽ chỉ là một quan điểm của thiểu số vì nó đi ngược lại động cơ sinh học là sinh con đẻ cái. Tuy nhiên, chính vì nó chống lại những lợi thế như vậy mà người biết nghĩ nên dừng lại và suy ngẫm hơn là vội vàng gạt bỏ, coi nó là điên rồ hay xấu xa. Cả hai đều không phải. Dĩ nhiên, việc xuyên tạc chủ nghĩa phản khuyến sinh, và đặc biệt là những nỗ lực áp đặt nó, có thể khá là nguy hiểm–nhưng điều tương tự cũng đúng với nhiều tư tưởng khác. Nếu hiểu đúng thì không phải chủ nghĩa phản khuyến sinh, mà chính tư tưởng khuyến sinh mới là quan điểm nguy hiểm. Xét đến hàng tá những điều bất hạnh trong cuộc bể dâu mà tất cả những kẻ được đưa đến trần gian phải đa mang, sẽ tốt biết mấy nếu sự nhẹ nhàng đến vô lý của việc gieo mầm sống vào thế giới này không tồn tại.
Nhưng ngay cả khi cuộc đời không hoàn toàn là bể khổ thì việc có mặt trên đời này vẫn đủ độc hại, khiến cho chuyện sinh đẻ trở thành sai lầm. Nói đơn giản là, cuộc đời này tồi tệ nhiều hơn phần đông mọi người tưởng, song vẫn có những thế lực mạnh mẽ ủng hộ cuộc sống này, ngay cả khi cuộc đời vốn đã kinh khủng. Quả thực, người ta có thể đang sống cuộc đời chẳng đáng để bắt đầu sống, mà không nhận ra đây là sự thật.
Ý kiến cho rằng cuộc đời này tồi tệ hơn nhiều so với phần đông mọi người tưởng, thường gặp phải sự thù địch. Làm sao tôi dám nói với bạn rằng chất lượng cuộc đời của bạn thật tệ hại, khốn khổ biết nhường nào! Tất nhiên là bạn cảm thấy chất lượng sống của bạn vẫn khá tốt? Nói cách khác, nếu bạn cảm thấy đời mình có nhiều thứ tốt đẹp hơn là tệ hại thì làm sao mà bạn có thể sai lầm được chứ?
Điều gây tò mò là cái logic tương tự này hiếm khi được áp dụng cho những kẻ đang trầm cảm hay chán sống. Trong những trường hợp này, hầu hết những người lạc quan có xu hướng tin rằng những đánh giá chủ quan có thể là sai lầm. Tuy nhiên, nếu chất lượng cuộc sống có thể bị đánh giá quá thấp thì nó cũng có khả năng bị đánh giá quá cao. Thật vậy, trừ khi người ta dẹp bỏ được sự phân biệt giữa thực tế chất lượng tốt-xấu của cuộc sống và chất lượng cuộc sống trong suy nghĩ của họ, người ta vẫn sẽ nhầm lẫn về chất lượng cuộc sống trong thực tế. Cả những đánh giá quá cao và quá thấp về chất lượng cuộc sống vẫn có khả năng xảy ra, nhưng bằng chứng thực nghiệm về những thành kiến nhận thức khác nhau, mà quan trọng nhất là thành kiến lạc quan, cho thấy đánh giá quá cao là lỗi sai phổ biến hơn.
Khi xem xét cẩn thận vấn đề thì rõ ràng là những điều tệ hại nhiều hơn điều tốt đẹp. Đây là do có sự bất đối xứng theo kinh nghiệm giữa những điều tốt và điều xấu. Chẳng hạn, những đau khổ tồi tệ nhất thì kinh khủng hơn lạc thú tuyệt vời nhất. Nếu bạn nghi ngờ điều này thì hãy hỏi bản thân–một cách trung thực–liệu bạn có chấp nhận chịu đựng 1 phút bị tra tấn tột cùng để đổi lấy 1 hay 2 phút sung sướng ngất ngây nhất đời hay không. Và nỗi đau có xu hướng kéo dài hơn hoan lạc. Ta hãy so sánh bản chất tạm thời của những lạc thú tình dục và ăn uống với bản chất dai dẳng của nhiều nỗi đau. Có những cơn đau mãn tính, chẳng hạn của phần lưng dưới hay các khớp xương, nhưng không có cái gọi là niềm vui mãn tính. (Một cảm giác thỏa mãn dài lâu là điều có thể xảy đến, nhưng cảm giác bất mãn cũng tương tự vậy, và do đó lối so sánh này không hề ưu ái cho sự vượt trội của điều tốt đẹp.)
