chu-kinh-doanh-tiet-lo-nhung-san-pham-duoc-ua-chuong-nhung-de-bi-lam-gia,-lam-nhai-dip-tet-nguyen-dan

Chủ kinh doanh tiết lộ những sản phẩm được ưa chuộng nhưng dễ bị làm giả, làm nhái dịp Tết Nguyên đán

Chuyện “éo le” mùa Tết: Nhắc đến hàng giả, hàng nhái, khách hàng than thở vì điều này

Khi thị trường hàng hóa đang vào cao điểm dịp cận Tết Nguyên đán cũng là lúc xuất hiện hàng loạt các loại hàng giả hàng nhái. Hiện nay, các đối tượng buôn lậu có rất nhiều “mánh khóe” khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái càng khó kiểm soát.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, tính chung cả năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm. Trị giá hàng hoá vi phạm là 425 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2023), trong đó, trị giá hàng hóa tịch thu 220 tỷ đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 205 tỷ đồng.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, “hàng giả” bao gồm hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký.

Ngoài ra, hàng giả còn là hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.

Hàng nhái là các mặt hàng sao chép lại những sản phẩm có giá trị, những sản phẩm có thương hiệu và những sản phẩm đã được chứng nhận hợp pháp.

Điều đáng quan tâm là hàng giả, hàng nhái đang được sản xuất rất tinh vi, giống hàng thật đến mức mắt thường khó nhận ra, mà lại có giá rẻ nên có sức bán cao.

Những ngày cận Tết Nguyên đán, tại cửa hàng bánh kẹo của chị Lê Quế Nhi trên đường Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội), không khí mua sắm trở nên nhộn nhịp. Là một người kinh doanh bánh kẹo từ nhiều năm nay, chị Nhi cho biết, chị luôn cẩn trọng khi chọn nguồn hàng, bởi tình trạng bánh kẹo nhái các thương hiệu nổi tiếng ngày càng phổ biến.

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, chị Nhi cho hay: “Thị trường bánh kẹo dịp Tết luôn rất sôi động, nhưng cũng vì thế mà hàng nhái len lỏi vào mọi ngõ ngách. Nhiều sản phẩm giả mạo các thương hiệu lớn, chỉ thêm hoặc bớt một chữ trong tên thương hiệu. Ngoài ra, từ bao bì đến màu sắc sản phẩm đều được sao chép y như thật, nếu không tinh ý, khách hàng rất dễ mua nhầm. 

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều “gian thương” còn sử dụng hàng giả, hàng nhái trong các giỏ quà Tết – mặt hàng được nhiều người ưa chuộng, vì khách hàng khó có thể kiểm tra được bao bì, hạn sử dụng, mã QR…”, chị Nhi nói.

Chủ kinh doanh tiết lộ loại sản phẩm dễ bị làm giả, làm nhái dịp Tết Nguyên Đán mà ai cũng ưa chuộng- Ảnh 1.

Chị Nhi cho biết, các sản phẩm hàng nhái thương hiệu bánh kẹo cao cấp thường được các “gian thương” cho vào các giỏ quà Tết. Ảnh: Trung Hiếu.

Thực tế cho thấy, khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái lại tìm cách thay đổi hình thức kinh doanh, đưa hàng lên tiêu thụ tại các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Chị Hoàng Huyền Trang, 22 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Hai tuần trước, mình có đặt một hộp kem dưỡng da qua mạng để dùng trong dịp Tết này, đó vẫn là hãng kem dưỡng mình hay dùng, thậm chí giá mua cũng tương đương khi mình mua ở ngoài, nhưng khi sử dụng mới biết là chất lượng của nó không đảm bảo. Bôi lên da đến ngày thứ hai thì mặt mình bắt đầu bị dị ứng, ngứa và khó chịu vô cùng, mình đã ngay lập tức không sử dụng nữa và bốn, năm ngày sau thì mặt mình mới đỡ sưng”.

Nhiều người đã lựa chọn mua đồ Tết Nguyên đán bằng hình thức trực tuyến, thông qua các sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram…

Chủ kinh doanh tiết lộ loại sản phẩm dễ bị làm giả, làm nhái dịp Tết Nguyên Đán mà ai cũng ưa chuộng- Ảnh 2.

Các hội nhóm buôn bán đồ Tết xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội với hàng trăm nghìn thành viên. Ảnh: Chụp màn hình.

Các nhóm hàng cá nhân, liên quan mật thiết đến đời sống của người dân như thực phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm cho bé… là những mặt hàng bán chạy nhất trong thời gian này. Tuy nhiên, điều đáng nói là chính những mặt hàng đó lại dễ bị làm giả, làm nhái.

Sau khi bị phát hiện, người bán có thể lập tức chặn liên lạc với khách hàng. Chị Phạm Mai Hồng, 22 tuổi, sống ở huyện Mê Linh, Hà Nội chia sẻ về câu chuyện của bản thân: “Mấy ngày trước, mình đặt hai hộp hồng treo gió – đặc sản Đà Lạt tại một cửa hàng trên Facebook. Khi hàng về, mình bóc ra ăn thử 1 hộp và thấy vị không giống những lần trước mình ăn, thậm chí còn có biểu hiện bị mốc. Khi mình nhắn tin phản hồi lại cho cửa hàng thì thấy mình đã bị chặn rồi nên không có cách nào để liên lạc lại được nữa”.

Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần, rất cần sự chung tay của các cơ quan chức năng, các hộ kinh doanh và người tiêu dùng để góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc chống nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Mua sắm Tết an toàn: Làm thế nào để phân biệt hàng giả, hàng nhái?

Trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Hoàng Chương – Cán bộ Chi cục hải quan Tuyên Quang cho biết: “Hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa. Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính”.

“Tác động tiêu cực đầu tiên là hành vi nêu trên làm mất uy tín của những doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm. Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với với hàng “xịn” mà hàng giả, hàng nhái khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu”, anh Chương cho biết thêm.

Chủ kinh doanh tiết lộ loại sản phẩm dễ bị làm giả, làm nhái dịp Tết Nguyên Đán mà ai cũng ưa chuộng- Ảnh 3.

Theo anh Chương, người tiêu dùng nên tỉnh táo, tìm mua sản phẩm đúng hãng, được cấp phép để tránh bị thiệt hại về tài chính và bị ảnh hưởng tới sức khỏe khi sử dụng. Ảnh minh họa: Trung Hiếu.

Theo anh Chương, việc trang bị những kỹ năng cơ bản để chống hàng giả là điều rất cần thiết, việc mua phải hàng giả sẽ kiến cho khách hàng bị thiệt hại về tài chính và thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân.

“Cách quét mã vạch để nhận diện hàng thật – hàng giả đang được lầm hiểu cho các ứng dụng quét được mã QR là có thể biết được hàng thật – hàng giả! Tuy nhiên, do việc sao chép mã vạch có thể thực hiện được nên phải cần thêm các thuật toán để nhận dạng mới có thể phân biệt được hàng thật – hàng giả”, anh Chương nhấn mạnh.

Anh Chương cho biết, thương mại điện tử là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ nhưng đây lại là thách thức lớn cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

“Người tiêu dùng cần phải tỉnh táo, tìm mua sản phẩm đúng hãng, được cấp phép, tránh mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên các trang mạng, sàn thương mại điện tử. Khi mua đồ online nên chọn các cửa gian hàng uy tín, được nhiều người tiêu dùng chấm điểm, bình chọn uy tín và có nhiều phản ảnh tích cực từ người tiêu dùng đã từng mua hàng trước đó”, anh Chương chia sẻ thêm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *