Thời đại Hào khí Đông A, ra đường nửa bước gặp anh hùng, không có gì lạ khi triều Trần có quá nhiều nhân vật tài giỏi, tìm hiểu về thời ấy sẽ thấy rằng nước ta đứng vững được trước ba lần tiến đánh của Nguyên Mông, lần sau đông hơn, máu lửa hơn lần trước vốn chẳng phải là nhờ may mắn, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cũng là một trong những nhân tài có số có má góp công lớn vào chiến công lừng lẫy thời ấy.
Trước hết tạm thời chúng ta bỏ qua những tài chẵn của Chiêu Văn Vương như tài về quân sự, đánh trận, ngoại giao thì hãy đi vào những tài lẻ ấn tượng của Vương, trong đó nổi bật nhất phải nói đến là khả năng về ngoại ngữ.
Chiêu Văn Vương nổi tiếng thích học tiếng nước ngoài và tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của họ, thông thạo cả tiếng Hán, Chiêm … đến mức có lần tiếp sứ thần nhà Nguyên, phát âm chuẩn mực đến mức sứ giả nằng nặc khẳng định Vương là người Hán qua đất Việt làm quan, giải thích thế nào cũng không tin.
Thậm chí có lần sứ giả nước Sách Mã Tích (Singapore ngày nay) sang triều cống và thông hiếu, tìm từ trên xuống dưới triều đình chẳng ra được một người biết tiếng để phiên dịch thì Chiêu Văn Vương TRần NHật Duật lại đứng ra phiên dịch giúp vua một cách tự nhiên khiến cả triều được phen tròn mắt. Hỏi ra mới biết, Vương học tiếng xứ này từ tận thời giao du với mấy sứ giả qua chơi thời Trần Thái Tông.
Năm 1280, khi quân Nguyên đang mưu đồ dẫn binh sang nước ta để ăn hành thêm lần nữa, thì chúa đạo Đà Giang (Mộc Châu, Sơn La) lúc ấy là Trịnh Giác Mật có ý muốn chống lại triều đình. Cũng phải nói rằng thời ấy việc quản lý vùng biên ải phía bắc còn khá lỏng lẻo, nhiều nơi còn là do các sắc dân thiểu số tự quản lý lấy, thuần phục triều đình một cách khá tự trị, thậm chí đôi khi trở chứng quay qua thần phục Đại Lý, Đại Tống hay nhà Nguyên là chuyện bình thường, rồi lại mất công đi đánh dẹp.
Cho nên, việc của Trịnh Giác Mật nếu xử lý không khéo có thể sẽ khiến phải thêm hao binh tổn tướng, địch chưa tới mà người mình đã tự hao tổn, khiến quân lực phòng thủ biên ải càng trở nên yếu ớt trước quân địch, chưa kể những thổ tù biên giới này vốn rất thông thạo địa hình miền biên ải, nếu họ trở giáo qua hàng quân Nguyên sẽ khiến lợi thế về địa lợi bị triệt tiêu và việc đánh chặn quân địch trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Trần Nhân Tông do đó cử Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật trông coi đạo Hà Giang giao cho nhiệm vụ thu phục Trịnh Giác Mật, Vương nhận mệnh lên đường.
Lúc Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật dẫn quân sĩ đến nơi, Giác Mật cử sứ giả qua gửi thư nói rằng: “Giác Mật không dám trái lệnh triều đình. Nếu ân chủ một mình một ngựa đến, Giác Mật xin ra hàng ngay”.
Các tướng sợ Giác Mật có mưu đồ ám hại, nên lên tiếng can ngăn, Chiêu Văn Vương gạt đi nói rằng, nếu có chuyện triều đình khắc sẽ cử người khác đến, hôm sau chỉ dẫn theo 5,6 tiểu đồng cùng theo vào trại của Giác Mật.
Tuy bảo rằng, ân chủ đến sẽ hàng ngay, nhưng Giác Mật lại sai binh sĩ tuốt gươm giáo sẵn sàng, dàn mấy vòng để đón phủ đầu ông, không thể hiện chút thành ý đầu hàng nào cả. Đáp lại, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật vẫn bình thản tiến vào trại như thường, đối đáp với Trịnh Giác Mật một cách hết sức tự nhiên bằng chính bản ngữ của họ, thậm chí đến khi dọn đồ ăn lên, Chiêu Văn Vương còn thoải mái “ăn bốc bằng tay, uống rượu bằng mũi” hệt như người bộ tộc, không có chút khó khăn nào, điều đó khiến cả Trịnh Giác Mật và những người bộ tộc kinh ngạc, thốt lên rằng: “Chiêu Văn Vương là anh em với ta”
Vương cười đáp lại: “Chúng ta trước nay vẫn là anh em”. Không khí giương đao bạt kiếm của hai bên nhanh chóng trở nên thân mật, ngày hôm sau, Trịnh Giác Mật đích thân dẫn theo cả nhà đến tỏ lòng quy phục.
Thế là, bằng vào sự am hiểu về ngôn ngữ và văn hóa, một thái độ không kiêu ngạo nhưng cũng không rụt rè, sợ sệt Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đã không tốn một mảnh tên, mũi đạn mà đã khuất phục được người bộ tộc miền biên ải, sự giao thiệp rộng rãi của ông còn khiến ông thu phục được nhiều binh tướng của nhà Tống cùng tham gia chiến đấu và góp công không nhỏ trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông sau này.
Sử gia Ngô Sĩ Liên trong ĐVSKTT từng có lời bình: “Công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả”
Dẫn đại binh tới để chém giết những sắc tộc ít người vùng biên này thiết nghĩ vốn chẳng phải là việc khó, nhưng mưa xuân trải qua thì cỏ dại lại mọc, hành động đó chỉ tự tạo cho mình thêm kẻ địch, động binh trong những trường hợp thế này chỉ là hạ sách. Xử lý trường hợp như thế này, theo thiển ý cá nhân thì mình thấy có hai người đã làm được đẹp nhất là: Lý Thái Tông Lý Phật Mã và Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật.
Hiện tại thì hiếm có đất nước nào chỉ thuần một sắc tộc, và để đoàn kết được các sắc tộc trên cùng một quốc gia là chuyện không dễ, nó sẽ phải tốn rất nhiều công sức, nhưng điều đầu tiên nhất, qua bài học mà Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đã dạy lại chúng ta từ cách đây hơn 700 năm, đó chính là: Sự tôn trọng, tôn trọng những giá trị văn hóa của nhau, tôn trọng sự khác biệt của nhau. Đó chính là tiền đề đầu tiên để đoàn kết các dân tộc vốn có rất nhiều ngăn cách về cả lịch sử, văn hóa và địa lý trên mọi miền đất nước.
——————————
Nguồn: Đại Việt Sử Ký toàn thư
Nguoikesu.com – Lê Mạnh Thát 1999, chương IV: “Vua Trần Nhân Tông Và Cuộc Chiến tranh Vệ Quốc Năm 1288”