Tổn thương xảy ra rất nhanh nhưng phục hồi thì chậm. Chứng tắc nghẽn mạch hay một viên đạn có thể đưa bạn chầu trời ngay tức khác–và nếu bạn không bị giết thì việc bình phục sẽ diễn ra rất chậm. Học tập thì diễn ra suốt đời nhưng có thể bị xóa sạch trong tíc tắc. Phá dễ hơn xây.
Khi nói đến việc thỏa mãn ham muốn thì mọi thứ cũng nghịch lại ta. Nhiều ham muốn của ta không bao giờ được thỏa mãn. Và ngay cả khi chúng được thỏa mãn thì nó thường diễn ra sau một khoảng thời gian dài đằng đẵng chịu đựng bất mãn. Và cảm giác thỏa mãn ấy cũng chẳng kéo dài, vì sự thỏa mãn một ham muốn này sẽ kéo theo một ham muốn mới–mà bản thân nó cần được thỏa mãn vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Khi một người có thể đáp ứng những ham muốn cơ bản của anh ta, ví dụ như đói, một cách đều đặn, thì những ham muốn ở mức cao hơn sẽ nảy sinh. Đó là một vòng luẩn quẩn và leo thang của ham muốn.
Nói cách khác, cuộc sống là một trạng thái không ngừng cố gắng. Chúng ta phải dồn sức ngăn ngừa cảm giác khó chịu– ví dụ, ngăn chặn cơn đau, xoa dịu cơn khát và giảm thiểu nỗi thất vọng. Nếu chúng ta không cố gắng thì sự khó chịu sẽ đến một cách dễ dàng, vì đó là trạng thái mặc định.
Khi cuộc sống diễn ra tốt đẹp như thực tế có thể diễn ra thì chúng thường tồi tệ hơn nhiều so với lý tưởng. Ví dụ, kiến thức và sự hiểu biết là những điều tốt đẹp. Nhưng người hiểu biết nhất và sáng suốt nhất trong chúng ta thì lại biết và hiểu quá ít hơn những gì cần biết và hiểu. Một lần nữa, chúng ta gánh chịu hậu quả thảm hại. Nếu sự trường thọ (có sức khỏe tốt) là một điều tốt, một lần nữa tình trạng của chúng ta tồi tệ hơn nhiều so với lý tưởng. Một cuộc đời khỏe mạnh kéo dài 90 năm thì rất gần với cuộc đời 10 hay 20 năm hơn là một đời kéo dài 10,000 hay 20,000 năm. Thực tế (hầu như) luôn luôn không đạt đến lý tưởng.
Người lạc quan đáp lại những nhận định này bằng một vẻ mặt can đảm. Họ cho rằng mặc dù cuộc sống chứa đựng nhiều điều xấu, song điều xấu lại là cần thiết (theo cách này hay cách khác) cho những điều tốt đẹp. Nếu không có đau đớn, ta sẽ không tránh được chấn thương; không biết đói thì ta sẽ không có cảm giác thỏa mãn với bữa ăn; không cố gắng thì sẽ chẳng có thành tựu.
Nhưng có nhiều điều tệ hại rõ ràng là vô cớ. Liệu có thực sự cần thiết không khi những đứa trẻ sinh ra đã mắc dị tật bẩm sinh, hàng ngàn người chết đói mỗi ngày, và những người bị bệnh nan y phải chịu đựng cơn đau đớn cùng cực? Chúng ta có thực sự cần phải chịu đựng khổ đau để tận hưởng niềm vui?
Ngay cả khi người ta cho rằng cái xấu là cần thiết, có lẽ nhờ cái xấu mà biết trân trọng cái tốt hơn, nhưng họ phải thừa nhận rằng sẽ tốt hơn nếu điều đó không đúng. Tức là cuộc sống sẽ tốt hơn nếu ta có thể có được cái tốt mà không phải chịu đựng cái xấu. Nếu nói theo cách này thì thực tế cuộc đời của chúng ta tệ hơn nhiều so với mong đợi. Và một lần nữa, thực tế thì tồi tệ hơn nhiều so với lý tưởng.
Một phản ứng lạc quan khác là cho rằng tôi đang đặt ra một tiêu chuẩn bất khả thi. Theo ý kiến phản đối này thì thật vô lý khi phán rằng những thành tựu trí tuệ và tuổi thọ tối đa của chúng ta được đánh giá bởi những tiêu chuẩn mà không thể đạt được bằng những phương tiện thông thường của con người và trong phạm vi hiểu biết của con người. Họ có thể tranh biện rằng, cuộc sống của con người phải được đánh giá theo tiêu chuẩn của con người.
Vấn đề là lập luận này nhầm lẫn giữa câu hỏi ‘Một người có thể có kỳ vọng hợp lý về một cuộc đời tốt đẹp như thế nào?’ với câu hỏi ‘Cuộc sống của con người tốt đẹp ra sao?’ Hoàn toàn hợp lý khi sử dụng các tiêu chuẩn của con người để trả lời câu hỏi đầu tiên. Song nếu chúng ta hứng thú với câu hỏi thứ hai thì chúng ta không thể đơn giản trả lời nó bằng cách lưu ý rằng cuộc đời của con người chỉ được đến thế này thôi, vì dùng những tiêu chuẩn của con người. (Một phép loại suy: cho rằng tuổi thọ của một con chuột trong môi trường tự nhiên thường dưới 1 năm, vậy thì một con chuột có tuổi thọ 2 hoặc 3 năm có thể đang rất ổn–nhưng chỉ đối với một con chuột mà thôi. Nó không có nghĩa là chuột rất thành công theo tiêu chuẩn trường thọ. Theo cách này, cuộc sống của chuột tệ hơn của con người, nhưng lại tệ hơn những con cá voi đầu cong-có thể sống 200 năm.)
Từ tất cả những điều đã nói ở trên, thật khó mà tránh đi đến kết luận rằng mọi cuộc đời đều chứa đựng nhiều điều xấu hơn là điều tốt, và chúng lại còn bị tước mất nhiều điều tốt đẹp. Tuy nhiên, đó lại là sự xác nhận về cuộc sống mà đa số mọi người không thể nhận ra điều này.
Một cách giải thích quan trọng cho điều này đó là cân nhắc xem liệu cuộc sống của họ có đáng để bắt đầu hay không, nhiều người thực sự (nhưng thường vô tình) lại xem xét một câu hỏi khác, ấy là liệu cuộc sống của họ có đáng để tiếp tục sống hay không. Vì họ tưởng tượng bản thân không tồn tại, họ ngẫm nghĩ về sự không-tồn tại liên quan đến một bản thân đã tồn tại. Từ đó họ dễ dàng rơi vào lối suy nghĩ về sự đánh mất bản thân, đó là cái chết là gì. Khi xét đến động lực cuộc sống, không ngạc nhiên khi người ta đi đến kết luận rằng được tồn tại thì vẫn thích hơn.
Hỏi rằng liệu thà không bao giờ tồn tại thì khác với hỏi liệu thà chết đi thì tốt hơn chăng. Họ không quan tâm tới việc xuất hiện trên cõi đời. Nhưng một khi đã hiện hữu thì họ sẽ quan tâm tới việc làm sao để không bị chết. Có những trường hợp bi thảm mà trong đó ham muốn tiếp tục sống bị xóa bỏ, thường là để chấm dứt nỗi đau khổ không thể nào chịu đựng nổi. Tuy nhiên, nếu chúng ta nói rằng cuộc đời của một ai đó là không đáng sống tiếp thì những điều tồi tệ trong cuộc đời cần phải đủ tệ hại để gạt bỏ ham muốn không bị chết. Ngược lại, vì chẳng hề hứng thú với việc có mặt trên đời thì cũng chẳng quan tâm đến những chuyện tồi tệ cần phải áp đảo để chúng ta nói rằng thà không được sinh ra đời còn hơn. Vì vậy chất lượng của một cuộc đời phải thật sự tệ hại để khiến cho cuộc đời ấy không đáng để tiếp tục hơn là không đáng bắt đầu. (Loại hiện tượng này chẳng có gì lạ: chẳng hạn, một buổi biểu diễn ở nhà hát có thể chưa đủ dở để bỏ về, nhưng nếu bạn biết trước rằng nó sẽ dở thì bạn sẽ không đi xem ngay từ đầu.)
Điểm khác biệt giữa một cuộc đời không đáng bắt đầu và một cuộc đời không đáng để tiếp tục phần nào lý giải tại sao chủ nghĩa phản khuyến sinh không ám chỉ đến việc tự tử hay giết người. Có thể quan điểm rằng cuộc sống của một người là không đáng để bắt đầu là đúng, nhưng không thể khẳng định cuộc sống của một ai đó là không đáng để sống tiếp. Nếu chất lượng sống của một người vẫn chưa đủ tệ để dập tắt ham muốn được sống của họ, thì khi ấy cuộc đời của họ vẫn đáng để tiếp tục sống, mặc dù những nguy hại trong hiện tại và tương lai cũng đủ khẳng định rằng cuộc sống của một người là không đáng bắt đầu. Vả lại, vì cái chết là xấu, ngay cả khi nó không còn tệ nữa nếu xem xét kỹ, nó vẫn là một sự cân nhắc chống lại chuyện sinh đẻ–cũng như chống lại hành vi giết người và tự tử.
Còn có nhiều lý do khác giải thích tại sao một người theo chủ nghĩa phản khuyến sinh nên phản đối hành vi sát nhân. Một trong những lý do ấy là một người không nên áp đặt phán xét của mình rằng ‘một người có cuộc sống không đáng để tiếp tục nên chấm dứt cuộc sống của họ’ lên một người khác với quyền sống của riêng mình. Bởi vì không ai có thể chắc chắn về những vấn đề này, một quyết định như vậy, nếu được, thì phải được đưa ra và thực hiện bởi người sẽ sống hoặc chết.
Sự lẫn lộn giữa bắt đầu một cuộc sống và tiếp tục một cuộc sống không phải là cách duy nhất mà đám mây ủng hộ-cuộc sống che mờ khả năng nhận biết cuộc đời này chứa đựng nhiều điều xấu xa hơn tốt đẹp của con người. Có con được nhiều người xem là một trong những trải nghiệm sâu sắc và mãn nguyện nhất mà con người có thể có được–dù rất vất vả, tất nhiên rồi. Nhiều người sinh con vì lý do sinh học, văn hoá và tình yêu. Xét đến cảm giác thỏa nguyện và sự phổ biến của việc sinh đẻ, thật khó mà xem việc đó là sai lầm.
Việc chống lại chuyện sinh nở không cần phải dựa trên quan điểm mà tôi đã lập luận, rằng tồn tại trên cuộc đời này thì lúc nào cũng tồi tệ hơn là chưa từng tồn tại. Việc chỉ ra cho người ta thấy nguy cơ xảy ra tổn thương nghiêm trọng là đủ cao cũng là đủ rồi.
Nếu bạn, như hầu hết mọi người, nghĩ rằng cái chết là một tổn hại nghiêm trọng, thì nguy cơ phải gánh chịu một tai họa như vậy là 100 phần trăm. Cái chết là số phận của tất cả những ai đang hiện hữu trên cõi đời này. Khi bạn có thai, tổn thương cuối cùng ập xuống đứa trẻ đó chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhiều người, ít nhất là ở những thời điểm và những nơi mà tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh còn thấp, thì họ không phải chứng kiến hậu quả khủng khiếp này của việc sinh nở. Điều đó có thể bảo vệ họ khỏi nỗi kinh hoàng, nhưng dù sao họ cũng nên biết rằng mỗi lần sinh con đều là một cái chết đang đợi chờ.
Một số người có thể muốn đi theo phái Epicurean (phái Khoái lạc) phủ nhận bản thân cái chết là điều tồi tệ. Tuy nhiên, ngay cả khi không đếm xỉa tới cái chết–đạt được thành công vĩ đại–thì cũng có rất nhiều số phận kinh hoàng có thể ập đến bất kỳ đứa bé nào được mang vào đời: chết đói, bị cưỡng hiếp, lạm dụng, hành hung, mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng, bệnh truyền nhiễm, bệnh ác tính, bại liệt. Những điều này gây ra hằng hà sa số khổ đau trước khi người đó lìa đời. Các bậc cha mẹ tương lai bắt những đứa trẻ mà họ sinh ra chịu đựng những rủi ro này.
Mức độ rủi ro rõ ràng là khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như vị trí địa lý, thời gian và giới tính của một người. Ngay cả khi kiểm soát được những biến này thì những nguy cơ suốt đời thường khó mà định lượng. Chẳng hạn, cưỡng hiếp thường ít được báo cáo, nhưng có dữ liệu mâu thuẫn cho thấy mức độ báo cáo chưa được đầy đủ ra sao. Tương tự thế, các nghiên cứu về những chứng bệnh tâm thần như rối loạn trầm cảm thường đánh giá thấp nguy cơ suốt đời, một phần tại vì một số đối tượng chưa bị trầm cảm mà sau này mới ảnh hưởng đến họ. Ngay cả khi chúng ta chọn những ước tính thấp, trong những rủi ro tích lũy của tất cả các bất hạnh khác nhau có thể giáng xuống đầu con người, thì vận may không đứng về phía bất kỳ đứa trẻ nào. Chỉ riêng nguy cơ mắc ung thư cũng đã là rất lớn: ở Vương quốc Anh, khoảng 50 phần trăm dân số sẽ mắc bệnh này. Nếu người ta bắt người khác phải chịu đựng loại rủi ro này trong bối cảnh không-sinh đẻ thì họ sẽ bị lên án kịch liệt. Những tiêu chuẩn tương tự cũng cần được áp dụng cho việc sinh đẻ.
Tất cả những lý lẽ trên chỉ trích chuyện sinh đẻ đều căn cứ trên cơ sở những gì mà chuyện sinh đẻ gây ra cho một người được mang đến cõi đời này. Tôi gọi chúng là những lý lẽ nhân đức cho chủ nghĩa phản khuyến sinh; và cũng có một lý lẽ ghét con người. Điểm khác biệt của lý lẽ này là nó phê phán việc sinh đẻ dựa trên cơ sở của những tác hại mà người được sinh ra (có khả năng) sẽ làm. Giả định của nó là thật sai lầm khi sinh ra những con người mới có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng đến những người khác.
Con người cũng là loài có sức phá hoại lớn nhất, và số lượng lớn hủy hoại này bị trút lên những người khác. Con người giết hại lẫn nhau từ thuở sơ khai của loài người, nhưng quy mô (không phải tốc độ) giết hại đã mở rộng (chí ít thì không phải vì hiện tại có quá nhiều người để giết hơn trước kia trong suốt lịch sử loài người). Phương tiện giết hàng triệu người cũng rất đa dạng. Chúng bao gồm đâm, chém, rạch, treo cổ, phun hơi ngạt, đầu độc, dìm chết, và đánh bom. Con người cũng mang những nỗi kinh hoàng khác tới đồng loại của họ, bao gồm ngược đãi, áp bức, đánh đập, làm nhục, gây tàn phế, hành hạ, tra tấn, cương hiếp, bắt cóc, và bắt làm nô lệ.
Những người lạc quan cho rằng những đứa trẻ thế hệ tương lai ít có khả năng trở thành những kẻ thủ ác như vậy, và điều này đúng: chỉ một phần nhỏ trẻ em sẽ trở thành những thủ phạm gây ra những chuyện man rợ tệ hại nhất đối với con người. Tuy nhiên, một tỷ lệ lớn những người tạo điều kiện thuận lợi cho những tội ác đó diễn ra. Khủng bố và áp bức thường đòi hỏi có sự ưng thuận hay đồng lõa của rất nhiều người.
Dù sao đi nữa, tổn hại mà con người gây ra cho người khác không chỉ giới hạn trong những hành vi xâm phạm nghiêm trọng nhất đến quyền con người. Cuộc sống hằng ngày vốn đầy rẫy những gian trá, phản bội, cẩu thả, tàn nhẫn, làm tổn thương, thiếu kiên nhẫn, lợi dụng, phản bội người tín nhiệm, và vi phạm quyền riêng tư. Ngay cả khi những điều này không giết chết hay gây thương tích, thì chúng vẫn có thể gây ra tổn thương tâm lý và những thương tổn đáng kể khác. Tất cả mọi người đều là thủ phạm gây ra những tổn hại đó, ở nhiều mức độ khác nhau.
Những ai không tin rằng mức độ nguy hại mà một đứa trẻ trung bình gây ra cho những người khác là đủ để ủng hộ kết luận của chủ nghĩa phản khuyến sinh thì sẽ phải tính đến tác hại to lớn mà loài người gây ra cho động vật. Hơn 63 tỷ động vật trên cạn và theo những ước tính thận trọng, hơn 103 tỷ động vật sống dưới nước bị giết để làm thức ăn cho con người hằng năm. Số lượng cái chết và khổ đau quả thật gây choáng váng.
Tất cả điều này là do con người thèm ăn thịt và sản phẩm từ động vật, một thói quen ăn uống được chia sẻ bởi hầu hết mọi người. Sử dụng các ước lượng rất dè dặt thì mỗi người (không phải là người ăn chay hoặc thuần chay) trung bình, chịu trách nhiệm cho cái chết của 27 con vật mỗi năm, hay 1,690 con vật trong suốt cuộc đời.
Bạn có lẽ cho rằng bằng cách nuôi dạy trẻ ăn chay thì bạn có thể tránh khỏi tâm ngắm của thứ lập luận ghét người. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ, dù là một người ăn chay trường, có khả năng cao là sẽ góp phần vào việc hủy hoại môi trường, một trong những phương tiện mà qua đó con người làm hại lẫn nhau và những loài động vật khác. Ở các nước phát triển, đóng góp bình quân đầu người vào sự suy thoái môi trường là rất đáng kể. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều ở các nước đang phát triển, nhưng tỷ lệ sinh đẻ cao hơn nhiều ở đó bù lại cho tiết kiệm bình quân đầu người.
Nếu có bất kỳ loài nào khác gây ra nhiều tác hại như loài người thì chúng ta sẽ nghĩ rằng thật sai lầm khi sinh thêm thành viên mới của loài đó. Việc sinh đẻ của con người nên tuân theo tiêu chuẩn chung đó.
Điều này không ám chỉ rằng chúng ta nên thực hiện một bước nhảy vọt và cố gắng xóa sạch loài người thông qua một ‘giải pháp cuối cùng’ diệt chủng toàn loài. Mặc dù loài người đang tàn phá nghiêm trọng, nhưng việc cố tiêu diệt loài người sẽ gây tổn hại đáng kể và vi phạm điều khoản cấm giết người. Nó cũng có thể phản tác dụng, gây ra nhiều tàn phá hơn những gì nó tìm cách ngăn chặn, như nhiều nhà bạo lực không tưởng đã từng làm.
Lập luận ghét-con người không phủ nhận việc con người có thể làm được những điều tốt đẹp ngoài việc ăn tàn phá hại. Tuy nhiên, xét đến khối lượng những thứ tai hại, thật khó tin là những điều tốt đẹp nhìn chung sẽ vượt xa nó. Có thể có những trường hợp về những người làm được nhiều việc tốt hơn là gây hại, nhưng được khuyến khích tự lừa dối bản thân trong phương diện này, các đôi vợ chồng đang định sinh con nên đặc biệt nghi ngờ chuyện đứa con của họ sẽ là ngoại lệ hiếm hoi.
Tựa như những ai muốn có một con thú cưng bầu bạn thì nên nhận nuôi một con chó hay con mèo bị bỏ rơi thay vì cho sinh ra những con vật mới, vì vậy ai muốn nuôi một đứa trẻ thì nên nhận con nuôi thay vì sinh con. Tất nhiên là không có đủ số trẻ bị bỏ rơi để thỏa mãn tất cả những người khao khát được làm cha mẹ, và sẽ còn ít hơn nữa nếu nhiều người sinh ra những đứa con ngoài ý muốn khắc ghi vào lòng chủ nghĩa phản khuyến sinh. Tuy nhiên, chừng nào còn những đứa trẻ bị bỏ rơi thì sự tồn tại của chúng là một lý do khác nữa để chống lại những người sinh đẻ khác.
Nuôi dạy con cái, dù là con đẻ hay con nuôi, có thể mang lại niềm thỏa mãn. Nếu số lượng trẻ em bị bỏ rơi bị giảm về không thì, chủ nghĩa phản khuyên sinh sẽ đưa đến việc tước đi lợi ích này đối với những ai chấp nhận sự ngăn cấm đạo đức đối với việc sinh con. Điều đó không có nghĩa là chúng ta nên loại bỏ chủ nghĩa phản khuyến sinh. Phần thưởng của việc làm cha mẹ không lớn hơn tác hại nghiêm trọng mà việc sinh đẻ gây ra cho người khác.
Câu hỏi đặt ra không phải là liệu con người có bị tuyệt chủng hay không mà là khi nào họ sẽ tuyệt chủng. Nếu những lập luận của chủ nghĩa phản khuyến sinh là đúng thì sẽ tốt hơn, mọi thứ đều bình đẳng, nếu chuyện này xảy ra càng sớm càng tốt, càng xảy ra sớm thì càng tránh được nhiều đau khổ và bất hạnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *